(VACNE) Ngày 20/5/2022, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã họp, xét duyệt hồ sơ, công nhận 70 cây cổ thụ của các tỉnh thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Đắc Nông, Quảng Nam, Thanh Hoá và Hoà Bình, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam.
Tuy có nhiều cây bị loại do không đủ tiêu chí, nhưng trong đợt xét lần này, tỉnh Đắk Nông vẫn là địa phương có số lượng cây nhiều nhiều nhất (37 cây và chủ yếu là cây mọc tự nhiên) được Hội đồng công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam. Đứng vị trí thứ hai là tỉnh Thanh Hoá, với số lượng 26 cây và đứng thứ ba là thành phố Hải Phòng, với số lượng 4 cây.
Các tỉnh: Nghệ An, Quảng Nam và Hoà Bình, mỗi nơi chỉ có 1 cây được Hội đồng công nhận đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, nhưng đều là những cây cổ thụ đặc sắc.
Cụ thể ở Đắc Nông có: 01 cây Đa gần 300 năm và 36 cây Săng lẻ có tuổi từ 200 đến hơn 560 năm ở tiểu khu 1469, xã Quang Trực, huyện Tuy Đức.Tuy chưa lọt vào danh sách Cây Di sản trong đợt xét lần này, nhưng 02 cây Me tây của xã này vẫn chưa hết cơ hội, nếu thời gian tới địa phương cung cấp đủ những thông tin cần thiết để xác minh chính xác danh tính và tuổi cây.
Cùng với 22 Cây Xà cừ được trồng cách đây hơn 100 năm dọc 2 bên đường vào khu di tích lịch sử văn hoá Đền Nưa – Am Tiên – Ngàn Nưa (huyện Triệu Sơn) ở tỉnh Thanh Hóa còn có 02 cây Thị cổ thụ ở huyện Như Xuân ( 1 cây ở khu phố 1, thị trấn Yên Cát và 1 cây ở thôn Hợp Thành, xã Bình Lương) được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam. Cũng trên địa bàn huyện Như Xuân (trong khu bảo vệ nghiêm ngặt VQG Bến En) thuộc địa giới hành chính Làng Mài, xã Bình Lương còn có cây Gội hơn 300 năm, chu vi thân tới 9 m và cây Lim xanh hơn 700 năm, chu vi thân 6,4 m ở thôn Đức Bình, xã Tân Bình được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam.
Bốn cây cổ thụ của thành phố Hải Phòng được công nhận đủ tiêu chuẩn Cây Di sản Việt Nam lần này đều là những cây cổ thụ của huyện Vĩnh Bảo. Cụ thể là: cây Đa gần 300 năm ở thôn Bích Động và cây Cậy hơn 200 năm, chu vi thân 3 m ở thôn Đông Tô (cùng ở xã Liên Am); cùng 2 cây Muỗm (một cây hơn 300 năm và một cây hơn 400 năm) ở chùa Linh Hội, thôn Đông Tô, xã Liên Am.
Cây Cọ xẻ hơn 300 năm ở thôn 5, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và cây Rõi hơn 600 năm ở thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam), cùng cây Gội ở VQG Bến En (Thanh Hoá) được Hội đồng xét công nhận đủ tiêu chí Cây Di sản Việt Nam, nhưng yêu cầy phải bổ xung thông tin để xác định chính xác tên khoa học của cây.
Tỉnh Hòa Bình chỉ có 01 cây Thị ở thôn Lòng, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy được xét công nhận là Cây Di sản Việt Nam, nhưng đây là cây cổ thụ lâu năm và có chu vi thân lớn nhất (700 năm; chu vi thân: 9,0 m)./.
VP. VACNE