quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây và bảo vệ môi trường

Thứ Sáu, 07/02/2020 | 02:13:00 PM

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân. Người cho rằng, Đảng của giai cấp công nhân cần vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 

 Image result for tết trồng cây


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)



1.Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động nhân dân


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân. Người cho rằng, Đảng của giai cấp công nhân cần vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.


Trong mục “Nước ta là nước dân chủ”, bài báo Dân vận viết vào ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết lý luận và thực tiễn. Người cho rằng, Nhà nước đó
là nhà nước mà lợi ích, quyền hạn, trách nhiệm đều ở nơi dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân, có dân là có tất cả. Nhờ bản chất tốt đẹp đó mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đi theo Đảng tiến hành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao cho.Theo Người để thực hành dân chủ, để vận động nhân dân thì không chỉ có tuyên truyền qua sách báo, mít tinh, khẩu hiệu, chỉ thị mà phải tìm mọi cách giải thích, nói rõ lợi ích, nhiệm vụ cho dân hiểu, dân tin. Đồng thời, muốn triển khai công việc nào cũng cần phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Bác Hồ còn căn dặn rất cụ thể: “trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”, “khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.


Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ chỉ rõ: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”.


Về phương pháp làm dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân vận phải thế nào?”. Bác Hồ đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận: “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Sáu tiêu chí mà Bác Hồ đặt ra vừa là tiêu chuẩn cán bộ phụ trách dân vận vừa là phương pháp làm dân vận có hiệu quả.


Kết thúc bài báo “Dân vận”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra tổng kết có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đó là một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh: tất cả vì dân, tất cả cho dân, có dân là có tất cả.


Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân cần vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.


2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trồng cây và bảo vệ môi trường


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và bảo vệ môi trường sinh thái.


Trong những tư tưởng nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có năm tư tưởng liên quan đến môi trường và giáo dục bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân. Tư tưởng của Người được thể hiện: (i) Trước hết, phải coi công tác bảo vệ môi trường là công việc của toàn dân, chỉ có dân tự giác tham gia thì sự nghiếp đó mới thành công; (ii) Sự nghiệp bảo vệ môi trường phát triển bền vững muốn thành công phải làm cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra; (iii) Đi đôi với phát triển kinh tế và xã hội, phải quan tâm bảo vệ môi trường phát triển bền vững; (iv) Con người khi tiếp cận với môi trường phải có ý thức bảo vệ, bảo vệ môi trường cho thế hệ của mình và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai; (v) Cần chăm lo giáo dục thế hệ trẻ để họ có nhận thức đầy đủ, có thái độ đúng đắn và có hành vi sống thân thiện với môi trường.


Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giữ vệ sinh môi trường được thể hiện qua những luận điểm sau: (i) Thấy rõ giá trị to lớn của rừng. Nhận rõ tầm quan trọng quý giá của rừng, trong bài nói chuyện tại Hội nghị tuyên giáo miền núi ngày 31/8/1963, Bác Hồ dùng câu tục ngữ của ông cha để nhắc nhở việc chăm sóc, bảo vệ rừng: “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”
[1]. Người nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của rừng là vàng – cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho đời sống của con người và là tấm lá chắn vững chắc chống gió bão, sóng biển, hạn hán, cát xâm lấn, lũ ống, lũ quét, lở đất…Cùng với việc nhắc nhở phải ghi nhớ tầm quan trọng của rừng, nó là thứ vàng quý hiếm của quốc gia, Bác Hồ còn nhắc nhở phải bảo vệ và xây dựng thì thứ vàng ấy mới phát triển một cách bền vững. Các cụm từ “bảo vệ” và “xây dựng” mang đầy đủ công việc mà mọi người phải làm – đó là, khai thác phải đi đôi với bảo vệ, khai thác phải đi đôi với trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Nếu chúng ta chỉ biết khai thác rừng, mà không bảo vệ rừng, không trồng mới lại rừng thì rừng suy kiệt, rừng không còn là “vàng” theo đúng nghĩa đích thực của nó; (ii) Bác Hồ khuyến khích nhân dân phải tích cực trồng cây xanh bóng mát. Trong một lần đến thăm và nói chuyện với nhân dân xã Đại Nghĩa, Hà Đông, Người căn dặn: “Phải tiếp tục trồng cây. Trồng cây phải chú ý đến chăm sóc, trồng cây nào sống cây ấy. Trồng ít, trồng vừa mà cây nào sống cây ấy, còn hơn trồng nhiều mà có nhiều cây chết. Nếu mỗi năm, mỗi người trồng 4 cây, trong 5 năm sẽ có đủ gỗ để làm nhà, đóng giường, bàn, ghế, làm công cụ, sẽ có nhiều cây ăn quả hơn”[2]. Lần khác, khi nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình, Bác Hồ chỉ rõ: “Một việc rất quan trọng nữa là phải trồng cây gây rừng. trồng cây nào phải tốt cây ấy. Trồng 100 cây mà sống cả, tốt cả thì hơn trồng 1.000 cây chỉ sống được 90 cây”[3]. Ngày 28/11/1959, Bác Hồ đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: Trong 10 năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Ngày mùng một Tết Kỷ Dậu (16/2/1969), trong mùa xuân cuối cùng của cuộc đời, Bác Hồ đã tự tay trồng một cây đa trên đồi xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, Bác Hồ vẫn không quên nhắc nhở Đảng bộ Nghệ An cần “có kế hoạch trồng cây bảo vệ rừng”. Di chúc của Người cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng. Người viết: “Nếu có kế hoạch trồng cây trên đồi, ai đến thăm thì trồng 1 cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”. Trong bài viết trên Báo Nhân dân, số 5411, ngày 5/2/1969, ký tề TL, Bác Hồ kêu goi tổ chức Tết trồng cây: “Tết trồng cây là mở đầu cho việc trồng cây suốt cả năm, đã trở thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta…Năm nay, chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải đảm bảo trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức “Một Tết trồng cây thắng giặc Mỹ xâm lược”[4]. Bác Hồ là người hiểu sâu sắc về Tết cổ truyền của dân tộc. Người biết rằng, người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài, dù là người già hay trẻ em ai cung mong đến Tết. Tết là những ngày thiêng liêng của người Việt Nam. Bác Hồ mong muốn, mọi người dân coi việc trồng cây xanh như cái Tết truyền thống của dân tộc. Tết trồng cây được Người nói đến vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của mọi người dân yêu nước. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Bác: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Người, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của cả đất nước, cả dân tộc.



(Xuân Canh Tý-2020)

TS. Nhà văn Trần Văn Miều

(còn tiếp)


[1] Hồ Chí Minh. Tuyển tập, Tập II, Nxb. Sự thật, năm 1980, tr. 304

[2] Sách đã dẫn, tr. 238

[3] Sách đã dẫn, tr. 438

[4] Sách đã dẫn, tr.515

Lượt xem: 1329

Các tin khác

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE