quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Tổ Quốc: Thuỷ điện Đồng Nai 6,A6:Kinh tế hay môi trường?

Thứ Bảy, 01/10/2011 | 04:31:00 PM

(Toquoc) – Tỉnh Đồng Nai và mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) kịch liệt phản đối nhưng Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam lại đồng ý thực hiện cả hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và A6.

 
Sự đánh đổi giữa kinh tế với môi trường ở hai dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6, liệu có xứng đáng?
Các nhà khoa học khảo sát vị trí dự kiến xây dựng hai thuỷ điện Đồng Nai 6,A6 (Nguồn: Pháp luật TP.HCM)
Đồng thuận
Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai và mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VNR) kịch liệt phản đối hai dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6. Hai dự án này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi Thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6 được cho là tác động đến hệ sinh thái Vườn Quốc gia Cát Tiên. Hôm qua (30/9), tiếp tục cuộc tranh luân này, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ((VACNE) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Các vấn đề môi trường liên quan đến Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6”.
Khác với những Hội thảo trước đây, tại Hội thảo này, có rất ít ý kiến phản biện hai dự án thuỷ điện nói trên (!?). Mọi tham luận trình bày đều làm nổi bật những mặt tích cực của hai dự án. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ nhiệm dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A nêu quan điểm rằng, cần phải tiến hành xây dựng hai dự án trên vì sẽ bổ sung nguồn thuỷ điện có quy mô khá lớn như Đồng Nai 6 và A6 vào Quy hoạch điện 7, góp phần giảm bớt áp lực thiếu điện.
Đề cập đến các ưu điểm của dự án, ông Sỹ cho rằng, dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A là một trong nhưng dự án có công suất lớn (241MW) nhưng chiếm tỷ lệ đất để xây dựng rất ít (1,545ha/MW). Ngoài ra, nhà máy sau đập phía bờ phải, hồ điều tiết ngày nên không gây ra sông chết phía hạ lưu và hầu như không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu. Bên cạnh đó, dự án còn có nhiều ưu điểm như: không ảnh hưởng đến dân cư, đất nông nghiệp hay công trình công cộng khác, do đó không phải thực hiện công tác di dời, đền bù, tái định cư... Ngay cả toàn bộ đường giao thông phục vụ thi công và vận hành được tận dụng từ đường lâm sinh và đường dân sinh có sẵn, đều đi từ phía bờ phải thuộc tỉnh Đăk Nông và Bình Phước. Các mỏ vật liệu đá, cát cũng khai thác từ phía tỉnh Đăk Nông và Bình Phước, do đó sẽ không gây ra chia cắt sinh cảnh hay ảnh hưởng lớn đến Vườn Quốc gia Cát Tiên.
“Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa những ảnh hưởng đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên bằng việc dùng các thiết bị giảm ồn khi thi công để khỏi ảnh hưởng tới người dân và khu vực sinh sống của Tê giác, đồng thời trồng bù diện tích rừng bị mất bằng các loài cây bản địa, phát triển nhanh và có chức năng phòng hộ, giữa đất, giữ nước tốt…”, ông Sỹ cam kết.
Trong bài tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, Trưởng ban Phản biện xã hội (VACNE) nhắc lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong văn bản báo cáo Thủ tướng khẳng định: Ý kiến của các bộ, ngành và địa phương có liên quan đều đồng tình với hai dự án.
Tuy nhiên, ông Hoè cũng thừa nhận hai dự án trên có gây tác động tiêu cực nhất định đến môi trường, đến Vườn Quốc gia Cát Tiên và dòng chảy sông Đồng Nai nhưng không đến mức nghiêm trọng như một bộ phận dư luận xã hội đánh giá.
Cụ thể, hai công trình này sẽ ít gây gián đoạn dòng chảy cho hạ lưu. Việc xây dựng tuy có ảnh hưởng đến tài nguyên rừng nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bảo tồn loài tê giác và sinh cảnh Bầu Sấu của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Các mục tiêu cơ bản của Vườn vẫn được đảm bảo do diện tích chuyển mục đích không lớn và kéo dài theo dải hẹp dọc sông Đồng Nai là ranh giới ngoài của Vườn.
Chính vì những lý do trên, nhiều ý kiến trong đó có ông Hoè cho rằng, những đánh đổi giữa việc xây dựng hai dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6 và gìn giữ môi trường là việc cần phải làm.
Băn khoăn chuyện đánh đổi
Dù không chủ đạo nhưng tại Hội thảo này, vẫn có một số quan điểm tiếp tục bày tỏ sự không đồng tình với việc cho thi công hai dự án trên bởi việc gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên và môi trường là vô cùng cần thiết.
Thực tế, sông Đồng Nai đã bị “bội thực” nhà máy thuỷ điện (hiện có tới 14 thuỷ điện trên khúc sông dài 420km) khiến con sông bị chia cắt thành những “cái ao” khổng lồ. Nay nếu “gánh” thêm hai Thuỷ điện 6 và A6 càng làm thay đổi cơ cấu dòng chảy, tăng khả năng đe doạ lũ vào mùa mưa, làm thiếu nước sinh hoạt mùa khô. Việc tiếp tục cho xây dựng hai thuỷ điện này cũng tác động rất lớn đến hệ sinh thái toàn khu vực, đặc biệt là Vườn Quốc gia Cát Tiên, gây mất mát nhiều giá trị đa dạng sinh học quý và tiềm ẩn, làm tăng nguy cơ săn bắt và chặt phá rừng...
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên: Đứng về phương diện bảo tồn thì tôi không ủng hộ dự án. Tuy nhiên, đây là dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế, do vậy tôi đề nghị cần nghiên cứu khoa học, minh bạch, chính xác về những tác động đến môi trường trước khi thực hiện.
Cùng quan điểm trên, GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á bày tỏ băn khoăn về việc phải đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường đối với hai dự án này.
“Đánh đổi trong trường hợp này liệu có cần thiết khi mà ngay ở các bước chuẩn bị do chủ dự án- Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đảm nhiệm- còn chưa thuyết phục. Cần phải trình bày cụ thể 136,98 ha đất của Vườn Quốc gia Cát Tiên dùng cho hai dự án thuỷ điện nằm ở phía nào? Mọi vấn đề phải được trình bày một cách cụ thể chứ không thể cứ chung chung. Thêm nữa, việc chủ đầu tư hứa trồng bù diện tích rừng bị mất là phải thực hiện chứ không nên có chuyện hứa rồi để đó. Ngoài ra cũng cần phải giám sát theo dõi xem chủ đầu tư có chịu trách nhiệm đối với một số công việc trong quá trình thực hiện các dự án hay không? Ngay cả Báo cáo tác động môi trường cũng phải làm rõ mặt tích cực, tiêu cực, trách nhiệm phải rõ ràng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tham luận của UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng việc xây dựng hai dự án trên sẽ làm hạn chế dòng chảy theo chu kỳ hằng năm nhất là vào các thời điểm mùa khô và thời điểm điều tiết lũ, dẫn tới tình trạng vào mùa khô các vùng dọc sông Đồng Nai cần nước sẽ không có nước; ngược lại mùa lũ cần tiêu thoát nước thì hồ thủy điện lại xả lũ.
Đến nay, Báo cáo tác động môi trường của hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6 còn chưa thực hiện xong. Việc Báo cáo sẽ được phê duyệt như thế nào còn chưa rõ. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là hai dự án có khả năng tác động tiêu cực đến đời sống của hàng nghìn người dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số bản địa.
Vì vậy, ông Đỗ Đức Quân, Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Mặc dù hai dự án này mỗi năm cho doanh thu khoảng 800-900 tỷ đồng nhưng không vì thế mà thực hiện bằng bất kỳ giá nào. Trước mắt cần đánh giá lại nghiêm túc, toàn diện và đầy đủ cũng như cân nhắc kỹ càng lợi ích kinh tế với các tác động xã hội và tự nhiên trước khi quyết định thực hiện”.
Hai dự án thủy điện trên đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Với chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội các vấn đề liên quan đến môi trường, thế nhưng tại buổi Hội thảo này, trong khi còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời thoả đáng nhưng VACNE vẫn bày tỏ sự đồng thuận (?).
Hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6 được tách ra từ Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 – đây là dự án nằm trong quy hoạch khai thác bậc thang thuỷ điện sông Đồng Nai, do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) làm chủ đầu tư.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1483/CP-CN ngày 19/11/2002, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch bậc thang thuỷ điên trên sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/QĐ-BTC ngày 14/10/2010. Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.
Từ quy hoạch này, Chính phủ đưa hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và A6 vào danh mục các dự án nguồn điện dự kiến được đưa vào vận hành giai đoạn 2011-2020.
Sau vụ “lùm xùm” vì Báo cáo tác động môi trường (tóm tắt) của hai dự án trên do Tập đoàn Đức Long Gia Lai thuê Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam làm bị dư luận cho rằng, báo cáo có nhiều sai sót và ngớ ngẩn… Ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai, cho biết, hiện Báo cáo đang đươc làm lại và sắp hoàn thiện. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thuê một số một số cơ quan có uy tín và kinh nghiệm thực hiện. Sau khi hoàn thiện, Báo cáo sẽ được nộp lên Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Quỳnh Anh
(Tổ Quốc)
 
 

Lượt xem: 3053

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE