(ảnh: internet)
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của hiệp định Hợp tác Mê Kông đã được chính phủ bốn nước hạ lưu vực sông Mê Kông ký kết năm 1995. Các thành quả đạt được và đánh giá các mặt hạn chế trong thực hiện hiệp định này?
Ông Trần Đức Cường: Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế đã trở thành một tổ chức hợp tác vùng, có tiếng nói không thay thế được (cả về kỹ thuật và pháp lý) về các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Kông.
Hiệp định Mê Kông 1995 ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh các hoạt động phát triển tài nguyên nước trong lưu vực Mê Kông ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Hiệp định là khung pháp lý duy nhất trợ giúp việc quản lý hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên toàn lưu vực Mê Kông, ngăn chặn các xung đột liên quan đến sử dụng nước giữa các quốc gia trong lưu vực.
Trong 15 năm qua, Ủy hội sông Mê Kông đạt được nhiều thành tích quan trọng, đáng kể là kết quả từ thực hiện các chương trình quy mô lưu vực như Chương tình Sử dụng Nước, Chương trình Quy hoạch Phát triển Lưu vực, Chương trình Môi trường, Chương trình Quản lý&Giàm nhẹ Lũ, và đã và đang triển khai thành công Chương trình Quản lý Cơ sở Kiến thức&Thông tin của Ủy hội.
Ngoài việc xây dựng được các khuôn khổ thể chế pháp lý cho hợp tác chia sẻ và quản lý tài nguyên nước, các chương trình đã trang bị cho quốc gia các kiến thức, kinh nghiệm và đặc biệt bộ các công cụ kỹ thuật hỗ trợ trong công tác nghiên cứu, lập quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch quy mô lưu vực, xây dựng lòng tin cho sự hợp tác một cách hiệu quả.
Các kết quả trong 15 năm hợp tác cũng đã góp phần khẳng định vị thế của Ủy hội Mê Kông trong khu vực và trên thế giới, củng cố lòng tin của các nhà tìa trọ và cộng đồng các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới và trong khu vực.
PV: Ông có thể cho biết những chỉ đạo của Việt Nam tham gia trong hợp tác Mê Kông này. Có ý kiến cho rằng Ủy hội sông Mê Kông hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thực sự phát huy vai trò của một tổ chức lưu vực sông quốc tế. Đề nghị cho biết ý kiến về vấn đề này.
Ông Trần Đức Cường: Ngay từ đầu Việt Nam đã có các cam kết mạnh mẽ và tham gia tích cực và có hiệu quả trong Ủy hội sông Mê Kông. Ngay sau khi ký kết hiệp định, Chính phủ có các chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện hiệp định Mê Kông.
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam được thành lập với các chức năng cụ thể cũng nhằm một trong các mục tiêu là để tư vấn cho Chính phủ trong hợp tác Mê Kông này.
Trên thực tế, việc thực hiện hiệp định còn có những hạn chế. Kiến thức và năng lực về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý tổng hợp lưu vực sông nói chung trong khu vực còn hạn chế.
Các quốc gia thành viên hầu hết là nước nghèo, chưa đủ khả năng để tự chủ được về tài chính cho hoạt động của Ủy hội, còn phụ thuộc nhiều vào chính sách hỗ trợ của các nhà tài trợ.
Do áp lực phát triển kinh tế xã hội, các nước thành viên Ủy hội đã có các kế hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên nước sông Mê Kông phục vụ theo các mục đích của riêng mình, thiếu sự hợp tác và chưa tuân thủ đầy đủ các quy chế sử dụng nước đã được thống nhất. Điều này cũng đã và đang là các cản trở và khó khăn cho việc thực thi hiệp định.
Các khó khăn và trở ngại trên đây chỉ có thể được giải quyết khi tinh thần hợp tác Mê Kông được tăng cường, lợi ích của các nước được bảo đảm và hài hòa, tuân theo các quy tắc quy chế sử dụng nước.
PV: Gần đây dư luận trong nước và quốc tế đề cập nhiều về tình hình khô hạn và thiếu nước nghiêm trọng xuống hạ lưu. Một trong các nguyên nhân được đặt ra là do các đập thủy điện thượng lưu, đặc biệt là các đập thủy điện trên sông Lang Cang của Trung Quốc. Đề nghị cho biết quan điểm của Ủy hội sông Mê Kông và của Việt Nam về vấn đề này và các giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng này.
Ông Trần Đức Cường: Nguyên nhân gây khô hạn hiện nay có thể có nhiều, như do lượng mưa trên toàn lưu vực quá ít, sử dụng nước trong lưu vực gia tăng, tích nước trên các hồ chứa trong mùa khô…
Như vậy, chúng ta không loại trừ khả năng các đập thủy điện trong lưu vực (cả dòng chính và dòng nhánh) đã và đang gây khô hạn xuống hạ lưu. Tuy nhiên cần phải có những nghiên cứu và phân tích đày đủ về tất các các nguyên nhân dựa trên các số liệu cụ thể trước khi đưa ra các kết luận cuối cùng.
Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và bảo vệ môi trường trong trạng thái phát triển bền vững. Vấn dề quan trọng là duy trì tốt sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
Nếu việc phát triển và bảo vệ môi trường được thực hiện tốt, sông Mê Kông sẽ là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực, mang lại nguồn lợi cho các quốc gia và cộng đồng các dân tộc sinh sống trong lưu vực.
Vì vậy, chủ đề bao trùm trong hội nghị cấp cao lần thứ nhất của Ủy hội sông Mê Kông lần này là đáp ứng nhu cầu, duy trì cân bằng, hướng tới một lưu vực sông Mê Kông phát triển bền vững.
Việc Trung Quốc quan tâm phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông ở khu vực này đã được dự báo trước và Ủy hội sông Mê Kông vẫn đang theo dõi chặt chẽ. Hiện nay Trung Quốc chưa tham gia vào thành viên chính thức của Ủy hội sông Mê Kông Quốc tế.
Điều này cũng có thể là một trở ngại cho việc giám sát sử dụng nước từ thượng lưu. Một trong các chủ đề được đưa ra trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo chính phủ các nước thành viên Ủy hội sông Mê Kông trong hội nghị cấp cao lần này là tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, gồm các đối tác phát triển là cộng đồng các chính phủ và các tổ chức tài trợ, và các đối tác đối thoại là Trung Quốc và Myanmar.
Hợp tác với các nước đối thoại hiện này được xem xét trên hai khía cạnh. Thứ nhất tăng cường cơ chế trao đổi thông tin về phát triển thượng lưu và hạ lưu, cung cấp số liệu liên quan dòng chảy từ thượng lưu để phục vụ công tác dự báo và cảnh báo của các nước hạ lưu. Thứ hai định hướng khả năng các nước thượng lưu tham gia là thành viên chính thức của Ủy hội sông Mê Kông trong tương lai.
Một số giải pháp đã và đang được thực hiện gồm tăng cường việc trao đổi thông tin với Trung quốc và Myanmar về tình hình phát triển, thông tin dòng chảy cả mùa khô, mùa mưa và chủ động xây dựng, thực thi các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi từ thượng lưu.
Ủy hội sông Mê Kông đã có hướng dẫn về việc thiết kế các công trình thủy điện trên dòng chính đảm bảo về mặt phù sa, cửa xả cát, các bậc thang cho cá đi, đảm bảo giao thông thủy.
Đối với Việt Nam, chúng ta cần tăng cường mạng quan trắc thủy văn và chất lượng nước các khu vực xuyên biên giới, tăng cường trao đổi thông tin số liệu để cùng tham gia đánh giá tác động môi trường, có những biện pháp ứng xử, giảm thiểu tác động.
Thông qua hợp tác song phương để trao đổi với Trung Quốc về khả năng tích nước trong mùa khô, phối hợp với các nước thành viên trong Ủy hội sông Mê Kông yêu cầu Trung Quốc tăng cường việc trao đổi thông tin và quan tâm đến các vấn đề trên.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chủ động tiến hành nghiên cứu các tác động từ thượng lưu (chế độ thủy văn, phân bố dòng chảy, cân bằng nước...) tương ứng với các kịch bản phát triển thượng lưu; tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của phát triển thủy điện thượng lưu đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và đề xuất các kịch bản phát triển thích ứng cho vùng ĐBSCL; Tăng cường hệ thống giám sát số lượng và chất lượng nước tại các điểm sông Mê Kông bắt đầu chảy vào Việt Nam...
PV: Một trong các mục tiêu của hội nghị cấp cao lần thứ nhất này là tăng cường cam kết chính trị của các quốc gia thành viên tham gia trong Ủy hội sông Mê Kông. Xin cho biêt quan điểm và các chỉ đạo định hướng của Việt Nam trong thực hiện các cam kết này.
Ông Trần Đức Cường: Mong muốn của chúng ta từ hội nghị cấp cao này là thông qua tuyên bố chung Hua Hin, các quốc gia sẽ khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao trong việc thực hiện có hiệu quả hiệp định hợp tác Mê Kông 1995.
Các quốc gia khẳng định tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác hơn nữa trong việc sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Kông, cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị cấp cao là cơ hội để tăng cường vai trò của Ủy hội trước những thách thức mới, đồng thời cũng nâng cao hình ảnh của Ủy hội với cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước đối thoại, các tổ chức vùng, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ.
Thực hiện các cam kết này, chúng ta tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa các chương trình hành động để thực thực hiện hiệp định Mê Kông trước những thách thức mới. Với cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và là Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông nhiệm kỳ 2010 - 2011, Việt Nam sẽ thúc đẩy việc thực hiện các cam kết chính trị của các quốc gia trong hợp tác Mê Kông.
Trước hết là chỉ đạo Ủy hội xây dựng thành công kế hoạch chiến lược giai đoạn 2011 – 2015; thực hiện ven sông hóa đội ngũ cán bộ làm việc tại ban thư ký Mê Kông; tăng cường năng lực cán bộ và kiện toàn bộ máy tổ chức của Ủy ban Mê Kông Việt Nam; Tăng kinh phí đóng góp cho hoạt động của Ủy hội; Tăng cường hợp tác giữa Ủy hội sông Mê Kông với các đối tác đối chiến lược và các sáng kiến vùng; tăng cường vai trò của Ủy hội sông Mê Kông trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Kông; Chủ động đề xuất các sáng kiến mới, tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động của Mê Kông, đặc biệt vào các hành động chung trong lưu vực để ứng phó với các tác động biến đổi khí hậu trên toàn lưu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!