quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Thiền học và Bảo vệ Môi trường

Thứ Ba, 28/09/2010 | 06:20:00 PM

Sự phát triển như vũ bão cùa khoa học công nghệ hiện đại, không ngờ, lại đưa giới khoa học nhất là Âu - Mỹ, tiệm cận với Thiền học có từ cả ngàn năm trước. Phân tích một số khía cạnh của khoa học công nghệ hiện đại như sản xuất gốm méo Phù Lãng, phát triển Du lịch Thiền, Bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho thấy sự tích hợp giữa Khoa học công nghệ và Thiền học có thể đưa đến những kết quả không ngờ.

 
(Bài báo này đã được đăng trên Tạp chí Khoa học và Tổ Quốc số tháng 9/2010, xin giới thiệu với bạn đọc trên WEB của Hội)
Nguyễn Đình Hòe VACNE
Thiền là gì
Thiền chỉ có thể “ngộ” được mà “không hiểu” được – các thiền sư vẫn nói vậy. Vì Thiền là một kiểu nhận thức “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm” có nghĩa là “chẳng thể viết ra được, truyền thụ bằng cách ngoài tất cả các cách truyền thụ, đi thẳng vào tâm”. Vậy mà trên thế giới sách viết về thiền rất nhiều, chủ yếu là của các nhà khoa học Âu – Mỹ. Hầu như không thể hiểu đủ về Thiền, tuy nhiên cũng có thể tiếp cận Thiền.
Hãy đọc hai cách diễn tả  sau:
1/Có yêu thì nói rằng yêu, không yêu thì nói một điều cho xong, sao nàng nửa đục nửa trong, lờ lờ nước hến cho lòng anh đau
2/Muốn bắt phải thả, muốn lấy phải cho, muốn nói nhiều thì hãy nói ít, muốn gần phải xa, muốn ghét phải yêu, muốn cao phải thấp
Giữa hai cách diễn tả này có sự khác biệt nào? Trong khi cách thứ nhất biểu hiện ý tưởng thuần túy lôgic, thì cách 2 chứa đựng sự mâu thuẫn phi lôgic hay còn gọi nhà tư duy Thiền (Zen). Tư duy lo gic luôn đòi hỏi sự chứng minh khoa học, tư duy Zen đòi hỏi sự cảm nhận trong tĩnh lặng. Có thể hiểu vấn đề bằng tư duy khoa học- nếu khoa học có thể chứng minh hay bác bỏ, nhưng muốn biết về vấn đề thì cần tư duy Zen- ngoài khoa học, cái biết trong Zen được gọi là ngộ.
Tiến sỹ Suzuki, D.T. là nhà khoa học Nhật đầu tiên viết một bộ sách nổi tiếng mà ngày nay vẫn được sử dụng như sách gối đầu giường cho những ai muốn “hiểu” về Thiền học (chú ý: hiểu chứ không phải ngộ). Đó là tác phẩm Thiền Luận đã được nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh dịch và xuất bản năm 2005. Ông đã cố giải thích thất đơn giản Thiền là gì nhưng cũng không mấy người hiểu được. Chúng ta thử cố đọc qua:
Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tính chúng ta…khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tụ trong mỗi người (tr. 9). Thiền trực tiếp kêu gọi chứng nghiệm bản thân thay vì kiến thức của sách vở (tr. 15).Trí thức là sự hiểu biết bằng giác quan, suy luận, có đặc điểm là phân biệt và chấp ngã. Hãy để cho trí thức động dụng trong thế giới riêng của nó, dầu sao cũng có chỗ dùng, nhưng đừng để nó cản trở dòng đời (tr. 17).
Trong ý thức của chúng ta có mộtvùng đất hoang chưa được khai phá hoàn toàn và triệt để. Cái đó thường được gọi là Vô thức hay Tiềm thức. Vô thức là kho chứa đủ huyền năng bí lực. Sự thức tỉnh Vô thức thông thường được gọi là Ngộ, có được nhờ tham quán những lời nói và việc làm trào ra thẳng từ chỗ sâu kín không bị trí thức và tưởng tượng che mờ (tr. 34).
Một (= Không) tức là Tất cả (= Sắc), Tất cả tức là Một- chính trong cái chỗ “là Một” tuyệt đối ấy, Thiền đặt căn bản của Đạo pháp (tr. 326). (Ngộ) là khám phá ra một thế giới mới chưa bao giờ hiển lộ cho những người bị điên đảo vì luận giải Nhị nguyên (tr. 271).Thiền không tin tri thức, không viện phép biện luận cổ truyền mà tự nắm lấy vấn đề bằng những cách riêng (tr. 328).Trong Thiền không có gì là khuôn là nếp hết. Mỗi người tự giải quyết nỗi khó khăn riêng bằng những cách khác nhau. Đó là chỗ độc đáo của Thiền, đầy sinh khí sáng tạo (tr.337). Thiền không thể cầu được trong ngôn ngữ văn tự, dầu vẫn dùng ngôn ngữ văn tự để truyền đạt (tr. 358).Thiền là những cảm nghĩ hàng ngày của ta- nghĩa là trong Thiền không có gì là siêu nhiên, là kỳ quặc, là cao kiến, vượt ra ngoài cuộc sống hàng ngày (tr. 374). Thiền không phải để giải thích, mà là để sống. Bằng không thì luận giải nào cũng chỉ là khái niệm suông gây đau khổ vô lối và thất vọng ê chề (tr. 385)(4)
Thiền không phải Phật giáo hay bất cứ tôn giáo nào. Thiền là một cách sống, một cách tư duy. Chính Đại Đức Thích Đức Thiện trong lời dẫn cho cuốn sách Thiền là gì (6) đã khẳng định rằng: Thiền không phải là tôn giáo cũng không phải là phép tu luyện thần thông, mặc dù nhiều bậc thiền sư kiên trì công phu rèn luyện đã có những năng lực siêu phàm. Thiền thực chất là một nghệ thuật đi vào đời sống mọi người( tr. 5-6).
 
Thiềnhọc vào Việt Nam
Các phương pháp luyện tập Yoga của Ấn Độ giáo cổ xưa nhằm tiếp cận với cõi vô thức đã xuất hiện khoảng 3000 - 3500 năm trước là xuất phát điểm của Thiền. Trong số 8 kỹ thuật Yoga, kỹ thuật thứ 7 có tên tiếng Phạn là Dhyana, có nghĩa là "tịch lự" - một hình thức chiêm nghiệm tĩnh lặng để hiểu thấu những vấn đề bản thể thế giới và cá nhân. Khoảng 2500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi áp dụng Dhyana vào tu tập Phật pháp, đã sáng tạo ra dòng Thiền đầu tiên trong lịch sử minh triết phương Đông có tên là Thiền Thiên Trúc. Cũng trong khoảng thời gian đó, Đạo Lão (Tử) đã xuất hiện ở Trung Quốc. Đạo là nguyên lý vận hành sự biến dịch của thiên nhiên mà cơ bản là sự biến đổi và chuyển dịch giữa cái Vô (quy luật) và cái Hữu (hiện tượng và sự vật cụ thể).
          Khoảng năm 520 CN, tức là 1000 năm sau khi xuất hiện dòng Thiền Thiên Trúc Ấn Độ, vị sư tổ đời 28 của dòng Thiền Thiên Trúc là Bồ Đề Đạt Ma sang truyền đạo ở Trung Quốc. Sự kết hợp giữa Dhyana và Đạo Lão đã làm xuất hiện Thiền Tông Trung Hoa, được gọi là Ch'an (hoặc T'an). Ch'an đi vào đời sống và đã góp phần phát sinh trường phái nghệ thuật Thiền nổi tiếng với các tác phẩm tranh thuỷ mặc và thơ Thiền. Quân Nguyên tiêu diệt nhà Tống khiến Ch'an đi vào thoái trào, nhưng đã kịp truyền bá sang Nhật Bản (1).
          Đến đất nước Phù Tang, Ch'an gặp được mảnh đất màu mỡ để bén rễ xanh cây, đó là Thần Đạo (Shinto) - một trong các tôn giáo cổ xưa nhất thế giới. Shinto là sản phẩm của nền văn hoá nông nghiệp Nhật, vốn gắn chặt và phụ thuộc vào thiên nhiên, hơn nữa lại là một thiên nhiên đầy rủi ro động đất, núi lửa, trượt lở đất đá... Vì thế Shinto còn được gọi là "Tôn giáo Kính thờ Thiên nhiên". Ngoài những lễ nghi và tập tục, Shinto còn là sự biểu cảm sức mạnh và vẻ đẹp tự nhiên. Sự kết hợp giữa Ch'an Trung Quốc và Shinto Nhật Bản tạo ra Zen (Thiền Nhật Bản). Ngày nay, Zen trở thành phổ biến và là thuật ngữ tiếng Anh chính thức của Thiền. Zen không chỉ là cách tụ tập của Phật giáo, mà còn là một lối sống có triết lí giản dị nhưng thâm trầm, đậm sắc thái Nhật Bản hàng ngàn năm trở lại nay của phần đông dân chúng. Zen đi vào nhiều mặt của đời sống Nhật như điêu khắc, nghệ thuật tranh Mặc hội (Sumiye), xây dựng các công viên Thiền (ví dụ điển hình là công viên đá Royanji ở Kyoto), kịch No, kịch Kabuki, thơ Haiku 17 chữ, kỹ thuật bắn cung, võ judo, kiếm đạo (Kendo), trà đạo (Chanoyu), nghệ thuật cắm hoa (Ikebana), nghệ thuật nấu ăn, giáo dục con cái, chăm sóc nhà cửa, kinh doanh và du lịch. Tầm cao của lối sống Nhật mang đậm phong cách Thiền là Võ sĩ đạo (Bushido)... Đặc trưng chung của lối sống Thiền là tĩnh lặng, giản dị, hướng về thiên nhiên, tạo lập cân bằng của tâm hồn bằng cách hoà nhập cá nhân với thế giới thực tại, tăng cường năng lực sáng tạo và giải toả stress do cuộc sống hiện đại gây ra (1).
          Du nhập sớm nhất của Thiền vào nước ta là dòng Thiền Thiên Trúc Ấn Độ với Thiền sư Vinitaruci (Tini Đa lưu chi) ở chùa Dâu - Bắc Ninh (năm 580), 240 năm sau đến lượt dòng Thiền Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang (năm 820) ở chùa Kiến Sơ, Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội. Triều nhà Lý xây dựng dòng Thiền Thảo Đường mang đậm dấu ấn Chămpa với 3 vua Lý là những thiền sư của dòng này: Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Đến thời Trần (thế kỷ 13), vua Trần Nhân Tông sáng tạo ra dòng Thiền Trúc Lâm (3). Về cơ bản, các dòng Thiền trên là Thiền tông Phật giáo. Tuy nhiên, lối sống Thiền theo thời gian đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của nhân dân bên ngoài các Phật đường. Không kể nghệ thuật bonsai và cắm hoa có ảnh hưởng từ Zen Nhật Bản, dấu ấn Thiền trong đời thường còn gặp ở nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, nhất là ẩm thực Hà Nội và Huế, trong một số phong cách nghệ thuật sắp đặt vườn nhà và nội thất, trong môn võ Thái cực trường sinh đạo, trong nghệ thuật gốm méo ở Phù Lãng (Bắc Ninh), trong các dòng thơ Thiền (Thiền thi) và ca nhạc Thiền (Thiền ca). Cũng còn gặp các Zen café hay Zen spa ở một số thành phố du lịch.       
Du lịch Thiền
          Chính vì những đặc trưng trên đây của Zen nên cư dân của các nước công nghiệp phát triển Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... tìm đến Zen như một hoạt động du lịch thư giãn. Nhu cầu du lịch Thiền ngày càng gia tăng cùng sự gia tăng nhu cầu thư giãn của con người dưới sức ép công nghiệp hoá và đô thị hoá, đã tạo ra doanh thu mỗi năm của Du lich Thiền ở Nhật đạt đến 30 tỷ USD. Du lich Thiền ở Nhật không nhất thiết là một kiểu du lịch tách biệt, nó có thể xen ghép với các loại hình du lịch thông thường khác và rất đa dạng. Trong một hành trình đi bộ (hiking) thông thường, du khách có thể viếng thăm các khu rừng lá đỏ (Momiji no ryoko), ngồi lặng lẽ trong những am cỏ nhỏ nghe suối chảy róc rách, ngâm tắm nước nóng hay cát nóng, uống rượu ngắm hoa anh đào (hanamizake)... Du lịch Thiền không đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng hay đối tượng du lịch mà quan trọng hơn là cách thưởng ngoạn, cách chiêm ngưỡng khu trú vào đối tượng để hoà mình với đối tượng du lịch, do đó vai trò của người hướng dẫn du lịch là rất quan trọng(2).
          Sự phát triển Du lịch Thiền trên cơ sở một xã hội có phong cách sống Thiền đã khiến cho thiên nhiên Nhật Bản được bảo vệ rất tốt. Chính Hội các đền thờ Shinto là tổ chức đầu tiên đề xuất việc bảo vệ môi trường ở đất nước này.
          Vốn là một đất nước nông nghiệp truyền thống lâu đời, người Việt có tín ngưỡng tôn kính thiên nhiên qua phong tục thờ các nữ thần như nữ thần rừng núi (Thánh mẫu Thượng ngàn), nữ thần mây (Pháp Vân), nữ thần sấm (Pháp Điện), nữ thần mưa (Pháp Vũ), nữ thần nước (Bà Thuỷ/Thoải), phong tục cúng thần cây đa, ma cây gạo... Những hình thức tín ngưỡng cổ xưa này có nhiều nét tương đồng với Shinto của Nhật và là mảnh đất thuận lợi tiếp nhận các đợt sóng Thiền du nhập vào nước ta qua chiều dài lịch sử dân tộc.
Phù Lãng: khúc thiền ca trong gốmméo
          Làng gốm Phù Lãng nằm trên những quả đồi thấp, trải dài xuống các vạt phù sa hẹp trên bờ phải sông Cầu thuộc huyện Quế Võ - Bắc Ninh. Từ lâu, Phù Lãng đã nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ những sản phẩm gốm méo. Sau khi dùng bàn xoay tạo xương các lọ lộc bình, nghệ nhân làm méo, làm lõm, hoặc xẻ đôi miệng lọ rồi vặn chéo đi... có rất nhiều kiểu làm méo mó chiếc lọ. Tại những chỗ méo đó, nghệ nhân thêm các hoa văn trang trí. Sau khi nung chín, những chiếc lọ thật đa dạng với những cách méo mó, xù xì rất khác nhau. Gốm méo Phù Lãng ngày càng được ưa chuộng, không chỉ trong các hộ gia đình mà cả ở những khách sạn sang trọng. Các sản phẩm gốm méo thu hút tâm trí người chiêm ngưỡng đến kỳ lạ. Chúng không hề hoàn hảo, không kiêu sa, nhưng rất thực như cuộc sống. Chúng minh chứng một triết lí của Thiền học cho rằng trong đời không có gì hoàn hảo, rằng hoàn hảo là khô cứng, chính những gì không hoàn hảo mới là thực sự hoàn hảo, vì chúng là đời thực, hơn nữa mỗi sản phẩm là duy nhất trong thế giới này. Và cũng chính từ chỗ thiếu hoàn hảo đó đã phát sinh sự sáng tạo, sự đa dạng đến vô cùng... tạo nên vẻ đẹp của cuộc sống.
          Cũng như các bài thơ Haiku, ở gốm méo Phù Lãng, những điều quan trọng và cốt lõi nhất lại không phải là cái được nói ra hay nhìn thấy. Chúng tiềm ẩn trong khoảng tĩnh lặng vô ngôn vô hình giữa các họa tiết xù xì, bất đối xứng và không hoàn hảo mà người xem gốm chỉ có thể cảm nhận được mà khó nói nên lời.Gốm méo Phù Lãng là khúc thơ thiền không lời, cũng như thiên nhiên và những con người nhân hậu mà ta có thể gặp mọi nơi trên đất nước này.
          Làng gốm Phù Lãng đón tiếp ngày càng đông không chỉ khách hàng mà cả khách du lịch. Phù Lãng trở thành một điểm sáng giá trong loại hình du lịch Thiền mới mẻ, nhất là nó lại nằm trên đường từ Hà Nội đi Yên Tử - quê hương của Trúc Lâm Thiền Tông
Thiền học với Bảo vệ thiên nhiên và môi trường
Tư duy logic (Khoa học Công nghệ) và tư duy cảm nhận (Zen-Thiền) tưởng chừng như hai mặt của một vấn đề, như nước và lửa, không có thể đi chung một đường. Nhưng thực tế hai cách tư duy đó vẫn đi chung đường, vì chúng là sản phẩm cuả một thực tại duy nhất. Triết lý “Tích hợp Đông Tây” đã dần làm sáng tỏ khả năng này. Tuy nhiên, đây là cả một câu chuyện dài. Horioka và cộng sự (2004) (1)  đã ghi nhận có 12 nguyên lý Thiền học là cơ sở của tranh Mặc hội và thơ Haiku của Nhật Bản. Sau đó Nguyễn Đình Hòe (2006) đã xác nhận có đến 10 nguyên lý Thiền học có thể ứng dụng tốt trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (2). Cốt lõi của việc tích hợp này là tư duy nhất nguyên luận cho rằng con người là một bộ phận không thể tách rời thế giới tự nhiên. Nhà quản lý và người gây ô nhiễm thực ra cũng chỉ là một, xét về khía cạnh các mặt đối lập của một hệ thống: nếu không còn ai gây ô nhiễm hay xâm hại môi trường thì  cũng không còn ai phải làm nhà quản lý môi trường nữa. Nơi nào mà con người với vũ khí khoa học công nghệ cho rằng mình đứng trên, đứng ngoài thế giới thực tại (tức là Thiên nhiên và Môi trường theo một nghĩa nào đấy) và có quyền uy tối thượng đối với thế giới đó thì bảo vệ hay quản lý môi trường cũng chủ yếu là nói trên sách vở mà thôi. Từ sự tách rời một cách nhị nguyên đó, mới sinh ra các cách quản lý một chiều kiểu mệnh lệnh từ trên xuống (top-down approach), mới xa lạ với những nguyên lý “biến quản lý thành tự quản lý”, “đồng quản lý” vốn rất thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Câu chuyện người và chim dưới đây minh họa cho một nguyên lý Thiền học  là nhất nguyên luận trong bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường. Bạn đọc nên cảm nhận mà đừng cố “hiểu” vấn đề.
Chim và người
 
Con vạc ở chùa Simuong, Vientiane Lào
Ảnh con vạc do Đoàn du lịch-khảo sát của VACNE chụp ngày 30/4/2010
Rất nhiều ngườiở Thủ đô Vientiane (Lào) và ở tỉnh Hải Dương tin rằng giữa các loài chim và con người có một mối liên hệ tâm linh chưa giải thích được. Câu chuyện về chùa Simuong ở Vientiane và về đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương) minh họa cho niềm tin còn chưa được khoa học kiểm chứng đó. Câu chuyện càng có ý nghĩa hơn khi năm nay (2010) là năm Quốc tế về Bảo vệ Đa dạng sinh học do Liên hợp quốc khởi xướng.  
 
 
Simuong là một trong những ngôi chùa có tầm quan trọng về văn hóa và lịch sử vào bậc nhất và cũng là ngôi chùa cổ nhất ở Vientinane. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷXII – XIII và được trùng tu vào thế kỷ XVI.  Những bà mẹ trẻ có bầu lần đầu (sinh con so) đều cố đến đây làm lễ để cầu được sinh nở mẹ tròn con vuông. Ngôi chùa tọa lạc ở ngã tư các con phố Sethathirat và Samsenethai tại nơi ngày nay vẫn được người Lào theo truyền thống gọi là “bản” Simuong thuộc quận Sisattanak,Thủ đô Vientiane,Lào. Trong chùa, các bức tranh Phật hiện diện khắp nơi. Ngày nào cũng gặp người địa phương và du khách vào chùa lễ Phật với các đồ cúng là hoa, nến, quả dừa, chuối. Trước bệ thờ, có một bức tượng giống như một bào thai, sau khi lễ Phật, bà mẹ tương lai bế bức tượng lên một cách âu yếm, hôn một cách kính cẩn rồi mới đứng dậy ra về.
Theo tiếng Lào, muong có nghĩa là mẹ, Si là tên riêng của một người phụ nữ đã tự hiến sinh tại nơi sau này dựng chùa. Chùa Simuong có nghĩa là chùa Mẹ Si, còn được gọi tắt là chùa Mẹ.Truyền thuyết của Lào kể rằng vào thời gian Vientiane được khởi công xây dựng, khi viên đá móng đầu tiên được đặt, để cầu mong cho thành phố mãi trường tồn, dân địa phương đào một cái giếng, nguyện sẽ cúng thần linh một người và một con ngựa bạch. Sau khi thông tin chọn người tình nguyện hiến tế được ban ra, có một người phụ nữ đã mang thai 3 tháng tên là Si sống ở bản Xai ăn mặc đẹp đẽ đến nhìn xuống giếng 2 lần, lần thứ 3 bà nhẩy xuống giếng tình nguyện quyên sinh. Dân làng sau đó chôn xuống giếng thêm 1 con ngựa trắng. Bà Si được người địa phương gọi là mẹ Si. Giếng được lấp lại và tôn thành một ngọn tháp cao khoảng 10 m. Khu đất xung quanh sau này được xây một ngôi chùa thờ Phật – đó chính là chùa Simuong (7) .
Chuyện sẽ chỉ là cổ tích nếu chỉ có vậy. Nhưng điều k lạ là từ 10 năm nay, có một con vạc đến đậu trên đỉnh ngọn tháp đá nơi bà Si yên nghỉ. Nó đứng yên như tượng. Nó ăn rất ít bằng những chú nhái kiếm được dưới chân ngọn tháp. Sau khi ăn, nó lại bước lên đỉnh tháp đứng yên bất động như tọa thiền. Những người đến lễ chùa rất thân thiện với con vạc này và rất tự hào vì nó. Ngày 30/4/2010 vừa qua khi đoàn tham quan của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đến viếng thăm chùa Simuong, con vạc vẫn đứng trên đỉnh tháp, thỉnh thoảng nghiêng mỏ như chào du khách.
Đảo cò Chi Lăng Nam, tỉnh Hải Dương
Vào khoảng thế kỷ XV vẫn chưa có đầm và đảo cò. Vùng Chi Lăng Nam là những cánh đồng trũng, ở giữa nổi lên một gò cao trên đó tọa lạc một ngôi chùa cổ. Một năm đê sông Luộc bị vỡ, nước xoáy tạo ra một đầm nước sâu đến vài chục met. Ngôi chùa chìm xuống đáy đầm. Hiện nay chỉ còn gặp phần cổng chùa với một cây đa cổ thụ, dưới gốc cây còn hai tấm bia đá cổ đã mòn hầu như không đọc được. Nhưng sau đó chim rải rác về. Khoảng chục năm trở lại chim về các hòn đảo trong đầm dày đặc. Ngày nay với diện tích hơn 3000m2, đảo cò được đón đến 15000 con cò, 5000 con vạc, ngoài ra còn chim chả, bói cá, quốc, cú mèo…tạo thành một sân chim rất nhiều loài. Đã kiểm kê được có đến 32 loài chim trong đó có 7 loài cò (cò trắng, cò bợ, cò diệc, cò lửa,cò nghênh ngang, cò ruồi,…) và 10 loài vạc (vạc xám, vạc sao, vạc lưng xanh,…). Chiều cò về thì vạc bay đi kiếm mồi, sáng vạc về thì cò lại bay đi.
Hiện nay đảo cò Chi Lăng Nam đã trở thành khu bảo tồn chim của tỉnh Hải Dương, nhưng lực lượng bảo vệ cò nhiều năm nay vẫn là người dân xã Chi Lăng Nam. Ông Nguyễn Thanh Tấn người địa phương nói rất tự hào: “ Đảo cò là điềm may của dân làng, từ khi cò về đông, trẻ nhỏ học hành tấn tới, người già ít đau ốm, nhà nào cũng ăn nên làm ra. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ đảo cò”.Người Chi Lăng Nam nhân hậu. Họ yêu quý và tự hào vì đảo cò. Nhưng hình như đàn chim cũng rất yêu quý họ, chúng rất quen và rất dạn người.Không rõ người và chim có mối liên quan tâm linh gì không, nhưng chắc chắn chim rất thích những người nhân hậu như người dân Vientiane và Chi Lăng Nam.
 
Chú thích:
1. Horioka, C. và S.W. Holmes. 2004. Thiền trong hội hoạ - Phương pháp tìm hiều nghệ thuật cảm nghiệm thơ Haiku và tranh Mặc hội. Thanh Châu dịch, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Đình Hoè, 2006. Tích hợp Thiền học và Tiếp cận hệ thống - cơ sở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực Đông Á. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế "Hướng tới cộng đồng Đông Á - Thách thức và triển vọng". Viện Đông Bắc Á, Hà Nội, 14 - 16/09/2006.
3. Nguyễn Đăng Thục, 1997. Thiền học Việt Nam. Nxb Thuận Hoá
4. Suzuki, D.T. Thiền Luận. NXB TP HCM, 2005
6.Phạm Thị Ngọc Trâm. Thiền là gì? Nxb VHTT, Hà Nội, 2004
 
 
 
 

Lượt xem: 1569

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE