Tảo bẹ có thể thay thế các nguồn nhiên liệu sinh học trồng trên đất. Tuy nhiên, thành phần hóa học của tảo cũng thay đổi theo mùa. Nếu thu hoạch tảo bẹ vào tháng 7, khi lượng hydrat-carbon đạt mức cao nhất, thì sẽ thu được lượng đường tối đa để sản xuất nhiên liệu.
|
Tảo bẹ cung cấp nguồn nhiên liệu sinh học dồi dào. (Nguồn: Physorg) |
Các nhà nghiên cứu ở ĐH Aberystwyth (Anh) đã tiến hành thu hoạch những mẫu tảo biển theo từng tháng để kiểm tra sự thay đổi tính chất theo thời gian. Kết quả cho thấy, nên thu hoạch tảo vào tháng 7 để có tảo chứa hàm lượng hydrat-carbon cao nhất mà hàm lượng kim loại thấp nhất.
Tảo bẹ có thể trở thành nhiên liệu sinh học theo nhiều cách, như cho lên men hay xử lý bằng vi khuẩn kị khí để tạo ra ethanol và metan, hoặc nhiệt phân để tạo ra dầu sinh học.
Nghiên cứu về nhiên liệu sinh học lâu nay vẫn tập trung vào các loại thực vật trên cạn, nhưng nguồn nhiên liệu này có thể xung đột với cây lượng thực nếu cây lượng thực bị phá đi để trồng cây nguyên liệu.
Nhiều hệ sinh thái trên biển vẫn là nguồn tài nguyên chưa được khai thác, có thể chiếm hơn 50% sản lượng nhiên liệu sinh học toàn cầu. Xét theo diện tích, tảo biển có thể sản xuất ra nhiều nhiên liệu sinh học hơn một số loại cây sinh trưởng nhanh trên cạn như cây mía.
Công việc của các nhà khoa học trong tương lai sẽ là tìm cách nâng cao hiệu quả của quy trình sản xuất bằng cách tìm ra và chiết xuất những chất có giá trị cao, như sắc tố và các fenol trước khi rong biển được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học.