Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), dự kiến đến hết năm 2020, Hà Nội sẽ có 1.000 sản phẩm được công nhận, cấp sao. Để các sản phẩm này có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, các cấp, ngành chức năng thành phố đang triển khai nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả, từ đó tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế của các địa phương.
Các hộ sản xuất mây, tre, giang đan tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm của thành phố Hà Nội. Ảnh: Mạnh Dũng.
Chất lượng tốt... nhưng vẫn lo đầu ra
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, sau gần 2 năm triển khai, toàn thành phố đã có 301 sản phẩm nông sản, làng nghề được cấp sao. Tiếp tục xác định OCOP là một trong những mũi nhọn để thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đang đẩy mạnh chương trình này. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh thông tin, huyện đã xây dựng Đề án về phát triển OCOP và cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Hiện nay, Đông Anh có 270 sản phẩm tiềm năng, huyện phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Trên thực tế, để được công nhận OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường và có “câu chuyện sản phẩm”. Do vậy, có thể khẳng định: Mỗi sản phẩm OCOP thật sự là tinh hoa làng nghề, tinh hoa của vùng đất và là niềm tự hào của người Hà Nội.
Tuy nhiên, đưa sản phẩm này ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt là điều không đơn giản. Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh Hà Thị Vinh cho biết, 80% sản phẩm của công ty phục vụ xuất khẩu nhưng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu giảm, từ đó đặt ra vấn đề phải phát triển thị trường trong nước để duy trì sản xuất. Tuy nhiên, theo Trưởng ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Hà Văn Lâm, những sản phẩm của làng nghề dù rất đẹp nhưng vẫn chịu cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc vì có giá thành thấp hơn.
Về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho hay, xã Thụy Lâm hiện có 570ha trồng lúa nếp cái hoa vàng/vụ, chiếm 98% diện tích trồng lúa của địa phương. Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nhưng nông dân chủ yếu bán gạo trên thị trường tự do. Vì chưa có sự liên kết với các nhà bán lẻ nên chưa hình thành được đầu ra ổn định.
Những vấn đề nêu trên hiện là khó khăn, thách thức chung với các sản phẩm OCOP ở nhiều địa phương. Việc này rất cần được tháo gỡ để những sản phẩm tinh hoa của Hà Nội có vị thế xứng đáng trên thị trường và trong lòng người tiêu dùng.
Đưa sản phẩm đến người tiêu dùng
Rau mầm là sản phẩm OCOP của Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà
(xã Ninh Sở, huyện Thường Tín).
Thực tế, việc tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP luôn được thành phố quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thị trường nội địa chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp kết nối, quảng bá, giới thiệu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Nổi bật là mới đây, tại chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), thành phố đã khâu nối để các doanh nghiệp ký kết 179 biên bản ghi nhớ về hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các tỉnh, thành phố và các chủ thể tham gia chương trình OCOP. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam Đỗ Hoàng Thạch, các doanh nghiệp không dễ đến gặp gỡ từng đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP ở các vùng, miền nên những sự kiện như vậy có rất nhiều ý nghĩa.
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm, phường Xuân Phương, (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: "Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều có chất lượng tốt. Do vậy, cùng với các chính sách hỗ trợ kích cầu của thành phố, chủ thể tham gia chương trình OCOP cần chủ động thực hiện các giải pháp đưa sản phẩm ra thị trường; đồng thời đầu tư đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng".
Trao đổi về các giải pháp trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Để giúp sản phẩm OCOP chinh phục thị trường, Hà Nội sẽ hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm OCOP, đặt tên gọi riêng cho mỗi sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết trên thị trường. Thành phố cũng sẽ quyết liệt trong quản lý thị trường để loại bỏ hàng giả, hàng nhái, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các sản phẩm, kích thích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt.
"Từ kinh nghiệm tổ chức các hội chợ OCOP, chúng tôi nhận thấy đã thu hút được nhiều người tiêu dùng Thủ đô mua sắm. Do vậy, thời gian tới Hà Nội sẽ tổ chức các hội chợ OCOP thường xuyên hơn; đưa sản phẩm vào các chợ đầu mối để phân phối rộng rãi ra thị trường. Việc này sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận được những sản phẩm bảo đảm chất lượng", ông Tạ Văn Tường thông tin.