quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Tác động của hồ đập thủy lợi, thủy điện đối với An ninh môi trường Thừa Thiên – Huế

Thứ Hai, 01/11/2010 | 06:47:00 PM

Lịch sử quá trình suy thoái môi trường nước vùng đồng bằng Thừa Thiên - Huế xuất phát từ sự kiện xây dựng nhà máy nước Vạn Niên đầu thế kỷ trước và tăng tốc với việc xây dựng chuỗi đập thủy điện trên thượng nguồn sông Hương và sông Bồ. Hai sự kiện cách nhau gần 200 năm. Các tranh chấp về sử dụng tài nguyên nước trước các áp lực sử dụng nước và các hệ lụy trong tương lai cần được xem xét dưới góc độ an ninh môi trường nước.

 Nguyễn Đình Hòe – VACNE và Nguyễn Bắc Giang- Khoa Môi trường ĐHKH Huế
 
 1.Đồng bằng Huế với hệ thống sông hầu như không có trung lưu
Đồng bằng Huế chủ yếu thuộc lưu vực sông Hương, gồm sông Hương và sông Bồ gặp nhau ở ngã ba Sình trước khi đổ vào phá Tam Giang. Dòng chính sông Hương thực ra chỉ bắt đầu ở ngã ba Tuần, nơi hội lưu của hai nhánh : Tả Trạch dài 51 km và Hữu Trạch dài khoảng 70 km vốn bắt nguồn từ độ cao trên dưới 1.300m, rồi đổ ra cửa Thuận An. Diện tích lưu vực sông Hương là 2830 km2. Địa hình thay đổi đột ngột, từ thượng lưu xuống miền đồng bằng, với nhiều đoạn chuyển tiếp rất hẹp. Và vì thế mà hệ sông này có đoạn trung lưu rất ngắn. Thủ phạm của dị thường địa hình này là hệ đứt gãy Huế. Đây là một hệ đứt gãy khá sâu chạy dài theo hướng á vĩ tuyến, nối với hệ đứt gãy sâu Da Krong-A Lưới trên đỉnh Trường Sơn. Dưới trường sức ép theo phương Bắc-Nam của thạch quyển, hệ đứt gãy Huế bị xiết ép dữ dội, đẩy khối thạch quyển Nam Huế trồi lên cao, trong khi khối thạch quyển phía Bắc bị tụt xuống hàng trăm mét theo tài liệu lỗ khoan ở đồng bằng Huế. Nước khoáng nóng chứa phóng xạ đùn lên một vài chỗ trong đới phá hủy dọc theo đứt gãy này. Đới này rộng hàng trăm mét chạy suốt chiều dài cả trăm km của hệ đứt gãy. Trong đới phá hủy này, các loại đá bất kể thành phần là gì, đều bị ép dẹp thành phiến láng bóng. Thượng nguồn sông Hương (Tả Trạch, Hữu Trạch) có đầy đủ tính chất của các dòng sông trẻ: nhiều ghềnh thác, bồi tích thô, nhiều đoạn hẹp có nước chảy xiết như những cuồng lưu trong các hẻm vực sâu, nhiều nhánh sông bị bẻ quặt dị thường do bị đứt gãy khống chế,….Ngoài ra, lưu vực sông Hương có lượng mưa bình quân rất lớn, đạt gần 3000mm/năm với lượng nước đạt gần 6 tỷ m3 trong năm. Chính vì vậy, tiềm năng thủy điện của các nhánh Tả và Hữu Trạch và sông Bồ đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư thủy điện.


Hệ đứt gãy Huế gồm một chùm đứt gãy xiết ép (màu đỏ), kéo dài theo phương á vĩ tuyến,
 tạo ra khối nâng trồi Nam Huế và đoạn thượng lưu trẻ của sông Hương. Ảnh vệ tinh Google.

Trái với các nhánh thượng nguồn, đọan hạ lưu sông Hương và sông Bồ chảy trên đồng bằng Huế lại là đoạn sông già: uốn khúc quanh co giữa các cánh đồng, chảy hiền hòa, lặng lẽ gần suốt năm (tất nhiên trừ vài tháng mùa lũ), xuất hiện các cồn cát giữa sông (đáng chú ý có cồn Dã viên, Cồn Hến tạo ra thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ trên sông Hương mà dựa vào địa thế này nhà Nguyễn đã chọn đất xây dựng kinh đô).

Đã hầu như không có đoạn trung lưu để triệt tiêu động năng dòng nước sông mùa lũ, đồng bằng sông Hương nhiều chỗ lại thấp so với mực nước biển và mực nước lũ nên hầu hết diện tích bị ngập khi lũ trên Báo động III (tại Huế, báo động III chỉ là 3,00m). Hai phần ba số dân và cũng hai phần ba số nhà cửa ở đồng bằng sông Hương bị ngập sâu khi gặp lũ lớn. Đường sắt và QL1A đoạn từ Phú ốc đến Huế dài trên 15km đi qua cánh đồng ngập lụt. Nhiều tỉnh lộ, đường liên xã, liên vùng đi qua đồng bằng thường bị ngập. Dải ngập lụt ở đồng bằng sông Hương kéo dài từ sông Bồ cho đến đầmCầu Hai (dài 40km, rộng 10~15km), chạy song song với phá Tam Giang. Dọc theo sông Hương, vùng Kim Long, mặt đất cao từ 2~2,5 mét nên ngập sâu từ 2,5~3,0m, từ ngã ba Sình trở xuống, ngập nông hơn. Dọc theo sông Bồ, ngập sâu 2,5~3 mét; đoạn đường sắt và QL1A từ sông Bồ đến sông Hương thường bị ách tắc do ngập sâu. Từ đông nam Huế đến đầm Cầu Hai, mặt ruộng cao từ 0 đến 1,5m nên thường bị ngập sâu. Thời gian ngập lụt ở đồng bằng sông Hương thường kéo dài 3~5 ngày. Những vùng trũng sâu, do có nhiều yếu tố tác động như các hệ thống bờ vùng, bờ thửa, hệ thống đê, kênh tưới tiêu thủy lợi nên ngập lụt lâu hơn, có nơi 7~10 ngày mới tiêu hết nước(1).

2. Triều Nguyễn: xây dựng hệ thống kênh mương và sông đào.
 Khi định đô ở Huế, nhà Nguyễn bắt đầu xây dựng một hệ thống tiêu thủy được quy hoạch rất tốt cho Phú Xuân - Huế và vùng lân cận. TP Huếnhờ vậy có hệ thống sông ngòi chằng chịt, bao gồm cả các sông tự nhiên được chỉnh trị như sông Như Ý, An Cựu, Phổ Lại, Đại Giang, Thiệu Hóa... một số là sông đào như: Đông Ba, An Hòa, Kẻ Vạn. Ngay hTịnh Tâm cũng là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế (gồm hồ Học Hải và hồ Tịnh Tâm)(9). Kế hoạch trị thủy của nhà Nguyễn đã tạo ra một cố đô Huế là một thành phố sông hồ, thoát nước tốt, chống lũ tốt và cũng qua đó mở mang thêm mạng lưới giao thông thủy, đồng thời cũng là mạng lưới hành quân và tác chiến (dĩ nhiên bằng đường thủy) để bảo vệ kinh thành. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mạng lưới thoát nước của Kinh thành Huế là một mạng lưới hoàn hảo mà cho đến nay vẫn chưa hiểu rõ người xưa đã tính toán theo cách nào.
 
3. Xây dựng nhà máy nước Vạn Niên: mở đầu cho giai đoạn đắp đập ngăn mặn tràn lan biến hệ thống sông ngòi của Huế thành những dòng sông chết.
Người Pháp làm chủ Huế là lập tức nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà máy nước. Ngay từ đầu thế kỷ 19, Pháp đã cho xây dựng nhà máy nước Vạn Niên lấy nguồn nước mặt đầu vào từ sông Hương. Với tài năng thiết kế của kỹ sư Bossard và tài thi công của nhà thầu Francois Lyard, nhà máy nước Vạn Niên - Huế là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp và rất hài hòa với cảnh quan kinh thành (9). Tuy nhiên theo đà tăng dân số kinh thành, nhu cầu lấy nước mặt từ sông Hương ngày một nhiều đã khiến nhà máy nước Vạn Niên bị nguy cơ nước sông Hương nhiễm mặn đe dọa. Vào mùa hè (từ tháng III đến tháng VIII), nước mặn thường xâm nhập sâu vào sông Hương, nhiều khi vượt qua Nhà máy nước Vạn Niên, nhà máy cuối cùng cấp nước cho thành phố Huế, tới 500m, và nồng độ muối đến 449mg/lít. (ngày 17/7/2002 tại cửa lấy nước của Nhà máy Vạn Niên, nồng độ muối đã lên mức 1.500 mg/lít). Theo tiêu chuẩn quy định, nồng độ muối trong nước sinh hoạt không được vượt quá 250mg/lít (8). Việc đó dẫn các nhà quy hoạch đến với việc đắp đập ngăn các sông nhỏ đấu nối vào sông Hương. Một giai đoạn mới với việc đắp hàng loạt đập ngăn mặn đã xảy ra.

Đập Đá  chắn ngang cửa sông Như Ý
Trên các con sông ở thành phố Huế, hiện có đến hàng chục đập được xây dựng. Đầu tiênĐập Đá được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 20 chắn ngang đầu dòng sông Như Ý vốn có chức năng chia nước từ sông Hương về vùng Hương Thủy và Phú Vang. Đập Hậu xây dựng sau đó trong thời thuộc Pháp chắn ngang dòng sông An Hòa chảy quanh Kinh thành Huế. Đập Phú Cam được xây dựng năm 1977, chắn đầu dòng sông An Cựu chảy từ sông Hương về sông Đại Giang nối với đầm Cầu Hai. Đập La Ỷ xây dựng từ năm 1998 chắn ngang đầu dòng sông Phổ Lợi chảy từ sông Hương về đầm Thanh Lam.... Tất cả các con đập nói trên đều được xây dựng trước hết nhằm mục đích ngăn mặn cho sông Hương vào mùa khô và kết hợp chống lũ tiểu mãn, lũ đầu vụ, đảm bảo mùa màng cho khoảng 20.000 ha vùng hạ lưu và là 3/4 diện tích ruộng đồng trên toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế (4).Cuối cùng, đập Thảo Long được xây dựng hoành tráng ở cửa sông Hương mới được khánh thành năm 2004.
Tuy rằng đạt được mục tiêu ngăn một phần mặn sông Hương và chống lũ tiểu mãn cho vùng nông nghiệp dưới hạ lưu, các đập này, mặt khác, lại phá vỡ quy hoạch trị thủy trước đây của nhà Nguyễn, biến nhiều dòng sông đào thành những con sông chết vì ô nhiễm cũng như không còn nhiều khả năng thoát lũ chính mùa. Lũ lụt ngày càng gia tăng vì hệ thống thoát nước cho sông Hương bị ngăn cản bởi hàng loạt con đập được xây dựng vào những thời kỳ khác nhau.
Mặt bằng Đại Nội  dần trở nên thấp hơn mặt đường do con ngườiliên tục tôn cao mặt đường để chóng ngập lụt hàng năm. Thậm chí Đại Nội còn bị ngập úng trước cả khi nước tràn bờ sông Hương. Các dòng sông nhánh do có đập trở thành dòng bán tù hãm, giảm mạnh khả năng tự làm sạch, dần dần trở thành các dòng sông tàn thậm chí sông chết. Thành phố Huế hiện có khoảng 50 điểm xả nước thải trực tiếp ra sông mà không qua bất kỳ một hệ thống xử lý nào. Đó là chưa nói đến hơn 1.000 hộ vạn đò  bao lâu nay đã lấy sông làm bãi rác (bây giờ đã được tái định cư được 890 hộ). Điều này góp phần quan trọng làm cho hầu hết các con sông ở Thừa Thiên- Huế bị ô nhiễm nặng. Trên các dòng sông An Cựu, Ngự Hà, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến và cả sông Hương... thấy đủ loại rác rưởi, có nơi phủ kín mặt sông. Bị rác và các thứ xà bần ngăn cản dòng chảy nên lòng sông ngày càng hẹp lại, cạn dần. Công ty TNHH Nhà nước Môi trường và Công trình đô thị Huế đã dùng thuyền mỗi ngày thu gom khoảng 15 tấn rác trên các sông (6). Tiếp nối chuỗi hành động ngăn mặn, năm 2004 một con đập ngăn mặn thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á – đập Thảo Long - được khánh thành cách cửa sông Hương 14 km tốn 152 tỷ đồng. Lượng nước xả ra từ đập Thảo Long được sử dụng để tính dòng chảy môi trường của sông Hương. Đó là dòng chảy tối thiểu, hay còn gọi là “lưu lượng sinh thái” của sông Hương, là lượng nước cần phải xả từ đập Thảo Long, tức là lưu lượng tối thiểu mà toàn bộ lưu vực phải đổ vào đầm phábằng 31 m3/s. Nếu con số này có ý nghĩa gì đó đối với hệ sinh thái đầm phá Tam Giang, thì cũng chưa chắc đã có ý nghĩa gì đối với hệ sinh thái phần sông Hương thượng lưu đập Thảo Long (14). Thông tin mới đây cho biết gần 100 ha diện tích nuôi tôm, cá, cua khu vực Thuận Hòa B, xã Hương Phong, huyện Hương Trà (vùng sau đập Thảo Long), bị chết hoặc chậm phát triển do tình trạng ngọt hóa vùng trước và sau công trình đập ngăn mặn Thảo Long (15).
 
 
Đập Thảo Long

Các con đập góp phần biến các dòng sông Huế trở thành sông chết. Thuyền bè không thể đi lại trên các sông này, bỏ phí hàng chục tuyến giao thông đường thủy có thể nối thông tất cả vùng đồng bằng của tỉnh Thừa Thiên - Huế lại với nhau. Sông An Cựu đang cạn dòng, nhiều đoạn bãi bồi lấn ra gần đến giữa sông. Các kênh Bảy Xã, Năm Xã, Mộc Hàn - Phú Khê, Nam Phổ... phần lớn trở thành "hồ" chứa nước thải và rác của cư dân, nước chuyển màu sang đen, thường bốc mùi vào mùa nắng. Tất cả các sông đều bị bèo lục bình và cỏ rác phủ dày đặc trên bề mặt (4), nhiều đoạn bị dân đổ đất lấn chiếm.
 
4. Thiếu tính hệ thống khi xây dựng và vận hành đập thủy điện trên thượng nguồn sông Hương và sông Bồ: ô nhiễm, hạn, lụt khó lường.
Nhu cầu sử dụng nước dân sinh và sản xuất công nghiệp (cần đảm bảo gần 3m3/s); nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (cần đảm bảo 320 triệu m3/năm, đủ nước cho sản xuất lúa gần 50.000 ha đất canh tác) đòi hỏi phải có hệ thống trữ nước ở thượng nguồn lưu vực sông Hương. Điều hành thủy điện hiện nay chưa trên cơ sở hệ thống đã dẫn đến các hệ lụy như sau:
 
Gia tăng lũ lụt

Thừa Thiên – Huế đã thông qua quy hoạch hệ thống thủy điện đến năm 2015 bao gồm 12 hồ đập, trong đó riêng trên sông Bồ có tới 7 hồ đập. Trong số 12 hồ đập thủy điện, đến tháng 2/2010 đã có 5 hồ đập sắp hoàn thành. Các hồ đập còn lại đang thi công ồ ạt nhằm kịp tiến độ phát điện vào cuối năm 2011 như: thủy điện A Lưới (170MW) trên sông A Sáp, thủy điện Hương Điền (81MW), trên sông Bồ, thủy điện Bình Điền, Tả Trạch, Thượng Nhật (6,5MW) trên sông Hương.
Thượng nguồn sông Hương có 3 hồ đập thủy điện là Bình Điền, Tả Trạch vàThượng Nhật. Cùng với thuỷ điện Bình Điền đã xong, thượng nguồn sông Hương còn có công trình hồ Tả Trạch đang thi công. Nhưng mới đây, đơn vị thi công phần đập tràn xả lũ hồ chứa công trình này đã phát hiện bên phải đập tràn xả lũ xuất hiện nhiều vết nứt dị thường rộng 20~30cm ăn sâu vào núi nên buộc phải tạm dừng thi công. Nếu xác định rõ những vết nứt này liên quan đến hoạt động của hệ đứt gãy Huế, thì sự an toàn của các hồ đập trong đới phá hủy của hệ đứt gãy hiện đại này phải được tính toán kỹ, nếu không, những hồ đập thượng nguồn hệ thống sông Hương sẽ trở thành những quả bom nước treo trên đầu các khu vực đông dân dưới hạ lưu sông.

Khi những trận mưa lớn đi kèm bão số 9 đã đi qua, thì cuối buổi chiều 29-9-2009 nước sông Hương (Thừa Thiên - Huế) lại dâng cao, đỏ ngầu, ngập hết các đường phố trung tâm TP Huế, vùng Thành nội và các vùng hạ du sông Hương như các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà. Đến 20g ngày 29-9-2009, nước sông Hương đã lên đỉnh lũ 4,57m (trên báo động III là 1,57m) tại vị trí của trạm thủy văn Kim Long. Nước lên rất nhanh khiến nhiều người bất ngờ trở tay không kịp. Tình trạnglũ lụt kỳ lạ này sau đó đã được xác minh là do sự cố hỏng 2 trên tổng số 5 cửa van xả lũ tại hồ thủy điện Bình Điền trên sông Hương (2) .

Dự báo vào mùa mưa lũ, lũ lụt sông Bồ sẽ căng thẳng hơn sau khi thủy điện A Sáp trên A Lưới đi vào hoạt động vì dòng sông này sẽ phải gánh thêm lượng nước nhiều chục triệu m3 do thủy điện này chuyển từ sông A Sáp (thuộc hệ thống sông Mekong) sang sông Bồ.

Ô nhiễm hạ lưu do vệ sinh nhà máy thủy điện thiếu trách nhiệm

Nhà máy thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn Sông Hương súc rửa máy móc từ tháng 5 – 2009 làm cho mangan trong nước máy tăng cao, khiến nước do nhà máy nước Vạn Niên cung cấp cho TP Huế và các vùng phụ cận bị đục và hôi tanh. Nguồn nước của nhà máy nước Tứ Hạ (huyện Hương Trà) lấy từ sông Bồ cũng có nguy cơ bị nhiễm mangan vượt mức cho phép khi nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước phát điện trong thời gian tới (5)
Gia tăng khô hạn do hồ thủy điện tích nước
Việc tích nước lòng hồ thủy điện Hương Điền đã làm hạ mực nước sông Bồ, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đột ngột khô cạn vào đầu năm 2010. Sông Bồ cạn nước đúng vào cao điểm nông dân vùng hạ lưu đang khởi đầu vụ lúa đông-xuân 2010. Không chỉ nước tứoi cho đồng ruộng, ngay cả nguồn nước sinh hoạt của người dân vùng hạ lưu sông Bồ thuộc các huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền cũng trở nên khan hiếm, mọi phương tiện mưu sinh trên sông Bồ đình trệ.Lúc này, phía hạ lưu sông Bồ, người dân các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phong Điền đang chuẩn bị gieo cấy vụ hè – thu. Vì thủy điện Hương Điền không xả nước nên hạ lưu sông Bồ cạn kiệt, mực nước xuống còn 0,2m. Trong khi đó, thủy điện Hương Điền đã tích nước ở cao trình 35,26m. Theo lý thuyết, khi mực nước đạt cao trình 34m trở lên thì tất cả các cống xả của thủy điện Hương Điền phải xả nước được để chống hạn cho phía hạ lưu, nhưng nhà máy thủy điện này vẫn không chịu xả mà vẫn tích nước. Khi sông Hương bị nhiễm mặn, vẫn thường phải lấy nước từ sông Bồ về hỗ trợ cho nhà máy nước vạn Niên và Dã Viên khoảng 20.000m3/ngày đêm đểcấp nước cho Huế và vùng dân cư phụ cận (7) .Nhưng sông Bồ lúc đó(tháng 9/2010) cũng vẫn cạn.

Lần đầu tiên trong lịch sử, sông Bồ tại Thừa Thiên - Huế hạn hán ngay từ cuối mùa đông năm 2009, một hiện tượng trái khoáy. Lòng sông khô cạn đột ngột từ 0,5m đến 1m không chỉ đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, mưu sinh hàng ngày của hàng vạn người dân mà còn uy hiếp trực tiếp tới sự sống còn của gần 7.000ha lúa thuộc các huyện Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền.
Ông Trần Kim Thành, phó giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế, khẳng định: “Nếu phía Công ty Hương Điền không làm đúng (xả nước trả cho hạ kưu sông Bồ) như cam kết, tỉnh sẽ có biện pháp cưỡng chế chứ không phải muốn làm gì thì làm” (11)



Sông Bồ khô cạn (9/2010)
 
 
Thiếu cát sỏi xây dựng
 
Ban Kinh tế và Ngân sách - Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cảnh báo: từ năm 2010 trở đi Thừa Thiên- Huế sẽ thiếu cát sỏi trong xây dựng. Sở dĩ có tình trạng này là vì lâu nay, nguồn cung cấp cát sỏi trên các con sông ở Thừa Thiên-Huế luôn được bồi đắp sau các mùa lũ, ước tính mỗi năm có khoảng từ 1,3 -1,7 triệu m3 cát trôi về bổ sung vào lòng sông. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở đi, khi các dự án thuỷ điện, thuỷ lợi đã xây dựng xong và đi vào hoạt động, lượng cát sỏi từ thượng nguồn bộ sung về hạ nguồn các con sông sẽ không còn, chính đây là nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng xảy ra. Hiện trữ lượng cát trên các con sông ở Thừa Thiên- Huế như: sông Bồ, sông Hương, sông Truồi còn có khoảng 2,75 triệu m3, chỉ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng trong một vài năm tới (hiện mỗi năm, Thừa Thiên- Huế khai thác hơn 900.000 m3 cát sỏi). Để khắc phục tình trạng này, Thừa Thiên- Huế đang đầu tư các dự án nghiên cứu nhằm đánh giá tiềm năng, khả năng khai thác nguồn cát ở các dải cát ven biển để thay thế cát khai thác ở các con sông (10) . Tuy nhiên việc khai thác cát trên các cồn cát ven biển lại có thể mở đầu cho một chu kỳ suy thoái môi trường mới trong bối cảnh nước biển dâng và biến đổi khí hậu còn chưa lường hết được. Bởi lẽ các cồn bãi cát ven biển là một hệ sinh thái tự nhiên đa chức năng chứ không chỉ đơn thuần là cát.
 
Thay đổi hệ sinh thái nước theo hướng không mong đợi
 
Theo các nhà Khoa học của Đại học Huế, sau khi các hồ đập phía thượng nguồn như: hồ Tả Trạch và các hồ đập thuỷ điện, cũng như đập ngăn mặn Thảo Long (phía hạ nguồn sông Hương) đi vào hoạt động, quá trình trao đổi nước giữa sông và biển bị hạn chế làm giảm đáng kể tính đa dạng của động, thực vật thuỷ sinh sống trên bề mặt nước. Ngược lại một số loài sống chìm (rong) gồm các loài rong cám (Najas indica), rong tóc tiên (Hydrilla verticillata) và rong mái chèo (Vallisneria spiralis) đang bùng phát thành những thảm lớn và dày ở ven bờ (10). Những biến động này còn chưa dừng lại và chưa được đánh giá hết, nhưng chắc chắn là dấu hiệu khởi đầu cho sự khủng hoảng sinh thái nước của hệ thống sông Hương.

Lâm tặc đi theo thủy điện

Ngày 4/3, Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế phát hiện, tạm giữ một ôtô tải vận chuyển gỗ trái phép chở 3,2m3 gỗ tròn, gồm 18 súc, dùng sản xuất ván cốp-pha trong các công trình xây dựng từ lòng hồ thuỷ điện Hương Điền về xuôi tiêu thụ.
Trước Tết Nguyên đán, chốt kiểm lâm liên huyện Phong Điền, Hương Trà và Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền cũng bắt giữ một vụ vận chuyển lâm sản trái phép gồm 8m3 gỗ nhóm quý tại khu vực lòng hồ thuỷ điện Hương Điền(12) .
 
Thảo luận

·         Mâu thuẫn về sử dụng tài nguyên nước, lũ lụt và hạn hán đang có xu thế ngày càng căng thẳng ở đồng bằng Huế hạ lưu hệ thống sông Hương. Phần lớn nguyên nhân của tình trạng này là do tính manh mún của các chương trình, dự án phát triển.Nhu cầu nước cho cấp nước sinh hạt, cho thủy điện, cho giao thông thủy, cho nông nghiệp, cho du lịch,…  đòi hỏi cần phải phân tích các xung đột này dưới góc độ an ninh môi trường của cả hệ thống lưu vực sông
 
·         Quy hoạch và xây dựng hệ thống sông ngòi để thoát nước, phát triển giao thông thủy kết hợp bảo vệ Kinh thành Huế của triều Nguyễn là một kiểu quy hoạch tổng thể, rất có cơ sở khoa học và cũng rất hiệu quả. Điều này cho thấy các vua chúa Nguyễn đã có cái nhìn và biết sử dụng những chuyên gia giỏi (dù sử sách không ghi tên tuổi của các chuyên gia này)
 
·         Xây dựng nhà máy nước Vạn Niên đầu thế kỷ 19 kéo theo một loạt đập ngăn mặn và bây giờ là quy hoạch thủy điện, xem ra là quy hoạch đơn ngành, chỉ chú ý đến quyền lợi của ngành chủ quản, nên gây ra tác động tiêu cực cho các ngành khác. Đắp các đập ngăn mặn sau này nhằm cứu vãn hoạt động của nhà máy nước Vạn Niên và Dã Viên trong mùa khô có thể coi là những hành động đối phó chắp vá, còn có thể hiểu được, nhưng cần phải xem lại chất lượng của việc lập và thẩm định các báo cáo Đánh giá tác động Môi trường (ĐTM) cho các dự án phát triển thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Hương như thế nào. Kế hoạch xây dựng hệ thống hàng chục hồ đập thủy điện mới chỉ bắt đầu và mới có một vài hồ đã xây dựng xong, ở giai đoạn tích nước mà một loạt sự cố môi trường tiêu cực đã xảy ra cho vùng hạ lưu sông.
 
·         Nhiều ý kiến của các nhà khoa học đề nghị cần sớm phá bỏ hệ thống đập ngăn mặn trên sông Hương và các dòng nhánh (4) (có lẽ nên trừ trường hợp đập Thảo Long sát cửa sông Hương?).Tuy nhiên để trả lại chức năng cho hệ thống sông ngòi Huế như xưa, thì Huế phải chủ động nguồn cấp nước không bị nhiễm mặn cho các nhà máy nước Vạn Niên và Dã Viên. Điều đó có nghĩa là một vài hồ đập thượng nguồn sông Hương (ví dụ hồ Tả trạch) phải có thêm chức năng cấp nước (kiểu như hồ Hòa Bình cấp nước cho Hà Nội), và chức năng đó phải trở thành chức năng số 1 trước cả chức năng phát điện. Điều này chưa chắc sẽ trở thành hiện thực do ngành điện có thể khó chấp nhận. Trong trường hợp này, Huế cần xây dựng hồ chứa nước trên thượng nguồn, thậm chí nằm cao hơn cả hồ thủy điện. Đây là một giải pháp tốn kém nhưng có thể khả thi hơn. Vấn đề còn phải giải quyết là chức năng ngăn lũ tiểu mãn cho 20.000 ha ruộng lúa hạ lưu sông Hương do các đập hiện nay đang đảm nhiệm sẽ phải được giải quyết như thế nào. Giải bài toán an ninh nước của đồng bằng Huế hiện nay là giải bài toán đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường. Huế và sông Hương đã biến đổi sâu sắc trong lịch sử trên 200 năm qua, muốn khôi phục lại như xưa là điều không thể. Khôi phục cái gì cũng như làm mới cái gì cũng đều phải tính toán khoa học cẩn trọng.
 
Chú thích
1)Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Trung Ương.Những trận lũ, lụt điển hình ở hệ thống sông Hương (Thừa Thiên-Huế)
 (2) Vũ Văn Thắng.Thuỷ điện Bình Điền Thừa Thiên - Huế hỏng khi... lũ lớn
(4) Phá bỏ các đập trên sông Hương: Nên hay không ?(10/2007)http://www.monre.gov.vn/monreNet/default.aspx?tabid=209&ItemID=33788
 
(6).Thừa Thiên Huế: Đừng xem dòng sông như hố rác công cộng(10/2008) http://www.vietnamforumcsr.net/default.aspx?portalid=1&tabid=359&itemid=3165
 
(7). Thừa Thiên – Huế: Không xả nước, thủy điện Hương Điền phải bồi thường http://www.baomoi.com/Info/Thua-Thien--Hue-Khong-xa-nuoc-thuy-dien-Huong-Dien-phai-boi-thuong/144/4295300.epi
 
(10) Quốc Việt,Phát triển thủy điện ở Thừa Thiên- Huế: Niềm vui và nỗi lo( 12/08/2008)
(11) Thái Lộc. Sông Bồ cạn vì thủy điện.http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/373780/Song-Bo-can-vi-han-va-thuy-dien.html
(12) Thừa Thiên - Huế: Bắt giữ nhiều gỗ lậu từ lòng hồ thủy điện Hương Điền (05/03/2010) http://ca.cand.com.vn/vi-vn/anninhkinhte/tinANKT/2010/3/159381.cand.
(13) Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh. Đảm bảo An ninh môi trường cho phát triển bền vững. NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 2010
(14)IUCN Vietnam. Đánh giá nhanh dòng chảy môi trường cho lưu vực sông Hương, miền trung Việt Nam. Hà Nội 12/2004
(15)TT-Huế: Vùng nuôi trồng thủy sản sau đập Thảo Long bị ngọt hóa. http://www.baomoi.com/Info/TTHue-Vung-nuoi-trong-thuy-san-sau-dap-Thao-Long-bi-ngot-hoa/148/3134153.epi
 
 
 
 
 

Lượt xem: 7689

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE