quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KH

Sách "Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn" - Bài 5

Thứ Ba, 18/10/2011 | 01:41:00 PM

Địa lý sinh học của dãy Trường Sơn, các hệ sinh thái đặc thù và diễn thế phục hồi

Địa lý sinh học là khoa học nghiên về sự phân bố địa lý trong quá khứ cũng như hiện tại của các loài động thực vật. Những dẫn liệu đó sẽ giúp phân biệt được các kiểu phân bố của sinh vật và tự do có thể suy luận về những nguyên nhân hình thành các kiểu phân bố đưa từng loài chuyên gia địa lý sinh học xem sinh thái học loài và mức độ quan hệ tiến hóa trong các loài là chìa khóa của quy luật phân bố địa lý của các loài sinh vật. Khi nghiên cứu phân bố tại thời điểm hiện tại của một loài (hay một nhóm loài) thường xem xét các vùng phân bố của các loài có họ hàng gần nhất với chúng và những dẫn liệu về thời điểm mà những loài này phân ly thành các dạng riêng biệt. Khi tìm được sự tương đồng (hoặc không tương đồng) của các kiểu phân bố thì tiến hành tìm kiếm những lý giải để làm căn cứ khoa học, ví dụ như đặc điểm lịch sử thời tiết, địa chất , địa lý có ảnh hưởng tới phân bố của các loài và sự hình thành loài mới.
Sự phân bố địa lý sinh học dễ nhận biết nhất của các loài ở Việt Nam thể hiện kéo dài từ vùng cận nhiệt đớỉ phía Bắc đến vùng nhiệt đới phía Nam. Động vật và thực vật của miền Bắc thuộc phân nhóm của hệ nằm trong vùng địa lý sinh học Himalaya và Nam Trung Hoa cũng như các loài có họ hàng gần về tiến hóa như nhóm gà lôi (Phasianidae) sống ở độ cao lớn có phạm vi phân bố trải dài dọc theo chân dãy Himalaya và Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus), có quan hệ gần với các loài linh trưởng cùng giống ở Trung Quốc mà những loài này có khả năng sống trong rừng tuyết phủ và rừng ôn đới có các loài thực vật chịu lạnh chủ yếu như cây Đỗ Quyên (chi Rhododendron), cây Bulô (chi Betula), cây Óc Chó (chi Juglans) v.v….
Càng dần xuống phía Nam, những thay đổi nhỏ về đặc điểm thời tiết và địa hình khiến tính đa dạng đặc trưng cho miền Bắc dần bị thay thế bới thành phần thực vật và động vật ưa ấm và ít thay đổi theo mùa. Các quần thể của các loài ở miền Nam Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tiến hóa với các quần thể vùng nhiệt đới ở bán đảo Mã Lai và các quần đảo của Đông Nam Á. Rất nhiều loài đặc trưng cho miền Nam như Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Cò lạo xám (Mycteria cinerea), Trăn cộc (Python curtus) và Rùa cổ bự (Siebenrockiella crassicollis) so với mặt biển trong những vùng đất ngập nước nội địa và vùng ven biển bao gồm cả rừng ngập mặn. Sự chuyển tiếp tương tự ở Việt Nam diễn ra theo độ cao các loài chiếm ưu thế thay đổi từ các loài nhiệt đới đến cận nhiệt đới tại độ cao khoảng 1000m, ở miền Nam và 700m ở miền Bắc. Sự thay đổi về thành phần loài có thể thấy rõ nhất ở ếch nhái, thú nhỏ, và các quần thể thực vật. Ranh giới này không phải lúc nào cũng rõ ràng và chính xác. Thực tế là, tính đặc trưng của các khu vực địa lý sinh học khác nhau thay đổi tùy theo các điều kiện của từng địa phương, hình thành nên sự khác biệt, phức tạp về thành phần loài và tính đặc hữu.
Không phải tất cả các loài sinh vật ở Việt Nam đều có phạm vi phân bố đan xen hoặc nằm gần với các loài có quan hệ họ hàng gần gủi nhưng lại phân bố cách xa nhau. Kiểu phân bố này gọi là kiểu phân bố gián đoạn . Ví dụ như trường hợp của loài Bách tán Vàng Việt Nam (Xanthocyparis vietnamensis) và Bách tán notca (Xanthocyparis nootkatensis) có khu phân bố ở phía Tây của Bắc Mỹ. Hai loài này có họ hàng gần lại có khu phân bố cách ly bởi vùng biển bao la của Thái Bình Dương. Những vùng có các điều kiện môi trường sống không thích hợp đối với từng loài đã cách ly các quần thể của cùng loài đó. Trĩ sao (Rheinardia ocellata), một loài chim trĩ đẹp nổi tiếng,bị đe dọa tuyệt chủng, có khu phân bố hẹp trong hệ sinh thái rừng thường xanh lá rộng, sống ở hai vùng địa lý cách biệt, dãy Trường Sơn và bán đảo Mã Lai hoặc như Sếu đầu đỏ ( Grus antigone) ở châu Đại Dương và Việt Nam nguyên đều có cùng nguồn gốc cùng loài, đã phân ly thành hai phân loài sống tại hai vùng địa lý cách biệt nhau.
Nhằm bảo tồn các loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm , nhằm bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng, loài và sinh cảnh nhiều khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập phân bố dọc theo dãy Trư¬ờng Sơn chạy từ Bắc vào Nam, đại diện cho các đai/đới khí hậu khác nhau: Nhiệt đới, á nhiệt đới, vùng nóng ẩm, vùng khô nóng; rừng lá rộng, rừng lá kim với nhiều loài động thực vật đặc hữu của Việt Nam sinh sống. Căn cứ vào sự phân bố địa lý, cấu trúc của quần thể động, thực vật, sự khác nhau về tổ hợp loài và giới hạn phân bố các loài mang tính chỉ thị, ngoài hai vùng địa lý sinh học biển : Vịnh Bắc Bộ và các quần dảo Hoàng Sa – Trường Sa , các nhà khoa học đã chia lãnh thổ phần đất liền thành 8 đơn vị vùng địa lý sinh học chính của Việt Nam gồm:
-         Vùng Địa lý sinh học Tây Bắc;
-         Vùng Địa lý sinh học Đông Bắc;
-         Vùng Địa lý sinh học Đồng bằng Sông Hồng;
-         Vùng Địa lý sinh học Bắc Trường Sơn (Bắc Trung Bộ);
-         Vùng Địa lý sinh học Nam Trường Sơn,(Nam Trung Bộ);
-         Vùng Địa lý sinh học Tây Nguyên;
-         Vùng Địa lý sinh học Đông Nam Bộ;
-         Vùng Địa lý sinh học Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Mê Kông)
Trong số các đơn vị vùng địa lý sinh học đó có 3 vùng nằm gọn trong địa phận của dãy Trường Sơn là vùng địa lý sinh học Bắc Trường Sơn, Vùng địa lý sinh học Nam Trường Sơn và vùng địa lý sinh học Tây Nguyên. Ngoài ra còn có một phần thuộc vùng đệm vùng chuyển tiếp giữa Bắc Trường Sơn và Nam Trường Sơn (từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân) và vùng chuyển tiếp Đông Nam Bộ.
I.1.1. Vùng địa lý sinh học Bắc Trường Sơn
Vùng có địa hình hẹp, kéo dài từ lưu vực sông Cả đến đèo Hải Vân, cùng những dải núi chạy ngang ra sát biển như Đèo Ngang, Đèo Hải Vân. Khối núi Bạch Mã nơi có Đèo Hải Vân là ranh giới tự nhiên giữa hai vùng địa lý sinh học Bắc và Nam Trường Sơn và có vùng đệm là khu vực từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân. Do địa hình đa dạng và phức tạp, nên vùng này được đánh giá là khu vực có tính đa dạng sinh học cao với diện tích tự nhiên khoảng 52.890km2; hiện có 6 vườn Quốc gia với diện tích 271.007ha : Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha – Kẻ Bàng và Bạch Mã-Nam Hải Vân ; Khu Dự trữ thiên nhiên hiện có và đề xuất trong vùng với tổng diện tích khoảng 363.245ha: Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông, Pù Hoạt, Pù Huống, Kẻ Gỗ, Đakrông, Phong Điền, Giăng Màn, Khe Nét ; 1 khu, khu bảo vệ loài/sinh cảnh: Tam quy với diện tích khoảng 500ha; 5 khu bảo vệ cảnh quan: Lam Sơn, Đền Bà Triệu, Ngọc Trạo, Núi Chung, Vực Mấu với diện tích khoảng 40.889ha.
Về tài nguyên sinh học vùng địa lý sinh học Bắc Trường Sơn chưa được nghiên cứu đầy đủ, mới thống kê được 115 loài thú, 416 loài chim, 87 loài bò sát – lưỡng cư, 119 loài cá nước ngọt và 760 loài động vật không xương sống, khoảng 1500 loài thực vật và dự đoán có khoảng trên 1.500 loài thực vật chưa được phát hiện. Đáng chú ý, trong số này có tới 25 loài thú, 23 loài chim, 17 loài bò sát – lưỡng cư và 9 loài cá, 24 loài thực vật là những loài đặc hữu hẹp, chỉ phân bố ở vùng địa lý sinh học Bắc Trường Sơn.
Các loài chỉ thị gồm Lát (Chukratia tabularis), Nghiến (Burretiondendron hsienmu), Thông tre (Podocardus neriifolius), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Sa mu dầu (Cunninghamia konishii), Hổ (Panthera tigris corbettti), Bò tót (Bos gaurus), Voi (Elephas maximus), Voọc đen má trắng (Trachypethecus francoisi), Mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis), Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Voọc Hà Tĩnh (Trachypithecus francoisi hatinhensis) Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Gà lôi Hà Tĩnh (Lophura hatinhensis), Trĩ sao (Lophura ocellata).
I.1.2. Vùng địa lý sinh học Nam Trường Sơn (Nam Trung Bộ)
Là vùng tiếp nhận các luồng di cư của động, thực vật có nguồn gốc từ phía Tây Nam (Lào, Cămpuchia, Mianma, Malaysia, Ấn Độ), và từ phía Bắc xuống. Địa hình ở đây đa dạng, khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, bức xạ mặt trời dồi dào, lượng mưa lớn, đỉnh cao là núi Ngọc Linh (cao 2.558m) và Chư Yang Sin (cao 2.405m), với diện tích tự nhiên: 43.943,3 km2. Trong vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ hiện có 12 khu Dự trữ thiên nhiên: Cù Lao Chàm, Bà Nà-Núi Chúa, Bán đảo Sơn Trà, Krông Trai, núi Ông, Tà Kou, Sông Thanh, Ngọc Linh, Quảng Nam, Phù Ninh, An Toàn, Phước Bình và Phú Ninh với diện tích 272.709ha; 1 khu bảo vệ loài sinh cảnh: Rừng khô núi Chúa với diện tích 35.553ha; 5 khu bảo vệ loài sinh cảnh: Đèo Cả - Hòn Nưa, Ba Tơ, Núi Thành, Ngũ Hoành Sơn và Ghềnh Ráng với diện tích 31.012ha.
Về tài nguyên sinh vật trong vùng địa lý sinh học Nam Trường Sơn đã thống kê được 3.600 loài thực vật (có nhiều loài đặc hữu), 119 loài thú, 375 loài chim, 172 loài bò sát – lưỡng cư, 70 lơài cá nước ngọt. Trong số này có 38 loài động vật và 32 loài thực vật nguy cấp, quí , hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng Sách đỏ Việt Nam (2007).
Vùng địa lý sinh học Nam Trường Sơn tập trung nhiều chim, thú quí có giá trị bảo tồn như Bò Xám (Bos sauveli), Bò tót (Bos gaurus), Bò rừng (Bos banteng), Báo (Phanthera pardus), Hổ (Panthera tigris corbettti), Voi (Elephas maximus), Hươu (Cervus eledi), Hươu vàng (Cervus porcinus), Công (Pavo muticus imperator). Có nhiều loài thực vật quí như Thông lá dẹt (Pinus kremfii), Thông 5 lá (Pinus dalatensis), Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis), Cẩm lai (Dalbergia bariaensis), Trắc (D.cochinchinensis) và quần thể cây họ Dầu (Dipterocarpaceae)
I.1.3. Vùng địa lý sinh học Tây Nguyên
 Vùng địa lý sinh học Tây nguyên là khu vực cao nguyên có địa giới hành chính của 5 tỉnh xếp theo thứ tự địa lý gồm Kontum, Gia Lai, Đaklak, Đaknông và Lâm Đồng. Vùng địa lý sinh học Tây Nguyên tiếp nối vùng địa lý sinh học Đông Nam Bộ tạo thành khu vực có những đặc điểm đặc thù về khí hậu và về tài nguyên sinh vật. Diện tích vùng Tây Nguyên là 54.639km2, về thực chất Tây Nguyên không phải là cao nguyên duy nhất mà là một loạt các cao nguyên kế cận gồm cao nguyên Kontum cao khoảng 500mét, cao nguyên Konplong, Konhanưng, Pleiku cao khoảng 800m, cao nguyên Mdrak, Buôn Ma Thuật cao khoảng 800-1000mét, cao nguyên Lâm Viên cao khoảng 1500. Tất cả các cao nguyên ở Tây Nguyên đều được bao bọc về phía đông bởi dãy núi và khối núi cao Trường Sơn Nam. Tây Nguyên có 3 vùng địa hình, 3 vùng tiểu khí hậu gồm Bắc Tây nguyên (Kontum, Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đaklak, Đaknông) , Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng).
Vùng địa lý sinh học Tây Nguyên có nhiều hệ sinh thái đặc thù cùng khu hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Tây Nguyên được xem như mái nhà của miền Trung, dãy núi Trường Sơn, có chức năng dịch vụ to lớn – chức năng phòng hộ.
Vùng địa lý sinh học Tây Nguyên có diện tích tự nhiên khoảng 54.639 km2, hiện có 5 vườn Quốc gia: Yokdon, Chư Mom Ray, Konkaking, Chưyagsin, Bidup-Núi Bà, 9 khu dự trữ thiên nhiên: Tà Đùng, Ngọc Linh Kontum, Konchapang, Easo, Namca, Nậm Nung, Chư Prong, A yun, Núi Đại Bình, Vĩnh Cửu.2 khu bảo vệ loài sinh cảnh: Trấp Ksơ và Eara, 4 khu bảo vệ cảnh quan: Bắc PleiKu, Hồ Lắc, Rừng thông Đà Lạt, Biển hồ. Các đối tượng có giá trị bảo tồn là: Rừng Khộp, rừng xanh nửa rụng lá, rừng núi cao và các loài động vật như Bò tót (Bos gaurus), Bò rừng (Bos bangteng), Bò xám (Bos sauveli), báo (Panthera pardus), Hổ (Panthera tigris corbettti), Voi (Elephas maximus), Công (Pavo muticus imperator), Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Gà lôi hồng tía (Lophora diardi), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), nhiều loài chim đặc hữu và Thông nước (Glyptostrobus pensilis).
I.1.4. Vùng địa lý sinh học Đông Nam Bộ
Vùng chuyển tiếp từ vùng núi Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ xuống Đồng bằng Nam Bộ có diện tích tự nhiên khoảng 20.000km2 với khu hệ động, thực vật vô cùng phong phú, đặc sắc như rừng rụng lá, rừng thường xanh, rừng nửa thường xanh, rừng tre nứa hỗn giao, rưng cây gỗ. Trong vùng có 4 vườn Quốc gia: Cát Tiên, Côn Đảo, Lò Gò Sa Mát và Bù Gia Mập; 2 khu dự trữ thiên nhiên: Bình Châu – Phước Bửu và Trị An; 1 khu bảo vệ loài sinh cảnh: Vĩnh Cửu, Chiến khu Bời Lời với diện tích khoảng 2.000ha; 4 khu bảo vệ cảnh quan: Chàng Riệc, Dương Minh Châu, núi Bà Đen và núi Bà Rá. Về tài nguyên sinh học đã thống kê được hơn 3.000 loài thực vật, 103 loài thú, 348 loài chim, 124 loài bò sát – lưỡng cư, 253 loài cá nước ngọt, 373 loài động vật không xương sống.
Rừng núi thấp và trảng cỏ ngập nước theo mùa, cùng các vực nước ngọt (Bàu sấu) tạo nên hệ sinh thái đất ngập nước có các loài ếch cổ đại (Limnonectes dabalus) mới được phát hiện . Các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm ở vùng địa lý động vật Nam Trung tâm Đông Dương có Tê giác (Rhinoceros sundaicus annamiticus), Voi (Elephas maximus), Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Cá sấu nước ngọt (Crocodillus sinensis), Công (Pavo muticus imperato), Khỉ đuôi dài (Macaca facilaris), Vượn má hung (Nomascus gabriellae ),…
Thực vật là sinh vật chỉ thị lý tưởng về điều kiện khí hậu hiện tại. Phạm vi phân bố thực vật phản ánh một loạt các nhân tố môi trường như nhiệt độ, lượng mưa, độ cao, chế độ thuỷ văn và các đặc điểm của đất. Các quần xã thực vật sống trong môi trường có cùng một số điều kiện tương tự thường có chung các thuộc tính về cấu trúc, thành phần loài của khu hệ và đặc điểm thay đổi theo mùa. Các quần xã thực vật đóng vai trò rất quan trọng trong cấu trúc thành phần loài của các kiểu môi trường sống và các hệ sinh thái.
Khu hệ thực vật thường thay đổi trong phạm vi lục địa theo vĩ độ tương ứng với vùng (khu vực) thời tiết. Vùng nhiệt đới hay xích đạo, vùng cận nhiệt đới, vùng ôn đới.
Khí hậu của Việt Nam chủ yếu là nhiệt đới, chuyển dần thành khí hậu cận nhiệt đới ở vùng Phía Bắc, đặc biệt là ở những độ cao lớn. Các vùng khí hậu lớn ảnh hưởng nhiều đến sự phân bố và tiến hoá của các loài thực vật. Mối liên hệ và sự kết hợp với các vùng thời tiết thường được mô tả, như các loài thực vật họ Dầu (Dipterocarpaceae) họ đào lộn hột (Anarcardiaceae) nhiệt đới và các họ Thạch Nam (Ericaceae) và Sồi (Fagaceae)..
Khu hệ thực vật tự nhiên trên cạn của Việt Nam được phân chia thành 4 kiểu chính dựa theo sự khác nhau về độ cao so với mặt biển là rừng trên đất thấp với các kiểu chính như rừng thường xanh ẩm ướt, rừng nửa thường xanh, rừng rụng lá theo mùa và rừng trên núi cao chủ yếu là kiểu rừng thường xanh.
Rừng thường xanh ẩm ướt phân bố trong điều kiện thường xuyên ẩm ướt, trong khi đó rừng rụng lá theo mùa phân bố trong những khu vực có mùa khô dài (hơn 5 tháng). Sự chuyển tiếp từ rừng trên đất thấp lên rừng trên núi cao diễn ra ở độ cao 1.100 – 1.200m ở miền Nam Trường Sơn của Việt Nam và ở độ cao thấp hơn 700 – 900 m ở các khu vực Bắc Trường Sơn, rừng ở khu vực chuyển tiếp này được gọi là rừng vùng cận núi. Cây bụi, đồng cỏ và đất ngập nước, cùng những loài thực vật chỉ thị chính khác và thường giới hạn ở những vùng đất thấp.
Sự pha trộn của khu hệ động, thực vật vùng nhiệt đới của Việt Nam được thể hiện rõ nhất ở những vùng núi và vùng đất thấp nằm trong dãy Trường Sơn; cấu trúc thành phần loài của rừng thay đổi đột ngột theo vĩ độ và đặc biệt là theo độ cao. Đây là hậu quả của sự khác biệt về lượng mưa và tần xuất có mưa trong từng khu vực, phạm vi thay đổi của nhiệt độ và loại đất cùng với các đặc điểm địa hình trong từng địa phương. Thực vật trên những vùng đá vôi ở phía Bắc của dãy Trường Sơn có cấu trúc thành phần loài tương tự với thực vật ở miền Bắc, phần lớn là các loài cây của rừng nửa thường xanh có mức độ đặc hữu cao.
Những khu rừng thường xanh phân bố trên dãy Trường Sơn tại tất cả các độ cao từ phần mỏm cực Bắc đến 140 vĩ Bắc. Tại các độ cao đến 800m, rừng thường xanh trên dãy Trường Sơn chủ yếu là rừng lá rộng với các họ cây nhiệt đới chiếm ưu thế như cây họ Dầu, nhiều loại cỏ và dây leo ở tầng dưới. Mặc dù cây họ Dầu có mức độ đa dạng thấp ở phần miền Bắc, những cây có giá trị sinh thái quan trọng này thường mọc cao hơn tán rừng. Khi độ cao tăng, thời tiết trở nên lạnh và ẩm ướt hơn, những cây thuộc các họ cây ôn đới như Sồi (Fagaceae) và Mộc Lan (Magnoliaceae) bắt đầu chiếm ưu thế. Sự chuyển tiếp thường diễn ra đột ngột ở độ cao 200 – 300m so với mặt biển. Các khu rừng ẩm, gần núi và trên núi thường có phân bố ở độ cao 1.000m hoặc cao hơn trong toàn bộ dãy Trường Sơn. Các cấu trúc thành phần loài của rừng trên núi cao và ở vùng có gió lộng xuất hiện ở những đỉnh núi khô ra và ở những sườn núi hẹp tại các điểm cao nhất dọc theo dãy núi, đôi khi có cấu trúc của rừng sương mù hoặc rừng rêu như núi Giăng màn ở Quảng Bình – Hà Tĩnh, Voi Mẹp – Quảng Trị. Đỗ quyên (chi Rhododendron) là thành phần quan trọng của những quần xã này và phân bố ở khu vực thuộc phía Nam dãy Trường Sơn đến Bì Đúp – Núi Bà trên cao nguyên Đà Lạt.
Những cây rừng thường xanh có nón là thành phần cấu trúc quan trọng của các khu rừng tại dãy Trường Sơn và số lượng các loài cây lá kim ở đây chỉ đứng sau vùng núi đá vôi ở khu vực Đông Bắc. Hai loài thông khá phổ biến thường chiếm ưu thế trong các khu rừng lá kim khô ở đai độ cao dưới 1.500m là thông ba lá (Pinus kesiya) phân bố ở độ cao khoảng 1.000 – 1.500m, đôi khi mọc lẫn với Du sam (Keteleeria evelyniana); Thông hai lá (P.latteri) thay thế thông ba lá ở đai thấp hơn và trên các loại đất khô hơn. Các khu vực núi cao ẩm ướt của dãy Trường Sơn, thường ở độ cao trên 1.200m, là nơi có mức độ đa dạng cao nhất và nhiều loài đáng được chú ý nhất. Ở đây có các khu rừng với cây lá rộng và cây lá kim mọc xen kẽ với mức độ đa dạng cao. Loài Thông Đà Lạt (Pinus dalatensis) đặc hữu có thể phân bố trong những sinh cảnh này, trong đó có các sườn núi và đỉnh núi, nằm ở trung tâm và ở phía Nam của dãy Trường Sơn, trong khi đó loài Thông lá dẹt (P.krempfi) có lá dẹt rất đặc biệt và đặc hữu chỉ có ở cao nguyên Đà Lạt gặp tại phía Nam của dãy Trường Sơn. Loài đặc hữu thứ ba, Dẻ tùng (Amentotaxus poilanei), chỉ phân bố ở các khu rừng thường xanh ẩm ướt và lạnh trên núi Ngọc Linh, nơi có nhiệt độ trung bình 120C, lượng mưa hơn 3.000mm/năm và không có mùa khô. Các loại cây lá kim khác là Pơ mù (Fokienia hodginsii) và những thành viên của các họ Tùng (Podocarpaceae), Dẻ tùng (Taxaceae) và Đỉnh tùng (Cephalotaxaeae) và họ Bụt mọc (Taxodiaceae) có cây Sa mu dầu (Cunninghamia conishi), ở VQG Pù Mát và ở khu bảo tồn thiên nhiên Xuân liên, Thanh hóa có chiều cao hơn 70 mét, đường kính hơn 5 mét được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Những loài này có vùng phân bố hẹp trong các khu rừng có độ cao lớn vì chúng cần có độ ẩm cao.
Ở nửa phía Nam của dãy Trường Sơn, các khu vực nằm ở đai độ cao dưới 1.000m được bao phủ bởi nhiều kiểu rừng phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên trong từng địa phương. Ở những độ cao này, rừng thường xanh trên đất thấp phân bố ở vùng Bắc Trường Sơn được thay thế bằng cấu trúc thành phần loài của rừng Dầu nửa thường xanh và rụng lá theo mùa trong điều kiện khô hơn.
Độ ẩm của đất và điều kiện thời tiết có thể thay đổi ở từng khu vực nhỏ, do đó ba kiểu rừng này thường xuất hiện dưới dạng xen kẽ mà không có ranh giới rõ ràng. Mọc ở các bờ sông và suối nhỏ như Xrê Pôk, Ia H’Leo và Iatop có độ ẩm cao hơn là các dải hẹp của rừng thường xanh và nửa thường xanh. Rừng ven sông này là những môi trường sống dễ bị ảnh hưởng,dễ bị phá huỷ nhất vì sông và suối là những nơi bị tác động đầu tiên và bị biến đổi nhiều nhất.
Những khu rừng nửa thường xanh tạo thành vùng chuyển tiếp giữa rừng thường xanh ẩm ướt và rừng rụng lá theo mùa có cây họ Dầu chiếm ưu thế và khô hơn phân bố tại vùng đất bằng ở phía Nam của cao nguyên KonTum và phía Tây của cao nguyên Đắc Lắc. Những khu rừng Dầu rụng lá theo mùa này có khu vực phân bố rộng và là mắt xích quan trọng về mặt sinh thái nối liềm dãy Trường Sơn của Việt Nam với các vùng tương tự từ Campuchia tới Myanmar. Mặc dù những khu rừng nằm ở phía Đông của Đông Nam Á trước đây đã từng kéo dài liên tục đến ấn Độ phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan đã cách ly chúng khỏi các khu rừng nằm ở phía Tây Ấn Độ.
Những sinh cảnh này là nơi cư trú thích hợp của thú lớn ăn cỏ như voi (Elephas maximus), Nai cà tông (Cervus eldii) Bò tót (Bos gaurus) và Bò rừng (B. javanicus) và là môi trường sống quan trọng cho các loài chim, trong đó có Quắm lớn (Pseudibis gigantea), Quắm cánh xanh (Pseudibis davisoni) và Già đẫy Java (Leptoptilos javaricus) và nhiều loài sinh vật khác.
Rừng thường xanh trên đất thấp và diễn thế phục hồi
Rừng thường xanh trên đất thấp là loại rừng thường đi liền với thuật ngữ rừng ẩm nhiệt đới. Rừng có nhiều tầng, cây cao đến 30 – 50m, dây leo bán quanh gốc cây và thực vật biểu sinh bám vào cành và gốc cây. Tán là kín và các cây tầng dưới ít nhận được ánh sáng. Rừng này mọc ở các khu vực ẩm nơi lượng mưa hàng năm cao hơn 2.000mm và mùa khô kéo dài từ 1 đến 3 tháng. ở Việt Nam, rừng thường xanh trên đất thấp phân bố ở nơi có gió mùa hàng năm và địa hình cục bộ đa dạng tạo ra lượng mưa cao và thường xuyên có sương mù và sương
Rừng thường xanh trên đất thấp của Việt Nam có số chi thực vật tương đương nhưng có số lượng loài thấp hơn so với rừng Nam Indonesia và Malaysia, nơi được coi là trung tâm rừng đất thấp nhiệt đới cựu lục địa. Rừng thường xanh đất thấp của dãy Trường Sơn phân bố tới độ cao 700m từ Bắc vào Nam và được đặc trưng bởi một số lượng lớn cây cây to họ Dầu của hệ sinh thái Rừng thường xanh, và có ý nghĩa quan trọng về mặt sinh thái. Những loài này thuộc về họ Dipterocarpaceae chiếm ưu thế trong rừng nhiệt đới ở cựu lục địa. Những loài này thường không xuất hiện ở những khu rừng có độ cao từ 600 – 9000 m và một vài loài có mặt ở độ cao 1.200m hoặc hơn một chút ở phía Nam Trường Sơn. Các quần xã rừng trên đây thấy ở Bắc Trường Sơn có thể giống với dạng chuyển tiếp giữa rừng thường xanh của dãy Trường Sơn và rừng thường xanh cận nhiệt đới lá rộng ở phía Nam Trung Quốc. Rừng thường xanh trên đất thấp là một trong số những loại rừng bị đe doạ nhiều nhất trên thế giới do thiên tai và do con người. Những tên khác cho kiểu rừng này gồm có rừng thường xanh ướt, ẩm ướt, hoặc ẩm ở vùng đồng bằng, rừng thường xanh lá rộng ở vùng đồng bằng, rừng ẩm vùng đồng bằng và rừng ẩm thường xanh vùng đồng bằng.
Rừng trên núi cao dưới 1000m ở các tỉnh phía Nam và dưới 700m ở các tỉnh phía Bắc của dãy Trường Sơn.
Hệ sinh thái rừng thường xanh ẩm nhiệt đới trên dãy Trường Sơn có các kiểu: rừng thường xanh ẩm, rừng thường xanh mùa, rừng nửa rụng lá, rừng trên núi đá vôi.
a. Rừng thường xanh ẩm của dãy Trường Sơn phân bố ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phổ biến thuộc các họ đậu (Fabaccae), với các loài cây họ Đậu (Dipterocarpaceae) họ Trôm (Sterculiaceae), họ Đào lộn hột (Aracardiaceae) , họ Bồ hòn (Sapindaceae). Rừng có 5 tầng xanh quanh năm, với nhiều dây leo thân gỗ, thực vật bì sinh, cây gỗ có rễ bạnh, có nhiều cây bóp cổ và thảm thực vật mặt đất giàu về thành phần loài.
b. Rừng thường xanh mưa mùa phổ biến nhiều nơi với các bãi cây họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Trôm (Sterculiaceae) phân bố từ đèo Hải Vân trở vào rừng có tán xanh quanh năm với nhiều cây dây leo thân gỗ, thực vật bì sinh, cây gỗ có rễ bạnh, có nhiều cây bóp cổ và thảm thực vật mặt đất đa dạng. Hệ sinh thái rừng này bị khai thác, phá huỷ thì khi bỏ hoang hóa phục hồi tái sinh sẽ được thay thế bằng rừng lô ô. Sau nương rẫy tại những khu vực này sẽ hình thành các trảng chuối rừng trên sườn đồi dốc hay trảng lau sậy trên đất ẩm bằng phẳng, nhiều mùn. Tất cả các trạng thái đó nếu không bị tác động tiếp thì sẽ dần dần khôi phục lại rừng ban đầu nhưng nếu tiếp tục bị chặt phá hay khai thác nhiều lần thì dần dần thoái hoá biến thành trảng khô hạn với cácloài cây chỉ thị như Sim, Mua, Guột, Chổi xể Tuy vậy, nếu quá trình thoái hoá còn tiếp tục, nhất là do lửa và do dẫm đạp thì các trảng cây bụi sẽ được thay thế trở thành trảng cỏ thấp.
c. Rừng nửa rụng lá là hệ sinh thái rừng xuất hiện các loại cây rựng lá xen lẫn cùng với các cây thường xanh như họ Sồi (Fagaceae) với cây phổ biến như sồi (Quercus spp.), họ Bồ đề (Styracaceae) với cây phổ biến như cây bồ đề (Styrax tonkinesis), các loài cây họ đậu, họ bằng lăng (Lythraceae) . Rừng có 4 tầng, ranh giới giữa các tầng khá rõ ràng, dây leo ít, thực vật bì sinh ít. Tỷ lệ cây rụng lá chiếm từ 25 – 75% làm cho quang cảnh của rừng trong mùa khô loang lổ, ánh sáng chiếu xuống mặt đất khá lớn làm xuất hiện thành phần họ Lúa (Poaceae) khá nhiều và một số cây tầng mặt đất héo trong mùa khô. Về mùa khô mặt đất được phủ một lớp lá khô khá dầy, đến mùa mưa chúng bị phân huỷ, lớp lá này trở thành tầng mùn dầy làm phì nhiêu cho đất.
Kiểu rừng này tại vùng địa lý sinh học Nam Trường Sơn và Tây Nguyên được phục hồi sau khi bị khai thác sẽ được thay thế bằng rừng săng lẻ (Lagerstroemia) với các loài cây xen kẻ như thành ngạnh (Cratoxylon) móng bò (Bauhinia), sao (Hopea), chò chỉ (Shorea) và rừng cây họ Dầu dần dần được phục hồi. Nếu rừng tiếp tục bị khai thác phá làm nương rẫy thì sau đó trảng bùm bụp (Spallotus apelta), thành ngạch (Cratoxylon), móng bò (Bauhinia), săng lẻ (Lagerstroemia) xuất hiện ,dần dần trở thành rừng săng lẻ – sao (Hopea) – mù u (Callophyllum) hoặc rừng săng lẻ ưu thế.
d. Rừng trên núi đá vôi : Dọc theo dãy Trường Sơn rừng núi đã vối có từ Phong Nha – Kẻ Bảng trở ra với các loài đặc trưng là Đinh thối (Fernandoa spp.), Sến (Madhuca pasquieri), Trai lý (Garcinia fagraeoides), Mạy tèo (Streblus macrophyllus), Duối ôrô (S.ilicifolius), Nghiến (Burretiodendrron spp.), Lát hoa (Chukratia tabularis).
Rừng thường phân hoá từ chân tới đỉnh:
Ở dọc theo thung lũng, rừng có cấu trúc 5 tầng. Tầng 1 với nhiều cây gỗ lớn như Chò xanh (Terminalia myriocarpa), Chò chỉ (Shorea sinensis), Gội (Aglaia gigantea), Đinh thối (Fernandoa spp.), Vù hương (Cinnamomum balansae), Côm mỏ chim (Elaeocarpus decuralus), sấu (Dracontmelum duperreanum) Trám trắng (Canarium album), Đinh hương (Dyxoxylon cauliflorum), Cây tầng 2 chủ yếu các cây con tầng trên cùng với một số thành phần mới như Dâu gia xoan (Spondias lakonensis), Vàng anh (Saraca dives), Thị rừng (Diospyros spp.). Các loài ở tầng mặt đất rất phong phú chủ yếu các loài thuộchọ ô rô (Acanthaceae), Thầu dầu (Euphorbiaceae), Gai (Urticaceae), Cà phê (Rubiaceae).
Ở sườn rừng có cấu trúc 3 tầng. Tầng thứ nhất luôn luôn là tầng vượt tán, có độ cao 15 – 30m, bao gồm những cây gỗ lớn như Kim giao (Nageia fleuryii), Vôi cui lá lớn (Heritiera macrophylla), Măng cụt (Pterospermum truncatolobatum), Lát hoa (Chukratia tabularis), Nhãn rừng (Euphoria sp.). Vải rừng (Nephelium chryseum), Trai (Garcinia fagraeoides), Đa (Ficus altissima); Tầng thứ hai bao gồm những cây gỗ nhỏ thường làm thành dãy tương đối liên tục, độ cao thường là 10-15m với những cây thường gặp là, Duối ô rô (Streblus ilicifolius), Mạy tèo. Tầng mặt đất thưa thớt, đôi khi chỉ có vài cây thuộc Dương xỉ (Polypodiophyta) hay cây Cao cẳng (Ophiopogon).
Trên các đỉnh núi rừng núi đá vôi chỉ có 2 tầng: tầng cây gỗ nhỏ và cây bụi. Tầng này bao gồm nhiều loài cây như : Hồi (Illicium griffithii), Sồi (Quercus sp.), Công (Callophyllum balansae), Huyết giác (Dracaena cambodiana), Sặt (Sasa japonica).
e. Rừng mưa mùa rụng lá nhiệt đới : Kiểu rừng này phổ biến ở phía Nam, giữa biên giới Campuchia với Nam Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk. Rừng phát triển trên đất cát, đá sỏi hay đá ong chặt, có khi bị ngập nước trong mùa mưa. Khác hẳn với các kiểu trên, hệ sinh thái kiểu rừng này có 3 tầng chính:
Tầng cao nhất tới 25 – 35m, có tán lá liên tục nhưng mức độ che phủ thấp làm cho độ chiếu sáng dưới tán rừng lớn. Tầng này thường có 1-2 loài cây thuộc họ dầu như Dipterocarpus intricatus, D.insularis hoặc họ Bằng lăng như Lagerstroemia calyculata,…
Tầng 2 chủ yếu gồm các loài khác nhau của cây họ họ Đậu (Fabaceae), Họ Dầu (Dipterocarpaceae),… Các loài cây ở tầng này thay đổi tuỳ thuộc vào tính chất đất đai và tạo thành các quần hợp khác nhau. Hai quần hợp cây họ Dầu thường gặp là : Dipterocarpus -Lagerstroemia – Hopea trên đất đỏ tầng mùn mỏng.
Các loài cây ở tầng 3 chủ yếu là Amomum spp.,Walsura cochinchinensis, Erioglossum debile và nhiều cây con của các tầng trên. Khác hẳn với 2 tầng trên, các loài rụng lá trong mùa khô, cây tầng 3 khô héo vào mùa khô, tới mùa mưa mới sinh trưởng, phát triển trở lại.
Kiểu rừng này sau khi bị chặt phá được phục hồi bởi trảng cây bụi và nếu không bị tác động tiếp thì phát triển thành rừng kín rụng lá. Nếu khai phá làm nương rẫy rồi sau đó lại bị bỏ hoang hóa thì trên những nơi đất tốt, các cây bụi phát triển và dần dần phục hồi kiểu rừng kín rụng lá. Trên những nơi đất bị xói mòn mạnh thì được thay thế bởi các trảng cỏ. Từ trảng cỏ, nếu trên vùng cao không bị ngập nước thì dần dần được thay thế bởi trảng cây bụi cây họ Dầu và cuối cùng phát triển thành rừng thưa cây họ Dầu. Còn trên vùng ngập nước thì trở thành trảng cỏ – Cói thay thế .
 


Lượt xem: 2907

Các tin khác

Tri thức bản địa và sinh kế cộng đồng nhìn từ nguồn gen

(02/06/2014 01:59:PM)

Dãy Trường Sơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(28/05/2014 11:49:AM)

Bảo tồn sự đa dạng văn hóa-sinh học của các dân tộc trên dãy Trường Sơn

(23/05/2014 10:48:AM)

Có nên phát triển vùng trồng ba kích Tây Giang?

(22/05/2014 05:29:AM)

Mời dự Hội thảo khoa học về sản xuất sạch hơn

(28/03/2014 03:30:PM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần cuối)

(22/03/2014 09:28:AM)

Thăm vùng thảm họa động đất – sóng thần ở Nhật Bản: Cuộc sống đã phục hồi (Phần 1)

(20/03/2014 08:56:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần cuối)

(01/03/2014 03:29:PM)

Một số vấn đề trong nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị (Phần 2)

(27/02/2014 09:00:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE