Với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, đại diện các tỉnh, Bình Phước, Đắc Nông, Đồng Nai, đông đảo các nhà khoa học và Giám đốc vườn Quốc gia Cát Tiên, đại diện chủ đầu tư đã có tham luận, đánh giá lại những mặt tiêu cực, tích cực, giúp dư luận có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả của Dự án. Qua đó, chủ đầu tư cũng thấy được trách nhiệm xã hội nếu được thực hiện Dự án thì thực hiện một cách cẩn trọng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Những cái được, chưa được của Dự án và sự đánh đổi
Tỷ lệ mất rừng để có 1MW khá thấp, chỉ 1,5 ha (so với tỷ lệ chung là 16 ha đất rừng cho 1MW ) theo nghiên cứu "phát triển thủy điện và hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam".
Việc đầu tư xây dựng thủy điện góp phần tích trữ nguồn nước mặt, tăng mực nước ngầm, vì thế sẽ giảm thiểu tình trạng thiếu nước vào mùa khô lâu nay vẫn thường diễn ra trên địa bàn.
Không phải di dân, tái định cư, không phải giải tỏa các công trình công cộng.
|
Hội thảo các vấn đề môi trường liên quan đến dự án Thủy điện Đồng Nai |
Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của chủ đầu tư được đánh giá là khá sơ sài chưa thuyết phục. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, phía chủ đầu tư và PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban phản biện xã hội ( VACNE ) có cùng một nhận xét, " để có được bản cáo cáo đánh giá tác động môi trường ( ĐTM ) đáp ứng mọi yêu cầu và đạt chất lượng là rất khó. Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền kiểm tra, rà soát Báo cáo trên trước khi gửi Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Dự án. Và chỉ khi nào được Hội đồng các nhà khoa học có uy tín thông qua theo đúng trình tự của cơ quan quản lý môi trường, bản Báo cáo đó mới được coi là chính thức. Vì vậy, mọi ý kiến trong giai đoạn này, chủ đầu tư hoàn toàn tiếp thu và lắng nghe"
Người ta lo ngại Dự án gây hại cho đa dạng sinh học khu Cát Lộc ( khu bảo tồn tê giác ), đến khu ngập nước Bàu Sấu. Khu Cát Lộc rộng gần 31 ngàn ha, trong đó phần bị ngập nước do thủy điện khoảng 137 ha, chiếm 0,44% diện tích. Trên thực tế, như vậy chỉ làm giảm chút ít nơi kiếm ăn của động vật ở Cát Lộc.
Phần diện tích bị ngập tuy có một số loài thực vật quý nhưng không nhiều do nơi đây là vùng bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh, phần lớn là sinh cảnh rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi, lại bị khai hoang và làm nương rẫy nhiều.
Đa số các ý kiến trong hội thảo đều tán đồng việc triển khai thực hiện dự án dựa trên các yếu tố giữa cái được trong phát triển kinh tế và những điều phải đánh đổi về tác động đến môi trường. Tuy nhiên, những đánh đổi trên là những đánh đổi có điều kiện khi Dự án thực hiện phải đảm bảo các yếu tố sau đây:
Trồng bù diện tích rừng bị ngập (~ 137ha) tại phân khu phục hồi sinh thái Cát Lộc; xây dựng tuyến đường tuần tra bảo vệ mới cho vườn Quốc gia Cát Tiên thay tuyến đường bị ngập.
Nghiên cứu và thực hiện việc bổ sung cấp nước sinh hoạt vào mùa khô cho nhân dân thị trấn Đồng Nai.
Phối hợp với các đập thượng và hạ lưu nghiên cứu cùng các cơ quan chức năng xác lập và vận hành quy trình xả lũ liên hồ hợp lý, có giải pháp phòng ngừa các sự cố vỡ đập, mất an toàn đập.
Trong quá trình xây dựng, cần chú trọng việc bảo tồn các dấu tích khảo cổ nếu phát hiện được, tổ chức kiểm tra giám sát để giảm thiểu tác động đến vườn Quốc gia Cát Tiên và đến tài nguyên môi trường nói chung.
Hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường ( ĐTM ) của Dự án trình cấp có thẩm quyền và phê duyệt theo đúng hướng dẫn và trình tự của cơ quan quản lý môi trường.
Bài, ảnh: Việt Cường