Công trình Thủy điện Đồng Nai 6 thuộc quy hoạch bậc thang sông Đồng Nai được phê duyệt năm 2002 với quy mô công suất 180 MW, mực nước dâng bình thường 205m, diện tích ngập lòng hồ khoảng 1.954 ha thuộc các huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), Bù Đăng (Bình Phước) và huyện Đắk R’ Lấp (Đắk Nông). Với phương án này diện tích ngập khá lớn, nên được đề xuất tách thành 2 dự án là Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A để giảm diện tích ngập (giảm 1.582ha) và tăng được tổng công suất hai nhà máy lên 241 MW (Đồng Nai 6-135 MW, Đồng Nai 6A – 106KW)
Hai công trình thủy điện này được xây dựng sẽ góp phần giải quyết lượng điện năng thiếu hụt cho quốc gia. Tuy nhiên các công trình này cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường.
Diện tích chiếm đất của hai công trình 372,24 ha trong đó Vườn Quốc gia Cát Tiên 130,43 ha, diện tích thuộc khu vực rừng phòng hộ là 241,81 ha; đất có rừng là 344,12 ha (theo biên bản kiểm tra thực địa của Tổng cục Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan).
Tại tỉnh Đăk Nông, theo biên bản ngày 20/5/2011 của đoàn kiểm tra liên ngành: Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Đăk R' Lấp và các đơn vị liên quan, vị trí khu vực xây dựng dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A tại các khoảnh 3, 4, 5, 6, 7 tiểu khu 1601; khoảnh 6, 7, 8 tiểu khu 1603; khoảnh 7 tiểu khu 1604; khoảnh 3, 5, 6, 8, 9, 10, 11 tiểu khu 1608; khoảnh 9 tiểu khu 1605; khoảnh 6, 7, 8 tiểu khu 1600 thuộc địa phận hành chính xã Hưng Bình, huyện Đăk R'Lấp tỉnh Đăk Nông; do ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên quản lý.
Trong khu vực xây dựng dự án thuộc đất lâm nghiệp, địa hình dốc, không có dân cư sinh sống, không có đất nông nghiệp và các công trình công cộng khác.
1. Hiện trạng diện tích rừng và đất lâm nghiệp: Tổng diện tích tự nhiên 143,754 ha, trong đó:
- Đất có rừng 116,794 ha, gồm: Rừng thường xanh 5,594 ha, rừng gỗ xen tre nứa 50,194 ha, rừng tre nứa xen gỗ 59,78 ha, rừng tre nứa 1,271 ha.
(Phân theo trạng thái rừng: Rừng giàu hỗn giao 5,9 ha, rừng trung bình hỗn giao lồ ô 13,9 ha, rừng trung bình lá rộng thường xanh 5,6 ha, rừng nghèo hỗn giao lồ ô 30,5 ha, rừng lồ ô hỗn giao gỗ 59,8 ha).
- Đất không có rừng 50,031 ha, trong đó: Đất có cây gỗ tái sinh 10,622 ha, đất không có cây gỗ tái sinh 0,196 ha, diện tích cây rừng phân tán 11,96 ha, đất khác (đường, khe suối) 4,183 ha.
- Giá trị lâm sản thực tế lòng hồ: 2.642.818.313 đồng (hai tỷ sáu trăm bốn mươi hai triệu tám trăm mười tám nghìn, ba trăm mười ba đồng)
Trạng thái
|
Thủy điện 6A
|
Thuỷ điện 6
|
Diện tích
|
Giá trị
|
Giá trị
thực tế
|
Diện tích
|
Giá trị
|
Giá trị
thực tế
|
IIIa3 + Lô
|
1,23
|
238.227.738
|
190.582.190
|
4,6
|
553.024.640
|
331.814.784
|
IIIa2 + Lô
|
1,09
|
163.376.136
|
98.025.682
|
11,48
|
1.036.453.439
|
518.226.720
|
IIIa1 + Lô
|
5,21
|
228.535.230
|
91.414.092
|
25,33
|
933.182.530
|
373.273.012
|
Lô + IIIa1
|
20,27
|
478.932.782
|
191.573.113
|
39,51
|
549.491.172
|
219.796.459
|
IIIA2
|
|
|
|
5,59
|
886.744.098
|
532.046.459
|
IIIA2+ Nứa
|
|
|
|
1,33
|
160.109.656
|
96.065.794
|
Tổng
|
27,79
|
1.109.071.886
|
571.595.077
|
88
|
4.119.005.535
|
2.071.223.237
|
Tổng giá trị lâm sản của 2 công trình
|
2.642.818.313 (hai tỷ sáu trăm bốn mươi hai triệu tám trăm mười tám nghìn ba trăm mười ba đồng)
|
2. Những dự báo về tác động ảnh hưởng:
Việc triển khai dự án sẽ tác động tới một số vấn đề về môi trường thuộc khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.
- Sẽ làm mất đi 143,754 ha rừng tự nhiên, thay đổi hệ sinh thái khu vực; công trình và các hạng mục phụ trợ của dự án sẽ làm thay đổi địa hình, địa mạo trong khu vực, việc tập trung công nhân của nhiều đơn vị cùng với hệ thống đường giao thông phục vụ thi công và quản lý công trình làm cho tình hình trật tự trong khu vực phức tạp, khó quản lý; không tránh khỏi tình trạng lợi dụng để khai thác gỗ và săn bắt động vật trái phép (việc quản lý ngăn chặn sẽ khó khăn).
- Quá trình tích nước và khai thác công trình sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn dẫn đến thay đổi hệ thuỷ sinh, gây sạt lở bờ sông.
- Thêm 2 công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A được xây dựng thì trên đoạn sông không dài từ Đồng Nai 3 đến Đồng Nai 6A có 5 nhà máy thủy điện chưa kể thủy điện Đăk Tih trên nhánh sông Đăk R'tih (Đăk Nông) cùng hoạt động duy trì dòng chảy, chống ô nhiễm, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu trở nên cực kỳ phức tạp.
3. Đề xuất, kiến nghị:
Đề nghị các Bộ ngành chức năng, các nhà khoa học nghiên cứu xem xét:
- Có những nghiên cứu, đánh giá khách quan, chính xác và toàn diện về lợi ích kinh tế xã hội và những tác động về môi trường, lợi ích về môi trường của việc thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đối với Vườn quốc gia Cát Tiên phải được xem xét kỹ lưỡng, khoa học và khả thi nhất (là tài sản hiện hữu quý giá, nếu mất đi thì không bao giờ lấy lại được). Cho nên tránh được các việc làm đối phó, thiếu trách nhiệm mà chỉ với mục tiêu cho nhanh qua thủ tục như một số công trình trước đây.
- Trong quá trình lập dự án công trình cần quan tâm tính toán về thủy văn, vì hàng loạt công trình thủy điện ở Tây Nguyên nói chung và ở Đăk Nông nói riêng đã phải trả giá đắt cho vấn đề này. Do sự biến đổi khí hậu và đặc biệt là sự suy giảm của thảm thực vật đã làm thay đổi lớn về chế độ dòng chảy sông suối, dòng chảy mùa khô giảm mạnh, dòng chảy mùa lũ tăng cao khó lường (các tài liệu thu thập đo đạc trước đây không còn phù hợp). Điều đó làm cho vốn đầu tư công trình tăng cao nên đồng nghĩa với hiệu quả kinh tế lại giảm xuống.
Đề nghị chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A:
- Kết hợp với các chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 2, 3, 4, 5 xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho toàn bộ các hồ chứa nhà máy thủy điện bậc thang sông Đồng Nai trình Bộ Công Thương phê duyệt nhằm đảm bảo dòng chảy tối thiểu phía hạ lưu vào mùa khô, cũng như vận hành xả lũ của các hồ chứa này vào mùa mưa để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến phía hạ lưu.
- Có kế hoạch và cam kết đền bù giá trị lâm sản bị thiệt hại, trồng bù lại diện tích rừng trong phạm vi khu bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông (theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng).
- Cam kết lựa chọn các công nghệ mới để giảm thiểu tác động đến môi trường cũng như đảm bảo an toàn kỹ thuật, môi trường trong thi công, giảm thiểu tiếng ồn, bụi, tiếng động lớn ảnh hưởng đến nhân dân trong vùng dự án.
Tóm lại: Nếu thực hiện dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có bị ảnh hưởng đến rừng và môi trường: sẽ bị mất 143,754 ha rừng và đất lâm nghiệp, nhưng không ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp, không phải thực hiện di dời, đền bù và bố trí tái định cư cho dân cư (khu vực ngập lòng hồ thủy điện không có dân cư, không có công trình vật kiến trúc trên đất).
Mặc dù phải chuyển đổi diện tích 143,754 ha rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp, tuy nhiên xét về lợi ích tổng thể thì việc thực hiện dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với công suất 241MW là rất cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh Đăk Nông nói riêng. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp không làm ảnh hưởng tới tiêu chí, mục tiêu và nội dung xác lập Khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Vì lẽ đó ngày 02/12/2008 UBND tỉnh có văn bản số 2857/UBND-CN về việc chuyển đổi đất rừng để thực hiện đầu tư xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (theo đề nghị của Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Long Gia Lai). Chúng tôi có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng).
Tuy nhiên việc thực hiện dự án sẽ liên quan và tác động nhiều đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, theo quan điểm của chúng tôi, nếu có cơ sở tính toán khoa học đảm bảo hài hoà được giữa lợi ích kinh tế xã hội và môi trường, không ảnh hưởng đến tiêu chí, mục tiêu xác lập Vườn Quốc gia Cát Tiên thì chúng tôi ủng hộ thực hiện dự án này.
Trên đây là một số ý kiến tham luận của UBND tỉnh Đăk Nông về dự án đầu tư hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đề nghị các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan, xem xét.