quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Thêm bằng chứng khoa học kết tội Vedan

Thứ Năm, 20/05/2010 | 07:11:00 AM

Số lượng thực vật phiêu sinh ở sông Thị Vải giảm đáng kể, trong khi đó động vật đáy lại tăng mạnh với các loài chiếm ưu thế là giun nhiều tơ và tay rắn... là một phần bằng chứng cho thấy Vedan đã "giết sông Thị Vải" như thế nào.

 

Các bằng chứng khoa học này vừa được công bố tại hội thảo khoa học “Quản lý môi trường và an toàn lao động doanh nghiệp” do Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM tổ chức ngày 19-5. Các nhà nghiên cứu đã công bố một công trình đánh giá diễn biến hệ sinh thái sông Thị Vải do tác động của các hoạt động công nghiệp dọc tả ngạn sông Thị Vải, đặc biệt do chất thải từ nhà máy bọt ngọt Vedan.

Hệ sinh thái biến đổi do ô nhiễm

Theo các nhà nghiên cứu, Vedan xả nước đen ra sông Thị Vải làm biến đổi hệ sinh thái - Ảnh tư liệu

Sông Thị Vải có độ sâu lớn, chịu tác động chính của triều biển Đông nên khi chưa bị tác động của các dòng nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp nằm hai bên bờ sông, màu nước trong. Nhưng từ khi bị nhiễm bẩn nước thải từ nhà máy bột ngọt Vedan, dòng sông có màu đen. Vào thời kỳ nước ương (7 đến 11 và 22 đến 26 âm lịch hằng tháng), dòng nước đen hôi chảy ra tới khu vực cửa Cái Mép.

Hiện tượng cá chết ở sông Thị Vải và một số rạch nhỏ khu vực lân cận ngày 2-10-1994 được coi là điểm mốc biến đổi lớn của hệ sinh thái sông Thị Vải. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng thực tế sự biến đổi này xảy ra từ trước đó.

Nhóm nghiên cứu cho rằng hiện tượng giảm số lượng thực vật phiêu sinh ở sông Thị Vải ở thời điểm tháng 3 và 10-1995 có thể do dòng sông bị nhuộm màu đen từ nước thải của phân xưởng sản xuất bột khoai mì tinh nhà máy bột ngọt Vedan đã ức chế khả năng quang hợp, sinh trưởng và phát triển của thực vật phiêu sinh.

Lần thu mẫu tháng 7-1994, khi nhà máy superphosphate Long Thành chính thức đi vào sản xuất nhưng chưa có khu xử lý nước thải tuần hoàn, hệ thống thu gom khói bụi và nhà máy bột ngọt Vedan trong giai đoạn sản xuất thử. Nước thải của hai nhà máy này xả trực tiếp ra sông Thị Vải và đã kích thích sự phát triển số lượng của thủy sinh vật.

Từ tháng 10-1994, khu hệ thủy sinh vật ở sông Thị Vải và các sông nhánh của nó biến đổi rất nhanh về cấu trúc thành phần loài, theo hướng giảm số loài nước mặn chính thức và ưa môi trường nước ít bẩn, tăng số loài hoại sinh. Khi tiếp nhận dòng nước thải từ nhà máy bột ngọt Vedan, sông Thị Vải xuất hiện 8 loài tảo mắt thuộc chi Trachelomonas (Euglenophyta) - là các loài chỉ thị cho môi trường giàu và nhiễm bẩn chất hữu cơ…

Chất thải của Vedan hủy hoại môi trường

Công trình nghiên cứu “Diễn biến hệ sinh thái sông Thị Vải do tác động nước thải công nghiệp” được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, dữ liệu liên quan đã có kết hợp với khảo sát thực địa, thu và phân tích mẫu thủy sinh vật, phân tích và đánh giá các chỉ tiêu sinh học, các chỉ tiêu chất lượng nước…

Công trình do nhóm tác giả Phạm Văn Miện (Viện Môi trường và phát triển bền vững), ThS Phạm Anh Đức, ThS Nguyễn Thị Mai Linh và ThS Phạm Tài Thắng (khoa môi trường và bảo hộ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng) thực hiện.

Qua theo dõi diễn biến số lượng động vật đáy ở sông Thị Vải, nghiên cứu này cũng cho thấy khoảng một năm chịu tác động của dòng nước thải từ nhà máy bột ngọt Vedan, thành phần loài và số lượng động vật đáy có những biến động đáng kể.

Số lượng động vật đáy tăng mạnh với các loài chiếm ưu thế là giun nhiều tơ và tay rắn chịu được hàm lượng oxy hòa tan thấp. Nhóm nghiên cứu khẳng định: “Tác động của nước thải công nghiệp lên khu hệ động vật đáy ở sông Thị Vải diễn ra chậm hơn so với động - thực vật phiêu sinh nhưng làm biến đổi hệ sinh thái rõ nét hơn và cũng theo quy luật chung”.

Kết quả khảo sát ngày 20-10-1994, sau khi xảy ra hiện tượng cá chết lần đầu tiên do nước thải từ nhà máy bột ngọt Vedan, số lượng động vật phiêu sinh biến thiên từ 561 - 13.702 cá thể/m³… 

Có thể thấy chất thải từ nhà máy bột ngọt Vedan đã tác động đến khu hệ động vật phiêu sinh theo hai hướng. Ở khu vực cảng Gò Dầu, chất ô nhiễm đã ức chế sự phát triển của động vật phiêu sinh. Xa hơn về phía thượng nguồn - khu vực cù lao Ông Thọ và phía hạ nguồn sông - khu vực cảng Bà Rịa (cửa rạch Mương), nước thải đã kích thích sự phát triển của động vật phiêu sinh.

Kết quả khảo sát tháng 11-2008 và 1-2009, sau khi nhà máy bột ngọt Vedan tạm ngưng hoạt động phân xưởng sản xuất bột khoai mì và giảm công suất của một số phân xưởng khác, chất lượng môi trường nước và bùn đáy ở sông Thị Vải có những thay đổi đáng kể. Số lượng thủy sinh vật tăng so với năm 2007.

Nhóm nghiên cứu khẳng định: “Kết quả nghiên cứu này có đủ minh chứng khoa học tin cậy để các nhà quản lý, nhà lập chính sách có thể ứng dụng và đưa ra các giải pháp quản lý, kiểm soát thích hợp”.

TRẦN HUỲNH ghi

(Tuổi Trẻ, 19/5/2010)

Lượt xem: 1825

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE