Tính đến hết năm 2010 Việt Nam có 13 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong số đó Trường Sơn có một nửa các di sản thiên nhiên thế giới của Việt Nam là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, và một phần của ca trù.
Phong Nha-Kẻ Bàng là một vườn quốc gia tại 2 huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Vườn quốc gia này giáp khu bảo tồn thiên nhiên Hin Namno ở tỉnh Khammouan, Lào về phía tây, cách Biển Đông 42 km về phía đông kể từ biên giới của hai quốc gia.
Phong Nha-Kẻ Bàng nằm ở một khu vực núi đá vôi rộng khoảng 200.000 ha thuộc lãnh thổ Việt Nam, khu vực lãnh thổ Lào tiếp giáp vườn quốc gia này cũng có diện tích núi đá vôi khoảng 200.000 ha. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha. Vườn quốc gia này được thiết lập để bảo vệ một trong hai vùng karst lớn nhất thế giới với khoảng 300 hang động và khu hệ sinh thái bắc Trường Sơn Việt Nam. Đặc trưng của vườn quốc gia này là địa hình đá vôi karst nhiệt đới, có khoảng 300 hang động, nhiều sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km nhưng các nhà thám hiểm hang động Anh và Việt Nam mới chỉ thám hiểm 20 km, trong đó 17 km ở khu vực Phong Nha và 3 km ở khu vực Kẻ Bàng.
Trước khi phát hiện ra hang Sơn Đoòng tháng 4 năm 2009, động Phong Nha là động giữ nhiều kỷ lục: (1) Hang nước dài nhất; (2) Cửa hang cao và rộng nhất; (3) Bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; (4) Hồ ngầm đẹp nhất; (5) Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; (6) Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; (7) Hang khô rộng và đẹp nhất thế giới.
Trải qua nhiều thay đổi lớn về địa chất và địa mạo, địa hình khu vực này hết sức phức tạp. Phong Nha-Kẻ Bàng phô diễn các bằng chứng ấn tượng về lịch sử Trái Đất, giúp nghiên cứu lịch sử hiểu được lịch sử địa chất và địa hình của khu vực. Khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng có lẽ là một trong những mẫu hình riêng biệt và đẹp nhất về karst nhiệt đới ở Đông Nam Á. Được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, Phong Nha-Kẻ Bàng đang hướng tới mục tiêu được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học.
Tính đa dạng sinh học của vườn quốc gia này sánh ngang với các khu vực đã được công nhận là di sản hay các khu đề xuất ở châu Á và châu Úc, đặc biệt so sánh với các khu di sản hoặc đang đề xuất có chứa núi đá vôi như khu vực núi Emi và núi Phật Lạc Sơn (Trung Quốc), vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa ở Palwan của Philippines - một di sản thế giới tại Philippines. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được các nhà khoa học đánh giá là là trung tâm của khu vực miền trung Việt nam. WWF thừa nhận khu vực vườn quốc gia này có tính đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.
Hệ thực vật
Thực vật trên núi đá vôi là dạng thực vật điển hình tại vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Cho đến nay, thảm thực vật lớn nhất ở đây là rừng thường xanh ẩm, rậm nhiệt đới trên đá vôi cao 800 m so với mực nước biển. 96,2% diện tích khu vườn quốc gia này được rừng bao phủ; 92,2% là rừng nguyên sinh; 74,7% (110.476 ha) là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao dưới 800 m; 8,5% (12.600 ha) là rừng ẩm nhiệt đới thường xanh trên đá vôi có độ cao trên 800 m; 8,3% (12.220 ha) là rừng ẩm nhiệt đới trên đất núi đất có cao độ dưới 800 m, 1,3% (1.925 ha) là bụi cây và cỏ và cây rải rác trên đá vôi; 2% (2.950 ha) là cỏ, bụi cây và cây rải rác trên núi đất; 180 ha là rừng tre nứa và mây song; thảm cây nông nghiệp chiếm 521 ha.
Theo số liệu thống kê mới nhất, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có các loại thực vật đặc trưng như: nghiến (Burretiodendron hsienmu), chò đãi (Annamocarya spp.), chò nước (Plantanus kerii) và sao (Hopea spp.). Thực vật có mạch 152 họ, 511 kiểu gen, 876 loài thực vật có mạch, trong dó có 38 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 25 loài nằm trong Sách đỏ thế giới, 13 loài đặc hữu Việt Nam, trong đó có sao và cây họ Dầu (Dipterocarpaceae).
Phong Nha – Ke Bàng có một khu vực rừng bách xanh phân bổ trên đỉnh núi đá vôi có diện tích khoảng trên 5000 ha, với khoảng 2500 cây, mật độ 600 cây/ha. Các cây bách xanh ở đây có tuổi 500-600 năm. Đây là quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) lớn nhất Việt Nam. Loài bách xanh này nằm trong nhóm 2A theo quy định tại công văn số 3399/VPCP-NN (ngày 21 tháng 6 năm 2002) đính chính cho nghị định 48 của Chính phủ, thuộc nhóm quý hiếm, hạn chế khai thác.
Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu khoa học và Cứu hộ của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng phát hiện thêm tại vườn quốc gia này 1.320 loài thực vật, trong đó có một số quần thể thực vật lớn được đánh giá là đặc biệt quý hiếm.
Các nhà khoa học cũng phát hiện 3 loài lan hài quý hiếm, và rừng bách xanh núi đá duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Lan hài ở đây có 3 loài: lan hài xanh (Paphiopedilum malipoense), lan hài xoắn (Paphiopedilum dianthum), lan hài đốm (Paphiopedilum concolor). IUCN (Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới) trong năm 1996 đã xếp lan hài là loài đang đứng trước nguy cơ diệt vong rất cao (tuyệt chủng trong tương lai gần).
Hệ động vật
Phong Nha-Kẻ Bàng là nơi sinh sống của 140 loài thú thuộc 31 họ và 10 bộ, nổi bật nhất là hổ và bò tót, loài bò rừng lớn nhất thế giới, 302 loài chim, trong đó có ít nhất 43 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và 19 loài nằm trong Sách đỏ thế giới; 81 loài bò sát lưỡng cư (18 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 6 loài Sách đỏ thế giới); 259 loài bướm; 72 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu Việt Nam. Năm 1996, ở đây có loài cá mới phát hiện ở Việt Nam. Linh trưởng có 10 loài, chiếm 50% tổng số loài linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt là voọc Hà Tĩnh, sao la, mang. Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển quốc gia trên thế giới.Phong Nha-Kẻ Bàng còn là nơi có cộng đồng linh trưởng phong phú bậc nhất Đông Nam Á.
Năm 2002, nhà khoa học Đức Thomas Zegler đã phát hiện ra một loài thằn lằn tai mới có tên là Tripidophrus Nogei tại vùng núi đá vôi karst Chà Nòi. Các nhà khoa học đã đặt tên loài này là Thằn lằn Phong Nha-Kẻ Bàng (danh pháp khoa học: Cyrtodactylus phongnhakebangensis). Các nhà khoa học Đức đã xây dựng một khu giới thiệu Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tại Vườn thú Köln. Qua một thời gian khảo sát, các nhà khoa học Đức, Nga và Việt Nam đã phát hiện thêm 10 loài mới trong vườn quốc gia này, trong đó bao gồm 5 loài rắn, 5 loài tắc kè, thằn lằn, nhiều loài trong số mới phát hiện này là động vật đặc hữu ở đây.
Các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Nga thuộc Viện Động vật hoang dã Sankt-Peterburg, các nhà khoa học Đức của Vườn thú Köln đã phát hiện thêm hơn 100 loài mới trong khu hệ cá. Mười loại cá chưa từng thấy ở Việt Nam đã được phát hiện ở vườn quốc gia này.
Trong 3 loài cá ở Phong Nha-Kẻ Bàng được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam thì đã có 2 loài cá chình. Đó là cá Chình hoa (Anguilla marmorota) và cá Chình mun (Anguilla bicolo).
Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Thế giới (FFI) đã tiến hành khảo sát cho rằng Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 4 loài được xếp vào diện nguy cấp trên phạm vi toàn cầu, đó là voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc ngũ sắc và vượn đen má trắng.
Ngày 27 tháng 2 năm 2005, một đàn bò tót với số lượng lớn xuất hiện tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Công tác bảo tồn
Ban quản lý dự án vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện có đội ngũ nhân viên 115 người bao gồm các chuyên gia về động vật học, thực vật học, lâm sinh học, kinh tế-xã hội học nhưng lại không có thẩm quyền xử lý các vi phạm và thiếu các phương tiện quản lý hữu hiệu đối với các mối đe dọa đối với vườn quốc gia này.
Hiện có một khu bán hoang dã dành cho linh trưởng với diện tích 18 ha tại vườn quốc gia này với hàng rào điện tử. Dự án này do Hội động vật Frankfurt (Zoologische Gesellschaft Frankfurt) (Đức) đầu tư dành riêng cho Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng để bảo tồn 10 loại linh trưởng, trong đó có voọc Hà Tĩnh, voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Khu vực này có có hệ sinh cảnh với đầy đủ thức ăn cho linh trưởng phát triển tốt.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ bàng được đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 1997-2010, vào kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Namno giữa Lào và Việt Nam. Nhiều cuộc hội thảo đã được chính quyền hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn tổ chức để phối hợp bảo tồn khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Namno của Lào.
III.2. Các di sản khác ở Trường Sơn
Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử - văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Quần thể di tích Cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong Kinh thành Huế.
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chăm Pa hay được nhắc đến cùng con đường tơ lụa trên biển. Thế kỷ 19, do giao thông đường thủy ở đây không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái, nhường chỗ cho Đà Nẵng khi đó đang được người Pháp xây dựng. Hội An may mắn không bị tàn phá trong hai cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20. Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của phố cổ Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam.
Với những giá trị nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 cuối năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí:
Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Các tỉnh vùng văn hóa Ca Trù: Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Hát ca trù hay hát ả đào là một bộ môn nghệ thuật truyền thống ở phía Bắc Việt Nam kết hợp hát cùng một số nhạc cụ dân tộc. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là một loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và học giả yêu thích.
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), ca trù đã được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là di sản văn hóa thế giới có vùng ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, có phạm vi tới 15 tỉnh, thành phố.
Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại nhạc của cung đình thời phong kiến, được biểu diễn vào các dịp lễ hội (vua đăng quang, băng hà, các lễ hội tôn nghiêm khác) trong năm của các triều đại nhà Nguyễn của Việt Nam. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia". "Nhã nhạc đã được phát triển từ thế kỷ 13 ở Việt Nam đến thời nhà nhà Nguyễn thì Nhã nhạc cung đình Huế đạt độ chín muồi và hoàn chỉnh nhất". Cùng với không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, đây là di sản phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận. Nhã nhạc Cung Đình Huế là một sự kế thừa,kể từ khi những dàn nhạc - trong đó có mặt nhiều nhạc khí cung đình - xuất hiện dưới dạng tác phẩm chạm nổi trên các bệ đá kê cột chùa thời Lý, thế kỉ XI-XII, đến lúc ông vua cuối cùng triều Nguyễn thoái vị vào giữa tk. XX.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 15 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau: Ê đê, Ba Na, Mạ, Lặc...
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...), v.v.
Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây nguyên, Lễ hội Cồng chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách. sản phẩm du lịch
Bên cạnh các di sản thế giới Trường Sơn còn nhiều địa danh nổi tiếng làm mê lòng tất cả những ai đã đến, có thể trở thành những di sản thế giới trong tương lai
IV.3.1. Bà Nà - Đỉnh Gió hú
Đêm tháng 7 trong khi thành phố Đà Nẵng như bị nung bỏng bởi cái nóng 39oC thì những cơn gió lạnh lại đang gào thét trên đỉnh Bà Nà, mang đến cho nơi này thời tiết lạnh và hanh heo của mùa thu muộn xứ Bắc. Với lợi thế đó, mới hơn 3 năm, khu du lịch Bà Nà đã đón gần chục ngàn du khách.
Bà Nà là ngọn núi dạng vòm khối giống như chiếc thúng khổng lồ úp ngược, sườn dốc, đỉnh phẳng được cấu tạo từ một khối đá hoa cương (granit) sinh thành muộn nhất trong lịch sử địa chất của dòng đá hoa cương trên lãnh thổ Việt Nam (khoảng trên dưới 30 triệu năm trước). Núi có độ cao 1482m, nhiệt độ ban ngày mát lạnh, thường 17 đến 22oC. Đặc biệt mây chỉ u ám vần vũ ở lân cận độ cao 1000 m nên đỉnh núi luôn quang đãng. Những cơn gió lạnh và khô, giống như gió heo may cuối thu ở xứ Bắc, luôn luôn ào ạt trên đỉnh núi làm cho mây mù không thể tụ lại được. Về đêm, gió lạnh có thể làm nhiệt độ hạ xuống rất thấp. Gió lạnh càng về đêm càng mạnh, như muốn dật tung những tấm tôn lợp trên các nhà hàng. Đâu đó nghe có tiếng gió rít hú lên đầy hoang dã. Giữa mùa hạ tháng 7, trong khi dưới chân núi nhiệt độ lên đến 39oC, thì trên đỉnh Bà Nà, du khách co ro vì lạnh. Có đêm bao nhiêu áo budông (áo gió) của các quầy lưu niệm được bán hết mà vẫn không đủ nhu cầu. Chúng ta có thể gặp các bà các chị, khoác chăn len hoặc khăn tắm đi dạo từng nhóm dưới ánh trăng lạnh hoặc ngồi bên đống lửa trại, thoạt nhìn không thể nhận ra là trang phục theo kiểu dân tộc nào.
Cách thành phố Đà Nẵng chỉ khoảng 30 km, điểm du lịch Bà Nà được xây dựng từ thời Pháp, với hàng trăm biệt thự, nhà hàng. Sau một thời gian dài hoang phế, điểm du lịch Bà Nà đã được khai trương trở lại từ ngày 01-09-1998. Cũng nhờ bỏ hoang lâu ngày mà hệ động thực vật tự nhiên của Bà Nà được bảo tồn khá tốt từ độ cao khoảng 800 mét trở lên. Các nhà khoa học đã kiểm kê được ở Bà Nà 136 họ thực vật gồm 543 loài, trong đó một nửa là loài thảo dược và 256 loài động vật có cả các loài quý hiếm. Có thể coi Bà Nà là vườn cây thuốc hoặc thảo cầm viên tự nhiên. Rất nhiều loài thực vật cận nhiệt đới, thậm chí ôn đới đã được phát hiện, trong đó có thông 3 lá, dẻ gai, sồi ... Các loài thực vật khác nhau mọc chen chúc trong một khoảng không gian hẹp, hiếm thấy có bụi cây nào lại chỉ có 1 loài.
Nắng vàng rực mà không hề nóng, nền trời xanh ngắt, gió heo may ào ạt trên thảm cây lá nhọn. Đứng ngắm Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm và dòng sông Thu Bồn từ trên đỉnh Bà Nà, du khách như đang được chiêm ngưỡng một bức tranh thủy mặc khổng lồ, tĩnh lặng và đắm chìm trong buổi chiều thu muộn xứ Bắc.
III.3.2. Đèo Cả mù sương
Với chiều dài chừng 10 kilomet, nhiều đoạn bám lượn quanh co trên vách biển Vũng Rô, Đèo Cả không hùng vĩ như Đèo Hải Vân. Tuy nhiên, những gì mà thiên thiên và lịch sử phô bày ở quần sơn Đèo Cả khiến có thể coi đây là "Đệ nhất hùng sơn" trên con đường thiên lý Bắc Nam.
Vùng núi Đèo Cả - tên chữ là Đại Lãnh - là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là một khối đá hoa cương khổng lồ có diện tích chừng 20 ngàn hecta, tạo ra một quần sơn với nhiều đỉnh cao từ 570 đến 2051m, riêng đỉnh Đèo Cả cao 407m.
Núi Đá Bia, cao 706m, là một trong số nhiều đỉnh cao của quần sơn Đại Lãnh, nằm ở phía bắc Đèo Cả. Cái làm cho ngọn núi này trở thành linh sơn (núi thiêng) chính là một khối đá cao lớn, cách xa cả chục kilomet vẫn nhìn rõ, nhô cao trên đỉnh núi như một chiếc sừng tê giác khổng lồ. Khối đá này được gọi là Đá Bia (Thạch Bi) dựa theo truyền thuyết năm 1471 khi công phá Chiêm Thành, Vua Lê Thánh Tông cho khắc chữ vào khối đá của ngọn núi này. Tuy vậy đời sau chưa ai có cơ may nhìn thấy những chữ khắc trên khối đá. Đến gần, tùy theo góc nhìn mà chiếc sừng tê giác khổng lồ này có những hình dạng rất khác nhau: một tấm bia đá khổng lồ, một con sư tử nằm xuôi theo sườn dốc, một thầy tu đang ngồi thiền hoặc một nhà sư đang xuống núi.
Người Phú Yên còn gọi khối đá là chiếc Linga vĩ đại của tỉnh Phú Yên (Linga: cột đá thiêng hình sinh thực khí nam giới, biểu tượng của thần Siva theo tín ngưỡng Chămpa). Không ít lần Đá Bia bị sét đánh làm cho màu đá càng trắng ra chứ không đổ.
Đã từ nhiều đời nay, người Phú Yên chỉ cần nhìn Đá Bia là có thể dự báo đúng thời tiết: Nếu mây phủ Đá Bia thì chắc chắn trời sẽ mưa. Sườn bắc của khối núi Đèo Cả là sườn hứng mưa, đặc biệt vào mùa chính của gió đông bắc (tập trung từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau). Vào mùa này trung bình cứ 3 ngày thì có đến 2 ngày mưa. Vùng núi Đồng Cọ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa có kiểu mưa địa hình rất đặc biệt: đang nắng có thể mưa to ngay được, có khi mưa rách lá chuối đầu làng, nhưng cuối làng vẫn khô ráo. Người địa phương gọi kiểu mưa đặc biệt này là "Mưa Đồng Cọ".
Khi có mưa Đồng Cọ ắt có gió Tu Bông. Tu Bông - tên chữ là Tụ Phong (họng gió) - là một địa điểm phía nam Đèo Cả thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, đối diện với Đồng Cọ qua một khe núi sâu. Sau khi trút mưa ở Đồng Cọ, gió đông bắc bị ép vào khe núi này, thoát ra Tu Bông thành một loại gió tố rất mạnh. Cây cối Tu Bông có thân cong như cánh cung. Khách bộ hành có thể bị gió xô xuống ruộng.
Chế độ thời tiết lắm mưa nhiều mây đã làm cho khu rừng đặc dụng Bắc Đèo Cả có một hệ thực vật rất đặc biệt. Ngày trước, đây là vùng cung cấp trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Hiện nay vẫn còn một tập đoàn cây quý như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, đặc biệt là cây đát và tuế lá dừa. Cây đát có hạt rất đặc biệt: Khi bóc vỏ, hạt đát cho một cùi trắng trong, dẻo, không thể thiếu trong món chè trái cây nổi tiếng ở Nha Trang. Tuế lá dừa là một loại cây cảnh đẹp, có thể cao đến 6 mét, mọc dày trên sườn núi, nhất là phía Bắc Đèo Cả. Ngoài ra lau núi cuối năm nở hoa trắng xóa. Trong gió lạnh, những trảng bông lau dập dờn như làn sóng, tạo ra hình ảnh nên thơ của Đèo Cả suốt cả trăm năm qua.
Thực ra tên Đèo Cả mới có từ thời Pháp thuộc, khi quốc lộ 1A được mở. Trước đó, đường thiên lý Bắc Nam là một tuyến đường núi nhỏ hẹp, hiểm trở, khó đi, nằm về phía tây đường Đèo Cả bây giờ, được gọi là đường Gia Long. Khối núi Đại Lãnh hiểm trở đã góp phần làm dừng bước chân nam tiến của Vua Lê Thánh Tông năm 1471. Nhà vua phải lập một tiểu vương quốc ở vùng đất Phú Yên bây giờ gọi tên là nước Hoa Anh, làm vùng đệm giữa Đại Việt và Chiêm Thành để tránh đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai nước. Nhưng trên thực tế, quân đội Chiêm Thành do thông thạo những tuyến đường mòn xuyên qua khối núi Đại Lãnh, đã không ít lần đột nhập cướp phá nước Hoa Anh.
Năm 1653, tuân lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần, Cai cơ Hùng Lộc tấn quân đến tận Phan Rang, thâu tóm vùng đất Khánh Hòa này nay vào xứ Đàng Trong, chấm dứt vai trò biên giới của vùng núi Đại Lãnh suốt 182 năm không dứt tiếng gươm khua ngựa hí. Hơn 100 năm sau, địa thế chiến lược của vùng núi Đại Lãnh đã thu hút nhiều cuộc hành quân và giao chiến đẫm máu giữa hai nhà Nguyễn (Tây Sơn và Nguyễn Ánh) trong hơn 3 thập niên nội chiến (1771-1802).
Tháng 1 năm 1947, chỉ 24 ngày sau lệnh toàn quốc kháng chiến, Đèo Cả trở thành chiến trường xung yếu, nơi trung đoàn 80 bộ đội địa phương kịch chiến với giặc Pháp, mở đầu cho hàng loạt trận đánh ác liệt trong suốt cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ sau này của quân dân Phú Yên và Khánh Hòa. Từ tháng 11-1964 đến tháng 2-1965, 4 chuyến tàu không số chở vũ khí chi viện cho miền Nam đã cập bến Vũng Rô - một vùng biển nước sâu, kín đáo và đẹp như tranh vẽ nằm ngay dưới chân Đèo Cả. Từng mét vuông ở vùng núi Đèo Cả như nhuộm đỏ máu trong suốt nửa thiên niên kỷ không ngớt giao tranh của lịch sử dựng nước và giữ nước.
Ngày nay, với phong cảnh non xanh nước biếc, Đèo Cả - Vũng Rô - Đá Bia đã trở thành vùng du lịch nổi tiếng trên còn đường thiên lý Bắc Nam. Như thuở nào, Đèo Cả vẫn mù sương như muốn dấu lịch sử bi hùng dưới sắc xanh của tuế là dừa. Tuy nhiên, trong tiếng gào rít của gió Tu Bông, dường như vẫn âm vang lời thơ hào hùng của Hữu Loan những ngày đầu kháng chiến chống Pháp 1946.