quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tại sao Yên Tử (2): Giải mã những thông điệp bí ẩn của Vua Trần Nhân Tông

Thứ Tư, 06/04/2011 | 02:23:00 PM

Qua các cụm cây cổ thụ 700 năm tuổi vẫn xanh tươi, qua quy mô khiêm tốn của các ngôi chùa tháp, qua chính bức tượng Trần Nhân Tông nhỏ bé bằng sa thạch, hình như vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm đã gửi gắm một thông điệp gì đó cho các thế hệ con dân nước Việt. Bài báo số 2 trong loạt bài “Tại sao Yên Tử” sẽ cố gắng giải mã những thông điệp đó.

 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
 
1.    Chùa Hoa Yên
Chùa Hoa Yên còn được gọi là chùa Cả, tọa lạc ở độ cao trên 500m lưng chừng núi Yên Tử,  Ban đầu chùa có tên là Vân Yên, do Thiền sư Hiện Quang dựng vào cuối thời Lý. Trụ trì kế tiếp là các thiền sư Đạo Viên, Đại Đăng, Tiêu Diêu, Huệ Tuệ, đến Trúc Lâm Đại sĩ tức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1299) là đời thứ 6. Điều Ngự Giác Hoàng cho mở chùa Vân Yên to rộng hơn và phát triển chùa trở thành trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiền tông thời bấy giờ (1) .
Vua Lê Thánh Tông vào thế kỷ XV lên thăm chùa, do thấy cảnh hoa nở đầy sân nên đổi tên chùa là Hoa Yên. Ngôi chùa hiện nay đã được xây dựng lại, nhỏ hơn. Trước chùa có Huệ Quang Kim Tháp xây năm 1310 an táng xá-lợi Trần Nhân Tông và hơn 40 tháp lớn nhỏ khác, đều là tháp cổ đời Trần. Có hàng tùng bố trí hai bên đường dẫn lên chùa, gần chùa có rừng hoa mai, có nhiều cây đại quanh các bảo tháp, tương truyền đều được trồng khi Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng, đến này cũng đều đã trên 700 năm tuổi (1) .



Tượng vua trần Nhân Tông ở Tháp Huệ Quang,Yên Tử
2.    Thiền nhập thế và sự gần gũi với Zen Nhật bản
Lý thuyết của Thiền phái Trúc Lâm chủ trương nhập thế, không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh, mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn và nghĩa vụ Quốc gia. Triết lí nhập thế khiến Trúc Lâm Thiền tông rất gần gũi với thiền Nhật bản (Zen), vốn cũng xuất hiện ở Nhật vào cùng thế kỷ XIII, khi Thiền đời Tống (T’ian) sang Nhật kết hợp với Thần Đạo Nhật Bản (Shinto) mà thành Zen. Tinh thần nhập thế khiến cho Thiền Trúc Lâm cũng như Zen Nhật Bản đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo nên con người xã hội, rất quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ một quốc gia nhỏ bé trước thiên tai và ngoại xâm. Chúng ta biết rõ người Nhật Bản là con người xã hội như thế nào trong thảm họa động đất và sóng thần vừa qua.
Tinh thần nhập thế thể hiện rất rõ nét ở bài kệ kết thúc bài phú “Cư trần lạc đạo phú” (Ở Trần gian mà Đắc Đạo) của Trần Nhân Tông: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tắc miên. Gia trung hữu bảo hưu tầm mích, Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”(Ở trần thế vui đạo hãy tùy duyên, Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền. Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm, Vô tâm trước cảnh thì không cần thiền). Bài kệ phản ảnh chân thực và cô đọng tư tưởng nhất quán của Trúc Lâm Thiền Tông được thể hiện qua bốn điểm:
1. Sống hòa mình với xã hội, không câu chấp.
 2. Hành động tùy cơ duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên.
3. Tự tin và dựa vào chính mình, không tìm cầu tha lực (lực hỗ trợ bên ngoài).
4. Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật.
Chủ trương nhập thế tích cực như một cương lĩnh Thiền phái mà “Cư trần lạc đạo phú” ghi nhận: “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”. Có nghĩa là: bất cứ ai sống giữa đời thế tục mà tạo ra phúc đức để độ mình độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật là tai họa đáng trách (2). Chính tư tưởng này làm cho Thiền phái Trúc Lâm có những đại biểu xuất sắc bao cả gồm tại gia và xuất gia, mà bản thân cuộc đời của Trần Nhân Tông đã chứng minh.
Thiền phái Trúc Lâm không cực đoan như một số Thiền phái Trung Hoa hay các Thiền phái khác của chính Đại Việt có gốc Ấn Độ hay Trung Hoa. Những Thiền phái cực đoan cho rằng người tu thiền không được giảng học kinh điển vì lẽ làm tăng kiến giải, khó “ngộ”. Vì Thiền Trung Hoa là “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tính thành Phật”, nghĩa là “Thiền không viết (và nói) ra được, truyền thụ bằng cách cảm nhận cá nhân khác tất cả các cách truyền thụ khác, Đi thẳng vào tâm thiền sinh, Nếu có cơ duyên mà “ngộ” thì thành Phật”. Trái lại, Thiền Trúc Lâm cũng như Zen Nhật Bản, vừa tu thiền vừa học kinh điển. Học Thiền Trúc Lâm, vì thế, không chỉ học kinh Phật mà còn học đủ thứ kiến thức để làm một công dân tốt. Thiền Trúc Lâm không chỉ chú trọng vào Thiền định mà còn chú trọng hơn vào Thiền quán, nghĩa là không chỉ chú trọng vào cảm nhận cá nhân mà cả vào quá trình học tập tu dưỡng (4).
Kinh Hoa Nghiêm xuất phát từ Ấn Độ và là một trong những cơ sở của triết lí Trúc Lâm (2) . Bản kinh này không chỉ khái quát vũ trụ quan và nhân sinh quan mà còn trình bày về một thế giới duyên khởi của vạn pháp. Nghĩa là, mọi sự vật vũ trụ đều do tương cầu và tương tác chặt chẽ mà thành. Quan điểm của Kinh Hoa Nghiêm rất giống với lí thuyết Hệ thống hiện đại, tạo thành một lối sống mới trong đời sống sinh hoạt Phật giáo Đại Việt. Nó trở thành lý thuyết hệ thống giúp cho các nhà lãnh đạo quốc gia Đại Việt bấy giờ có một cái nhìn tổng hợp về các vấn đề nhân văn và xã hội (3).
 
3.    Nhỏ là đẹp
Núi YênTử không hề nhỏ hẹp. Nhưng hàng trăm ngôi chùa và bảo tháp ở đây đều được xây dựng nhỏ bé, hòa mình vào thiên nhiên tươi tốt, được tổ chức rất quy phạm bởi điểm xuyết thêm vào đó những thảm thực vật trồng được lựa chọn tinh tế. Với lịch sử thành văn trên 2000 năm qua, Đại Việt đã trải qua nhiều triều đại và nhiều cuộc chiến tranh, cả chiến tranh vệ quốc lẫn nội chiến. Không chỉ chiến tranh tàn phá mà triều đại sau thường phá sạch những công trình hoành tráng của triều đại trước khiến cho đến nay hầu như không còn một công trình to lớn nào của quá khứ tồn tại. Vậy mà Yên Tử vẫn tồn tại như một minh chứng cho lí thuyết “Nhỏ là Đẹp”. Rằng “Núi không cần cao, nếu có Tiên ở thì là Linh Sơn, Đền không cần to, nếu có Thần ở thì là Linh Từ, Sông không cần sâu, nếu có Rồng cuộn thì là Linh Giang” như câu sấm Đền Cao Hải Dương, như Đền Thượng trên đình Tản Viên thờ Sơn Tinh,…đã nói ra. Có lẽ đó cũng là một thông điệp mà bằng hành động xây dựng chùa tháp ở Thánh Địa Yên Tử, Trần Nhân Tông đã gửi gắm lại. Vả chăng triết lí Thiền chính là hòa mình với Thiên nhiên Vĩ đại. Cả vùng núi Yên Tử là nhà của Trúc Lâm Thiền phái, thì các công trình nhỏ lẻ núp mình dưới bóng cây và vách đá cũng đã là rất đủ.
Thông điệp này nếu đúng như vậy thì đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự ngjiệp Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường.
 
4.    Tầm nhìn Phương Nam
Bảo tháp Thiền Định tại Yên Tử, nơi Trần Nhân Tông thiền tọa, được dựng bằng gạch nung theo kiểu Chămpa có tráng men xanh. Ngay tượng thờ của Trần Nhân Tông trong Huệ Quang Kim Tháp cũng được tạc bằng sa thạch (cát kết) theo phong cách Chămpa. Nếu là phong cách Đại Việt hay Trung Quốc thì tượng đã được tạc từ gỗ mít hay đá vôi rồi. Pho tượng Thiền chủ Trúc Lâm cũng mang trang phục Tiểu thừa của dòng Phật giáo Phương Nam. Cả việc tượng nhà vua ngồi trong bảo tháp quay mặt hướng Nam cho thấy những kỳ vọng của nhà vua về một Vương triều mang đậm bản sắc Đông Nam Á, cũng như việc mở rộng bờ cõi về phía Nam như một hoài bão nóng hổi mà cuộc hôn nhân chính trị giữa Huyền Trân Công chúa với Vua Chămpa Chế Mân chỉ là bước khởi đầu.
 
Liệu tất cả những giải đoán trên có phản ảnh ít nhiều về những Thông điệp Không lời mà vị Trúc Lâm Thiền Chủ gửi lại cho hậu thế chăng?
 
Chú thích:
(2)Thích Phước Đạt. Giáo hội Phật giáo Nhất Tông đời Trần.
(3) . Nguyễn Đình Hoè, 2006. Tích hợp Thiền học và Tiếp cận hệ thống - cơ sở bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khu vực Đông Á. Báo cáo tại Hội thảo Quốc tế "Hướng tới cộng đồng Đông Á - Thách thức và triển vọng". Viện Đông Bắc Á, Hà Nội, 14 - 16/09/2006
(4). Nguyễn Đình Hòe. Thiền và Bảo vệ Môi trường. Tạp chí Khoa học và Tổ quốc số 9/2010
 
 

Lượt xem: 2503

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE