Sáng ra anh bạn tôi than phiền rằng khi kiểm tra thư điện tử, anh ấy nhận được một cái thư rác quảng cáo điện thoại di động công nghệ cao nhưng giá rẻ mạt. Anh bạn tôi chẳng xa lạ gì với hàng hoá loại này, và cũng không hề quan tâm, vì anh ta chuộng hiệu quả chứ không chỉ giá cả. Theo thói quen, anh ta cho quảng cáo này vào thư rác.
Tôi hỏi bạn: "Sao lại là rác nhỉ? Trong khi tác giả bức thư phải khá tốn công để thiết kế được bức thư này. Nào là hàng chục tấm hình chụp đủ kiểu điện thoại di động khá bắt mắt. Rồi lại phải nhọc công viết ra hàng loạt ngôn từ quảng cáo ngọt ngào "lọt tai". Vậy mà anh lại cho là rác kể cũng oan cho người ta".
Bạn tôi đáp: "Vì nó không mời mà đến. Vì nó đến không đúng chỗ, không đúng đối tượng. Vì chủ bức thư sẵn sàng tô điểm hào nhoáng cho một sản phẩm kém chất lượng cốt chỉ để kiếm lợi nhuận. Vì họ đánh giá thấp nhận thức của người nhận thư. Vì... v.v và v.v... Thế nên nó mới là thư rác".
Rác thực thể và phi thực thể
Rác là những thứ đã qua sử dụng hoặc không cần dùng đến. Tự điển Meriam Webster thì định nghĩa như vầy: Garbage: 1. Food waste; 2. Discarded or useless material. Nhưng thật ra, cần phải có một định nghĩa đầy đủ hơn về rác. Nếu những thứ này đặt không đúng chỗ, bạ đâu vứt đó, thì đó mới đúng nghĩa là rác. Còn nó được đặt đúng nơi, chờ đem đi xử lý, tái chế... thì đó là vật chất thải. Ở đây, tôi chỉ muốn bàn về rác.
Có bao giờ bạn thử ngồi kiểm lại xem trong đời sống hàng ngày, mình phải đối mặt với biết bao nhiêu thứ rác? Trước nhất là những thứ do chính mình thải ra? Rồi sau đó là những thứ rác không phát xuất từ mình? Thường thì người ta chỉ bực mình với rác của người khác thải ra, còn rác từ mình thì họ không hề biết, hoặc biết mà không cho là vấn đề.
Có thể thấy rằng trong nhà mình ít rác hơn ngoài đường. Thật vậy, vì bao nhiêu rác trong nhà mình đã... tống ra ngoài đường. Đổ vào thùng rác công cộng cho nó trở thành vật chất thải, hoặc để đỡ nhọc công thì vứt luôn ra đường hay cổng nhà hàng xóm cho nó đúng nghĩa là rác.
Ra đường, đi đâu ta cũng thấy rác. Bao nylon, chai lọ, bao bì thực phẩm, thức ăn thừa, tờ rơi quảng cáo, khói xe, bụi bặm... Bao nhiêu là thứ rác thực thể mà bạn phải đối mặt. Bên cạnh đó lại còn những loại rác phi thực thể. Tiếng ồn đô thị, đèn quảng cáo làm mất tập trung điều khiển phương tiện giao thông, rồi những tiếng chửi bới, văng tục...
Chưa hết, vào đến văn phòng làm việc, với những tiện nghi phòng ốc, máy điều hoà, ghế nệm... bạn tưởng đã được yên thân. Không đâu, mở máy tính làm việc, kiểm tra thư điện tử lại gặp cả một đống rác đủ loại: quảng cáo, hình ảnh khiêu dâm, những suy nghĩ lệch lạc... xúm nhau tấn công bạn. Vào mạng đọc báo, đập vào mắt là vô số tin tức vô bổ, ảnh người này "lộ hàng", video người kia "khoe thân", anh A tố chị B, rồi chị B tố lại anh A...
|
Đến chỗ làm chúng ta bị "tấn công" bởi vô số thư rác
|
"Rác" trong đầu
Làm sao để những thứ rác thực thể và phi thực thể ấy không tràn ngập khắp mọi không gian sống? Dọn rác? Đương nhiên rồi, nhưng đó chỉ là biện pháp đối phó. Làm thế nào để lượng rác cần dọn càng ngày càng ít đi mới là biện pháp chủ động.
Như thế, ta lại phải giải bài toán về ý thức, về kỷ luật đô thị, dần dần ta sẽ nghiệm ra: "Rác trong đầu là thứ cần dọn dẹp trước tiên". Chỉ khi nào rác trong đầu không còn nữa thì rác thực thể và phi thực thể mới dần "đội nón ra đi".
Rác trong đầu thường phát sinh từ lối suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, ngắn hạn, ích kỷ. Chính những thứ rác đó khiến ta trở nên thiển cận, bàng quan với người khác, chỉ lo vun vén cho bản thân, khiến ta dễ dàng chấp nhận "sống chung" với rác từ bên ngoài thay vì loại bỏ chúng.
Trở lại với cái thư rác anh bạn tôi nhận được. Thật ra, nó chỉ là rác đối với anh ta và một số người. Nhưng với rất nhiều người ham của rẻ nó lại là một thông tin giá trị.
Tại sao vậy? Vì trong đầu những khách hàng dễ tính với mục tiêu ngắn hạn về giá cả này đang có rác. Họ thích chiếc điện thoại rẻ bèo mà cũng có đầy đủ mọi chức năng của điện thoại chính hãng.
Ngay lúc này đây, cách nhìn vấn đề giá cả đó chưa phải là rác, cho đến ngày mai, ngày kia, ngày kìa... khi chiếc điện thoại còn mới toanh sinh ra đổ đốn không chịu hoạt động nữa. Họ lại vứt đi như vứt rác, nhưng nếu thức tỉnh vứt luôn "rác" trong đầu thì họ mới chịu hồi tâm để lần sau mua một chiếc điện thoại "đứng đắn" hơn.
Chợt ngẫm đến câu chuyện gần đây, thương nhân Trung Quốc biết cách khai thác lòng tham của nông dân Việt Nam khi tăng giá thu mua nhãn, tắc kè, thậm chí cả... đỉa với giá cao ngất ngưởng. Dân mình đổ xô đi trồng, đánh bắt để rồi giá đột ngột hạ làm họ ngậm đắng nuốt cay.
Đành rằng trong chuyện này nạn nhân đã bị lừa, nhưng nếu trước đó họ tỉnh táo hơn để suy xét kỹ mặt sau của những món hời "bỗng dưng" rơi xuống, thì hậu quả liệu có tránh được? Phải chăng lối tư duy thấy lợi trước mắt mà quên cái họa lâu dài cũng là một thứ rác cần loại bỏ?
(Tuần VN)