Lần này Rạn trào đón mình không phải với tư cách giám đốc Trung tâm Bảo tồn biển và Phát triển cộng đồng MCD mà với tư cách một người con tới thăm quê hương thứ hai của mình.
Nguyễn Thu Huệ - MCD/VACNE
Rạn trào luôn là cảm hứng bất tận mỗi lần mình tới đây. Lần này Rạn trào đón mình không phải với tư cách giám đốc Trung tâm Bảo tồn biển và Phát triển cộng đồng MCD mà với tư cách một người con tới thăm quê hương thứ hai của mình. Mình mang tới Rạn Trào tài sản lớn nhất của đời mình, đó là các con mình và Biển của riêng mình, chính là người cách đây một thập kỷ đã đưa mình tới đây và từ đó mình gắn bó với công việc của Biển. Ngoài ra còn hai lão tướng Phùng Gia, những người cũng hơn một thập kỷ gắn bó và đỡ lưng cho mình để mình có thể hoàn thành nhiệm vụ truyển cảm hứng cho dàn nhạc nhiều cung bậc và âm thanh khiêm tốn từ các công việc nhỏ bé của nó không phải dễ dàng gì cảm nhận được cho mãi tới gần đây khi tháng 6 năm 2011 MCD trở thành tổ chức phi chính phủ Việt Nam duy nhất nhận bằng khen vì sự đóng góp cho sự nghiệp Biển đảo đất nước.
Ngâm mình trong làn nước trong xanh và ngắm nhìn san hô của Rạn Trào với những chú cá cảnh lượn lờ, có cả gia đình bên mình, mình như tìm lại chính tuổi trẻ và khát vọng và sức mạnh để đi tiếp bao chặng đường. Khôi đã rất chu đáo khi chuẩn bị áo phao, ống thở. Giờ đây ra Rạn Trào đã có thuyền Ecolife chắc chắn, chả bù ngày đầu tiên ra Rạn cách đây gần chục năm, trên chiếc thuyền nhỏ chênh vênh, trời đổ mưa và gió nổi lên, mấy chị em, có cả chị Tuyết bên Đài tiếng nói Việt Nam, ôm chặt cái cột bé tý của thuyền, mặt tái xanh, ai cũng xác định là ...đi. Mình thì gọi điện cho Hải Tũn bảo cả anh và chị trên thuyền nhỏ ra biển, mưa bão to lắm chẳng biết có về được nữa không, em ở nhà chăm sóc bố mẹ và chăm cún. Khi ấy Tũn chưa lấy vợ và chắc phát hoảng khi nghĩ cảnh một mình với bố mẹ già và cháu Huệ Anh. Giờ Hải Tũn ngày nào đã là một cán bộ có vai vế ở một tập đoàn lớn, đã có vợ con nhưng vẫn giữ vai trò trụ cột trong đại gia đình vì có ông anh trai và bà chị dâu mặc dù chức trưởng nhưng hâm dở làm những việc chẳng hiểu là việc gì, suốt ngày nói về chuỗi giá trị cho nông ngư dân rồi tự phong là doanh nhân xã hội, mỗi khi cần tiền lại chạy sang " em ơi".
Bữa cơm trưa thân mật ngay tại Ecolife Cafe nhà anh Khoa lúc nào cũng đầm ấm. Chị Bông chị Trợ trổ tài nướng hàu nướng cồi mai và Tu hài ngay tại quán. Cả nhóm hạt nhân với các thế hệ cũ mới, từ Cá Kình của Biển khơi Bảy Nguột, lão tướng 72 tuổi vẫn chèo thuyền như thanh niên trai tráng, anh Mười Chim dù gác kiếm không nuôi nhiều tôm hùm nữa vẫn luôn giữ trách nhiệm của người đầu tiên đặt móng rạn trào và anh Ba Phương người hiện đang là đứng mũi chịu sào của nhóm.
Anh Mười bảo vừa rồi MCD Khánh Hòa tổ chức buổi thông tin rộng rãi về quy chế Rạn trào, bà con phần khởi lắm, các anh đồn biên phòng và bảo vệ nguồn lợi cũng cam kết. Mình thấy nghẹn lòng. Rạn Trào không của riêng ai, đó là tài sản của cộng đồng và nếu được cộng đồng chung sức chăm lo, nó sẽ hồi sinh.
Mình cảm nhận được sự thân thiện, hiểu nhau và chia sẻ giữa các thế hệ. Bác Bảy cứ nhắc tới bác Vĩnh, Long và Quỳnh Anh với bao trìu mến. Mình bảo các bác ai rồi cũng sẽ già đi, chân yếu tay mềm, không ai có thể ra biển đến hết đời, bác Bảy bác Chim đã đặt cột mốc đầu tiên cho Rạn Trào, anh Ba Phương kế tiếp bảo vệ, vậy phải làm sao để có thế hệ kế cận, để Rạn Trào luôn được nâng niu. Cũng như MCD, Huệ, Thân Hiền, Long, bác Vĩnh Quỳnh Anh, khi đến với Rạn Trào là đến với tất cả những gì mình có, tuổi trẻ, khát vọng và toàn tâm toàn ý với chỉ một Rạn Trào. Rạn Trào cũng như cuộc đời, có lúc thăng lúc trầm, khi bắt đầu là khi hưng phấn nhất, lúc ổn định trầm tư và có những lúc bị bão giông đánh gần gục ngã, rồi lại hồi sinh. Bác Vĩnh tuổi đã cao, Huệ, Hiền, Long Quỳnh Anh giờ đã là các bậc cha mẹ với bao nỗi lo toan, MCD bây giờ cũng không chỉ ở Rạn Trào mà đã có mặt ở cả các vùng biển khác. Thế hệ kế tiếp MCD Yến Thu, Minh Hoàng, Thu Trang cũng đã mang những luồng gió mới cho Rạn Trào, để Rạn Trào được biết đến rộng hơn, sâu sắc hơn, gọi được tên là mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ cấp cơ sở với cơ sở pháp lý vững chắc và qui chế quản lý điều chỉnh. Khôi cũng nghẹn ngào xúc động khi nói mình là thế hệ thứ ba tới Rạn Trào, với Duyên Hồng, Dũng Ecolife để khách đến Rạn Trào không chỉ biết san hô và cá biển mà còn cảm nhận được sự linh thiêng của Chùa Giác Hải nằm trên đồi với Biển và Núi kề bên ôm gọn những cánh dừa làng Xuân Tự. Mình đã thật lòng khi nói về những đêm trằn trọc không ngủ được, nghĩ tới Rạn Trào với bao lo toan, Biển thì bao la mà sức người thì có hạn, các thế hệ MCD đã cống hiến cho Rạn Trào tri thức, lòng nhiệt tình và tình cảm nồng nàn nhất. Những gì MCD làm tốt nhất là giúp những người dân nơi đây có đủ thông tin, năng lực và sự tự tin để vận động nguồn lực và chính sách để duy trì hệ sinh thái Biển Rạn Trào cũng là duy trì chính kế sinh nhai của họ. Và còn bao Rạn Trào khác trên khắp đất nước Viêt Nam xinh đẹp cần những thế hệ người sử dụng biết cách huy động và được ủng hộ. Khi mình đến biển Rạn Trào bình yên phẳng lặng, nhưng mình biết ngoài xa khơi kia sóng gió đang thực sự nổi lên Đảo lớn của chúng mình đang lâm nguy. Giữ san hô giữ cá là giữ Biển là giữ Tổ quốc. Chia sẻ với Bích Hiền Thu Trang về điều này, mình nhẹ lòng hơn, hình dung rõ ràng cách tiếp cận và tổ chức cộng đồng MCD sẽ trọng tâm vào năng lực Advocacy cho các thế hệ người sử dụng tài nguyên biển một cách khôn ngoan.
Anh Khoa như trở thành một người khác hẳn khi trở thành hướng dẫn viên cho Phùng Gia đi thăm Chùa Giác Hải. Người đàn ông từng là một trong những người giàu nhất thôn nhờ tôm hùm mang trong mình nghiệp thơ và những mối tình... có lẽ do thơ... giờ say sưa giới thiệu về Chùa. Cây xoài chín gốc ngay cổng chùa thật đặc biệt. Mẹ Tâm nói đã đi khá nhiều chùa ở miền bắc nhưng chưa bao giờ thấy ngôi chùa nào đẹp và hùng vĩ như thế. Đất đai ven biển khô cằn nhưng khí trời lại thuận, cây hoa nào trong Chùa cũng mơn mởn chồi xanh và hoa rực rỡ cho dù cành lá khẳng khiu. Cựu đại tá phi công VC lẫy lừng một thời Phùng Công Định thì cứ tấm tắc khen qui hoạch làng xóm trong này hơn hẳn ngoài ta, mình bảo các qui hoạch này là do 'nó" làm đấy chứ không phải "ta" làm đâu. Cụ lặng im nhưng mình chắc trong lòng cụ đang công nhận có những thứ đầu óc "nó" hơn hẳn "ta".
Tạm biệt Rạn Trào trở về Nha Trang, Khôi đưa cả nhà đi thưởng thức Nha Trang xưa. Một quán ăn trong khung cảnh làng quê thuần Việt với tiếng dế kêu, rau thơm trong vườn và phản rộng kê ngồi thật thoải mái, thức ăn chỉ có lươn, ếch, tôm, cua đồng, bánh xèo. Cả một không gian cổ xưa với cối giã gạo, đèn bão và những chùm hành tỏi lủng lẳng. Mình cũng đã tơi các quán Ngoại Ô ở Hà Nôi nhưng chưa quán nào thể hiện không gian và sắp đặt thuần việt một cách thực chất và thuyết phục như ở Nha Trang Xưa. Đúng là giữa một thành phố du lịch đang trong kỳ Festival Biển với bao khách du lịch chật ních, các khách sạn kín đặc, ý tưởng Nha Trang xưa thật độc đáo và mình tin rằng sẽ thành công. Mình càng thấm thía một điều là ở đâu và trong hoàn cảnh nào đều có chỗ cho sự sáng tạo và khác biệt. Rạn Trào và Nha Trang xưa chính là sự khác biệt lôi cuốn nhất mà gia đình mình cảm nhận được trong cả hành trình 4 ngày Đà Lạt - Nha Trang.
Cám ơn Rạn Trào.