(VACNE)-Ngày 8/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại&Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ &Môi trường của Quốc hội, và Bộ Tài nguyên&Môi trường tổ chức hội thảo Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu? ở Hà Nội.
Theo ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát Hoạt động Khoáng sản, Tổng cục Địa chất (Bộ Tài nguyên&Môi trường), kết quả điều tra đánh giá, tham giò khoáng sản của Việt Nam thời gian qua đã phát hiện được trên 5.000 điểm quặng, khảo sát thăm dò gần 60 loại khoáng sản khác nhau.
Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromít, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bôxit, thiếc, đồng, chì-kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (Apatít, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).
Ông Thanh cho biết yêu cầu quản trị tài nguyên khoáng sản cũng đã đề cập trong nội dung “quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng đến năm 2020; quy hoạch quặng chì – kẽm giai đoạn 2006 – 2015, xét đến 2020; quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu xi măng Việt Nam đến năm 2020; quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm Việt Nam đến năm 2020, triển vọng đến năm 2030.
Tính đến tháng 5/2013 có 79 giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên&Môi trường cấp và 503 giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan trung ương cấp đang còn hoạt động. Ngoài ra có trên 4.200 giấy phép khai thác khoáng sản (chủ yếu là khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường) do ủy ban nhân dân các tỉnh, trực thuộc trung ương cấp đang hoạt động trên địa bàn cả nước.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển, đánh giá ngành công nghiệp khai khoáng đóng vai trò khá quan trọng trong phát triển, khoảng 11% GDP và 25% thu ngân sách nhà nước.
“Tuy nhiên ngành khai khoáng vẫn bộc lộ nhiều điểm yếu như hiệu quả kinh tế thấp, lãng phí, cạn kiệt tài nguyên và để lại nhiều hậu quả về môi trường và xã hội”, ông Tú nói.
Vì vậy, “để năng cao hiệu quả quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam trong thời gian tới Bộ Tài nguyên&Môi trường, ủy ban nhân dân tăng cường phối hợp thực hiện tốt và thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường; nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cũng như nâng cao năng lực hệ thống quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp; câng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân, nhất là người dân nơi có mỏ khoáng sản”, ông Thanh đưa ra giải pháp.
Ngoài ra ông Thanh đề nghị nghiên cứu lộ trình đến năm 2015, Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng góp phần nâng cao quản trị tài nguyên khoáng sản đất nước trong thời gian tới.
Mai Anh