Hai mươi năm trước khi thảo luận về việc có nên có một cơ quan cấp bộ về môi trường không, đa số đều cho là nên có, nhưng là một bộ như thế nào thì lại rất khó thống nhất.
Phó Hội Viên – VACNE
Nhân công bố Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam 2011
Ghét của nào Trời trao của đó. “Chân lý” này không biết có tự bao giờ, nhưng với nhiều người nó luôn nghiệm. Từ việc nhỏ cho đến việc lớn. Chẳng hạn, một “chân lý” khác như một lời khẳng định mà ai cũng biết là “Thế gian được vợ hỏng chồng”. Nhớ lại, hai mươi năm trước khi thảo luận về việc có nên có một cơ quan cấp bộ về môi trường không, đa số đều cho là nên có, nhưng là một bộ như thế nào thì lại rất khó thống nhất. Thế rồi Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ra đời. Mười năm sau thì môi trường tách ra hợp với các ngành về tài nguyên thiên nhiên thành Bộ Tài nguyên và Môi trường (dịch ra tiếng nước ngoài luôn phải thêm vào cụm từ “thiên nhiên”). Lại mười năm nữa trôi đi và Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trên rất nhiều diễn đàn, kiến nghị nên nhanh chóng thành lập Bộ Môi trường.
.
Quanh ta, Singapore có Bộ Môi trường từ năm 1972, Trung Quốc cũng đã phải lập siêu Bộ Bảo vệ Môi trường trong khi dẹp đi khá nhiều bộ. Nhỏ và ít dân như Campuchia cũng cho ra đời Bộ Môi trường đã hơn chục năm nay. Các nước ASEAN khác như Philippin, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia thực chất cũng đã có Bộ về môi trường mặc dù tên gọi chưa thể hiện đúng như vậy. Tại sao tự nhiên lại nêu chuyện này ra giữa lúc bàn dân thiên hạ, trong và cả ngoài nước, đang sôi sùng sục lên vì chuyện biển Đông. Nào là có tới 2-3 cơn bão chồng bão, nào là chuyện quyền tài phán, quyền chủ quyền, chuyện láng giềng muôn thuở. Đấy là chưa kể tới chuyện tăng giá, kẹt xe, chất lượng giáo dục, kiện tụng giải thưởng, xoi mói ca sỹ, người mẫu khỏa thân, bình chọn quốc hoa, rồi quốc thơ, quốc vật,…
Thế thì cớ gì ông đưa chuyện Bộ Môi trường ra Quán. Ba ông bạn bỏ nguội cả mấy ly G-150, quay ra hỏi ông thứ tư. Không bối rối, ông này hỏi lại:
- Đã ai đọc bài “Trung Quốc đối mặt với vấn nạn môi trường nghiêm trọng” chưa?
- Đã, đã, có gì lạ đâu. Một vị trả giá
- Từ từ đã. Các ông đọc ở “Tia Sáng”, rồi VACNE đăng lại chứ gì?
- Thế thì sao? Mấy ông bực mình hỏi vặn tiếp
- Thế thì quá sơ sài, phải xem trên New York Times kia, rồi cũng phải biết đây là một ông quan to trả lời phóng viên nước ngoài nhé.
- Được rồi, vào đề đi
Mặc cho 3 ông bạn khó chịu, ông thứ tư tự thưởng thức ly G-150, nhấm nhoáp từng ngụm nhỏ, thấy rất ngon, làm gì có chuyện có đến 80% là bột đậu nành như thông tin từ tờ báo nào đó nói. Chậm rãi, ông thứ tư nêu các nhận xét và so sánh.
- Như vậy, hơn 30 năm qua, họ đã thực hiện chiến lược phát triển bằng mọi giá, bây giờ phải đối mặt với vấn nạn môi trường nghiêm trọng, và họ bắt đầu từ bỏ chiến lược đó.
- Tôi nói tiếp được không? Một ông đề nghị
- Vâng, xin mời
- Tiếp đến là vị Thứ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc xác nhận đa dạng sinh học của họ, nhất là nguồn gen, đã bị suy giảm nghiêm trọng.
- Để tôi. Một vị khác lên tiếng. Tiếp theo là họ công nhận môi trường nông thôn đã bị ô nhiễm tới mức là trọng tâm bảo vệ môi trường của các năm tiếp theo phải là nông thôn – nông nghiệp. Tam nông mà.
- Điều day dứt nhất của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc là làm thế nào để ngăn chặn vấn nạn không tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Họ sẽ phóng vệ tinh môi trường để kiểm soát các diện tích rộng lớn bị sử dụng sai mục đích, sẽ giám sát việc đánh giá và đề bạt cán bộ theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tìm cách dựng “hàng rào lửa” để triệt để chống lại các chủ dự án “có quan hệ rộng” dễ nhận được các dự án nguy hại đối với môi trường. Tôi muốn nói điều này nhất và rất muốn được chia sẻ bằng liên hệ trực tiếp tới nước ta. Ông thứ tư nhấn mạnh, vẻ mặt rất nghiêm trọng và nói thêm. Những nội dung như vừa nêu chưa phản ánh hết vấn nạn môi trường và cái giá họ phải trả đâu, nhưng đủ để ta tham khảo.
- Tôi đồng ý. Để tiện ta lấy tài liệu từ “Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam” vừa công bố làm cơ sở. Vị khách cuối cùng của bàn cà phê lên tiếng.
- Sao thấy bảo là Báo cáo đó còn nhiều sạn lắm? Một vị hỏi
- Là còn tùy người ta đánh giá. Các ý kiến nêu tại cuộc họp công bố Báo cáo được đưa ra sau vài chục phút đọc lướt 200 trang tài liệu. Rồi báo chí nêu lại, chỉ phản ánh những cái chưa được, tức là những hạt sạn, cốt để cho báo cáo lần sau ít sạn hơn.
- Chắc là vậy, nhưng ta không cần quá chi tiết. Tôi đề nghị đi từ thấp đến cao, tuần tự là đa dạng sinh học, môi trường nông thôn, ý thức chấp hành luật, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và cuối cùng là chiến lược quốc gia về phát triển bền vững. Được không các vị?
- To tát quá, to tát quá. Ta chấm phá vài nét thôi, để phần cho những cơ quan và những người có trách nhiệm. Nhưng trước tiên là uống nốt mấy ly cà phê kia đã. Không biết mấy cơn bão này cho mình được bao nhiêu nước để mấy anh điện lực khỏi nhân đó mà cắt điện tùy tiện, nhưng chắc chắn là cướp đi của nông dân 20-30% năng suất mùa màng rồi. Khốn khổ thật. Trông cây 3 năm không bằng 1 ngày trông quả.
- Thôi thôi, chuyện đời mà. (Còn tiếp)