quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Trắng đêm chờ voọc

Thứ Năm, 31/07/2014 | 06:06:00 AM

Voọc Cát Bà của Việt Nam đã được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào một trong 10 loài đứng trước tình trạng nguy cấp nhất thế giới.


Ngày 11-11-2012, những người làm dự án bảo tồn voọc Cát Bà đã di chuyển thành công hai con voọc cái sống riêng lẻ để chúng tái hòa nhập bầy đàn.

 

Tháng 11-2012, giám đốc vườn thú Münster của CHLB Đức, ông Jörg Adler thực hiện chuyến công tác đặc biệt nhất trong số hơn 80 lần đến Việt Nam. Lần này ông tham gia trực tiếp chỉ đạo kế hoạch di dời hai con voọc cái sống tại đảo Đồng Công ở quần đảo Cát Bà về đảo lớn Cát Bà thuộc TP Hải Phòng. Đây là một phần của dự án bảo tồn voọc Cát Bà đã được tiến hành hơn 10 năm qua tại Việt Nam.

Voọc Cát Bà, hay còn gọi là voọc đầu vàng, hiện chỉ còn tồn tại duy nhất trên đảo Cát Bà. Để bảo tồn loài động vật quý hiếm này, năm 2000 với sự giúp đỡ của vườn thú Münster và Hiệp hội Bảo tồn loài và quần thể của Đức (ZGAP), dự án bảo tồn voọc Cát Bà được thành lập. Mục tiêu của dự án nhằm ngăn chặn việc săn bắt bừa bãi loài này.

Ông Jörg Adler cho biết khi lên dự án bảo tồn, những người làm dự án đã biết có một đàn voọc gồm ba cá thể, một con đực và hai con cái sống trên đảo nhỏ Đồng Công, tách biệt với đàn voọc lớn trên đảo Cát Bà. Sau một thời gian, một trong hai con cái sinh được một con non. Nhưng do săn bắn trái phép, con đực đã chết, một con cái cũng chết do tuổi cao và hiện chỉ còn hai con voọc cái sống tại đây. Rừng ngập mặn, cầu nối tự nhiên với đảo lớn Cát Bà, đã bị phá để nuôi tôm, chúng không thể di chuyển về với bầy đàn khác.

Cách đây năm năm, kế hoạch di chuyển hai con voọc cái được những người làm dự án chính thức tiến hành. Hằng năm, vườn thú Münster và ZGAP hỗ trợ dự án khoảng 100.000 USD. Ngoài ra, 100.000 USD khác được dành riêng cho kế hoạch di dời này.

 

Mười ngày mai phục

Để di dời hai con voọc, những người thực hiện phải xin giấy phép di chuyển động vật hoang dã của Chính phủ Việt Nam. Một bẫy lưới được đặt làm tại thành phố Muenster, Đức. Cách đây hai năm, hang đá, nơi được xác định là chỗ ngủ đêm ưa thích của hai con voọc, được tu sửa để tiện việc lắp đặt bẫy lưới. Ngay sau khi cơn bão Sơn Tinh quét qua quần đảo Cát Bà, việc bắt voọc được tiến hành.

Ông Adler cho biết đã gắn bó với rất nhiều dự án tại Việt Nam, từ việc giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng vườn thú tại Hà Nội và TP.HCM năm 1984, đến dự án bảo tồn voọc Cúc Phương năm 1990. Nhưng đây là lần đầu tiên ông tham gia một kế hoạch di dời động vật hoang dã. Hai bác sĩ thú y người Úc cũng được ông mời đến Việt Nam lần này. Hơn chục ngày, ông và các đồng nghiệp luôn trong tư thế sẵn sàng, họ phải thức từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau chờ nhưng voọc vẫn không quay về hang ngủ.

Thời hạn cho kế hoạch sắp hết, đã có lúc người đàn ông từng trải như Adler cảm thấy tuyệt vọng. Như tìm kiếm tia hi vọng cuối cùng, ông đã đến ngôi đền nhỏ Mẫu Áng Văn trên đảo cầu xin may mắn. Hoa quả, bánh kẹo, thậm chí cả tiền giấy, được người đàn ông theo đạo Thiên Chúa sắm sửa đầy đủ và thành tâm cúng lễ. Ngay tối hôm sau buổi lễ đền, hai con voọc về ngủ trong hang.

Hai giờ sáng, sau khi nhận được tin báo, ông và các đồng nghiệp lập tức lên đường đến đảo Đồng Công. Hai đồng nghiệp Việt Nam vẫn đang mai phục hằng đêm trước cửa hang. Họ phải ngồi yên, không được nói chuyện, không được hút thuốc hay nghe điện thoại. Tuy nhiên họ cũng không được ẩn nấp quá kỹ.

Ông Adler kể: “Vì nếu để voọc biết được có con người ẩn nấp trước cửa hang, chúng sẽ có tâm lý đề phòng. Từ trên cao, khi nhìn thấy con người, hai con voọc đã gầm gừ xua đuổi. Trong lúc chờ đợi, họ phải ngồi rất yên tĩnh, nhưng khi chúng đến họ lại phải giả vờ nói chuyện để chúng yên tâm con người đến đây không để ý gì đến chúng và sẽ không làm hại chúng. Sau khi voọc vào hang, họ phải chờ thêm hơn nửa tiếng cho chúng ngủ say và trời thật tối mới sập bẫy xuống”.

Sau khi thăm khám, xét nghiệm máu, hai con voọc được gắn thiết bị theo dõi kết nối với hệ thống định vị GPS toàn cầu và được thả lại khu bảo tồn trên đảo lớn Cát Bà. Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ một con trong độ tuổi sinh sản tốt, con cái còn lại đã quá già. Ông Adler quay lại Đức, vui mừng khi ba ngày sau được các đồng nghiệp Việt Nam thông báo hai con voọc này hòa nhập rất tốt vào đàn mới.

 

Bảo tồn Voọc như một tiêu chí trở thành di sản thế giới

Kế hoạch đã thành công, nhưng công việc của người làm dự án bảo tồn voọc chưa kết thúc. Họ vẫn phải hằng ngày tiếp tục bảo vệ rừng và đàn voọc khoảng 60 con trên đảo Cát Bà. Giám đốc dự án bảo tồn voọc Cát Bà tại Việt Nam Richard John Passaro (quốc tịch Mỹ) cho biết chỉ có thể nói có khoảng 60 con voọc trên đảo, vì con số chính xác và vị trí chúng tập trung đông là thông tin bảo mật của dự án. Nếu so với con số 53 con voọc từ trước khi dự án được thành lập thì số lượng voọc tăng thêm không đáng kể.

Tuy nhiên từ khi có dự án, số lượng voọc con sinh ra lại đạt kỷ lục, khoảng 24 con. Ông Adler cho biết phía Đức tiếp tục hỗ trợ dự án lâu dài nếu họ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Việt Nam trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ voọc, đặc biệt là ngăn chặn việc săn bắt trái phép.

Voọc Cát Bà có lông ở đầu và vai màu vàng nhạt, thân màu đen hoặc ghi xám, đuôi rất dài, con non có lông màu cam đậm toàn thân. Rất khó phân biệt con đực hay con cái qua màu lông. Thức ăn chủ yếu của chúng là lá cây nên việc bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ môi trường sống cho voọc. Với phương châm voọc được bảo vệ bởi chính người dân địa phương nên từ khi có dự án, tại các xã trên đảo những “tổ gác voọc” được thành lập. Thành viên của những tổ này chính là những người dân địa phương được dự án chọn lựa.

Hằng ngày họ cùng đội kiểm lâm của vườn quốc gia Cát Bà phối hợp bảo vệ rừng và voọc. Những hoạt động tuyên truyền của dự án cho người dân hay trong trường học về việc bảo vệ môi trường thiên nhiên có sự tham gia tích cực của các thành viên này. Từ năm 2002, chính quyền địa phương đã thành lập một khu bảo tồn voọc nằm trong vườn quốc gia Cát Bà, được canh phòng nghiêm ngặt và không cho phép tham quan du lịch.

Hiện UBND TP Hải Phòng đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là di sản thế giới. Trong một cuộc họp trung tuần tháng 11 với UBND TP Hải Phòng, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marin khẳng định việc bảo tồn loài voọc đầu vàng lâu dài là một trong những tiêu chí để UNESCO xét duyệt hồ sơ của Cát Bà.

Tiến sĩ Jörg Adler sinh ra và lớn lên tại thành phố Leipzig, miền Đông nước Đức. Từ năm 1996 ông là giám đốc vườn thú Allwetterzoo Münster. Ông cũng là thành viên của Hội Giám đốc vườn thú thế giới, thành viên nhóm chuyên gia đặc biệt của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Tiến sĩ Jörg Adler tham gia tích cực việc bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm tại Đức, đặc biệt là tại Việt Nam.

Để ghi nhận những đóng góp của ông cho việc bảo tồn voọc tại Việt Nam, tháng 12-2009 Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng “Huy chương vì hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc” cho ông Jörg Adler.

 

 

MINH TRUNG (TTCT)

Lượt xem: 1994

Các tin khác

Ngày Quốc tế Trái đất 2024: Đối đầu của hành tinh với nhựa

(24/04/2024 07:28:AM)

Ninh Bình: Chim hoang dã bay rợp trời trong khu du lịch Thung Nham

(23/04/2024 06:10:AM)

Chủ đề Ngày Trái đất 2024: Đối đầu của Hành tinh với Nhựa

(18/04/2024 07:27:AM)

Bến Tre: Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng

(13/04/2024 04:52:PM)

Vàng ròng tín chỉ carbon

(08/04/2024 07:45:AM)

Đồng Nai quyết tâm giảm phát thải carbon

(05/04/2024 07:30:AM)

Miền Bắc sắp đón không khí lạnh, nhiệt độ giảm mạnh

(04/04/2024 06:43:AM)

Thừa Thiên Huế: Tăng trưởng mạnh mẽ, hài hòa với các tiêu chí bền vững

(02/04/2024 07:29:AM)

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE