Ai trong chúng ta cũng đều sinh ra ở một vùng quê cụ thể. Có giếng nước, gốc đa, sân đình với tiếng sáo dập dìu trong "Làng tôi xanh bóng tre" thao thiết.
Nơi để tâm hồn mỗi người lắng lại
Làng quê, nơi đó có những người thân yêu, có bạn bè và những bàn tay vẫy. Bàn tay ấm nồng của người thân, bàn tay rụt rè, e thẹn của cô bạn gái khi bất chợt chạm vào nhau bên nồi bánh chưng sôi sùng sục.
Tết là lúc ta trở về sau một năm lăn lộn xứ người. Là thời khắc bình yên nhất sau những lo toan của đời sống thường nhật. Và quê là nơi để tâm hồn mỗi người lắng lại.
Lứa chúng tôi sinh ra và lớn lên trọn vẹn trong cuộc kháng chiến lần thứ hai của dân tộc. Những năm đó, bọn trẻ chúng tôi chỉ là những cô cậu học trò cấp tiểu học, trung học. Nhưng sau này, vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, hầu hết đều trở thành "anh, chị bộ đội cụ Hồ", đội ngũ nòng cốt của công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước.
Miền quê nào lúc đó, trai tráng hầu hết cũng đều ra trận. Ở làng, chỉ còn đàn bà và trẻ nhỏ mà những ngày đó không khí hừng hực như có lửa. Lửa của tinh thần xả thân vì Tổ quốc. Đâu đâu cũng có phong trào, có khai hội náo nức làng trên xóm dưới.
Thanh niên thì "ba sẵn sàng". Phụ nữ "ba đảm đang". Kháng chiến càng gian khổ, người dân càng "chắc tay cày, hay tay súng". Vẫn đảm bảo "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống dục".
Quê tôi nguyên là vùng tự do thời kháng chiến chống Pháp. Làng quê một thuở đóng góp sức người sức của cho chiến thắng Điện Biên. Ngày ấy ai cũng ra mặt trận. Tuổi trẻ thì đi bộ đội, đàn ông, phụ nữ thì đi dân công. "Dốc Pha-đin chị gánh anh thồ- Đèo Lũng Lô anh hò chị hát"...
Sau chiến thắng Điện Biên, những người lính, dân công hỏa tuyến lại trở về quê hương, tham gia vào phong trào hợp tác hóa. Thật vui khi: "Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê". Nhớ sao cái không khí tập thể đi làm cũng dùng kẻng, sinh hoạt hội hè cũng dùng kẻng. Chấm công chấm điểm cũng "trừ nọ trừ kia" nếu đi làm muộn, đi họp muộn. Tất cả đều đánh vào công điểm nên việc chấp hành cũng nghiêm lắm.
Quê tôi cũng là một trong những địa phương đi đầu chống mê tín dị đoan. Tôi còn nhớ những nghè, phủ, đình của làng rất hoành tráng có tuổi thọ đến mấy trăm năm, thế mà đùng một cái bị phá dỡ hết.
Mặc dù nghè phủ là nơi thờ cụ Nguyễn Hiệu, một bậc khoa bảng của làng. Ông đỗ tiến sỹ có tên trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làm đến chức Thượng thư, nhưng mà thời ấy cái gì của chế độ phong kiến đều phải... loại bỏ.
Tết quê của cái thời xa ngái ấy, dẫu có chiến tranh song những ngày Tết là hòa bình. Hai bên "địch, ta" đều đình chiến vì chung Tết cổ truyền của dân tộc. Tết kháng chiến buồn vui, đau thương và kiêu hãnh.
Dẫu nghèo nhưng ngày Tết ở quê không ít thì nhiều cũng có bánh chưng xanh, giò mỡ, thêm nồi cá kho. Vùng quê nào sang còn có các loại bánh đặc sản của "quê mình".
Vui nhất những ngày trước Tết, người ta tát ao và mổ lợn. Ở quê quanh năm ngày tháng chỉ toàn ăn rau. Sang, thì nồi canh có thêm thìa mỡ. Nên Tết đến, các nhà thường chung nhau "đụng" con lợn béo, để còn chia nhau cân mỡ, cốt rán để dành. Bọn trẻ con thì vui lắm, thế nào cũng được bữa lòng lợn, nồi nước xáo tha hồ hì hụp. Đúng là "no ba ngày tết".
Cái thú của bọn trẻ là được ngồi trông nồi bánh chưng đêm 30 Tết, chờ để được vớt những cái bánh con con bố mẹ gói cho mình. Bánh của đứa nào bé hơn của đứa kia một tý đã lại phụng phịu bắt đền.
Nhưng thú nhất là chợ quê ngày giáp Tết. Pháo nổ ran ran đầu chợ. Những sạp tranh, câu đối. Mùi của hương thơm với cái lạnh se se làm lòng người thêm ấm. Sản vật ở quê đợi dịp Tết là mang ra chào mời. Bạn bè gặp nhau ríu rít câu chuyện, tiếng cười giòn tan không dứt.
Cúi hôn đóa hải đường xưa...
Tết những năm kháng chiến, còn có một đặc sản không thể thiếu. Đó là câu đối Tết.
Bây giờ ít có nơi nào nghĩ để in và bán câu đối Tết, hoặc chỉ có các "ông đồ" thời hiện đại, viết và bán câu đối ở Văn Miếu. Chứ ngày đó, Nhà nước có hẳn một bộ phận nghĩ ra câu đối rồi đưa vào in. Tranh thì con lợn con cá, những dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ được in hàng loạt. Câu đối vàng, câu đối đỏ trông rất bắt mắt.
Nhà nào cũng mua một đôi câu đối về treo. "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh" là sự khắc họa đầy đủ màu sắc của Tết.
Còn nhớ các câu đối thời đó lạc quan và tôn nghiêm lắm. Những câu đối in vào đầu óc bọn trẻ chúng tôi, đến bây giờ vẫn nhớ: "Ba mươi năm chỉ lối đưa đường, nghĩa Đảng non cao khó sánh. Trọn một đời diệt thù, dựng nước, ơn Người biển cả khôn đong". Hay "Đón xuân mới dân tộc vững tin một lòng đoàn kết. Mừng xuân về đất nước vững vàng tiếp tục vươn xa"..., rất phổ biến.
Ngày 30 Tết, nhà nào cũng hương khói, rước tổ tiên về sum họp. Không ở đâu như ở ta, đạo hiếu nghĩa lại thể hiện sâu đậm như những ngày Tết. Tết là sum họp, quây quần. Là đoàn viên, mừng mừng tủi tủi.
Ở xa khắp bốn phương trời, người ta đều nhớ về quê cha đất tổ. Không tàu xe thì đi xe đạp, cuốc bộ hàng trăm cây số cũng lặn lội về. Con cháu ngày cuối cùng nhớ về tổ tiên đến từng nghĩa trang, thắp hương mời người đã khuất cùng về. Những ngôi mộ lạnh lẽo lại chính là "hơi ấm" tâm linh truyền cho người sống, là chỗ dựa của người sống.
Người quê thường mê tín. Đón giao thừa nhà nào cũng dùng vôi bột hoặc vôi nước, vẽ vài cái cung cái nỏ trước sân đầu ngõ để trừ tà ma. Sáng mồng Một, trẻ con không được sang nhà nhau mà phải có người lớn "mở hàng" trước.
Người nào trong làng làm ăn phát đạt, tính tình mát mẻ hòa nhã, con cái đuề huề, học hành tiến bộ thì ai cũng mong mở hàng nhà mình để một năm được may mắn, hanh thông. Ngày ấy ở quê chúc Tết không có bánh kẹo như bây giờ, những thứ đó đều là của hiếm. Khách đến nhà chủ yếu là mời chén rượu, và ngồi ăn cỗ Tết.
Bọn trẻ như chúng tôi đang tuổi đi học thì náo nức lắm. Gần Tết thường sang nhà nhau để xin cành hoa hay bẻ cành đào về chơi Tết. Tôi có cô bạn gái cùng học từ hồi còn để chỏm. Nhà cô có cây hải đường rất to. Cái sắc xanh ngút ngắt của hải đường với màu đỏ tươi bâng khuâng xao xuyến của nụ hoa đẹp đến ngỡ ngàng. Tết thế nào cô cũng để dành cho một cành nhiều hoa nhất.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không quên được cái màu xanh và màu đỏ tươi rói nao lòng ấy: Cúi hôn đóa hải đường xưa/ Non tơ như thể mới vừa non tơ...
Tình quê và người nhà quê thật mộc mạc, giản dị mà đầm ấm "đánh nhau chia gạo chào nhau ăn cơm". Năm mới tất cả đều thân tình. Làng trên xóm dưới như ruột thịt. Ai đi xa cũng nhớ về sum họp. Hơi ấm ngày đầu năm như tỏa lan, theo mỗi người suốt năm tháng cuộc đời, và trở thành hồi ức khó phai nhòa mỗi khi Xuân về.