quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Quyền con người với môi trường: Nhận thức cộng đồng quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam

Thứ Ba, 14/02/2012 | 10:15:00 AM

Những tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đến phát triển con người đang là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách của từng quốc gia về QCN đối với môi trường cũng như trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của con người là phải nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm sức khỏe môi trường. Do vậy, cộng đồng thế giới thưà nhận môi trường chính là vấn đề của QCN.

 
 

1. Sự cần thiết phải có Tuyên ngôn về quyền con người với môi trường

Quyền con người (QCN) đối với môi trường là một trong những quyền thuộc nhóm quyền thứ ba (quyền được hưởng hòa bình, quyền phát triển và quyền được sống trong môi trường trong lành) được nghi nhận vào những năm 80. Điều này đã được phản ánh trong Báo cáo phát triển con người năm 2000, một tuyên bố mang tính bước ngoặt về QCN khi được gắn với phát triển con người “Xóa nghèo là một thách thức chính của QCN thế kỷ XXI. Một mức sống phù hợp, chăm sóc, giáo dục tử tế, việc làm và bảo vệ chống lại thiên tai không chỉ là mục tiêu phát triển, mà là QCN”. Nhóm quyền thứ ba này là sự thể hiện tốt nhất tính thống nhất của các quyền, vì chúng đòi hỏi phải có hợp tác quốc tế và xây dựng cộng đồng. Sự cần thiết phải xây dựng Tuyên ngôn về QCN đối với môi trường đã được nhận thức và hưởng ứng tại nhiều nước trên thế giới.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự ra đời và thực thi luật môi trường, QCN đối với môi trường là báo động về ô nhiễm, suy thoái và khủng hoảng môi trường toàn cầu, có nguyên nhân chính từ hoạt đông sống hiện nay của con người. Đó là những thay đổi về khí hậu, suy giảm tầng ôzôn, phá rừng, suy giảm đa dạng sinh học, suy giảm và suy thoái nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên do khai thác liên tục, a xít hóa, ô nhiễm và sa mạc hóa. Ngược lại, con người chịu tác động trực tiếp của thay đổi đó đến đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị. Trong số những hậu quả ấy có: thiếu thốn về nguồn nước , lương thực, lụt lội, hạn hán; những nguy cơ về sức khỏe và những xung đột về tài nguyên nước, bất ổn xã hội do khai thác tài nguyên thiên nhiên liên tục dẫn đến việc tước đoạt quyền của các cộng đồng dân cư đối với tài nguyên. Nói cách khác, các hoạt động của con người đã làm cho môi trường bị biến đổi nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chính sự biến đổi này đã gây hại đến đời sống kinh tế, sức khỏe, hưởng thụ quyền cơ bản của con người. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (BĐKH) (IPCC) công bố năm 1990 khuyến cáo rằng hậu quả chính của thay đổi về khí hậu có thể liên quan đến những di trú của con người, bởi vì nhiều triệu người có thể phải chuyển chỗ vì sạt lở bờ biển, vì lụt lội vùng duyên hải và những xáo trộn về canh tác trong nông nghiệp. Đối đầu với một thay đổi về khí hậu, 150 triệu người có thể trở thành dân tị nạn môi trường vào năm 2050. Các báo cáo tiếp theo của Ngân hàng thế giới (WB) 2005, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 2009 tiếp tục khẳng định hậu quả của các tác động đó với những dự báo tổn thất về kinh tế và bất ổn xã hội lớn hơn rất nhiều, nếu không có biện pháp thích nghi và giảm thiểu trên quy mô toàn cầu. Tị nạn môi trường có thể cho phép được nhẹ bớt về áp lực môi trường, nhưng trên thực tế thì xuất hiện một loạt các căng thẳng khác về kinh tế, xã hội, chính trị và hoặc căng thẳng khác của môi trường.

Những tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đến phát triển con người đang là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định và thực thi chính sách của từng quốc gia về QCN đối với môi trường cũng như trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao  của con người là phải nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, bảo đảm sức khỏe môi trường. Do vậy, cộng đồng thế giới thưà nhận môi trường chính là vấn đề của QCN.

Một yếu tố khác cho thấy sự cần thiết phải có Tuyên ngôn về quyền môi trường cũng như nội luật hóa QCN đối với môi trường vào luật pháp quốc gia là để đảm bảo sự bình đẳng giữa các quốc gia, nhóm lợi ích, nhóm cộng đồng và cá nhân trong quan hệ với môi trường . Trong mối quan hệ con người với môi trường sự bất bình đẳng thể hiện ở chỗ, những quốc gia, những tập đoàn doanh nghiệp gây hại nghiêm trọng đến môi trường không phải là những tổ chức đầu tiên gánh chịu hậu quả do thay đổi của môi trường, mà là những nước nghèo, cụ thể là những nước trình độ khoa học kỹ thuật còn kém phát triển, chưa được hưởng lợi nhiều thừ môi trường. Ở cấp độ quốc gia, những nhóm nghèo cũng sẽ là nhóm chịu nhiều rủi ro từ môi trường vì họ ít có năng lực để chống đỡ và cải thiện cuộc sống của mình trước biến cố môi trường.

2. Tương tác giữa bảo vệ môi trường và quyền con người

Mối quan hệ giữa con người và môi trường là mối quan hệ hai chiều, chính vì thế, những nghiên cứu về các chiều cạnh của con người đối với môi trường cần phải bao trùm nhiều ngành, phải phối hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trong đó không thể thiếu được khoa học về luật pháp. Phạm vi các bộ môn khoa học xã hội liên quan đến quan hệ con người và môi trường rất rộng. Nó bao gồm những nghiên cứu chính trị phân tích hiệu quả của những thỏa thuận về môi trường, các nghiên cứu dân số học xem xét những quan hệ tăng trưởng dân số và thay đổi môi trường, các nghiên cứu kinh tế nghiên cứu khả năng tách biệt tăng trưởng kinh tế khỏi những hậu quả môi trường, các nghiên cứu nhân học thảo luận những nhu cầu và nguyện vọng của con người trước thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu, các nghiên cứu khác quan sát những chiều cạnh về tâm lý, xã hội… của những thay đổi về môi trường toàn cầu. Dưới góc độ khoa học pháp luật, QCN và môi trường được xem xét trên bình diện hệ thống luật pháp được ban hành liên quan đến môi trường, cơ chế thực thi luật pháp. Dưới góc độ nhân học cũng như xã hội học, quan hệ đó được xem xét dưới tác động các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hôi, văn hóa, nhằm đảm bảo thực thi pháp luật vì mục tiêu con người được sống trong môi trường tự nhiên an toàn, trong môi trường phát triển bền vững..

3. Nhận thức về quyền con người đối với môi trường cộng đồng quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam

a. Nhận thức của cộng đồng quốc tế về QCN đối với môi trường

Có thể nói nhận thức quốc tế về các mối liên kết giữa QCN và môi trường đã mở rộng đáng kể từ khi, BVMT trở thành mối quan tâm quốc gia và quốc tế. Khoảng hai thập kỷ sau khi QCN xuất hiện trên trình nghị sự quốc tế, cộng đồng quốc tế đã thông qua một mảng đáng kể công cụ pháp lý quốc tế, thành lập các cơ quan chuyên ngành toàn cầu và cấp khu vực để xây dựng công cụ, kiểm soát và thúc đẩy việc thực hiện QCN đối với môi trường. Từ nghiên cứu của các chuyên gia, cũng như từ thực tiễn có thể khái quát các bước chuyển của nhận thức quốc tế về mối liên kết giữa QCN và môi trường như sau: 1) BVMT như là một điều kiện tiên quyết để được hưởng các QCN; 2) Thực hiện QCN là yếu tố cần thiết để đạt được BVMT; 3) Quyền được hưởng một môi trường an toàn, lành mạnh và cân bằng sinh thái là một quyền độc lập trong QCN; 4) BVMT, đảm bảo QCN là mục tiêu phát triển bền vững.

BVMT như là một điều kiện tiên quyết để được hưởng các QCN; thực hiện QCN là yếu tố cần thiết để đạt được BVMT.

Tuyên bố Stockholm năm 19722 được xác định là một mốc đầu tiên cho sự gắn kết hai vấn đề tưởng chừng là hai lĩnh vực riêng biệt trong hoạch định chính sách công nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau là QCN và môi trường. Trong tuyên bố Stockholm, Nguyên tắc 1 đã thiết lập nền tảng mối quan hệ chặt chẽ với nhau là QCN và BVMT, rằng: “con người có các quyền cơ bản về tự do, bình đẳng và điều kiện sống tối thiểu trong môi trường trong lành, cho phép con người có cuộc sống có nhân phẩm và hạnh phúc”. Tuyên bố nêu rõ sống trong môi trường trong lành là quyền cơ bản của con người và BVMT là đảm bảo QCN, trong đó có trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ và cải thiện môi trường cho các thế hệ hiện tại và trong tương lai.

Tiếp theo, trong Nghị quyết 45/94, Đại hội đồng LHQ nhắc lại ý nghĩa của Stockholm, nêu rõ rằng tất cả các cá nhân có quyền được sống trong một môi trường đầy đủ cho sức khỏe và hạnh phúc. Nghị quyết kêu gọi tăng cường nguồn lực để đảm bảo một môi trường tốt hơn và khỏe mạnh hơn. Nhiều nhà bảo vệ nhân quyền và các chuyên gia có một cách tiếp cận tương tự như Tuyên bố Stockholm và hiểu BVMT như là một điều kiện tiên quyết để được hưởng một số quyền , đặc biệt là các quyền đối với cuộc sống và sức khỏe3. Theo thời gian, nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau đã xuất hiện để giải thích làm thế nào hai đối tượng nghiên cứu QCN và BVMT liên kết lại. Các phân tích khác nhau đã chứng minh rằng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền để BVMT có thể phục vụ như là nền tảng cho chính sách công bảo tồn và BVMT sinh thái4. Các tác giả đều thống nhất rằng tiếp cận QCN trong phát triển nói chung và trong BVMT nói riêng cung cấp một khuôn khổ quy phạm có nghĩa vụ, trong đó có cơ sở pháp lý, để làm cho chính phủ phải có trách nhiệm trong phát triển. Đồng thời cách tiếp cận quyền tập trung vào cá nhân và cho phép cá nhân tự do theo đuổi việc thực hiện quyền của họ. Hơn nữa, cách tiếp cận quyền cho phép sự đồng thuận trên cấp độ quốc tế. Cách tiếp cân này đã được thể hiện trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Môi trường và phát triển bền vững năm 1992 tại Rio de Janeiro, Brasil. Hội nghị tuyên bố rằng con người “có quyền được sống một cuộc sống lành mạnh và sản xuất trong sự hòa hợp với thiên nhiên” (Nguyên tắc 1) và quy định rằng các quốc gia nên hợp tác hiệu quả để ngăn cản hoặc ngăn chặn việc di dời và chuyên giao cho các tiểu bang khác các hoạt động gây ra các chất được cho là có hại cho sức khỏe của con người (Nguyên tắc 14). Đặc biệt, Hội nghị đã xây dựng các liên kết giữa cac QCN va BVMT chủ yếu về mặt thủ tục. Nguyên tắc 10 tuyên bố: “Vấn đề môi trường phải được giải quyết một cách tốt nhất với sự tham gia của tất cả các cá nhân liên quan, ở cấp độ thích hợp. Cấp độ quốc gia, mỗi cá nhân sẽ được tiếp cận thông tin thích hợp liên quan đến môi trường, do các cơ quan công quyền lưu giữ, bao gồm cả thông tin về các chất và hoạt động nguy hiểm trong cộng đồng của họ, và có cơ hội được tham gia trong quá trình ban hành các quyết định..”5. Nguyên tắc này có ý nhấn mạnh đến việc tôn trọng và đảm bảo thực thi QCN như một trong những điều kiện cần thiết để BVMT. Quyền đối với sự tham gia, thông tin và biện pháp khắc phục đối với các điều kiện môi trường như vậy được hình thành trọng tâm của Tuyên bố Rio. Ngoài nguyên tắc 10, Tuyên bố này quy định về sự tham gia của các thành phần khác nhau của dân số: phụ nữ (Nguyên tắc 20), thanh niên (Nguyên tắc 21), và người dân bản địa và cộng đồng địa phương (Nguyên tắc 22). Tham gia cộng đồng cũng được nhấn mạnh trong Chương trình nghị sự 216. Chương 23 tuyên bố rằng: Một trong những điều kiện tiên quyết cơ bản để đạt được sự phát triển bền vững là sự tham gia rộng rãi công chúng trong việc ra quyết địng. Hơn nữa, trong bối cảnh cụ thể của môi trường và phát triển, yêu cầu sự tham gia của các đối tượng khác nhau, vào quy trình đánh giá tác động môi trường (EIA) và vào việc ra các quyết định, đặc biệt là sự tham gia của những người có tiềm năng ảnh hưởng đến các cộng đồng nơi họ sinh sống và làm việc. Cá nhân, nhóm và tổ chức cần phải có quyền truy cập vào thông tin liên quan đến môi trường, phát triển và vận hành hoạt động của chính quyền quốc gia, bao gồm cả thông tin về sản phẩm và các các hoạt động mà có hoặc có thể có tác động đáng kể đối với môi trường, và thông tin về các biện pháp BVMT. Chương trình nghị sự 21 cũng kêu gọi chính phủ và các nhà lập pháp xây dựng thủ tục hành chính tư pháp để khắc phục tình trạng pháp lý còn lỏng lẻo đối với các hành động ảnh hưởng đến môi trường mà có thể là trái pháp luật hoặc xâm phạm các quyền theo pháp luật, và để khắc phục các hậu quả môi trường của các hành động đó. Nó cũng khuyến khích các chính phủ xây dựng các chính sách tạo điều kiện trao đổi trực tiếp thông tin giữa chính phủ và công chúng về các vấn đề môi trường và cho thấy quá trình EIA là một cơ chế tiềm năng để tham gia.

Quyền được hưởng một môi trường an toàn, lành mạnh và cân bằng sinh thái là một quyền độc lập trong QCN – Dự thảo Tuyên ngôn về các nguyên tắc và QCN đối với môi trường năm 19947

Nếu như Tuyên bố Stockholm năm 1972 khẳng định BVMT như điều kiện cần thiết đảm bảo QCN, Thì Tuyên bố Rio, 1992 coi việc tôn trọng và đảm bảo QCN là quan trọng trong việc hoạch định chính sách BVMT. Hiên nay ở châu Phi, châu Âu và châu Mỹ, các công ước nhân quyền khu vực đều cung cấp các bảo đảm cụ thể để bảo vệ quyền sức khỏe môi trường; công nhận tầm quan trọng của sự tham gia của cộng đồng liên quan tới các quyết định về môi trường8. Có khoảng 60 nước trên thế giới đã công nhận trong Hiến pháp về quyền sức khỏe môi trường. Ví dụ Hiến pháp Nam Phi quy định: mọi người có quyền sống trong môi trường không gây hại tới sức khỏe và sự thịnh vượng của con người; quyền có môi trường được bảo vệ vì lợi ích của các thế hệ hiện nay và mai sau. Gần đây nhất, sau hơn 15 năm tranh luận, 28/7/2010 Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu công nhận tiếp cận nước sạch và điều kiện sống hợp vệ sinh là một quyền của con người với 122 nước tán thành nghị quyết mang tính thỏa hiệp do Bolivia soạn thảo. MỸ, Anh, Canada, Australia và 37 nước khác bỏ phiếu trắng.

Do tính chất và tầm quan trọng của việc thực hiện QCN đối với môi trường, một bản dự thảo tuyên ngôn về các nguyên tắc và QCN đối với môi trường đã chính thức được một nhóm các chuyên gia về nhân quyền và luật môi trường quốc tế trình lên các cơ quan của LHQ để lấy ý kiến. Để chuẩn bị cho Dự thảo Tuyên ngôn về QCN đối với môi trường, các chuyên gia đưa hai lĩnh vực của luật – luật nhân quyền và luật môi trường lại gần nhau để thảo luận về “QCN đối với môi trường”9. Thảo luận đưa ra một số ý tưởng chính như sau: 1) có nhiều sự giống nhau giữa luật nhân quyền và luật môi trường đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa; 2) Luật môi trường đưa ra một khía cạnh mới quan trọng vào luật nhân quyền: chiều cạnh thời gian, đó là mối quan tâm đến việc giữ gìn trái đất cho thế hệ tương lai. Hay nói cách khác, trong luật môi trường có mối quan tâm đối với thế hệ tương lai và một loạt cơ chế có thể được sử dụng để thực hiện QCN đối với môi trường; 3) Mặc dù là độc lập, QCN đối với môi trường không thể tách rời ra khỏi các quyền về xã hội và kinh tế. Vấn đề ở đây không còn chỉ là phân phối không đồng đều nguồn của cải vô tận mà là làm thế nào phân chia nguồn tài nguyên hữu hạn ngày một ít đi trong khi dân cư ngày một tăng lên với mong muốn không tàn phá thiên nhiên; 4) Một câu hỏi quan trọng khác đặt ra là liệu QCN đối với môi trường có xung đột với những nhân quyền có trước hay không. Đối với câu hỏi này có hai quan điểm khác nhau: quan điểm thứ nhất cho rằng không có sự đối kháng , luật môi trường giúp hệ thống hóa các khuôn khổ xã hội mà trong đó mọi nhân quyền được lồng vào; quan điểm thứ hai cho rằng có sự xung đột tiềm tàng giữa các QCN có tính cạnh tranh, ví dụ sự tăng dân số không được vượt quá khả năng đảm bảo của trái đất có thể gây ra sự xung đột giữa quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và quyền con người đối với việc tái sinh sản. Đây vẫn là câu hỏi để ngỏ; 5) Đối với câu hỏi về việc liệu khuôn khổ các tuyên ngôn về nhân quyền đã ban hành có đủ để thực hiện quyền môi trường trên cấp độ quốc tế và quốc gia hay không, các tác giả nhất trí rằng cần có một phổ rộng các cơ chế bảo đảm quyền môi trường. Mặc dù, theo các chuyên gia, có thể chuyển toàn bộ hoặc một phần cơ chế nhân quyền hiện tồn tại sang lĩnh vực quyền môi trường, các chuyên gia cũng nhất trí rằng các cơ chế truyền thống về nhân quyền thường không đầy đủ để thực hiện QCN đối với môi trường (Tanner Susan 1993). Các cơ chế này đề cập đến việc khắc phục ngay khi vấn đề xuất hiện, trong khi đó môi trường không thể được bảo vệ nếu không thông qua các cơ chế ngăn ngừa, do đó phải có một trình tự giúp các cá nhân, các cộng đồng và các tổ chức nhận thức rằng môi trường của họ đang bị đe dọa trước khi sự kiện đó xảy ra. Trình tự phòng ngừa được các chuyên gia vào hoạch định chính sách, quyền tố cáo, quyền khiếu nại và quyền đền bù thiệt hại.

Trong bản Dự thảo Tuyên ngôn, các thành phần thiết yếu của QCN đối với môi trường đã được tuyên bố một cách toàn diện. Đây là văn kiện quan trọng thiết lập các chuẩn mực quốc tế về QCN với môi trường và phản ánh sự phát triển hướng tới sự công nhận và bảo đảm quốc tế đối với các quyền về môi trường. Dự báo Tuyên ngôn gồm 27 điểm. Lời nói đầu nhấn mạnh quyền tự quyết và quyền phát triển, và sự gắn kết giữa môi trường và QCN: “sự vi phạm QCN dẫn tới sự xuống cấp của môi trường và sự xuống cấp của môi trường dẫn tới sự vi phạm QCN”. 4 nguyên tăc QCN về môi trường bao gồm các khẳng định về sự phụ thuộc lẫn nhau và không chia cắt của QCN, môi trường phát sinh, phát triển bền vững và hòa bình; khẳng định quyền bình đẳng của con người đối với môi trường an toàn, sức khỏe và môi trường sinh thái; Khẳng định quyền không phân biệt đối xử liên quan tới các hành động và quyết định có tác động tới môi trường; nguyên tắc về tính công bằng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện nay và mai sau10.

BVMT, đảm bảo QCN là mục tiêu phát triển bền vững

Trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, tại các hội nghị về môi trường, QCN và phát triển bền vững, vấn đề đảm bảo QCN đối với môi trường được gắn với việc đưa ra các giải pháp và quy trình thực hiện nhằm giảm thiểu tác hại môi trường đến con người, cũng như đảm bảo QCN để BVMT và phát triển bền vững. Hội nghị thượng đỉnh về môi trường lần hai họp tại Johannesburg (Nam Phi) hướng tới chủ đề toàn cầu hóa gắn với sức khỏe và phát triển. Các chuyên gia cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro, 1992 và Hội nghị Thế giới về Nhân quỳên, nâm 1993 tại Vienna là cơ sở cho việc đưa ra mối gắn kết giữa BVMT và đảm bảo QCN như mục tiêu phát triển bền vững11. Nếu như tại hội nghị Rio đưa ra khaí niệm đột phá về phát triển bền vững và đã bắt đầu quan tâm đến các chiều kích khác nhau như kinh tế, xã hội, môi trường, thì tại Hội nghị Vienna, vấn đề được quan tâm là mở rộng khái niệm phát triển hướng vào QCN, dân chủ12. Hội nghị Thượng đỉnh Rio chú trọng quá nhiều vào tính bền vững của môi trường mà ít quan tâm đến chiều kích con người, cụ thể là vai trò con người trong hưởng thụ và BVMT. Trong khi đó Hội nghị Nhân quyền Thế giới Vienna có thể bị cho rằng đã đặt quá ít quan tâm đến yếu tố môi trường trong việc đảm bảo QCN. Nhưng chính điều khác biệt đó cho thấy rằng, sau gần hai thập kỷ kể từ năm 90, đã có sự tiến bộ liên tục trong việc gắn kết chiều kích con người (QCN) và môi trường (BVMT) trong mục tiêu phát triển bền vững. Mối gắn kết này được khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về môi trường Johannesburg, 2002 thông qua đồng thuận của 196 nước tham gia về mục tiêu phát triển bền vững bằng “Tuyên bố Johannesburg và kế hoạch thực hiện phát triển bền vững”13 khẳng định 3 trụ cột bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường với 5 vấn đề môi trường mang tính cấp bách toàn cầu gắn với QCN cần tập trung giải quyết là: 1) Cung cấp nước sạch và xử lý nước thải; 2) Cung cấp các nguồn năng lượng mới thay thế dần việc sử dụng than đá và dầu mỏ; 3) phòng, chống các loại dịch bệnh như HIV – AIDS, lao phổi; 4) Phát triển nông nghiệp, chống xa mạc hóa đất đai, giảm đói nghèo trên toàn thế giới; 5) Bảo vệ đa dạng sinh học và cải tạo hệ sinh thái.

b. Quyền con người đối với môi trường và thực tiễn tại Việt Nam

Đảng và nhà nước ta sớm nhận thức của tầm quan trọng của vấn đề phát triển bền vững. Liên quan tới BVMT và hệ sinh thái, trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và không ngừng hoàn thiện hệ thông chính sách, pháp luật nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội. Đó là “kế hoạch quốc gia về Môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991-2000” (Quyết định số 187- CT ngày 12 thánh 6 năm 1991) đặt tiền đề cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Chỉ thị số 36-T/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, trong đó nhấn mạnh: “BVMT là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng đảm bảo phát triển bền vững , thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Quan điểm phát triển bền vững còn được khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX (2001) và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, theo đó, “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT và “phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”. Trong Nghị quyết số 41/NQ/TW ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội Đảng lần thứ X (2006) đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn từ thực tiễn 20 năm Đổi mới, trong đó có “bài học phát triển nhanh và bền vững”.

Cam kết về BVMT và phát triển bền vững trên cấp độ quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn “Công ước khung của LHQ về BĐKH” (UNFCC) năm 1994 và phê chuẩn Nghị định Kyoto ngày 17/8/2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam)- khung chiến lược bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực tiễn và phối hợp hành động nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21… Trên cấp độ quốc gia Việt Nam đã ban hành luật BVMT (1993); Luật BVMT sửa đổi (2005) và nhiều quy định pháp lý quan trọng khác về môi trường. Chiến lược quốc gia về BVMT đến năm 2003 đánh dấu một bước đột phá trong công tác quản lý và nhận thức của Chính phủ về vấn đề môi trường. Tài liệu này được xây dựng trên cơ sở các chiến lược môi trường quốc gia trước đó và đưa ra một số khái niệm mới, trong đó có vấn đề môi trường toàn cầu (VD: chất lượng môi trường các sản phẩm nhập và xuất khẩu). Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với BĐKH cũng đã được thông qua.

Nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành cho thấy, hầu hết các quy phạm pháp luật mới chỉ rừng lại nguyên tắc chung, có tính định khung; chưa chú trọng việc lồng ghép cách tiếp cận QCN trong BVMT. Các quy định của pháp luật chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan tới BVMT; chưa làm rõ việc BVMT không chỉ thuộc trách nhiệm của Nhà nước mà còn là quyền và trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi cá nhân và công dân, cộng đồng dân cư. Pháp luật chưa quy định cụ thể, rõ rang cả về quy trình, thủ tục để mọi cá nhân, công dân có thể tham gia vào việc giám sát BVMT; tham gia vào việc ban hành các quyết định và tiếp cận tư pháp trong lĩnh vực môi trường. Luật BVMT hiện nay không quy định rõ về sự tham gia của cộng đồng và người dân vào trong quy trình đánh giá tác động môi trường (EIA), ngoài việc tham vấn đại biểu Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Trên thực tế, ngay cả cấp độ tham vấn này cũng không được thực hiện một cách đầy đủ, không đại diên hiệu quả cho nguyện vọng của nhiều nhóm dân cư trong cộng đồng14. Để tham gia một cách chủ động và hiệu quả, người dân phải được tiếp cận thông tin. Ở Việt Nam, quyền được tiếp cận thông tin cũng được coi là một trong những quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 1946, và Hiến pháp 1992 đều quy định công dân có quyền được thông tin15.

Tại Việt Nam, vấn đề môi trường và ảnh hưởng của nó đến phát triển con người đang trở thành thách thức. Ô nhiễm trên quy mô rộng, suy thoái cục bộ, có dấu hiệu khủng hoảng môi trường do quá trình phát triển ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ BVMT đang trở thành những rào cản lớn đối với sự phát triển của chính con người Việt Nam – được hiểu như quá trình không ngừng mở rộng cơ hội và nâng cao năng lực lựa chọn cho con người. Thứ nhất, sức khỏe, tính mạng người dân bị đe dọa trực tiếp do tình trạng nhiễm khuẩn không khí, đất, nước, thực phẩm, bùng phát dịch bệnh. Thứ hai, suy thoái môi trường làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên tái sinh nuôi sống con người như biển, sông, hồ, đất màu, rừng, v.v. Thứ ba, bất bình đẳng xã hội gia tăng do những doanh nghiệp gây ô nhiễm tạo ra chi phí kéo theo về bệnh tật, giảm thu nhập lên những người khác, đặc biệt là nhóm yếu thế như người nghèo, dân cư các vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số… Thứ tư, khủng hoảng môi trường, thiên tai bùng phát, biến đổi khí hậu đe dọa an ninh, tính mạng và tài sản của con người (Đào Minh Hương, 2010). Những yếu tố trên đang là những trở ngại hạn chế quyền phát triển, QCN đối với môi trường (cơ hội sinh kế, quyền đảm bảo cuộc sống, quyền có sức khỏe, quyền an ninh môi trường…) và trên hết quyền có một cuộc sống hạnh phúc của người dân Việt Nam16. Trước tình hình đó, BVMT, phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Hướng tiếp cận QCN trong BVMT hiện đang được xem là có hiệu quả, đã được nhiều nước áp dụng, nhất là những nước phát triển. Thực tiễn cho thấy, quyền tiếp cận thông tin, sự tham gia của công chúng và tiếp cận tư pháp có tác động rất lớn đến việc hiện thực hóa các quyền về môi trường. Các quyền này nhằm giúp cho công dân đóng vai trò tích cực, chủ động hơn đối với các quyết định, chính sách của Nhà nước có liên quan tới môi trường; thực hiện dân chủ hóa đối với các quyết định, chính sách về môi trường, thông qua việc đưa cá nhân, các nhóm tư nhân và những người thường xuyên hứng chịu sự tác động và ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm môi trường tham gia vào hoạch định chính sách có liên quan tới môi trường. Chính sự tham gia này, sẽ hạn chế quyền lực “quan liêu” của những người ban hành chính sách, bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích BVMT – phát triển bền vững với nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Và vì vậy, việc thực hiện các quyền có tính chất thủ tục này là rất quan trọng để có được chính sách tốt về môi trường và qua đó sẽ tạo ra một môi trường bảo đảm cho sức khỏe, bảo vệ lợi ích số đông, lợi ích cộng đồng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong xã hội, như trẻ em, phụ nữ, người nghèo, dân tộc thiểu số… Tuy nhiên, ở nước ta, hướng tiếp cận này còn khá mới mẻ, vì vậy, nghiên cứu mối quan hệ giữa BVMT với QCN và kinh nghệm quốc tế trong vận dụng các tiếp cận quyền trong BVMT rất có ý nghĩa đối với Việt Nam. Rộng hơn, nghiên cứu lý luận và thực tiễn QCN đối với môi trường nhằm mục đích xây dựng khung lý luận để đánh giá việc thực thi quyền này ở nước ta, cũng như đề xuất giải pháp điều kiện đảm bảo, thúc đẩy thực thi quyền môi trường vì mục tiêu phát triển con người bền vững là cần thiết để Việt Nam vượt qua thách thức, đón nhận cơ hội sớm bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững./.

Chú thích

1. Báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho thấy, mực nước biển tại khu vực Đông Nam Á đang tăng lên, hạn hán, lũ lụt và bão nhiệt đới cũng xuất hiện với cường độ mạnh hơn và thường xuyên hơn, đe dọa làm giảm đến 1/5 GDP của các nước vào năm 2030 nếu các chính phủ không có các biện pháp đối phó khẩn cấp. Người nghèo và những nước nghèo sẽ là những đối tượng chịu thiệt hại tương đối lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Việt Nam là một trongg 5 quốc gia được dự báo là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài và các vùng châu thổ đất thấp, tập chung phần lớn dân cư và các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, do đó tác động của biến đổi khí hậu có thể sẽ nặng nề hơn.

2. Stockholm Declaration of the UN Conferece on the Human Environment, 16 June, 1972. U.N.DOC.A./CONF.48/14/REV. 1 at 3. 1973.

3. J.G. Merrills: Environmental protection and Human rights: Conceptual Aspect; Dinah Shelton: Human rights, Healts & Environmental protection: Linkages in Law and Praction: A Bakground paper for WHO, 2002.

4. Elan Boyle: The Role of International Human rights Law in the protection of Environmental; Robin Churhill: Environmental rights in Existing Human rights Treaties.

5. The UN Delaration of 1992, Doc. A/conf.’151/5.

6. Agenda 21 (ibid., annex II) adopted on 14 June 1992 by the United Nations Conference on Environment and Development.

7. Draft Declanration of principles on Human rights and the Environment, 1994. http://www.yale.edu/lawweb/avalon/diana/undocs/331989-11.html

8. Nghị định thư bổ sung Công ước về QCN của Mỹ trong khu vực kinh tế, xã hội và văn hóa; Right San Salvador, November 17, 1988, OAS TS 69.

Hiệp ước về Liên minh châu Âu (Treaty on Eropean Union, TEU), 7.2.1992.

Điều 4,6,7,8 Công ước Aarhus, 1998, Đan Mạch.

Hiến pháp châu Phi 1981 với các quy định cụ thể về các quyền tiếp cận môi trường như quyền khai thác tài nguyên , quyền tiếp cận nguồn nước.

Hiến pháp Ấn Độ với các ứng dụng quyền quốc tế về môi trường.

9. Năm 1994, một nhóm chuyên gia quốc tế về nhân quyền BVMT được triệu tập tại LHQ ở Geneva để thảo luận xây dựng Dự thảo Tuyên ngôn đầu tiên về các nguyên tắc và QCN đối với môi trường.

10. Nội dung các QCN đối với môi trường bao gồm: Các quyền thiết yếu (substantive rights) – Quyền của mọi người được sống trong môi trường không bị ô nhiễm; Quyền được bảo vệ và bảo tồn không khí, đất trồng, nước, biển, thực vật, động vật và sở hữu; Quyền thực phẩm, nước sạch vệ sinh, an toàn và sức khỏe từ môi trường; Quyền có môi trường lao động bảo đảm sức khỏe và an toàn; Quyền nhà ở tối thiểu, đất đai, điều kiện sống an toàn; Quyền được hưởng lợi một cách công bằng từ việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Đào Thị Minh Hương - Nghiên cứu con người, 2/2011, 15-23

Lượt xem: 12896

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE