quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Rừng Tràm Trà Sư, An Giang

Chủ Nhật, 01/05/2011 | 12:06:00 PM

Rừng tràm Trà Sư, An Giang không những có tiềm năng du lịch sinh thái đa dạng mà còn là một mô hình thành công trong sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở châu thổ sông Cửu Long.

  
Nguyễn Đình Hòe VACNE,
 Nguyễn Thị Mỹ Linh (Du lịch Việt Xanh, An Giang)

 
1.Vài nét về rừng tràm Trà Sư.


Với diện tích 845 ha, rừng tràm Trà Sư thuộc 3 xã Văn Giáo, Ô Long Vĩ, Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Khu rừng nằm cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 10km, cách sông Mekong khoảng 15km.
Đây là hệ sinh thái rừng ngập nước được hình thành do xây dựng hệ thống đê bao phòng hộ đặc dụng của tỉnh An Giang, loại rừng ngập phèn chịu ảnh hưởng trực tiếp nước lũ sông Mekong đổ về hàng năm.Do đó rừng Trà Sư rất trẻ. Đa số cây rừng vào khoảng 10-15 năm tuổi.  Cây rừng nhiều cấp tuổi, nhiều tầng tán, có tỉ lệ che phủ cao xen kẽ với diện tích đất trống ngập nước (lung đìa – theo tiếng địa phương) là nơi trú ngụ của các loài chim quý hiếm và thủy sản. Dó đó Cảnh quan rừng tràm Trà Sư đầy vẻ hoang sơ, không gian thoáng mát và thảm thực vật tự nhiên khá đa dạng. Trong rừng có những khu cư trú của các loài chim, cò, dơi và nhiều loài sinh vật nước trong đó có các lòai cá di cư từ sông Mekong về. Do vậy, nơi đây cũng là nơi cung cấp nguồn giống sinh vật tư nhiên cho các vùng đất ngập nước khác ở hạ lưu sông Mekong. 


 
rừng tràm Trà Sư An Giang
 
Rừng tràm Trà Sư, ảnh Internet
 

Rừng tràm Trà Sư có hệ sinh thái tự nhiên, có vai trò và ý nghĩa khoa học quan trọng. Đó là cái nôi, nơi tạo nguồn thức ăn và là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật, nhất là các lòai chim.Ở đây có được 11 loài thú trong 5 họ và 4 bộ. Riêng hệ chim có 70 loài chim thuộc 13 bộ và 31 họ. Đáng chú ý có cò lạo Ấn Độ, chim cổ rắn, chim điển điển là những loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, còn có 20 lòai bò sát và 5 loài ếch nhái. Rừng tràm Trà Sư có 2 nhóm cá: cá cư trú tại chỗ quanh năm gọi là “cá đen”, chịu đựng được nước phèn khắc nghiệt, sinh sản tại chỗ. Nhóm cá xuất hiện theo mùa nước lũ hàng năm gọi là “cá trắng”, sống ở sông du nhập vào rừng theo mùa nước lũ hàng năm, không thể chịu đựng được môi trường nước phèn ở rừng tràm Trà Sư trong vào mùa khô. Theo người dân địa phương tại khu rừng tràm Trà Sư có khoảng 23 loài cá, trong đó nhóm cá xuất hiện quanh năm (các loài cá có khả năng chịu phèn) khoảng 10 loài, nhóm cá xuất hiện vào mùa lũ (các loài cá không chịu phèn) có khoảng 13 loài.
Rừng tràm Trà Sư là vùng đất ngập nước. Mùa mưa kéo dài thường bị úng, phèn nặng rất khó trồng lúa. Có nơi trũng sâu ngập nước kéo dài từ 8 – 10 tháng trong năm. Cũng có nơi trũng bằng phẳng có thời gian ngập nước từ 6 – 8 tháng trong năm. Có vài vùng cao không bị ngập nước hoặc chỉ ngập từ 3 – 4 tháng. Tòan bộ rừng được chia thành 2 phần độc lập nhau với diện tích tương đương nhau bởi con kênh dọc theo hướng Bắc Nam. Mỗi tiểu khu có đê bao bên ngoài chống được nước lũ, bên trong có kênh bọc cặp tuyến đê.
Chế độ thủy văn của khu rừng chịu ảnh hưởng lũ từ 2 hướng: lũ tràn về từ Campuchia qua các cống từ Châu Đốc đến Nhà Bàng chiếm 75 – 80% tổng lưu lượng của vùng và lũ từ sông Hậu theo kênh rạch chảy vào nội đồng chiếm 20 – 25%. Do vậy, các hệ sinh thái của khu rừng chịu tác động mạnh mẽ từ sông Mekong. Chế độ thủy văn của khu vực Trà Sư chịu ảnh hưởng trực tiếp của các kênh: Vĩnh Tế, Kênh Đào, kênh Cần Thảo, kênh Vịnh Tre, kênh Bình An, kênh Vĩnh Lợi, rạch Cần Dưng và sự vận hành của đập Trà Sư và Tha La, có tác dụng điều tiết mực nước trong vùng.
Độ pH của nước vào mùa phèn (mùa không lũ) khá thấp 4,1 – 6,8. Các nơi đã mở cống để đón lũ vào thì độ pH đạt 6,4 – 6,8. Từ kết quả trên cho thấy chất lượng nước mùa khô ở rừng tràm Trà Sư không thuận lợi cho thủy sinh vật và cá phát triển, đặc biệt đối với nhóm cá sống ở sông. Chất lượng nước sẽ biến đối theo chu kỳ rõ rệt giữa 2 mùa mưa và mùa khô. Mức độ ô nhiễm sẽ càng nghiêm trọng hơn vào đầu mùa mưa do hiện tượng dậy phèn. Vào mùa dậy phèn, nơi cư trú của sinh vật thủy sản thị thu hẹp lại chỉ còn ở kênh và một số lung bàu. Sinh vật thủy sinh vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa nghèo nàn về giống loài và số lượng. Sự phong phú của các loài động vật nổi ở đây tùy thuộc vào mức độ trao đổi nước với bên ngoài.
2.Thông điệp xanh.
Tham quan rừng tràm Trà Sư tuyệt vời nhất là vào mùa lũ, cả khu rừng như vươn lên một sức sống mảnh liệt. Phóng tầm mắt ra xa là một màu xanh tít tắp làm cho cả không gian xanh mát lấn áp cái nắng chói chang của miền Tây. Đi trên chiếc xuồng con lướt qua những đầm bông súng dại màu sắc rực rỡ, hoặc những đám dây mã đề chằng chịt, thỉnh thoảng vài ba chú cá nhảy lăn tăn bên be xuồng. Cá nơi đây có một màu đen bóng, có lẽ do môi trường nước và điều kiện sống đã tạo nên màu da đặc trưng đó. Những chú cua đồng có đôi càng to lớn vội chạy tọt vào hang khi có tiếng động. Sau những cơn mưa to có thể bắt gặp nháy xanh, nháy đỏ, nháy nâuếch bà thi nhau ca inh ỏi. Đặc biệt hơn hết là chim, cò cứ từng đàn xà xuống thảm rừng xanh bạt ngàn để tìm về tổ ấm. Con người lúc này dường như quá bé nhỏ và thật gần gũi với thiên nhiên. Bao cực nhọc và những lo toan của cuộc sống đời thường đã không còn nữa, có còn chăng là trải lòng mình đón nhận những thông điệp xanh quý giá mà thiên nhiên và con người ở đây ban tặng cho chúng ta.
Trong khu rừng không có dân cư sinh sống, nhưng xung quanh khu rừng có khỏang 58 hộ dân sống gần với ranh giới. Trong số đó có trên 80% số hộ sinh sống bằng các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên đất ngập nước. Đặc biệt có 46 hộ, chiếm 79% tổng số hộ tham gia vào các họat động lâm nghiệp như trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, nuôi dưỡng rừng. Nhìn chung các hộ dân sống ở khu vực đầm rừng Trà Sư chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt, họat động lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản tự nhiên, làm thuê, buôn bán nhỏ. Đời sống của các hộ dân còn nhiều khó khăn, có khoảng 70% hộ dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng tràm. Bảo vệ và kiếm sống tử rừng là một nét độc đáo của sinh kế khu vực rừng Trà Sư. Chỉ lo rằng khi sông Mekong cạn nước do bị đắp đập trên thượng nguồn, không chỉ rừng tràm Trà Sư bị hủy họa mà cuộc sống của người dân cũng chưa biết xoay sở theo cách nào./.
 
 

Lượt xem: 11807

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE