quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tài nguyên đang có đều là hữu hạn

Thứ Sáu, 29/10/2010 | 08:50:00 AM

(TBKTSG) - “Doanh nghiệp khai thác khoáng sản hầu như không đầu tư cho công nghệ, lấy khoáng sản thô dưới lòng đất rồi xuất khẩu ngay. Cách khai thác theo kiểu “ăn xổi ở thì” này đã xâm hại nghiêm trọng tài nguyên quốc gia”, ông Nguyễn Đình Xuân, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, nhận định về thực trạng khai thác khoáng sản tràn lan hiện nay ở các tỉnh thành trên cả nước. Bên lề cuộc họp Quốc hội, TBKTSG đã có cuộc trò chuyện với ông Xuân về vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Xuân

Sơn Nghĩa thực hiện

TBKTSG: Thưa ông, trong lần góp ý cho Luật Khoáng sản sửa đổi lần này, các đại biểu sẽ kiến nghị gì với Chính phủ trong việc hạn chế khai thác khoáng sản thô như hiện nay?

- Ông Nguyễn Đình Xuân: Trước hết, phải hiểu khoáng sản là tài nguyên quốc gia, thời gian qua Chính phủ đã phân cấp cho các địa phương quản lý việc cấp phép và khai thác khoáng sản. Nhưng việc quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương đang bị lạm dụng và cấp phép bừa bãi. Những năm qua, hàng ngàn giấy phép khai thác mỏ đã được cấp phép trên cả nước, nhưng giá trị kinh tế không được đánh giá đúng. Tài nguyên của đất nước bị mất đi, nhưng nguồn thu ngân sách từ khoáng sản không tương xứng với số lượng mỏ đang khai thác. Chưa kể đến yếu tố ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, khai thác và vận chuyển khoáng sản còn làm hư hỏng những công trình hạ tầng giao thông. Quan trọng hơn là việc thất thoát tài nguyên, khoáng sản của Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu lậu qua biên giới.

Các loại khoáng sản như than được dự báo trong vài năm nữa sẽ cạn kiệt, trong khi đó các nhà máy xi măng đang thiếu than để hoạt động, những nhà máy nhiệt điện cũng thiếu trầm trọng loại tài nguyên này. Nhưng các doanh nghiệp vẫn ồ tại xuất khẩu than sang Trung Quốc. Ngoài ra, khoáng sản là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế việc tận dụng và khai thác tài nguyên hiện chỉ đang làm giàu cho một số người. Đây chính là vấn đề mà Chính phủ cần xem xét và chấn chỉnh lại trong việc sửa đổi Luật Khoáng sản lần này.

 

TBKTSG: Theo ông, làm thế nào để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô?

 

- Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này vẫn chưa điều phối tốt tình hình khai thác khoáng sản hiện nay. Doanh nghiệp khai thác luôn muốn bán tài nguyên thô ra nước ngoài thu lợi nhuận, quay vòng vốn cho nhanh, có trường hợp doanh nghiệp xin được mỏ là bán luôn. Giải quyết tình trạng này, Nhà nước phải đánh thuế ở mức cao các loại quặng xuất khẩu, hạn chế khai thác các mỏ khoáng sản để xuất khẩu. Nếu dự án khai thác khoáng sản có qua chế biến sâu sẽ được ưu tiên. Ngược lại, những dự án xuất khẩu thô, Chính phủ nên hạn chế cấp hoặc không cấp phép cho những dự án này.

Nếu Nhà nước không cấp phép cho những dự án xuất khẩu khoáng sản thô, buộc các doanh nghiệp muốn khai thác sẽ phải đầu tư thêm công nghệ, thiết bị để chế biến. Khi đó Nhà nước sẽ dễ dàng kiểm soát được tình hình xuất khẩu thô. Vừa rồi, Chính phủ đã quyết định nâng thuế xuất khẩu một số loại quặng thô, các nhà đầu tư đã kêu ca và dừng việc xuất khẩu. Nhưng theo tôi, điều này cũng tốt, khoáng sản không khai thác vẫn nằm ở đấy, khi đủ điều kiện chế biến sâu, chúng ta hoàn toàn có thể khai thác trở lại.

TBKTSG: Nhiều ý kiến cho rằng, việc khai thác khoáng sản tràn lan như hiện nay là do các địa phương không kiểm soát được. Nguyên nhân là do việc phân cấp về cấp phép đầu tư cho các địa phương?

- Vấn đề này chúng ta đang gặp mâu thuẫn. Về quản lý nhà nước, thực tế yêu cầu Chính phủ phải phân quyền nhằm tạo điều kiện chủ động hơn cho các địa phương trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, để việc phân quyền mang lại kết quả tốt, Nhà nước phải kiểm tra, kiểm soát được. Phân quyền phải đi đôi với việc quản lý và giám sát của Nhà nước.

TBKTSG: Giải pháp nào cho vấn đề này, cụ thể trong việc khai thác khoáng sản, thưa ông?

- Chúng ta cần có quy hoạch tổng thể về việc khai thác khoáng sản ở tầm quốc gia và một chiến lược khai thác khoáng sản dài hạn. Điều này sẽ định hướng cho việc thừa hành. Các địa phương sẽ căn cứ vào đó để biết họ được phép khai thác loại khoáng sản gì, với số lượng bao nhiêu, thời hạn được phép khai thác. Nhà nước giao quyền cho các địa phương khai thác và yêu cầu phải có báo cáo đầy đủ, chi tiết về tính hiệu quả của việc này cũng như những ảnh hưởng về môi trường, dân sinh ở khu vực khai thác. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ ra quyết định cho phép khai thác hay không khai thác.

Các mỏ phải được đấu giá khi tiến hành khai thác, vì đây không phải là tài sản riêng mà chính quyền địa phương có thể cho phép tùy tiện. Thực tế trong thời gian qua, doanh nghiệp nào “chạy” xin được một mỏ để khai thác, coi như doanh nghiệp đó đã nắm được tài sản của riêng mình. Có hiện tượng, sau khi doanh nghiệp “chạy” được mỏ, họ đứng ra làm đầu nậu, hoặc bán lại cho người khác, lấy tiền chênh lệch. Tất cả những điều này cần sớm được chấn chỉnh. Chính quyền địa phương cần công khai minh bạch hơn trong việc đấu thầu thăm dò, khai thác khoáng sản. Doanh nghiệp buộc phải ký quỹ về môi trường, đóng góp cho xã hội, địa phương trong cam kết dự án khai thác mỏ. Những công đoạn này cần được tiến hành minh bạch và có người giám sát để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho đất nước.

Một vấn đề quan trọng nữa là Việt Nam sắp trở thành nước phải nhập khẩu năng lượng, trong khi hiện nay chúng ta đang bán đi những nguồn tài nguyên thô với giá rất rẻ. Vì vậy, Nhà nước phải xét đến việc cân đối các nguồn tài nguyên trong việc khai thác mỏ nhằm tránh việc khai thác tận thu. Việc khai thác tài nguyên phải dựa trên quan điểm tài nguyên mà chúng ta đang có đều là hữu hạn, có như vậy chúng ta mới dè sẻn và khai thác hợp lý hơn.

(TB KTSG, 28/10/2010)

Lượt xem: 1446

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE