Nhiều năm hướng các hoạt động nhằm vào cộng đồng, VACNE phát hiện ra truyền thống bảo tồn cây cổ thụ đã ăn sâu bén rễ vào tất cả các điểm dân cư của đất nước.
Phó Hội Viên - VACNE
Các nhà lãnh đạo VACNE sôi nổi thảo luận để tìm cách khơi dậy phong trào này. Chọn được mạch chủ đề rồi, nhưng tìm đúng được thông điệp và từ đó đặt một tên gọi thật trúng cho sự kiện lại là chuyện không dễ. Thế là lại mất hàng tháng, hàng quý trao đổi, tìm tòi, nghiên cứu, rồi thuyết phục, nhân nhượng nhau. Toàn cây đa cây đề trong ngành cả, dễ gì thay đổi ý kiến. Xuất hiện cụm từ/ thuật ngữ Di sản.
Bách khoa thư Việt Nam định nghĩa Di sản: 1/ Là tài sản thuộc sở hữu của người quá cố để lại; 2/ Là giá trị tinh thần và vật chất của văn hóa thế giới hay một quốc gia, một dân tộc; 3/ Là di sản văn hóa. Về định nghĩa 1 khỏi phải nói. Về định nghĩa 2 sẽ trình bày dưới đây. Riêng đối với định nghĩa 3, ở nước ta có cả một bộ máy lớn (gọi là Cục Di sản văn hóa) trong Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Tổ chức quần chúng cũng có mạng lưới rộng khắp cả nước, với tên gọi: Hội Di sản văn hóa Trung ương, Hội Di sản văn hóa tỉnh, thành phố. Nhờ đó, đã có rất nhiều di sản văn hóa, di sản văn hóa – lịch sử trên khắp mọi miền đất nước được phát hiện và được công nhận, góp phần tô đậm truyền thống văn hiến anh hùng, lâu đời của dân tộc.
Định nghĩa 2 về Di sản hoàn toàn phù hợp với đối tượng mà Công ước của Liên hợp quốc về di sản thế giới đã đưa ra, Công ước này ra đời từ năm 1972 và do UNESCO là cơ quan thường trực. Việt Nam tham gia Công ước từ đầu những năm 80 của Thế kỷ trước. Người ta chia thành di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và gần đây đưa thêm di sản hỗn hợp. Đến năm 2011 đã có tới 936 di sản thế giới được công nhận, trong đó Việt Nam có 16.
Tất cả những điều vừa nói đều liên quan đến thuật ngữ Di sản ở vị trí danh từ, chủ thể. Trong tiến trình dẫn tới sử dụng thuật ngữ này, VACNE đã mạnh dạn đặt thuật ngữ đó vào những cây cổ thụ. Các khảo nghiệm, tìm tòi, thảo luận đều xoay theo chiều đó và ngày càng làm sáng tỏ hơn cụm từ này. Một giáo sư của VACNE đã trình bày những thông tin về việc các nước sử dụng cụm từ này như thế nào. Ở Úc, Nhật, Ba Lan, Mỹ, Singapore, người ta gọi những cây đại thụ có các đặc trưng nhất định là Cây Di sản. Singapore lập Quỹ Cây Di sản để chăm sóc những cây được công nhận từ 17/8/2001. Riêng ở Cộng hòa Séc người ta gọi là “Cây Đáng nhớ”. Trên 5000 “Cây Đáng nhớ” đã được công nhận. Về tuổi cây được công nhận là Cây Di sản cũng rất khác nhau, chẳng hạn các cây nổi tiếng như Cây Thông liễu Nhật Bản có tuổi hàng nghìn năm, trong khi Cây Bạch đàn Tây Úc là khoảng 400-800 năm, còn Cây Bồ đề Singapore chỉ là 120 tuổi.
Như thế, vấn đề ngược lại là: Cây Di sản có phải, và có nhất thiết phải là Di sản không. Đấy là chuyện khác, có lẽ cũng nên nghiên cứu. Còn VACNE đàng hoàng có thể sử dụng từ Cây Di sản mà không phải quá đắn đo, thận trọng. Khi ý tưởng này nêu ra, các “quan chức” VACNE gật gù ngay. Thế là dẹp sang một bên các thuật ngữ Đại thụ, Danh mộc cổ thụ, cổ thụ. Hơn thế, Cây Di sản gợi mở hơn về ý nghĩa, không chỉ quá chú trọng đến tuổi cây, vì thế mới sinh ra 3 loại tiêu chí cho cây tự nhiên, cây trồng và các cây khác. Đến nay, sự kiện phát hiện và bảo tồn Cây Di sản đã được cộng đồng hưởng ứng và đang trở thành phong trào mạnh mẽ. Việc còn lại là cố gắng duy trì, phát triển sự kiện, cố gắng tạo điều kiện để cộng đồng bảo tồn tốt hơn các Cây Di sản (kể cả những cây đang và sẽ làm thủ tục công nhận).
Tùy Cây này dài quá rồi, mà chưa có ý thơ nào để kết lại, tác giả đành mượn bài Tản mạn Cây Di sản của một “Lều thơ” vùng Kinh Bắc vừa đăng mới đây:
Cây xanh trầm mặc nghĩ suy
Những gì sâu đậm những gì thiết tha
Trời cao đất thẳm sinh ra
Cây mang hình bóng ông cha hiện về
Cây là áo giáp chở che
Mùa đông giá lạnh mùa hè bão giông
Ngăn lũ dữ chặn nước dâng
Cây làm cọc chống xâm lăng bao đời
Cây cứu đói cây nuôi người
Là nơi hò hẹn lứa đôi tâm tình
Treo cờ đưa tiễn tân binh
Cây như máu thịt của mình của ta
Cây là nguyên khí quốc gia
Còn cây còn cả sơn hà niềm tin
Ai ơi giữ lấy Cây Thiêng
Muôn nghìn năm mãi vững bền Việt Nam./.
Văn phòng Hội, 23/3/2012