quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Sẽ là đại công trường giữa vườn quốc gia?

Thứ Sáu, 09/04/2010 | 08:14:00 PM

Năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Sa Thầy - Kon Tum) được công nhận là di sản ASEAN.

 

Vườn quốc gia này nằm ở ngã ba Đông Dương tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Dông-Nam-Ghong (Lào) và Vườn quốc gia Vy-ra-chey (Campuchia, cũng được công nhận là di sản ASEAN) tổng diện tích khoảng 700.000 ha tạo thành một khu bảo tồn rộng lớn xuyên quốc gia. Nhưng giờ đây, có nguy cơ một công trường lớn sẽ được mở ra trong nó. 

Khu vực thăm dò Wolfram (được đánh dấu) nằm giữa Vườn quốc gia Chư Mom Ray cách xa ranh giới hành chính xã Ya Xiêr

Chư Mom Ray - Vườn quốc gia số 1 Việt Nam

Vườn quốc gia Chư Mom Ray nằm ở phía tây tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kon Tum khoảng 30km đường chim bay, tổng diện tích vườn hiện nay là 56.434 ha. Nằm ở độ cao từ 200m đến 1.773 m so với mặt nước biển, VQG Chư Mom Ray có hệ động thực vật phong phú, đa dạng.

Chư Mom Ray đang lưu giữ những nguồn gen cực kỳ quý hiếm, có ý nghĩa lớn về khoa học, kinh tế và du lịch không những đối với Việt Nam mà còn cho cả thế giới.
Ông Hồ Đắc Thanh - Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết: So sánh về thành phần loài, số nhóm động vật (thú, chim, bò sát, lưỡng cư) ở Chư Mom Ray với 14 khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia khác tại Việt Nam GS.

Đặng Huy Huỳnh (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho rằng những chỉ số về khu hệ thú, về số loài của Chư Mom Ray đều cao hơn rất nhiều so với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác trong nước, vượt xa cả những vườn quốc gia có tiếng như Tam Đảo, Yok Đôn, Cúc Phương, Bạch Mã, Ba Vì...

Về động vật, Chư Mom Ray đã phát hiện 718 loài trong đó có 130 loài cực kỳ quý hiếm như hổ Đông Dương, Bò tót, Vooc (5 loài vooc quý hiếm trong nước có 3 loài ở Chư Mom Ray), voi, hồng hoàng, đại bàng đất…Về thực vật đã phát hiện 1.316 loài, đã làm được tiêu bản hơn 800 loài, có 131 loài quý hiếm như kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai…

Chư Mom Ray đang lưu giữ những nguồn gen cực kỳ quý hiếm, có ý nghĩa lớn về khoa học, kinh tế và du lịch không những đối với Việt Nam mà còn cho cả thế giới.

Trước khi thành lập Vườn quốc gia Chư Mom Ray vào năm 2002, từ năm 1995, Kon Tum đã thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray.

Giai đoạn năm 1999 - 2005, Chư Mom Ray được Hà Lan tài trợ 1,2 triệu USD cùng với sự đầu tư của Chính phủ để xây dựng nhà làm việc cho Ban quản lý, Trung tâm bảo vệ môi trường và du lịch, các trạm quản lý bảo vệ rừng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nhân dân vùng đệm; tổ chức các chương trình khảo sát nghiên cứu hệ sinh thái…

Vườn quốc gia Chư Mom Ray hiện có 54 người làm việc trong khi biên chế đủ phải là 146 người; điều đó nói lên quy mô và tầm quan trọng của nó.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray được chia làm 3 phân khu: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt với tổng diện tích vùng lõi 40.566 ha, trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 50%; phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ hành chính hơn 15.000ha. Tiểu khu 663 - xã Mô Ray-Sa Thầy, nơi có mỏ Wolfram vốn là rừng đặc dụng nằm ở phân khu phục hồi sinh thái.

Khai thác Wolfram ảnh hưởng khôn lường?

Ngày 12-12-2008,  tại Công văn số 2509/UBND-KTN của UBND tỉnh Kon Tum gởi Bộ TN&MT, Cục địa chất và Khoáng sản Việt Nam về việc thăm dò mỏ khoáng sản wolfram tại xã Ya Xiêr huyện Sa Thầy, đã mô tả toạ độ trên diện tích thăm dò 198 ha được xác định bởi 5 điểm khép góc. Khu vực này chiếm một phần các khoảnh 4,7 và 10 thuộc tiểu khu 663 hiện trạng là rừng giàu, rừng trung bình và một phần đất trống.

Quặng Wolfram lộ thiên

UBND tỉnh Kon Tum cam kết: Sau khi được quý Bộ, Cục xem xét , cấp giấy phép thăm dò khoáng sản Wolfram tại khu vực nêu trên, yêu cầu doanh nghiệp phối hợp với các sở ngành chức năng của tỉnh tiến hành đo đạc xác định chính xác diện tích rừng giàu, rừng nghèo và phần đất trống tại khu vực 198 ha nêu trên để lập hồ sơ bồi thường rừng theo quy định hiện hành trước khi doanh nghiệp thực hiện việc thăm dò mỏ khoáng sản.

Thế nhưng đến nay đã 2 tháng trôi qua kể từ ngày có quyết định cho phép thăm dò Wolfram của Bộ TN&MT tỉnh Kon Tum vẫn chưa có kết quả kiểm tra đánh giá, lập hồ sơ bồi thường rừng này.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những tác động của việc thăm dò, khai thác Wolfram đối với Vườn quốc gia Chư Mom Ray thế nào? Ông Hồ Đắc Thanh cho rằng: Việc đưa máy móc thiết bị và con người và mở đường vào thăm dò, khai thác wolfram sẽ tác động đến môi trường của Vườn quốc gia. Tiếng động cơ máy móc sẽ khiến các loài động vật tránh xa đến nơi khác.

Việc khai thác rừng để thăm dò sẽ tác động không nhỏ đến môi trường sống của hàng trăm loài động, thực vật. Bên cạnh đó số lượng người vào rừng đông nếu không được quản lý, tuyên truyền tốt nguy cơ săn bắt các loài động vật, chặt phá rừng của Vườn quốc gia là không tránh khỏi.

Một điều bất hợp lý khác: Tại vị trí 198 ha được phép thăm dò wolfram ở Sa Thầy về mặt ranh giới nằm hoàn toàn ở xã Mô Ray chứ không phải xã Ya Xiêr như trong giấy phép 315/GP-BTNMT của Bộ TN&MT?

Văn bản cho phép chuyển đổi rừng, cho phép thăm dò khoáng sản của Thủ tướng Chính phủ, văn bản tham mưu của UBND tỉnh Kon Tum, các bộ ngành từ năm 2006 đến giữa năm 2008 đều ghi rõ địa điểm: tiểu khu 663 thuộc xã Mô Ray-Sa Thầy.

Tài liệu địa chất đang lưu giữ tại Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng nói rõ Khu vực khoáng sản wolfram tại xã Mô Ray huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum.

Thế nhưng đến ngày 29-8-2008 khi Cty CP Khai khoáng Hòa Phát-SSG có công văn bổ sung các hồ sơ liên quan đến việc thăm dò khoáng sản Wolfram ghi: Đề án thăm dò wolfram khu vực Chư Ya Krei, xã Ya Xiêr huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum thì sau đó công văn của tỉnh Kon Tum xin Bộ TN&MT cấp phép thăm dò lại là Chư Ya Krei, xã Ya Xiêr -Sa Thầy chứ không phải là xã Mô Ray.

Địa điểm thăm dò wolfram nằm khá sâu trong Vườn quốc gia Chư Mom Ray, ông Hồ Đắc Thanh cho rằng từ UBND xã Ya Xiêr đến đấy gần 25km đường rừng, hoàn toàn thuộc địa giới xã Mô Ray.

Hiện tại để vào được khu vực quặng lộ thiên mà Cty CP Khai khoáng Hoà phát-SSG được phép thăm dò chỉ đi theo dấu mòn lâm nghiệp và tự mở đường chứ không có đường sẵn.

Sau này nếu khai thác wolfram với quy mô lớn (bởi theo tài liệu địa chất khu vực này có đến 9 quặng), thì chuyện ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Chư Mom Ray là không thể lường hết.

Còn nữa

Huỳnh Kiên

(Tiền Phong, 9/4/2010)

Lượt xem: 2590

Các tin khác

Việt Nam ủng hộ có thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhự

(25/04/2024 07:01:AM)

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE