quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Số phận của SĐĐ ở Kiên Giang : Ngàn cân treo sợi tóc

Thứ Năm, 22/04/2010 | 03:28:00 PM

Giữa lúc sếu đầu dỏ (SĐĐ) liên tục bị đe doạ nơi ăn, chốn ngủ và dồn đẩy vào bước đường cùng, một số cán bộ địa phương lại thiếu cương quyết trong công tác bảo vệ, thậm chí có lúc còn tạo điều kiện cho những người giành đất với sếu "đổ dầu vào lửa".

 
Một góc khu nuôi tôm sát bãi ăn của sếu.
 

Những nỗ lực của Hội Sếu quốc tế ICF gần như đứng bên bờ vực phá sản khi đất sống của sếu ngày một hẹp dần, những miền đất cuối cùng lại đầy bất ổn.

Số phận của SĐĐ ở Kiên Giang trở nên nguy cấp như ngàn cân treo sợi tóc.

Đổ dầu vào lửa

Đây không phải là lần đầu SĐĐ bị giành đất ở Kiên Giang. Đã thành quy luật, cứ vào mùa sếu về là rộ lên nạn xâm chiếm đất bãi sếu. Những ngọn lửa âm ỉ ấy càng ngày càng nhen nhóm thành đám cháy lớn. Bởi không chỉ người nghèo thiếu hiểu biết, chỉ vì chén cơm manh áo, mà cả “đại gia” giàu có, thậm chí là những người “cầm cân nảy mực” ở địa phương, cũng giành đất với sếu.

Nếu như năm 2009, gần như chỉ có người dân bao chiếm, đào mương, đắp bờ thì đến năm 2010, bên cạnh người dân đưa cơ giới vào cày xới, dựng lên lều trại như một sự quyết tâm “bám trụ”, còn có nhiều doanh nghiệp đồng loạt “vào cuộc”. Đầu tiên là việc dựng lên “rừng lưới” của Cty Hạ Long, toạ lạc sát ngay bãi ăn thuộc khu bảo tồn, nhằm xua đuổi cồng cộc phá tôm, nhưng vô tình tạo thành chiếc bẫy xua đuổi SĐĐ vốn rất nhạy cảm với thay đổi sinh cảnh.

Còn Nhà máy ximăng Holcim, không lâu sau lời cam kết với ICF giữ lại bãi ngủ của sếu tại khu vực Hòn Chông, đã đưa phương tiện cơ giới vào đào bới, biến vùng đất sát bãi ngủ thành “đại công trường”, buộc đàn sếu phải rời bỏ nơi từng gắn bó hơn 10 năm. Tình thế nước sôi lửa bỏng, nhưng công tác xử lý của chính quyền địa phương lại giống như đổ dầu vào lửa: Không chỉ thiếu dứt điểm với hành động đào xới, mà còn gây cản trở công tác bảo vệ.

Nhiều cán bộ, đảng viên và cả Phó Bí thư Đảng uỷ xã cùng nhảy vào bao chiếm, mua bán đất trái phép, hay thiếu nhiệt tình trong việc giúp ICF hoàn thành giấy đỏ khu bảo tồn, làm cơ sở pháp lý trong việc đấu tranh bảo vệ đất cho sếu.

Thậm chí, nhiều cán bộ địa phương còn ủng hộ “yêu sách” hỗ trợ tiền cho cả hai hành động đào xới và san lấp đối với những hộ xâm chiếm khu bảo tồn.

Điều này không chỉ kéo dài việc khắc phục, trả lại nguyên trạng cho sếu, mà còn gián tiếp gợi mở cho người dân những suy nghĩ tiêu cực: Đào xới càng nhiều, càng nhận được nhiều tiền hỗ trợ.

Mong manh miền đất cuối


Để tạo điều kiện bảo vệ đàn sếu bền vững, sau khi được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt dự án bảo tồn đồng cỏ bàng tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (nay là huyện Giang Thành), ICF đã vận động các nhà tài trợ đầu tư hơn 380.000USD (2004-2009) phát triển nghề thủ công truyền thống, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm người dân trong vùng với mức thu nhập ổn định từ 60.000-110.000đồng/người/ngày.

Mới đây, ICF cam kết tiếp tục vận động 120.000USD thực hiện dự án giai đoạn 2010-2012. Tuy nhiên, bấy nhiêu ấy vẫn chưa đủ để ngăn dòng người giành đất. Trong tổng số 2.890ha Kiên Giang giao làm khu bảo tồn đồng cỏ bàng, hiện nay chỉ còn 1.200ha đất tự nhiên.

Trong khi đó, đất tự nhiên, ngập nước bên ngoài khu bảo tồn đang giảm mạnh. Theo kết quả khảo sát của ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, năm 2002, Hà Tiên-Kiên Lương còn khoảng 20.000ha đất tự nhiên, ngập nước, nhưng đến nay phần lớn đã biến thành đất trồng lúa, nuôi tôm.

TS Triết nhận xét: “Những vùng đất ngập nước thích hợp cho sếu hiện còn rất ít. Có thể kể khu đất khoảng 100ha tương đối tự nhiên nằm sát biên giới thuộc địa bàn thị xã Hà Tiên, trước do quân đội quản lý, nay đã trả cho tỉnh, hiện là bãi ngủ quan trọng. Khu vực 350ha Lung Lớn ở xã Hoà Điền, huyện Kiên Lương, trước thuộc rừng phòng hộ Kiên Lương, nay là bãi ăn và bãi ngủ chính của sếu sau khi khu vực Nhà máy Holcim và khu bảo tồn Phú Mỹ bị xáo trộn”.

Vì thế, dù xác định đó là những vùng “đất khó” do diện tích không nằm trong tiêu chuẩn bảo vệ, đầu tư của vườn quốc gia hay khu bảo tồn, nhưng ICF vẫn rất quyết tâm chuẩn bị các thủ tục để kiến nghị tỉnh Kiên Giang khoanh vùng, giữ các phần đất này cho sếu.

Giữa lúc ICF đang ráo riết chuẩn bị thì xuất hiện dự án xin phần đất gần bãi sếu ở Hà Tiên để nuôi tôm và tại hiện trường mọc lên hàng loạt công trình khẳng định chủ quyền như dựng lều trại, xây cống điều tiết nước...

Theo một cán bộ lãnh đạo địa phương, rất khó để bứng các đối tượng này ra khỏi khu đất. Do vậy, trong điều kiện thuận lợi nhất là giữ được đất, thì khả năng ICF nhận được “đất sạch” là rất thấp. Xem ra những miền đất cuối cho sếu ở lại với Kiên Giang đang rất mong manh...

 
Lục Tùng
(Lao Động, 21/4/2010)

Lượt xem: 1571

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE