quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân cách biên giới nước ta 60km: Lo ngại sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam

Thứ Bảy, 24/07/2010 | 07:23:00 AM

Trung Quốc vừa thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại TP cảng Phòng Thành (Quảng Tây), cách biên giới nước ta (Móng Cái, Quảng Ninh) chỉ 60 km. Thông tin này đang dấy lên lo ngại về mức độ ảnh hưởng tới VN.

Theo Nhân dân Nhật báo, Ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc ngày 15.7 đã chính thức thông qua dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) tại TP Phòng Thành (tỉnh Quảng Tây) với 6 lò phản ứng hạt nhân. Giai đoạn 1 sẽ xây trước 2 lò phản ứng CPR-1000, có công suất 1,08 GW, vốn đầu tư 24 tỉ nhân dân tệ (3,5 tỉ USD), khởi công ngay cuối tháng 7 này. Thời gian xây dựng cho một lò phản ứng khoảng 56 tháng và dự tính đưa vào hoạt động từ giữa năm 2015-2016.

 
Nhà máy điện hạt nhân Điền Loan ở Giang Tô - Trung Quốc. Ảnh: power.com.cn

Công ty TNHH công trình điện hạt nhân Quảng Tây (thuộc Tập đoàn điện hạt nhân Quảng Tây) chịu trách nhiệm quản lý xây dựng công trình. Vai trò thiết kế chính 2 lò phản ứng này được giao cho Tập đoàn năng lượng hạt nhân Quảng Đông trên nền tảng công nghệ nước ngoài và 80% vật liệu sử dụng được sản xuất trong nước.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 22.7, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (Lâm Đồng), cho rằng về nguyên tắc, việc Trung Quốc có dự án sẽ xây dựng NMĐHN ở TP Phòng Thành sẽ không ảnh hưởng gì đến VN. Chuyện phát triển điện hạt nhân là tất yếu và nếu không xảy ra sự cố thì người dân dù có ở bên cạnh nhà máy 1 km cũng không sao.

Xung quanh ý kiến nếu NMĐHN ở TP Phòng Thành xảy ra sự cố vào mùa đông thì sẽ rất dễ đe dọa đến Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền nói “vấn đề này khó nói về mặt định lượng”, bởi còn tùy thuộc vào loại thiết kế của lò như thế nào (2 hay 3 vòng bao bọc) và mức độ tai nạn đến đâu, nặng hay nhẹ. Bình thường, nếu xảy ra sự cố nhẹ thì chỉ nằm trong lò phản ứng thôi, trường hợp nặng thì phóng xạ mới theo ống khói thoát ra ngoài. Tuy nhiên cũng còn phụ thuộc vào việc lượng phóng xạ thoát ra ngoài là bao nhiêu, đồng thời còn phải theo hướng gió, mưa thì mới biết được ảnh hưởng ra sao. “Với công nghệ mới như hiện nay thì sẽ không gây nổ, tỷ lệ mất an toàn năng lượng hạt nhân là rất thấp, hàng triệu sự kiện mới có một sự cố”, PGS-TS Điền nói.

Gia Bình

 

NMĐHN ở Phòng Thành chỉ là 1 trong 23 dự án trọng điểm với tổng vốn 682,2 tỉ tệ mà Chính phủ Trung Quốc đã công bố từ đầu tháng 7 sẽ xây dựng tại các tỉnh kém phát triển.

Tính tới nay, nước này đã có 4 nhà máy điện hạt nhân với 11 lò phản ứng đã đi vào hoạt động.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử (Việt Nam) cho biết: “Theo quy định của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các nước khi xây dựng NMĐHN đều phải có báo cáo phân tích an toàn và chia sẻ thông tin. VN mới đây đã tham gia Công ước An toàn hạt nhân, qua đó, hằng năm sẽ được chia sẻ thông tin an toàn hạt nhân với các nước”.

Ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học - Công nghệ), cho rằng bất cứ một quốc gia nào khi tham gia Công ước về an toàn bức xạ hạt nhân đều phải tuân thủ mọi quy định. NMĐHN có an toàn hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ, quá trình vận hành, bảo dưỡng... “Trung Quốc có quyền xây dựng NMĐHN trên đất của họ. Việc xây NMĐHN gần biên giới VN, nếu hoạt động bình thường thì không có gì cả, nhưng khi đã mất an toàn, mức độ phát tán, thất thoát phóng xạ trong không khí có thể ảnh hưởng lên tới cả ngàn km. Trong trường hợp này, châu Á cũng sẽ bị ảnh hưởng chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên khả năng sự cố khó có thể xảy ra vì sau sự cố nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Liên Xô cũ), nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Hiện nay, công nghệ thế giới đã có bước tiến vượt bậc, khả năng kiểm soát an toàn hiện nay rất cao”, ông Nhân nhìn nhận.

