Núi Yên Tử thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh là thánh địa của phái Trúc Lâm Thiền Tông, một dòng Phật giáo do vua Trần Nhân Tông lập nên. Vào mùa lễ hội, mỗi ngày Yên Tử đón khoảng 10 ngàn khách thập phương về thăm. Là người Việt Nam, ít ai không biết đến Yên Tử, nhưng chưa có tài liệu nào trả lời câu hỏi tại sao Vua Trần Nhân Tông lại chọn Yên Tử làm đất tổ của thiền phái Trúc Lâm. Bài báo này góp phần làm sáng tỏ lựa chọn đó.
PGS.TS Nguyễn Đình Hoè, VACNE
· Núi Yên Tử giàu tài nguyên cho một cuộc sống tu hành
Thứ nhất phải kể đến nước. Hơn hẳn các ngọn núi khác trong vùng, núi Yên Tử rất giàu nước ngầm. Nước ngầm Yên Tử trong vắt, ngọt lịm, ngay vào cuối mùa khô vẫn dồi dào, xuất lộ thành nhiều nguồn nước trong trên sườn núi. Tại mỗi nơi xuất lộ nguồn nước lại có một ngôi chùa nhỏ mọc lên. Yên Tử vì thế trở thành nguồn sinh thuỷ của hai dòng suối lớn trong vùng, đó là suối Yên Tử (còn gọi là suối Giải Oan) và suối Vàng Danh. Hiện nay hai dòng suối này vẫn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu của nhân dân trong khu vực thị xã Uông Bí. Suối Vàng Danh đã bị ô nhiễm nặng do hoạt động khai thác và sàng tuyển than ở mỏ than Vàng Danh; còn suối Giải Oan cũng đã có dấu hiệu cạn kiệt trong mùa khô do thảm thực vật vùng Yên Tử đang bị suy thoái.
Vốn trước đây là vùng thánh địa và nay là khu bảo tồn cảnh quan danh thắng nên rừng Yên Tử vẫn còn độ che phủ khá cao. Núi Yên Tử chủ yếu được cấu thành từ các lớp đá cuội - sạn kết nứt nẻ mạnh, đóng vai trò như một bồn chứa và lọc nước rất tốt. Đây chính là những nguyên nhân của sự phong phú nước ngầm sạch vùng Yên Tử.
Thứ hai là tài nguyên thực vật phong phú. Ở Yên Tử, trúc mọc thành rừng cung cấp nguồn măng trúc dồi dào làm thực phẩm cho người địa phương. Tuy nhiên đáng kể nhất ở Yên Tử vẫn là nguồn thảo dược. Kết quả điều tra khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh học năm 2002 cho thấy rừng Yên Tử có đến 326 loài cây thuốc, tập trung vào một số họ thực vật như họ đậu (22 loài), họ thầu dầu (21 loài), họ cúc (18 loài), họ cà phê (17 loài). Trong số đó có đến 20 cây thuốc vẫn được khai thác thường xuyên để bán như trầu tiên, bổ béo đen, bổ béo trắng, thau gió, vù hương, lá khôi, mật gấu xanh, dây đau xương, đuôi lươn, cốt toái bổ, rau ráu, hoàng đằng, hồi núi, cỏ nhung... Đặc biệt cây thau gió là loại thuốc đặc hiệu chữa bại liệt, phù thũng, đau khớp...
Ngày xưa, các nhà sư thường kiêm nghề thuốc. Nguồn dược liệu dồi dào ở Yên Tử chắc chắn không thể bị bỏ qua khi Vua Trần chọn Yên Tử làm thánh địa của Trúc Lâm Thiền Tông.
Ngày nay, nhiều khách hành hương về Yên Tử vẫn mua măng trúc và thuốc nam. Với nhu cầu lớn như vậy, nếu không có hướng dẫn và quản lý hiệu quả, chính việc đáp ứng nhu cầu này của du khách sẽ làm rừng Yên Tử cạn kiệt nhanh chóng. Một số loài cây thuốc như cỏ nhung, trầu tiên, hồi núi... đã trở nên cực kỳ khan hiếm.
Thứ ba là tài nguyên khí hậu trong lành. Đỉnh Yên Tử cao 1068m không phải là đỉnh cao nhất của cánh cung Đông Triều ở Quảng Ninh. Ở cánh cung này, những ngọn núi cao đều tập trung ở phía gần biên giới Việt - Trung và vùng Cẩm Phả như: núi Khoang Nam Châu Lãnh (1506m), núi Cao Xiêm (1330m), núi Vong Mố Lẻng (1054m), núi Am Vạp (1094m) v.v... Đỉnh Yên Tử chỉ là một trong các đỉnh cao ở vùng phía tây nam của cánh cung Đông Triều. Tuy nhiên Yên Tử lại là đỉnh cao độc lập, trông như ngọn bảo tháp hoặc như đầu của một con voi khổng lồ. Mây mù thường chỉ quanh quẩn ở độ cao dưới 1000m nên đỉnh núi quanh năm quang đãng. Vì thế núi Yên Tử đã từng có tên là Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) hoặc núi Voi.
Từ khoảng độ cao 700 - 800m trở lên, rừng cây rậm rạp dưới chân núi thay dần bằng trảng cây bụi, đặc biệt là các bụi trúc còi không cao hơn đầu người. Đỉnh núi quang đãng, khí hậu trong lành và một tầm nhìn rộng là những đặc trưng mà các đỉnh cao khác ở cánh cung Đông Triều không có được.
· Núi Yên Tử không xa trung tâm tôn giáo và quân sự, chính trị thời Trần
Cho đến nay, nhiều tài liệu sử học vẫn coi Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con từ khi còn rất trẻ (35 tuổi) để rũ áo tu hành chỉ vì ông say mê đạo Phật. Lý do này có lẽ không duy nhất đúng. Phân tích diễn biến của các sự kiện lịch sử thời Lý Trần có thể cho thấy Vua Trần Nhân Tông là một nhà chính trị bậc nhất triều Trần.
Các quốc gia muốn độc lập, cần có một chủ thuyết (chủ nghĩa, lối sống...) riêng. Sau khi đánh bại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nhà Hán đã cử một nhà Hán học bậc nhất sang làm thái thú Giao Chỉ, đó là Sĩ Nhiếp, mở đầu cho 1000 năm Bắc thuộc với sự bành trướng của đạo Khổng và Nho giáo sang lãnh thổ nước ta. Lý Thái Tổ mở đầu kỷ nguyên độc lập bằng việc ủng hộ và khuếch trương đạo Phật. Vào thời Lý, đạo Phật được coi là quốc giáo thay thế cho Nho giáo. Sang đến thời Trần, đạo Phật vẫn được coi là quốc giáo, nhưng vẫn không khác gì với đạo Phật gốc Ấn Độ và Trung Quốc. Bằng việc sáng lập ra Trúc Lâm Thiền Tông, Vua Trần Nhân Tông rõ ràng muốn xây dựng một quốc đạo trên căn bản đạo Phật nhưng mang màu sắc Đại Việt. Có lẽ vì sứ mạng lớn lao này nên nhà vua đã nhường ngôi khi 35 tuổi và chọn Yên Tử làm nơi nghiên cứu đạo Phật. Yên Tử chỉ cách chùa Quỳnh Lâm (xã Thành An, huyện Đông Triều) - Trung tâm Phật giáo có từ thời Lý - chỉ khoảng 30km. Yên Tử cũng không xa Vạn Kiếp, Bạch Đằng là những trung tâm quân sự, chính trị lớn đời Trần. Sau khi Trúc Lâm Thiền Tông định hình, chùa Quỳnh Lâm đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất nước của môn phái này. Đồng thời với vài ba đệ tử, vị tổ phái Trúc Lâm còn đi truyền bá đạo phái nhiều nơi. Ông còn vào cả đất Chiêm Thành, và bằng việc gả con gái (công chúa Huyền Trân) cho vua Chiêm (Chế Man), ông đã lấy được của hồi môn là cả vùng Thuận Hoá về cho Đại Việt. Đám cưới chính trị này được tổ chức năm 1306 thì hai năm sau (1308) ông qua đời ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử.
Rõ ràng với việc xây dựng phái Trúc Lâm Thiền Tông như một quốc giáo và tổ chức đám cưới chính trị cho con gái, Trần Nhân Tông - vị vua hai lần đánh thắng giặc Nguyên, suốt đời vẫn là một nhà chính trị kiệt xuất. Với vị thế độc lập nhưng không cô lập và không cách xa trung tâm tôn giáo, chính trị và quân sự thời Trần, Yên Tử chính là sự chọn lựa sáng suốt của vị tổ Trúc Lâm Thiền Tông.
Mùa xuân là lễ hội Yên Tử, du khách có thể ngỡ ngàng vì Yên Tử không có ngôi chùa lớn nào. Hơn nữa, núi Yên Tử rất dốc cũng không có mặt bằng thuận lợi để xây dựng các ngôi chùa lớn. Ở đó chỉ có những ngôi chùa nhỏ và các bảo tháp lợi dụng địa thế để bám trên sườn dốc. Bởi vì Yên Tử không chỉ là trung tâm Phật giáo, mà quan trọng hơn đó chính là trung tâm tư tưởng, chính trị thời Trần.