Miền Trung - Tây Nguyên (Trường Sơn) gồm 19 tỉnh, chiếm gần 35,3% diện tích tự nhiên và 30% về dân số của cả nước. Miền Trung Tây Nguyên tuy giàu tài nguyên nhưng hiện nay vẫn còn là khu vực nghèo, chỉ khá hơn các tỉnh miền núi phía Bắc. Nguyên nhân dẫn đến kinh tế miền Trung và Tây Nguyên chậm phát triển là chính sách chưa đủ mạnh để tạo động lực phát triển, chưa tạo được sự liên kết vùng, chưa có chiến lược quản lý tổng hợp, do vậy khai thác chưa tốt lợi thế. Tình trạng hiện nay là các tỉnh, thành “mạnh ai nấy làm”. Sự phát triển kinh tế miền Trung Tây Nguyên còn manh mún. Việc phát triển đang băm nát dãy Trường Sơn cho những mục tiêu đơn lẻ của các ngành và các tỉnh.Quản lý chưa theo kịp với khai thác, sử dụng
Cư dân trên Trường Sơn đa phần là các dân tộc ít người, tuy nghèo nhưng có các nền văn hóa bản địa đặc sắc với kho tàng kiến thức bản địa rất phong phú. Sau những đợt di dân ào ạt vừa qua, có lẽ Trường Sơn Tây Nguyên hội tụ đầy đủ các dân tộc của Việt nam.Những dân tộc chủ yếu cư trú ở Trường Sơn là: Việt (Kinh), Hoa, Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Cor, Chăm, Êđê, Ba Na, M’nông, Mạ, Hrê, Mnông, Raglai, Chơ Ro, Cơ Ho,… những dân tộc từ miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Sông Hinh như Thái,Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Mường, H’Mông,….Hầu như có đủ mặt cả 54 dân tộc Việt nam ở Trường Sơn.
Xem xét riêng biến động dân số và thành phần dân tộc Tây Nguyên cho thấy những khuynh hướng phát triển đáng ngại. Năm 1976, riêng dân số Tây Nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 853.820 người (chiếm 69,7% dân số). Năm 1993 dân số Tây Nguyên là 2.376.854 người, gồm 35 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.050.569 người (chiếm 44,2% dân số). Năm 2004 dân số Tây Nguyên là 4.668.142 người, gồm 46 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 1.181.337 người (chiếm 25,3% dân số. Riêng tỉnh Đắc Lắc, từ 350.000 người (1995) tăng lên 1.776.331 người (1999), trong 4 năm tăng 485%. Số liệu trên cho thấy di dân đến Tây Nguyên theo 2 luồng di dân kế hoạch và di dân tự do đã gây tác động mạnh mẽ đến vùng này. Ở Tây Nguyên, người dân tộc đang trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ. Sự gia tăng gấp 4 lần dân số, nạn nghèo đói, kém phát triển và khai thác theo kiểu hủy diệt tài nguyên thiên nhiên (gần đây, mỗi năm vẫn có tới gần một nghìn héc-ta rừng tiếp tục bị phá) đang là những vấn nạn ở Tây Nguyên và thường xuyên dẫn đến xung đột. Theo kết quả điều tra dân số 01/04/2009 dân số Tây Nguyên (gồm 05 tỉnh) là 5.107.437 người, như thế so với năm 1976 đã tăng 3,17 lần , chủ yếu là tăng cơ học. Hiện nay, nếu tính cả những di dân tự do không đăng ký cư trú với cơ quan chính quyền ước lượng dân số Tây Nguyên thực tế vào khoảng 5,5 đến 6 triệu người, gấp 4-5 lần dân số Tây Nguyên năm 1976.
Ngược lại một số tỉnh ven biển miền Trung lại thấy hiện tượng giảm dân số cơ học.Tỉnh Bình Định dân số 1.578.900 người (2004), đang có xu hướng giảm cơ học, theo kết quả điều tra chính thức ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Bình Định chỉ còn 1.485.943 người. Tỉnh Quảng Ngãi Dân số: 1.271.370 người (2004), cũng đang có xu hướng giảm cơ học, theo kết quả điều tra chính thức ngày 01/04/2009, dân số tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn 1.217.159 người. Việc giảm cơ học dân số một số vùng Trường Sơn cần được đánh giá, rất có thể liên quan đến thiên tai và nghèo đói.
Ba Na là dân tộc ít người đầu tiên, sau người Kinh, có chữ viết phiên âm dựa theo bộ ký tự Latin do các giáo sĩ Pháp soạn năm 1861. Đến năm 1923 hình thành chữ viết Ê Đê.. Gần đây, người Chăm bắt đầu có chữ viết riêng Vào tháng 2 năm 1949, phát hiện một bộ đàn đá mang tên Ndút Liêng Krak tại Đắc Lắc và bộ nhạc cụ thời tiền sử vô giá này hiện được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Con Người - Paris. Vào ngày 15 tháng 11 năm 2005, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Nhờ kho kiến thức bản địa này mà Trường Sơn bảo lưu được nhiều giá trị đa dạng sinh học trong hàng ngàn năm lịch sử. Là vùng biên cương giữa 3 nước anh em, dãy Trường Sơn còn là một vùng nhạy cảm về địa chính trị và địa văn hóa. Bảo tồn đa dạng sinh học là một tiếng nói chung, là một đóng góp tích cực cho an ninh môi trường và bảo vệ đa dạng văn hóa bản địa của bán đảo Đông Dương.
Nếp sống hòa hợp với thiên nhiên, núi rừng để lại dấu ấn trong luật tục, trong văn học nghệ thuật truyền thống, từ huyền thoại, huyền tích, tục ngữ, dân ca đến cổ tích, truyện cười và nhất là sử thi anh hùng, một sáng tạo văn hóa lớn. Sử thi được biết đến đầu tiên là Đam San được sưu tập và xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris (Le Chanson de DamSan). Năm1933, tạp chí của học viện Viễn Đông bác cổ tại Hà Nội in lại dưới hình thức song ngữ Êđê - Pháp. Trường ca Tây Nguyên được người Ê Đê gọi là Khan, người Gia Rai gọi là Hơri, người Ba Na gọi là Hơmôn, người Mạ gọi là Nôtông, người Mơ Nông gọi là Ót Nrông. Kho tàng sử thi anh hùng với hơn một trăm tác phẩm lớn nhỏ : Đăm San, Đăm Di, Đăm Noi, Khinh Dú, Xinh Nhã, Chàng Tiăng, Hơbia Đơrang, Đăm Ktech Mlan... là những sản phẩm văn hóa của nhân loại.
Bên cạnh các bộ sử thi là những đặc trưng khác của văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên : từ những bộ nhạc cụ độc đáo như các dàn cồng chiêng, đàn kôk, klong put, đàn t'rưng, t'rưng nước, t'rưng gió, chinh krên (chiêng gió), đinh goong... những điệu múa : khiêng, chim grứ (Ê Đê), brim, xơ goa (Ba Na)... những công trình kiến trúc và điêu khắc độc đáo : tháp Chăm, nhà rông, nhà dài, nhà mồ, tượng mồ, những con rối trong lễ bỏ mả... đặc biệt là các là lễ hội đâm trâu, lễ hội bỏ mả, đua voi, hội cồng chiêng... Nghiên cứu văn hóa Trường Sơn- Tây Nguyên, nhà văn hóa Tô Ngọc Thanh đã kết luận: "... Tất cả những thứ như khố hai vạt với khăn quấn đầu có cắm lông chim, dàn chiêng cồng và cái trống lớn, cối giã gạo hình thuyền và chày đứng, kiểu mái nhà trên nở dưới thót, thuyền độc mộc hình thoi với trang trí ở mũi và mạn, v.v. tất cả những thứ ấy dường như mới từ những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ I trở về với hiện thực. Đến Tây Nguyên ít nhiều có cảm giác như đang sống trong không gian văn hóa Đông Sơn vậy. Vùng văn hóa Tây Nguyên hay là vùng hậu duệ rõ nét nhất của văn hóa Đông Sơn ? Có thể lắm chứ!"
IV.2.1. Bến nước Ê Đê
Người Ê Đê chủ yếu sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk, thuộc nhóm cư dân ngôn ngữ Nam đảo, có nguồn gốc lâu đời từ vùng biển. Mặc dù đã chuyển cư lên Tây Nguyên hàng ngàn năm trước, nhưng trong sâu thẳm văn hóa của người Ê Đê, bến nước và con thuyền là những hình ảnh chưa hề phai nhạt. Nhà sàn Ê Đê có hình con thuyền dài, cửa chính mở phía trái nhà, cửa sổ mở ra phía hông. Bên trong nhà có trần gỗ hình vòm giống hệt mui thuyền. Có nhiều buôn Ê Đê trù phú với hàng chục ngôi nhà dài trông như một hạm đội đang rẽ sóng. Trưởng buôn Ê Đê được dân làng gọi là chủ bến nước (Po Pin Ea), ngoài nhiệm vụ coi sóc các việc chung của buôn, Po Pin Ea còn có nghĩa vụ đặc biệt coi sóc bến nước. Bến nước Ê Đê là nơi quan trọng nhất của buôn, thường được xây dựng ở nơi có mạch nước sạch chảy ra.Nước pha rượu cần phải là nước “tươi” lấy trực tiếp từ bến nước, không đun nấu gì mới ngon rượu. Trong khu vực đó, rừng được giữ nguyên, không ai được phép chặt dù là một cây nhỏ. Bến nước luôn được giữ gìn sạch sẽ, không ai có quyền vứt rác làm bẩn, thả gia súc trong bến có nước. Người Ê Đê tin rằng, bến nước cũng có thần linh canh giữ nên hàng năm vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, họ tổ chức lễ hội để cúng bến nước, gọi là “Ngã yang tringk pin ea”. Lễ hội thường kéo dài ba ngày, chiêng trống rộn ràng để giao lưu với thần và ngày đầu tiên bao giờ cũng dành cho việc sửa đường đi, cầu đứng tắm giặt, ống dẫn nước và dọn dẹp bến nước sạch sẽ phong quang. Bến nước sạch sẽ, được bảo vệ sẽ làm cho buôn làng khoẻ mạnh và cũng là nơi để mọi người dân trong buôn chuyện trò, giao lưu sau một ngày lao động nặng nhọc
Việc tàn phá rừng để trồng cà phê, hồ tiêu gần đây đặc biệt nghiêm trọng, một phần liên quan đến luồng di dân tự do ào ạt (khoảng 100.000 người nhập cư tự do vào Đăk Lăk chỉ trong năm 1999) khiến cho nguồn nước mặt mất đi nhanh chóng. Trên toàn tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng trên dưới 600 hồ ao thuỷ lợi nhỏ, làm cho dòng chảy ở nhiều đoạn suối sau hồ đập gần như bằng 0. Những dòng suối lớn như suối Ea Tul (lưu vực rộng gần 500km2), suối Đak Sor (lưu vực 210km2), lưu lượng đo trong tháng 4 cũng gần bằng 0.
Rất nhiều buôn Ê Đê hiện nay đã phải sử dụng nước giếng, thậm chí cả giếng khoan bơm tay. Nước pha rượu cần bây giờ thường là nước lọc đóng chai.Người trong buôn, trai gái muốn chia sẻ tâm tư đành ra quán cà phê. Bến nước cũ bị bỏ hoang và lễ hội cúng bến nước cũng dần dần đi vào quên lãng, nhất là trong tâm trí lớp thanh niên trẻ tuổi. Buôn H’Đing, huyện Cư Magar có một bến nước, nhưng do đắp đập làm hồ lấy nước tưới cà phê, bến nước đã chìm trong lòng hồ. Buôn Ko Sier gần thành phố Buôn Ma Thuột có bến nước rất đẹp nhưng nay đã bỏ hoang vì nhà nào cũng ăn nước giếng. Một số người già trong buôn vẫn còn ra bến nước nhưng chỉ để nhớ lại những kỷ niệm khó quên thời bến nước xưa. Buôn Prong, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn còn một bến nước lớn, nhưng khi trưởng buôn của buôn chết năm 1999, không còn ai được truyền dạy cách tổ chức lễ hội bến nước nữa. Không chỉ việc thay thế nguồn nước làm cho bến nước Ê Đê bị suy tàn và lễ hội bến nước bị lãng quên, nhiều cộng đồng Ê Đê theo đạo Thiên chúa và Tin lành cũng đã bỏ hoàn toàn các lễ hội. Họ chỉ tổ chức các lễ Giáng sinh và Phục sinh mà thôi. Những kiến thức bản địa sống chung với núi rừng vì thế cũng trôi dần vào quên lãng.
Bỏ qua các chi tiết tôn giáo và tín ngưỡng, phần cốt lõi của các lễ hội là bản sắc văn hoá của cộng đồng, là giá trị mà mỗi dân tộc đóng góp cho đại gia đình dân tộc của cả nước. Cũng như các lễ hội khác, lễ hội bến nước Ê Đê mang đậm dấu ấn văn hoá ứng xử với môi trường của một dân tộc định cư lâu đời ở Tây Nguyên. Theo đà đô thị hoá, lối sống tiêu thụ của nền kinh tế thị trường là một trong những sức ép làm cho lớp người trẻ tuổi và năng động kinh tế dễ quên bản sắc văn hoá dân tộc. Ngày nay, nhiều buôn Ê Đê ở ven thành phố Buôn Ma Thuột nhìn ngoài không khác gì một khu phố của người Kinh. Bằng cách nào xác định, giữ gìn và phát huy “mỹ tục” trong các lễ hội Tây Nguyên là một câu hỏi lớn cần sớm trả lời. Sự biến mất lễ hội bến nước ở nhiều buôn Ê Đê hiện nay là một cảnh báo.
Ảnh I.4.Bến nước Ê đê
IV.2.2. Đa dạng Buôn Đôn
Buôn Đôn - vùng đất nổi danh của tỉnh Đắc Lắc với nghề thuần dưỡng voi và những câu chuyện về vị tù trưởng Sinuc lừng danh. Sức sống của Buôn Đôn là ở sự đa dạng về văn hoá và sinh thái, ngày nay đang được khai thác bền vững cho du lịch sinh thái ở một vùng đất giáp Campuchia xa xôi - phía tây của Đắc Lắc.
Nằm trên bờ phải sông Sê Rêpốc - một nhánh của sông Mê Kông - cách Buôn Ma Thuột chừng 50 km là Buôn Đôn, một địa danh đã đi vào lịch sử văn hoá Tây Nguyên hàng trăm năm qua. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, một tù trưởng người M'nong tên là Sinuc mua gom nô lệ từ các bộ tộc khác trong khắp vùng Tây Nguyên, Lào, Khơme, Thái Lan về lập làng trên một hòn đảo nổi giữa sông Sê Rêpốc, gần ngọn thác 7 tầng. "Đôn" tiếng Lào có nghĩa là đảo. Tiếng Êđê gọi là đảo là Blao, tiếng M'nông gọi là Acau. Do đó trong khi người Lào gọi làng là Bản Đôn, thì người Êđê gọi là Bon Blao, còn người M'nông gọi là Buôn Acau. Tù trưởng Sinuc rất giỏi nghề bắt và thuần dưỡng voi rừng. Trong cuộc đời tù trưởng, ông đã từng bắt và thuần dưỡng 180 con voi. Ngoài voi đen ngà trắng thường gặp, ở Buôn Đôn trước đây còn có voi trắng ngà đỏ, voi trắng ngà đen hay voi trắng ngà trắng. Con voi trắng lúc đầu trong rừng có da đen như những chú voi khác, nhưng mắt của nó xanh "như mắt người Tây" - già làng Buôn Đôn cho biết -, khi bắt về chăm sóc tắm rửa, dần dần da voi mới trắng ra. Một con voi trắng giá trị bằng 30 con voi thường, và một con voi thường giá bằng 30 con trâu. Ngoài voi ra, sáp ong và ngựa là những mặt hàng nổi tiếng của Buôn Đôn.
Với một buôn dân cư đông đúc đa sắc tộc (có đến 17 dân tộc), tù trưởng Sinuc chủ trương quan hệ buôn bán hoà bình rất rộng rãi với các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện làm cho Buôn Đôn nhanh chóng trở nên một vùng dân cư trù phú và danh tiếng bên dòng sông Sê Rêpốc. Ông còn tìm mọi cách để tránh cho trai tráng khỏi bị bắt đi lính trong thời kỳ thực dân Pháp.
Tù trưởng Sinuc chết năm 1935, hiện nay nhà mồ của ông vẫn ở Buôn Đôn, được xây cất kiên cố theo kiểu kiến trúc Lào. Người Lào ở Buôn Đôn kính trọng ông, gọi ông là "Vua Lào" mặc dù ông là người M'nông. Nhà của ông ở là một ngôi nhà sàn bằng gỗ kiểu Lào được dựng cách đây 100 năm hiện vẫn còn, do người cháu của ông - cũng là một tay săn voi và thuần dưỡng voi nổi tiếng, với kỷ lục 289 con voi rừng - quản lý. Ngôi nhà hiện nay là một điểm tham quan thường xuyên đông du khách.
Khi còn sống, "Vua Lào" có tặng vua Campuchia một con voi trắng ngà đỏ. Khi chú voi này chết, ông xin lại một chiếc ngà để chế tác thành một chiếc T'lung la (tù và). Khi có tin vui do bắt được voi, "Vua Lào" lại thổi T'lung la để báo cho buôn làng. Chiếc T'lung la đó ngày nay là báu vật của Buôn Đôn do già làng giữ. Chúng tôi đến thăm Buôn Đôn vào buổi sáng ngày 13/08/2000, bên ché rượu cần, già làng Buôn Đôn trịnh trọng nâng báu vật T'lung la lên thổi. Trong dòng âm thanh của chiếc T'lung la, như có tiếng gió rì rào trên tán rừng khộp, có tiếng nước chảy của dòng Sê Rêpốc lẫn tiếng hý của ngựa, của voi rừng.
Thế mạnh của Buôn Đôn không phải ở tài nguyên mà ở tính đa dạng của văn hoá và hệ sinh thái. Hiện nay, Buôn Đôn còn 24 chú voi nhà và là buôn duy nhất được nhà nước cho phép bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đến Buôn Đôn, có thể chiêm ngưỡng sự đa dạng tinh tế tuyệt vời của những căn nhà sàn kiểu Pháp, kiểu Lào, kiểu Êđê, kiểu Bana, kiểu Khơme... và cả kiểu nhà người Hoa nữa.
Ảnh I.5. Ngôi nhà người Ê Đê
Đất Buôn Đôn bằng phẳng nhưng cằn cỗi, toàn một kiểu rừng khộp rụng lá hàng năm, có khai hoang cũng chỉ trồng được hoa màu ngắn ngày. Ven triền sông Sê Rêpốc, độ ẩm cao đã giúp cho sự phát triển kiểu thực bì cây si, đặc trưng cho hệ thực vật rừng mưa nhiệt đới. Công ty Du lịch Buôn Đôn đã khéo léo lợi dụng tán rừng cây si hàng trăm năm tuổi này để bắc cầu treo và làm các sàn nghỉ treo lơ lửng trên dòng sông. Sông Sê Rêpốc nổi tiếng có nhiều loài cá. Nhiều nhất là cá lăng, có con nặng đến 20 kg, sau đó là cá thác lát, ngoài ra là cá bông lau, cá chình, cá mông trâu, có cả cá sấu, rất nhiều rắn và trăn. Do sự đánh bắt tằn tiện của người địa phương mà các loài cá này vẫn còn. Rừng Buôn Đôn hiện vẫn còn voi, heo rừng, gà rừng, nai, bò rừng, nhưng số lượng ngày càng ít.
4.2.3. Hồ Lắk – Vùng đất địa linh của người M’Nông ở Tây Nguyên
Hồ Lăk (tinh Dăk Lăk) không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp, mà còn là chiếc nôi của nền văn hoá M’nông-một dân tộc thượng võ ở vùng Nam Tây Nguyên.Kho tàng tri thức bản địa M‘nông vùng hồ Lăk cung cấp chiếc chìa khoá cho phát triển bền vững vùng cao nguyên đất đỏ.
Hồ Lăk trong tâm thức Tây Nguyên
Năm 1935 Saurin, nhà địa chất Pháp nổi tiếng về những công trình nghiên cứu địa chất Tây Nguyên, đã chứng minh hồ Lăk hình thành trong một đợt phun trào núi lửa dữ dội thời tiền sử. Một dòng dung nham nóng chảy trò xuống chắn ngang thung lũng của một nhánh sông Krong Ana (sông Cái), nước ứ lại ở vùng thượng lưu của con đạp thiên nhiên ấy tạo thành hồ Lăk. Định vị trên độ cao 500m, Hồ Lăk rộng gần 600ha giống như một bầu nước lung linh, chung chiêng giữa bầu trời.
Trong sâu thẳm lịch sử của người M’nông huyện Lăk, những ngày tháng rùng rợn của đợt phun trào núi lửa vẫn còn tươi rói trong câu chuyện cố lý giải sự ra đời của hồLăk. Đợt phun trào được mô tả như cuộc chiến khủng khiếp giữa nước và lửa. “Lửa thè ra hàng trăm ngàn lưỡi đỏ, ào xuống sông,làm nước sông sôi lên sùng sục, cât to cháy xém, cây nhỏ thành than, núi đồi đồng ruộng khô nẻ. Cuối cùng, khi nước cạn khô phải trốn vào ống nứa, vào ống tre lồ ô, tre a lê hay chui xuống đất, thì lửa co mình vào trong các tảng đá. Để lấy lửa, người M’nông phải đập vỡ các tảng đá còn đang nóng bỏng...”.
Hồ Lăk ngày nay là kho nước tự nhiên, là nơi cư ngụ của cá lăng, cá chép, cá lóc, cá rô, cá sấu, ba ba... Mỗi năm hồ Lăk cho khoảng 100 tấn cá các loại, cá rô hồ Lăk nhiều con to khoảng 1kg, còn cá chép nặng 8-10 kg là thường. Sau khi hồ Lăk có quyết định trở thành thắng cảnh quốc gia, đàn voi nhà gần 30 con vùng hồ Lăk được huy động voà phục vụ du lịch. Voi chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống, được coi là một con vật thiêng, có ảnh hưởng và chi phối đến toàn bộ hệ thống luật tục và là một mắt xích của sự hình thành và thực hiện luật tục M’nông. Những hành động xấu đối với voi, không chăm sóc voi đều bị xử phạt nặng. Ở Lăk, vào mùa tháng 2-3 dương lịch, người M’nông lại tổ chức lễ hội cúng voi với lễ vật và xôi, rượu và voi, lần lượt cúng cho từng con một để cầu chúc sức khoẻ cho voi. Hình ảnh đàn voi lội tren hồ Lăk mù sương, cạnh những con thuyền plung ( một loại thuyền độc mộc) có lẽ là hình ảnh thơ mộng và duy nhất của Việt Nam.
Ven hồ Lăk là những vạt phù sa rộng rãi và những triền núi bạt ngàn rừng cây. Rừng ven hồ Lăk có hàng trăm loài thực vật, hàng chục loại bò sát, thú và vô kể các loài chim chóc. Sự đa dạng cảnh quan và sinh thái là co sỏ của một kho tàng tri thức bản địacó giá trị của người M’nông.
Nguồn tri thức bản điạ M’nông vùng hồ Lăk- chiếc chìa khoá của phát triển.
Nguồn tri thức bản điạ M’nông vùng hồ Lăk là một kho tàng phong phú, sản phẩm của hàng ngàn năm biết sống bền vững với núi rừng.
Bảo vệ nguồn nước và rừng đầu nguồn là điều quan trọng hàng đầu. rừng đầu nguồn được gọi là Yang Bri (rừng thiêng, nơi thần linh trú ngụ), mọi hành động chặt cây ở rừng này hoặc gây cháy rừng đều được coi là trọng tội. Người M’nông không phát rẫy lớn, liền khoảnh mà boa giờ cũng chừa lại các khoảng cây xanh xen kẽ để chống xói mòn đất cũng như để dành làm nguyên liệu cho các nghề thủ công.
Nghề thủ công ở Lăk rất đa dạng: nghề rèn nông cụ và vũ khí, nghề mộc lầm nhà cửa và đẽo thuyền plung, nghề đan lát, dệt vải, làm gốm, dệt chiếu cói, điêu khắc gỗ... Cùng với nghề nông và nghề đánh bắt thuỷ sản trên hồ Lăk và trên hai dòng sông Krong Knô (sông Đực) Và Krong Ana (sông Cái), sự đa dạng nghề thủ công vùng hồ đã chứng minh một nguyên tắc của sự phát triển bền vững cấp cộng đồng: “ các hoàt độnh kinh tế địa phương đa dạng trên cơ sử các nguồn tài nguyên đa dạng của địa phương có khả năng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cơ bản của cộng đồng, tăng độ an toàn của cộng đồng, của quốc gia và toàn cầu”. Năm 1997, nhà kinh tế học Hoa Kì R.Hart phát biểu qui luật này và được đánh giá là một phát kiến của hinh tế học mới. Tuy nhiên nền kinh tế truyền thống đa dạng của người M’nông vùng hồ Lăk đã nói lên điều đó trước Hart cả ngàn năm!
Người M’nông vùng hồ Lăk còn là người sáng tạo ra bộ đàn đá cổ nhất thế giới, co niên đại từ 5000 năm trước, được phát hiện vào năm 1949 và hiện nay đang được lưu giữ tại bảo tàng nhân chủng học ở Pari, thủ đô nước Pháp.họ cũng là người chọn lọc được 8 giống lúa ngắn ngày(3 tháng) chất lượng cao và phù hợp sinh thái địa phương. Người M’nông biết dùng nhựa cây tha khuê để chữa mụn nhọt, vỏ cay nga tam để chữa đau bụng , vỏ cây Khruck để chữa bệnh ngoài da, củ Khatmun chữa bệnh sốt cao..., những vị thuốc này còn hiệu quả hơn nhiều loại kháng sinh hiện đại, phụ nữ làm duyên bằng cách dùng lá cây ên bàn nghiền ra để nhuộm móng tay cho đẹp... Kho tàng tri thức bản địa của người M’nông vùng hồ Lăk cho đến nay còn chưa phát hiện hết, đó là chiếc chìa khoá cho sự phát triển bền vững ở vung đát cao nguyên núi lửa này.
Trên cung đường du lịch xuyên Tây Nguyên, du khách bao giờ cũng dừng lại hồ Lăk để được cưỡi voi lội hồ, để được no con mắt về màu xanh ngút ngàn của rừng, của hồ nước, để được nghe tiếng sáo Nơhôm, tiếng tù và Nung bơ ri và tiếng già làng chậm rãi bên đống lửa bập bùng kể về những câu chuyện vùng hồ cả ngàn năm lịch sử đã qua:
“Ai muốn ăn gạo thơm đến Krong Knô
Ai muốn ăn cá béo xuống Krong Ana
Ai đến thăm Lăk quên cả ngày về...”
4.2.4 Đa dạng sông Trà
Ảnh I.6. Vùng "Thiên ấn niêm hà".
Quảng Ngãi có 3 dòng sông đều có tên bắt đầu từ chữ Trà: Trà Bồng, Trà Khúc và Trà Câu, nhưng chỉ có Trà Khúc mới được gọi tắt là sông Trà. Khoảng 200 năm trước, sau khi chiến thắng nhà Tây Sơn, vua Gia Long đi kinh lý lại chiến trường xưa ở vùng đất Quảng Ngãi đã phát hiện và đặt tên cho 12 thắng cảnh nổi tiếng trong vùng, 6 thắng cảnh trong số đó đều nằm ở hạ lưu Sông Trà.
Thiên Ấn vốn là tên một ngọn núi lửa basalt đã tắt. Từ họng núi lửa này, một dòng basalt trào ra biển về phía mũi Ba Làng An, tạo thành những triền đồi đất đỏ có phần đỉnh bằng phẳng. Soi bóng xuống Sông Trà, núi Thiên Ấn giống như một chiếc ấn Trời đóng xuống dòng sông (Thiên Ấn niêm hà). Sát về phía đông núi Thiên Ấn là toà thành cổ xây bằng đất (Cổ thành Châu Sa) mà theo tài liệu lịch sử thì không muộn hơn thành Cổ Loa của Hà Nội là bao, dân địa phương vẫn gọi là "thành Hời" vì toà thành này được người Chàm xây dựng từ những năm đầu công nguyên. Gần cầu Trà Khúc, một khối đá nhô ra mặt nước như đầu rồng dỡn sóng (Long đầu hí thuỷ). Phần bờ Nam của Sông Trà, núi Bút xanh mướt giống như chiếc bút thần vươn cao vẽ vào mây bạc (Thiên bút phê vân), cạnh đó là vùng núi La Hà với hàng ngàn tảng đá giống như bát quái trận đồ của Khổng Minh (La Hà thạch trận). Tuy nhiên, nổi tiếng hơn cả trong thi ca và lịch sử vẫn là thôn Cổ Luỹ, vốn là một đồn binh xưa khi nhà Hồ tấn công Chiêm Thành lập nên, nay thôn nằm cô quạnh trên một hòn đảo cửa sông. Thế "sau sông trước biển" như làm tăng thêm nét cô liêu của Cổ Luỹ trong nắng chiều sông Trà (Cánh cò Cổ Luỹ cô thôn / Lao xao sóng bạc, hoàng hôn nắng chiều).
Thăng trầm của nghề làm đường phèn - đường phổi
Nghề làm đường phổi - đường phèn Quảng Ngói có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và cho đến nay vẫn là nghề của riêng một dòng họ Nguyễn, xuất sứ từ làng Vạn Tượng xã Nghĩa Dũng huyện Tư Nghĩa, vì ông tổ nghề có lời dặn không được truyền nghề cho họ khác.
Bước đầu tiên để làm đường phổi - đường phèn, người ta đổ đường đỏ thủ công vào loại chum sành cỡ 30kg, phủ trên bằng một lớp bùn ao dày 2-3cm. Chọn đúng loại bùn ao là một bí quyết của nghề. Sau chừng nửa tháng, rỉ mật được đẩy xuống đáy chum và được tháo ra ngoài qua các lỗ nút lá chuối, phần đường trắng nổi lên được dùng để làm đường phổi hoặc đường phèn.
Để làm đường phổi, đường trắng được đun sôi với nước. Cứ mỗi chảo 10kg đường được cho thêm một quả trứng gà và một ít vụn vỏ sò ốc, trứng gà sẽ hút hết tạp chất trong đường, bọt tạo thành được vớt ra, nước đường trong dần được tiếp tục đun sôi cho đến đông đặc. Người thợ thử độ đông đặc bằng cách nếm (đây cũng là kỹ thuật gia truyền), khi độ đặc đạt yêu cầu, chảo nước đường được nhấc khỏi bếp, khuấy đều tay để đường kết tinh dần, sau đó đường được cắt ngay trong chảo khi còn nóng thành từng lát giống như hình lá phổi. Lát đường phổi được lấy ra hong khô.
Để làm đường phèn, sau khi sôi và trong, nước đường được múc chuyển sang các vại sành. Vại sành trước đó được đập vỡ, sau đó lấy giấy bồi dán ghép lại để sau khi đường phèn kết tinh dễ lấy ra khỏi vại. Ngày nay vại sành có thể được thay bằng thùng tôn thoa dầu phụng (dầu lạc). Trong lòng các thùng/vại, người thợ đặt 2 vỉ tre đan ở đáy và miệng thùng, hai vỉ tre được buộc nối bằng các sợi chỉ - được gọi là tuyến - làm giá đỡ cho các tinh thể đường dễ kết tinh. Sau 10 ngày, đường phèn kết tinh được gỡ ra và đập thành các viên nhỏ, mật đường dư lắng xuống đáy thùng được bán cho cơ sở sản xuất nước giải khát (ví dụ nước "bò húc").
Ngày trước, đường phổi - đường phèn được gói trong lá chuối, qua cảng Thu Xà, Cổ Luỹ xuất đi Hải Phòng, Nam Định và ra tận nước ngoài. Các thương lái người Hoa, người Ấn buôn đường sang tận Hồng Kông, Châu Âu. Cuối thập niên 50, cảng Thu Xà, Cổ Luỹ tàn lụi làm cho nghề đường phổi - đường phèn ở Vạn Tượng tàn lụi theo. Nghề đường theo chân các nghệ nhân chuyển đến làng Chánh Lộ ở thị xã Quảng Ngãi.
Ngày nay, công nghiệp mía đường, kẹo bánh phát triển, nhu cầu đường phổi - đường phèn giảm dần. Quảng Ngãi chỉ còn chừng chục gia đình giữ nghề. Đường phổi, đường phèn tiếp tục được tiêu thụ tại các thị trường Phú Yên, Huế, Khánh Hoà, Bình Định, cả ở Lào, Cămpuchia và Trung Quốc, ước tính mỗi tháng có khoảng trăm tấn đường phèn và chục tấn đường phổi được chở đi tiêu thụ. Đường phổi - đường phèn ngày nay được chế trực tiếp từ đường kính trắng công nghiệp, trắng hơn, làm nhanh hơn nhưng hương vị cũng kém đậm đà hơn. Có điều lạ là người Quảng Ngãi hiện nay rất ít ăn đường phổi, đường phèn. Hàng chục người được hỏi đều không biết rõ giá bán của cả hai loại đường nổi tiếng này. Các tiệm đường chủ yếu bán cho khách du lịch hoặc người ngoài tỉnh mua về làm quà. Khi nghề đường giảm sút, vùng " Thiên Ấn niêm hà" lại nổi lên nghề don và cá bống.
Cá bống Sông Trà
Cá bống có ở nhiều nơi, nhưng chỉ có cá bống Sông Trà là nổi tiếng vì xương ít và mềm, thịt chắc và đậm đà. Cá bống loại ngon nhất sống ở vùng đáy cát nên còn được gọi là cá bống cát, còn gọi là "Trà Giang sa ngư". Cá bống cát ở sông Trà có nhiều loại, từ loại cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt, cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt nhão, không ngon bằng thịt cá bống cát. Vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 8 dương lịch năm sau), cá bống rất nhiều. Nhưng mỗi ngày người ta cũng chỉ khai thác được chừng 300 - 400kg. Cá bống kho tiêu và cháo cá bống là món ăn thường nhật của các gia đình trung lưu. Nhiều tiệm ăn làm cá bống kho tiêu đóng hộp bán cho khách mang đi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cá bống ngon nhất vào mùa hè. Ngư dân ở đây thường bắt cá bống bằng ống trống (ống tre dài khoảng 1m, trống hai đầu, dùng một cọc nhọn cắm xuống nước). Chiều hôm trước người ta đem ống cắm dưới sông, sáng sớm hôm sau ra sông lặn xuống "túm" hai đầu xổ cá ra bắt gọn.
Cá bống đem về nhà đánh vảy, bỏ vây và ruột. sau đó cá được bỏ vào chiếc rổ tre có trộn ít muối hột, chà đi xát lại nhiều lần cho sạch hết vảy. Ðoạn, rửa cá thật sạch mới đem bỏ vào chiếc tô lớn và ướp nước mắm ngon mươi phút rồi mới đổ cá vào chiếc "trách đất" (một loại dụng cụ đun nấu bằng đất, có nơi gọi là “trã”, gần giống chiếc liễn sành ngoài Bắc nhung to hơn) đã tráng một lớp mỡ hay dầu ăn đã đun nóng, rồi đổ thêm nước mắm ngon vào “trách” sao cho vừa xăm xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín. Cuối cùng, dùng đũa tre trộn nhẹ tay cho thật đều, rồi rắc tiêu bột và nước màu lên mặt. Ðậy nắp “trách” cho thật kín để um hơi cho nước màu và tiêu ngấm dần vào cá. Ðộ chừng năm phút sau mới đưa “trách” cá khỏi lò hay bếp, nhưng nắp vẫn đậy kỹ cho đến bữa cơm mới đem ra dùng. Người Quảng Ngãi nói ăn cơm với cá bống sông Trà kho tiêu “rất tốn cơm, trẻ ăn cứ mập tròn như củ khoai”.
Don Cổ Luỹ.
Don Cổ Luỹ là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, có dạng bầu dục nằm ngang, kích thước nhỏ như móng tay, về mặt phân loại sinh học thì rất gần với hến. Vỏ don mỏng hơn và thịt cũng ngọt hơn hến rất nhiều. Sông Trà có 2 loại don: don vỏ vàng sống ở vùng đáy cát, tạo thành lớp dày 3 - 4cm bên dưới mặt đáy 2 - 3cm. Don vỏ đen sống ở đáy bùn gần cửa sông, bên dưới mặt bùn 10cm. Thuỷ triều cửa Sông Trà mỗi ngày lên xuống 2 lần. Mỗi khi triều xuống, hàng trăm người xuống sông "kéo don" (tức là kéo chiếc te làm bằng tre để bắt don). Đây là công việc nặng nhọc, đàn ông khoẻ cũng chỉ "kéo" được một con nước mỗi ngày, kiếm mỗi người chừng 50 kg. Don xào hẹ và canh don ăn với bánh đa (bánh tráng) nướng là món ăn phổ biến hiện nay ở Quảng Ngãi. Mỗi ngày hàng tấn don được đóng thùng chở đi nhiều tỉnh, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh.
Vĩ thanh
Cùng với các danh thắng vùng Sông Trà, đường phổi, đường phèn, cá bống Sông Trà, don Cổ Luỹ đi vào cuộc sống, vào tâm hồn, đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá - sinh thái đa dạng không nơi nào có của Quảng Ngãi. Cá bống Sông Trà và Don Cổ Luỹ là nguồn lợi của những người dân ven Sông Trà, đồng thời cũng là những sinh vật rất nhạy cảm với môi trường nước ô nhiễm. Đã nhiều lần cá chết nổi trắng mặt sông do nước thải của nhà máy đường. Toàn bộ nước thải sinh hoạt của thị xã Quảng Ngãi cũng được dồn xuống Sông Trà đang làm những nguồn lợi vô giá này suy giảm dần. Những giá trị vô giá của nền văn hóa sông Trà đã và đang bị đánh đổi ! Thiệt thòi trước hết chắc chắn thuộc về chính người dân vùng “Thiên Ấn niêm hà”.