Đồng quan điểm trên, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) nhận định: “Trung Quốc sẽ phải theo tiêu chuẩn quốc tế về mức độ an toàn, không thể tự quyết được. Nếu sự cố xảy ra cũng tùy từng mức độ, nếu sự cố trầm trọng như Chernobyl thì khu vực ảnh hưởng rất rộng, toàn châu Á chứ không riêng gì VN, song sự cố nhỏ sẽ không có vấn đề gì”.

Ông Nguyễn Quang Hào, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ hạt nhân (Cục An toàn bức xạ, hạt nhân), cho hay: “Theo khuyến cáo của công ước quốc tế, đối với các NMĐHN, trong vùng bán kính từ 30 - 35 km phải có biện pháp an toàn để hỗ trợ ứng phó với sự cố. Theo đó, khi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng phải tính đến phương án đảm bảo an toàn cho người dân. NMĐHN của Trung Quốc xây dựng cách Móng Cái 60 km, tức nằm ngoài khu vực lên kế hoạch”.

Mặc dù IAEA không quy định xây dựng NMĐHN phải có ý kiến của nước láng giềng, nhưng ông Hào cho rằng nên có công ước quốc tế quy định khoảng cách xây dựng NMĐHN gần nhất đến biên giới để các quốc gia láng giềng cùng xây dựng phương án khi có sự cố. 

Ông Vương Hữu Tấn cho biết: “Chúng tôi đã trình Chính phủ việc lắp đặt mạng lưới các trạm quan trắc ở các tỉnh sát biên giới Trung Quốc để quan trắc về thời tiết như gió mùa đông bắc, đồng thời có thể đưa ra những đánh giá, tác động của NMĐHN ở TP cảng Phòng Thành (Quảng Tây) tới Việt Nam”.

Nếu có sự cố, 10 giờ sau Hà Nội có thể bị ảnh hưởng

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS - TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho biết điều chúng ta quan tâm nhất hiện nay là Trung Quốc sẽ xây NMĐHN tại Quảng Tây bằng công nghệ gì, đổ chất thải ở đâu và kiểm soát chất thải như thế nào, trình độ kỹ thuật vận hành điện hạt nhân của họ ra sao? Ông Hòe nhấn mạnh: “Bất cứ một NMĐHN nào cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tuy nguy cơ này là rất thấp. Miền Bắc nước ta có địa hình vòng cung, gió mùa đông bắc di chuyển với tốc độ 20 - 25 km/giờ, dưới chiều gió này, nếu nhà máy ở Quảng Tây gặp sự cố, phát lên bầu không khí những ion nhiễm xạ thì 10 giờ sau đã gây ảnh hưởng tới Hà Nội rồi. Tôi nghĩ hai nước phải hiệp thương để có cơ chế cung cấp thông tin phù hợp nhất”.

Chiều qua 22.7, ông Nguyễn Xuân Long, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi đã nắm được thông tin về việc Chính phủ Trung Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Phòng Thành từ 3 tháng trước. Sở đã báo cáo lãnh đạo tỉnh thông tin này”. Theo ông Long, tháng 6.2010 UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu các luận cứ nhằm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố phóng xạ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. “Một trong những căn cứ nêu lên tính cấp thiết của đề tài này nêu rõ: Quảng Ninh có đường biên giới với Trung Quốc nên có nguy cơ bị tác động bởi các sự cố có khả năng xảy ra đối với các NMĐHN của Trung Quốc được xây dựng tại Quảng Tây, tiếp giáp Quảng Ninh”, ông Long nói.

Đề tài nêu trên được UBND tỉnh đặt hàng Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học - Công nghệ. Dự kiến đề tài sẽ hoàn thành vào quý IV năm 2011. Khi đề tài hoàn tất sẽ nêu ra các kịch bản như bị rò rỉ nguồn, mất nguồn phóng xạ... và các giải pháp ứng phó, trong đó cũng tính tới cả khả năng bị tác động bởi nguy cơ mất an toàn phóng xạ từ phía Trung Quốc.

Ông Long cho biết thêm: “Sở Khoa học - Công nghệ đang và sẽ đề xuất trang bị thêm thiết bị đo nồng độ bức xạ tại khu vực cửa khẩu Móng Cái. Chúng tôi cũng đã xây dựng xong bản đồ số cơ sở dữ liệu phông nền phóng xạ tại các khu du lịch, khu dân cư, các địa bàn dọc tuyến quốc lộ từ Móng Cái đến Đông Triều. Dữ liệu này sẽ là cơ sở để so sánh, phát hiện các khu vực có nồng độ phóng xạ tăng bất thường”...

Quang Duẩn - Káp Long - Mộc Lan

Độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân

Với hơn 500 NMĐHN nằm rải rác tại 30 nước trên thế giới hiện nay, an toàn hạt nhân là vấn đề luôn gây sự bàn cãi trên toàn thế giới, nhất là sau khi các vụ nổ lò phản ứng lần lượt xảy ra tại những cường quốc về công nghệ hạt nhân như Nga, Mỹ, Nhật.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Mỹ (ANC), trong điều kiện bình thường, người dân sống trong bán kính 80 km kể từ vị trí một nhà máy điện hạt nhân vẫn bị phơi nhiễm phóng xạ nhưng ở mức cực thấp. Trong trường hợp có sự cố, tầm ảnh hưởng cúa phóng xạ được chia làm 2 vùng, theo Cơ quan cứu trợ khẩn cấp liên bang Mỹ (FEM). Vùng 1 có bán kính 16 km kể từ nhà máy trong đó con người có nguy cơ nhiễm phóng xạ trực tiếp. Vùng 2 tiếp giáp vùng 1 kéo dài ra đến bán kính 80 km tính từ nhà máy, trong đó các chất liệu phóng xạ có thể ảnh hưởng đến nguồn nước, lương thực và gia súc. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế Mỹ, trong trường hợp xảy ra sự cố tại lò phản ứng hạt nhân, những người sống trong bán kính 16km kể từ nhà máy cần phải biết được khu vực di tản của mình. Các công ty năng lượng phải công bố thông tin này trước đó. Tại tiểu bang Virginia, những người sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân được cung cấp sẵn một vỉ thuốc potassium iodide để chống lại sự tích tụ phóng xạ trong cơ thể.

Nói về tai nạn liên quan đến NMĐHN, chắc không ai quên được thảm họa Chernobyl (Ukraine) vào năm 1986. Đã 24 năm trôi qua, nơi này vẫn chưa thoát khỏi danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Sau vụ nổ hơi đầu tiên khiến 2 người thiệt mạng, lò phản ứng bị phá hủy sau đó, giải phóng một đám mây phóng xạ khổng lồ lan rộng xuống phía tây Liên Xô (cũ), Đông và Tây Âu. Số lượng phóng xạ thải ra trong vụ này gấp 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima. Khoảng 600.000 người buộc phải sơ tán. Ước tính có hơn 4.000 người thiệt mạng do mắc các bệnh ung thư xuất phát từ nhiễm phóng xạ và hậu quả của nó được cho là sẽ còn kéo dài qua nhiều thế hệ. Đến nay, khu vực 30 km xung quanh nhà máy vẫn chưa thích hợp cho con người định cư.

Nếu xét về kỹ thuật, kiểu lò RBMK (còn gọi là lò graphit nước nhẹ LWGR) dùng trong nhà máy Chernobyl không đảm bảo bằng lò PWR (lò nước áp lực) hiện đang được nhiều nước sử dụng. Có tin cho rằng NMĐHN Hồng Sa vừa được Trung Quốc thông qua kế hoạch xây dựng tại Phòng Thành cũng sử dụng loại lò này. Thế nhưng sự cố tại lò PWR cách đây 6 năm tại nhà máy Mihama, cách Tokyo (Nhật) 320 km về phía tây, vẫn gây nên quan ngại. Phe ủng hộ điện hạt nhân thì cho rằng không thể có vụ nổ hạt nhân giống như bom nguyên tử tại các NMĐHN vì bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu làm giàu trên 95%, trong khi nhiên liệu tại các nhà máy có độ tinh chế từ 3 - 5%.

Tuy nhiên, vấn đề chất thải phóng xạ mới là điều đáng lo ngại. Theo tính toán của giới chuyên gia, trung bình một tổ máy của NMĐHN công suất 1.000 MW thải ra 30-50m3 chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình đã xử lý và 30 tấn nhiên liệu đã cháy. Nếu chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình ít nguy hiểm, có thể biến thành rác thường sau 200 - 300 năm thì nhiên liệu đã cháy có hoạt độ phóng xạ cao và chu kỳ phân hủy kéo dài, có khi đến cả 100.000 năm.

Thụy Miên (tổng hợp)

Lệ Chi - Mai Hà - Thu Hằng

(Thanh Nieen, 23/7/2010)

Lượt xem: 8008

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE