quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tránh “lũ thuỷ điện” bằng hồ phòng lũ

Thứ Năm, 04/11/2010 | 03:09:00 PM

Mới đây, một văn bản về quy trình vận hành liên hồ chứa các công trình thủy điện đã được ban hành sau những bất cập của việc xả lũ năm ngoái tại một số thủy điện tại Quảng Nam gây lũ lớn ở hạ du. Tuy vậy, sau những tháng hạn hán nặng nề, những người dân Nam Trung Bộ vẫn phải hứng chịu lũ lớn do mưa và do thủy điện.

 
 
Thủy điện xả không đúng quy trình
Tính tới tối ngày hôm qua, vẫn còn nhiều xã của huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa của Phú Yên ngập trong nước lũ, có nơi ngập tới 1m nước. Trước đó, với lượng mưa trên 200mm dội xuống vùng này đã gây lũ và sáng 2/11, Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ lại xả lũ hồ thủy điện khiến vùng này lại chìm trong biển nước.
Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho hay, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ không theo quy trình do Thủ tướng quy định. Công ty này đã xả lũ cường độ quá lớn, có thời điểm lên trên 6.000m3/s.
Trong khi đó, họ không báo cáo với tỉnh dù tới chiều, UBND tỉnh và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) Phú Yên vẫn không nhận được một báo cáo hay kế hoạch nào của việc xả lũ khiến việc chỉ đạo di dời dân rất khó khăn.
Thuỷ điện sông Ba Hạ đã xả lũ không đúng quy trình khiến người dân Phú Yên chịu nhiều thiệt hại (Ảnh:VnExpress)
Trong văn bản ký ngày hôm qua chấn chỉnh việc thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, ông Lộccho biết, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ đã vi phạm Điều 12, Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 1757/QQĐ-TTg ngày 23/9/2010 của Thủ tướng.
UBND tỉnh Phú Yên nghiêm khắc yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ có biện pháp chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành theo quy định của Thủ tướng.
Trong đợt xả lũ vừa qua của hệ thống thủy điện trên địa bàn Phú Yên, ông Lộc cho rằng mới có Nhà máy Thủy điện Sông Hinh thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh thực hiện đúng quy trình vận hành xả lũ. Công ty này đã có kế hoạch cụ thể và báo cáo bằng văn bản kịp thời cho UBND tỉnh và Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên trước khi xả lũ.
Hai nhà máy Thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên thuộc diện phải áp dụng quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ: Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông H’năng, Ayun Hạ và An Khê – Ka Nak trong mùa mưa lũ hàng năm.
Tuy nhiên, cách vận hành của hồ thủy điện sông Ba Hạ đã không giúp Phú Yên giảm lũ mà còn đe dọa cả tới tính mạng của người dân. Đã có ít nhất hai nạn nhân tại huyện Phú Tây mất tích do lũ cuốn, trực tiếp từ xả lũ của công trình này.
“Chưa thể kết luận được hiệu quả của các hồ thủy điện trong việc giảm lũ ở miền Trung vì mới qua một mùa vận hành quy trình xả lũ đầu tiên. Quá trình vận hành liên hồ chứa trên hệ thống sông Ba Hạ vừa mới ban hành nên kinh nghiệm vận hành chưa có dẫn tới sự phối hợp với ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương chưa ổn - GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học, viện tài nguyên nước và môi trường Đông Nam Á cho hay.
GS.TS Tuấn là một trong những người tham gia xây dựng quy trình xả lũ một loạt hệ thống sông như Vu Gia, Thu Bồn, Serepok và Ba Hạ.
“Chính vì lần đầu xả lũ theo quy trình nên có thể chưa có sự ăn khớp giữa các hồ, giữa các hồ chứa với hạ du, có khi chưa ngập tới mức xả lũ đã vội vàng cho xả. Đây là việc dễ xảy ra tại các hồ thủy điện tuy nhiên đã gây thiệt hại lớn tại các vùng hạ du thì đó là việc đáng trách, rút kinh nghiệm” – GS Tuấn nói.
Các hồ miền Trung phải xây dựng dung tích phòng lũ
Theo GS Tuấn, trước đây mỗi hồ thủy điện có quy trình vận hành riêng, giờ có quy trình vận hành liên hồ, “nhìn nhau để xả”, trước khi xả phải báo trước cho các địa phương trước ít nhất 2 tiếng đồng hồ để di dời.
“Tất cả có quy trình cụ thể. Trong trường hợp làm không đúng, chủ hồ chịu phải trách nhiệm. Để kết luận đúng sai, một hội đồng thanh tra sẽ được lập để đưa ra kết luận hình thức và mức xử phạt như thế nào” – GS Tuấn nói.
Cũng theo GS Tuấn, đặc điểm các sông miền Trung là giảm lũ chứ không phải là cắt lũ. Quy trình vận hành liên hồ chứa được làm với mục tiêu không cho phép lũ chồng lên lũ. Tuy nhiên, ở miền Trung các thủy điện không có dung tích phòng lũ như ở miền Bắc nên cũng có phần khó khăn cho công tác vận hành.
“Những năm trước, miền Trung ồ ạt làm thủy điện trong khi điều kiện địa hình nhỏ, nếu làm dung tích phòng lũ sẽ mất nhiều vốn đầu tư. Các chủ hồ thủy điện đa phần là tư nhân, họ chỉ quan tâm tới việc bán điện lấy tiền chứ không đầu tư công trình dung tích phòng lũ” – GS Tuấn cho hay.
GS Tuấn cũng cho hay, sắp tới sẽ có quy định làm thủy điện phải có dung tích phòng lũ và nhà nước sẽ bỏ tiền. Hiện các bộ đang rà soát lại quy hoạch hệ thống thủy điện, một số hồ đã có quy hoạch sẽ phải loại bỏ. Các hồ còn lại theo đề xuất của Bộ NN&PTNT phải xây hồ chứa dung tích từ 100 triệu m3 trở lên để chứa lũ và có các văn bản quy định cụ thể quy trình vận hành liên hoàn hồ chứa./.
Thái Tùng
(Tổ Quốc, 4/11/2010)

Lượt xem: 1295

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE