(TBKTSG) - Lâu nay, các cơ quan chuyên ngành quản lý môi trường tại TP.HCM thường áp dụng các phương pháp cũ, đó là tính toán mức độ phát thải và xác định vùng ảnh hưởng cho từng trường hợp cụ thể. Các phương pháp này đòi hỏi khoảng thời gian dài nên đôi khi dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Chính vì thế, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác này là một nhu cầu bức thiết, nhằm vừa đẩy nhanh thời gian vừa bảo đảm độ chính xác về thông tin, số liệu. Tuy nhiên, những sản phẩm ứng dụng trên thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu này.
Phi Tuấn
Từ năm 1998-1999 giới khoa học Việt Nam đã đề xuất ý tưởng xây dựng một hệ thống thông tin môi trường, tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai vẫn còn manh mún, sản phẩm chỉ mới dừng lại ở mức thử nghiệm nên hiệu quả chưa cao.
Theo đánh giá của một chuyên gia trong ngành, số phần mềm phục vụ công tác quản lý môi trường hiện nay vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các phần mềm này được chính những người làm ra đánh giá cao, tuy nhiên những người sử dụng lại cho biết còn nhiều hạn chế.
Nhu cầu từ thực tế
Ngành môi trường thành phố cần ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, nhưng với tình trạng manh mún và nhỏ lẻ hiện nay thì các ứng dụng này cũng chỉ mới đỡ đần công tác quản lý thủ công theo phương pháp cũ, chứ chưa thể có kết quả như mong đợi. |
Một nhóm nghiên cứu ở Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM đã nghiên cứu tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS), mô hình toán với cơ sở dữ liệu môi trường để cho ra đời các công cụ tin học hỗ trợ cơ quan nhà nước về quản lý môi trường. Các kết quả nghiên cứu đã cho ra đời ba sản phẩm là hệ thống H-waste, phần mềm D-ENVIM và phần mềm TISMIZ đã được chuyển giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM. Các công cụ này cũng nhằm phục vụ sự trao đổi thông tin trực tuyến giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
H-waste là một hệ thống thông tin, kết hợp giữa phần cứng (máy đọc thẻ và thẻ điện tử) và phần mềm, được chuyển giao cho Phòng quản lý chất thải rắn của sở, còn D-ENVIM là phần mềm quản lý thông tin môi trường cấp quận huyện, được đưa vào thử nghiệm tại quận 12 và Thủ Đức.
Với H-waste, các chứng từ trên giấy sẽ được nhập liệu vào máy tính và công tác quản lý cơ sở dữ liệu tự động giúp cho việc truy xuất các báo cáo, thống kê, tra cứu dữ liệu, tìm kiếm thông tin trở nên dễ dàng hơn. D-ENVIM với các nhóm dữ liệu bao gồm các loại giấy phép về môi trường, danh sách các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vi phạm về môi trường… thể hiện ưu điểm là giúp cho người sử dụng có được các thông tin một cách chính xác, đáng tin cậy. Còn TISMIZ – thành quả của hai năm nghiên cứu – là một phần mềm giúp nâng cao năng lực quản lý môi trường cho các khu công nghiệp, cho phép nhập dữ liệu và xuất thông tin về chủ đầu tư các công trình hạ tầng cũng như các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp. Với công nghệ WebGis, người sử dụng có thể truy cập thông tin một cách dễ dàng. TISMIZ cho phép thực hiện các báo cáo dựa trên các cơ sở dữ liệu được nhập vào, đồng thời có thể nhập, lưu trữ và xử lý các thông tin thay đổi theo thời gian, cũng như thực hiện việc lưu trữ và tra cứu các văn bản về môi trường.
Những hạn chế
Theo lý thuyết, các phần mềm nói trên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý môi trường tại TP.HCM, nhưng khi ứng dụng vào thực tế, nhiều rắc rối đã xảy ra.
Dù hệ thống H-waste cho phép nhập dữ liệu trực tuyến, tự động trong quá trình giao nhận chất thải nguy hại, có thể thay thế cho khoảng 40 nhân lực của Sở Tài nguyên - Môi trường trong công tác nhập khoảng hai triệu chứng từ mỗi năm, nhưng đến nay số lượng ứng dụng thực tế vẫn còn thấp. Cụ thể, hệ thống hiện chỉ mới lưu trữ các dữ liệu về hơn 1.000 chủ nguồn thải, 40 chủ vận chuyển, 12 chủ xử lý, hơn 1.000 chứng từ, cùng các báo cáo và thống kê khác nhau.
Ngành môi trường thành phố hiện vẫn chưa xây dựng được một ngân hàng cơ sở dữ liệu về các thông tin liên quan đến môi trường như số liệu chất thải rắn, chất thải nguy hại, rác thải, nước thải, các chỉ số môi trường… Chính vì thế số liệu thống kê của ngành đôi khi thể hiện sự không nhất quán.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường, đơn vị sử dụng H-waste, nói rằng hệ thống này giúp giảm bớt đầu việc trong công tác quản lý, tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ với công tác quản lý của sở. Mỗi khi hệ thống có trục trặc, sở lại phải nhờ đến các chuyên gia bên viện chỉnh sửa. Ngành môi trường thành phố cần ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, nhưng với tình trạng manh mún và nhỏ lẻ hiện nay thì các ứng dụng này cũng chỉ mới đỡ đần công tác quản lý thủ công theo phương pháp cũ, chứ chưa thể có kết quả như mong đợi. Ông Việt nói rằng một thành phố đông dân và có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như TP.HCM thì việc quản lý dữ liệu, thông tin về môi trường theo phương pháp thủ công là điều không thể thực hiện được. Tuy nhiên, những điểm hạn chế của các sản phẩm phần mềm nêu trên khiến ông Việt ngần ngại ứng dụng các sản phẩm trong nước, nên sẽ phải tìm cách chuyển hướng ra bên ngoài.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, cơ quan này đang hợp tác với Hàn Quốc xây dựng một phần mềm quản lý môi trường đồng bộ. Để xây dựng được một phần mềm như thế phải mất tới 10 năm, kinh phí khoảng 10 triệu đô-la Mỹ, và hiện nay hệ thống này vẫn chưa được xây dựng xong.
Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM hy vọng hệ thống này khi được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam sẽ trở thành một công cụ trợ giúp quan trọng cho công tác quản lý môi trường, trước hết là công tác quản lý chất thải nguy hại, lập các chỉ số môi trường và xây dựng một cơ sở dữ liệu đồng bộ chứ không manh mún như hiện nay.
Nhu cầu từ thực tế là rất lớn, trong khi vòng đời của một sản phẩm CNTT ngày một ngắn lại, cộng thêm yếu tố các sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng… đang khiến cho các nhà quản lý môi trường phải đau đầu trong việc chọn lựa đúng giải pháp và phần mềm phục vụ công tác. Vì thế, việc các nhà quản lý môi trường tìm đến những sản phẩm ngoại cũng là điều dễ hiểu. Khoảng cách giữa nhu cầu của người sử dụng và kết quả của nhà nghiên cứu trong nước đang tạo ra một vấn đề nan giải liên quan đến ngân sách chi cho việc ứng dụng giải pháp CNTT trong công tác quản lý môi trường và hiệu quả thực tế từ công tác này.
(TBKTSG, 27/2/2010)