THAM LUẬN CỦA GS.TSKH ĐẶNG HUY HUỲNH
Kính thưa: - Đoàn Chủ tịch
- Các nhà quản lý, các nhà khoa học
- Quý vị đại biểu
Nhân dịp hội thảo khoa học về Thủy điện Đồng Nai 6 và 6a do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức dưới sự chỉ đạo phối hợp của Liên hiệp hội KH và KT Việt Nam. Tôi xin được phép trình bày một vài suy nghĩ về việc xây dựng của công trình thủy điện ở Việt Nam nói chung và thủy điện Đồng Nai 6 và 6a nói riêng.
Kính thưa quý vị!
Bất kỳ một lưu vực sông nào cũng vậy đều có đặc điểm chung, đó là một thực thể thống nhất chứa đựng đầy đủ các điều kiện tự nhiên, các hệ sinh thái, các dạng tài nguyên và các điều kiện KT-XH. Vì vậy trên một LVS sẽ có nhiều ngành, nhiều địa phương khác nhau có nhu cầu sử dụng nước và các tài nguyên khác trong LVS cho nên việc quản lý, bảo vệ và sử dụng các nguồn tài nguyên LVS nói chung và LVS Đồng Nai nói riêng là phải có sự điều hành quản lý một cách khoa học, có sự đồng thuận, sự phối hợp vì quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan để sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trong đó có tài nguyên nước.
Như chúng ta đều biết. Các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai khi đồng loạt vận hành sẽ làm thay đổi dòng chảy của sông, nó không còn là dòng chảy tự nhiên như trước khi có các đập thủy điện mà nó phụ thuộc vào quá trình vận hành các hồ chứa làm phá vỡ cân bằng hệ tự nhiên vốn có của hai đầu của dòng sông, làm biến đổi cơ bản cảnh quan địa hình các hệ sinh thái và đa dạng sinh học vốn có của LVS là vấn đề phải cân nhắc thận trọng. Đặc biệt đối với việc chia cắt hệ thống sông Đồng Nai sẽ gây tác động lớn làm cô lập các quần thể dưới nước thành những quần thể nhỏ dẫn đến nhiều loài bị mất là không thể tránh khỏi khi xây dựng các công trình thủy điện.
Ở đây chúng ta đòi hỏi là các chủ dự án khi tiến hành xây dựng công trình là phải tiến hành nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược để cân nhắc tính toán kỹ mặt lợi, hại đối với phát triển kinh tế và cả đối với môi trường trong đó có hệ sinh thái và đa dạng sinh học nhất là các loại thực vật, động vật quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa. Việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6a có liên quan đến, việc đánh giá tác động đến tính ĐDSH của VQG Cát Tiên trong đó có khu Cát Lộc. Như các báo cáo trước của một số tác giả Nguyễn Đình Hòe, Lê Hoàng Lan, Lê Bắc Huỳnh v.v.. đã trình bày VQG Cát Tiên là một trong số ít VQG của Việt Nam có diện tích lớn là 71.350 ha. Trong đó khu Nam Cát Tiên (Đồng Nai) là 39.627 ha; khu vực Cát Lộc (Lâm Đồng) là 27.530ha; khu Tây Cát Tiên (Bình Phước) là 4.193ha, nếu ta tính cả diện tích khu dự trữ sinh quyển mà MaB/UNESCO đã công nhận thì diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên vô cùng rộng lớn với 726.798ha bao gồm 86 xã nằm trên địa bàn 11 huyện thuộc 4 tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước và Dak Nông.
Rõ ràng đây là khu bảo tồn tự nhiên cực lớn ở nước ta. Trong diện tích mênh mông đó đã từ lâu được hình thành, tích lũy tính ĐDSH cao trong đó có nhiều nguồn gen thực vật, động vật, nấm... Có giá trị kinh tế, giá trị khoa học và giá trị bảo tồn cao. Điều này không cần bàn cãi. Chỉ một điều mà các nhà khoa học, các nhà bảo tồn, các nhà quản lý chúng ta cần xem xét tác động như thế nào đối với 137 ha rừng thuộc khu bảo tồn Cát Lộc nói riêng và VQG Cát Tiên nói chung đối với sự hiện diện của một số loài thực vật, động vật quý hiếm ở đây. Về đặc điểm cấu trúc của quần thể về phạm vi phân bố, tập tính hoạt động của các loài trong quần thể như thế nào v.v.. để rồi cân nhắc đề xuất các giải pháp hài hòa giữa công việc bảo tồn và phát triển. Có nghĩa là khi xem xét các yếu tố về cấu trúc của quần thể, vùng phân bố của quần thể, khả năng đối phó, và thích ứng của quần thể khi có tác động và v.v.. để xem xét, công trình thủy điện nói chung và Đồng Nai 6 và 6a nói riêng có nên làm hay không, nếu làm thì tác động như thế nào? Có biện pháp nào để giảm thiểu các tác động đó hay không... Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có nguyện vọng chung là phải bảo tồn và phát triển các HST tự nhiên và ĐDSH ở Việt Nam trong đó có các VQG và khu BTTN. Nhưng trong từng điều kiện cụ thể thì phải đứng trên quan điểm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn với các điều kiện phải có đầy đủ tính khả thi về các giải pháp giảm thiểu, khắc phục những tác động tiêu cựu do công trình gây ra. Xét về tính khoa học và thực tiễn thì các tác động của công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6a có ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái trên cạn ở khu Cát Lộc nói chung, VQG Cát Tiên nói riêng mang tính cục bộ hơn và có thể giảm thiểu hoặc bù đắp lại sự mất mát bằng các biện pháp phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái, các loài bị ảnh hưởng bởi các chương trình bảo tồn cụ thể để bù lại những mất mát đó. Chẳng hạn việc quy hoạch đầu tư thích đáng cho việc trồng lại rừng ở những khu vực lân cận, hoặc bảo vệ nghiêm ngặt những cánh rừng nguyên hoặc thứ sinh ở gần đó. Chính những nơi này cũng là vùng tái định cư tự nguyện thông minh của một số loài thực vật, động vật trên cạn phải tự di dời khi môi trường sống bị xâm hại.
Chỉ có một điều cần lưu ý là việc bù đắp hay phục hồi hệ sinh thái và ĐDSH vùng đất ngập nước là rất khó khăn đành phải chấp nhận có sự thay đổi về thành phần loài đa dạng thủy sinh nước chảy bằng một hệ thủy sinh mới phù hợp với môi trường sinh thái hồ. Sự thay đổi đó có phần không lợi cho tính ĐDSH ở cả vùng thượng và hạ lưu. Nhưng không gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế mà chỉ phải có giải pháp thật hợp lý, mang tính khoa học để sử dụng một cách khôn ngoan về HST mới này. Đây cũng là cách làm ứng phó với sự đánh đổi từ việc mất diện tích đất rừng ven sông, sang đất có mặt nước bao phủ, một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng phục vụ đa mục đích trong phát triển kinh tế về phần này cũng cần quan tâm đến việc khắc phục và bù đắp những bất lợi đối với cư dân vùng hạ lưu. Đồng thời phải có các giải pháp cụ thể về khoa học và công nghệ, về chính sách... để bảo vệ, phục hồi một số loài bị ảnh hưởng, cũng như vấn đề cuộc sống của cộng đông vùng hạ lưu.
Với các suy nghĩ trên tôi đề nghị Bộ Công thương cần rà soát đánh giá lại toàn bộ việc quy hoạch thủy diện trên các dòng sông ở Việt Nam trong đó có sông Đồng Nai. Không nên chỉ nghĩ có nước là có điện mà còn rừng đa dạng sinh học cũng có giá trị lớn. Tôi cũng đề nghị chủ dự án khi tiến hành xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6a chủ dự án phải nghiêm túc đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường một cách tổng hợp, một cách toàn diện để đưa ra các giải pháp giảm thiểu khắc phục những gì đã bị mất do dự án gây nên và những cam kết mang tính khả thi để khi có dòng điện phát ra từ nguồn tài nguyên sông Đồng Nai vẫn đảm bảo sự hài hòa, công tác bảo tồn được các loài động, thực vật quý hiếm ở VQG Cát Tiên, một VQG có tên tuổi ở Việt Nam và thế giới.
Xin kính chúc quý vị khách quý, các vị đại biểu thân thương mạnh khỏe hạnh phúc và thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn!
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh
Phó Chủ tịch VACNE
Chủ tịch Hội Động vật Việt Nam