quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tỉnh Đồng Nai có thể kiện Vedan ra tòa

Thứ Tư, 25/08/2010 | 02:11:00 PM

Tại sao ngay từ đầu chính quyền các địa phương, mà trực tiếp là UBND không đứng nguyên đơn dân sự kiện Vedan ra toà, mà lại để hàng ngàn người dân đứng nguyên đơn dân sự?

 

Tác giả: Đinh Văn Quế

Vì sao lại để dân đứng ra kiện?

Vedan đã chấp nhận bồi thường cho nhân dân ở 2 địa phương: TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và cũng đã ký "Bản thoả thuận bồi thường" 2 địa phương này. Nhưng còn tỉnh Đồng Nai thì vẫn gặp nhiều trở ngại, do chưa đưa ra được mức thiệt hại mà thời hiệu khởi kiện cũng đã sắp hết. Liệu từ nay đến 12-9-2010 Vedan và hàng ngàn hộ người dân ở tỉnh Đồng Nai có ký được "Bản thoả thuận bồi thường" như đối với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không?

Điều gì sẽ xảy ra nếu hết ngày 12-9-2010, "Bản thoả thuận bồi thường" vẫn không được ký? Trong khi đó thiệt hại mà Vedan gây ra cho tỉnh Đồng Nai gấp nhiều lần so với 2 địa phương TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nhìn lại quá trình, diễn biến vụ Vedan gây ô nhiễm dòng sông Thị Vải chảy qua 3 địa phương nói trên mới thấy sự "lọc lõi" của Công ty này. Thoát được vòng lao lý vì pháp luật của ta chưa hoàn thiện, Vedan định "xù" luôn cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cho đến phút 89 trước sức ép của dư luận, người tiêu dùng bắt đầu tẩy chay sản phẩm của Vedan thì họ mới chịu nhượng bộ một phần. Số tiền mà Vedan chấp thuận bồi thường cho người dân ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với thiệt hại thực tế mà Vedan gây ra.

Về phía ta, phải nhìn nhận rằng, đến thời điểm này chính quyền ở 3 địa phương đã không bỏ rơi người dân. Từ chỗ không có chủ trương hỗ trợ tiền tạm ứng án phí, đến nay chính quyền không chỉ chi tiền tạm ứng án phí cho người dân đi kiện, mà còn chỉ đạo các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng hỗ trợ. Đặc biệt phải kể đến tấm lòng của các luật sư ở TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tận tình trợ giúp pháp lý cho người dân khi họ đi kiện Vedan ra toà.

Vedan đã bức tử sông Thị Vải trong nhiều năm

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nói rằng, tại sao ngay từ đầu chính quyền các địa phương, mà trực tiếp là UBND không đứng nguyên đơn dân sự kiện Vedan ra toà, mà lại để hàng ngàn người dân đứng nguyên đơn dân sự?

Chưa kể những khó khăn cho người dân, mà ngay cả đối với Toà án cũng bị áp lực quá tải. Một toà án cấp huyện mà cùng một lúc phải thụ lý và giải quyết hàng ngàn vụ án, sẽ tiến hành xét xử như thế nào trong khi mỗi tòa án cấp huyện nhiều lắm cũng chỉ hơn 10 thẩm phán.

Nếu UBND của 3 địa phương đứng nguyên đơn kiện Vedan thì chỉ có 3 vụ án, việc giải quyết (hoà giải hay xét xử) cũng sẽ dễ dàng hơn và cũng chính xác hơn. Quyền lợi của hàng ngàn bà con sống ở ven sông Thị Vải vẫn được bảo vệ. Số tiền mà Vedan bồi thường cho 3 địa phương sẽ được chính quyền chi trả cho nhân dân bị thiệt hại, mối quan hệ giữa nhân dân với chính quyền cũng dễ giải quyết hơn.

Nhìn từ góc độ pháp lý, thì UBND của 3 địa phương này hoàn toàn đủ tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án, bởi lẽ: Theo khoản 2 Điều 56 Bộ Luật tố tụng Dân sự thì, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn".

Ai là người bị hại trong vụ án này?

Về thiệt hại do Vedan gây ra là sự thiệt hại đến lợi ích công cộng và lợi ích của nhà nước, trong đó có lợi ích của hàng ngàn người dân sống ven hai bờ sông Thị Vải. Giả thiết, Công ty Vedan mà người đứng đầu hoặc những người khác trong công ty có hành vi phạm tội gây ô nhiễm nguồn nước theo Điều 183 Bộ Luật Hình sự 1999 (chưa được sửa đổi, bổ sung) và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì ai là người bị hại trong vụ án hình sự này?

Phải chăng là hàng ngàn người dân sống ven hai bờ sông Thị Vải. Chắc chắc không phải như vậy! Khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, cơ quan điều tra đã rất muốn khởi tố vụ án hình sự nhưng do Điều 183 Bộ Luật Hình sự quy định chưa rõ ràng nên không được sự đồng thuận của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nếu hành vi của Vedan xảy ra sau ngày 01-01-2010 thì theo Điều 182 Bộ Luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Bộ Luật Hình sự năm 1999 chắc chắn những người có hành vi gây ô nhiễm nguồn nước ở Công ty Vedan không thể tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự này không ai khác chính là UBND của 3 địa phương bị gây thiệt hại.

Người dân Đồng Nai đã tự đứng ra kiện Vedan
Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "gây ô nhiễm nguồn nước" theo Điều 183 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (nay là tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 182), nhưng không vì thế mà cho rằng UBND 3 địa phương trên không còn là nguyên đơn dân sự trong vụ án dân sự.

Đối với 2 địa phương: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh, coi như chuyện đã rồi. Mọi thủ tục để nhận tiền bồi thường thiệt hại của Vedan cho người dân như đã thoả thuận sẽ được thực hiện theo các điều khoản trong biên bản thoả thuận.

Nhưng còn tỉnh Đồng Nai, thời hạn khởi kiện sắp hết, việc Vedan đưa ra mức bồi thường thiệt hại 120 tỷ cho người dân ở tỉnh này chưa được đồng thuận, thì nên chăng UBND (cấp tỉnh hoặc cấp huyện) đứng nguyên đơn kiện Vedan ra toà án để toà án thụ lý giải quyết. Mọi thoả thuận giữa Vedan với UBND sẽ được tiến hành tại toà án. Nếu không thoả thuận được thì toà án sẽ xét xử bằng một bản án dân sự. Làm cách này, sẽ tránh được những phiền hà cho người dân và cũng thuận lợi cho việc giải quyết của toà án.

(Tuần VN, 25/8/2010)

Lượt xem: 1585

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE