Nhiều năm qua, biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia phải chung tay giải quyết.
Chỉ cần mỗi cá nhân nhận biết các hành động tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa... là có thể mang đến một đời sống phát triển xanh và bền vững.
Các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã và đang thúc đẩy mọi mặt về kinh tế, luật pháp và xã hội để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn quá trình này. Đến lúc chúng ta nên nhìn nhận điều này không chỉ thuần túy là một vấn đề nặng về tính khoa học và mang tính tương lai nữa: nó là những gì sẽ quy định đời sống của chúng ta hiện tại, và thậm chí là nhiều thế hệ. Cơ bản hơn cả, đó là sự sống còn của tương lai.
"Lộn trái" hành tinh
Cụm từ "biến đổi khí hậu" lần đầu được sử dụng vào năm 1968, một năm sau khi nhà khí tượng học người Nhật Syukuro Manabe cùng với đồng nghiệp người Mỹ tạo ra mô hình máy tính đầu tiên trong lịch sử mô phỏng khí hậu của toàn hành tinh. 20 năm sau, lần đầu hiện tượng này xuất hiện công khai trong đời sống chính trị, với bài phát biểu mang tính bước ngoặt của nhà khoa học James Hansen (NASA) trước Quốc hội Mỹ vào năm 1988.
Ông đã phát hiện ra rằng nhiệt độ Trái đất trong năm tháng đầu năm 1988 là ấm nhất trong vòng 130 năm, kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi chép nhiệt độ hằng năm. Hansen khẳng định rằng 99% nguyên nhân của sự ấm lên toàn cầu này là do con người.
Từ đó đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, thế giới đã đạt được |một số thành quả nhất định, như là Nghị định thư Kyoto ký năm 1997 và có hiệu lực năm 2005, hay Thỏa thuận chung Paris trong khuôn khổ Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cam kết về |các biện pháp giảm CO2 từ năm 2020.
Nhưng đó vẫn là một cuộc chiến chưa có hồi kết, và hoàn toàn do con người. Trong cuốn sách Lái buôn ngờ vực (2010) và bộ phim tài liệu cùng tên, các nhà sử học và khoa học Mỹ là Naomi Oreskes và Erik Conway đã chỉ ra cách các tập đoàn có lợi ích cố gắng tạo ra sự trì hoãn trong hành động tập thể hạn chế biến đổi khí hậu.
Các công ty này đã tài trợ cho một số nhà khoa học, làm tràn ngập các cuộc hội thảo với những tuyên bố về bất đồng khoa học về biến đổi khí hậu. Bằng cách đặt ra nghi ngờ về thực tế khoa học - rằng biến đổi khí hậu là do con người và đòi hỏi một phản ứng toàn cầu để giảm phát thải khí nhà kính - những "lái buôn nghi ngờ" này đã làm lẫn lộn giữa chuyên môn và thẩm quyền để loại trừ những công dân bình thường khỏi cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu. Rằng những chi phí để hạn chế sự lạm phát rác thải và ô nhiễm của thế giới có thể là hoàn toàn vô ích, vì một vấn đề khoa học có thể đúng, hoặc sai.
Thực tế ngày hôm nay cho thấy, chúng ta đang "lộn trái" hành tinh này từ trong ra ngoài. Những mỏ khai thác đá, lithium, coltan, và hàng trăm loại khoáng chất khác để đáp ứng nhu cầu sử dụng đồ điện tử khổng lồ của chúng ta. Số lượng cát được nạo vét từ lòng sông và đáy đại dương để trộn bê-tông cho đến nay đã đủ để bao phủ quả địa cầu trong một lớp vỏ dày 2 mm.
Quá trình này tạo ra sự hỗn loạn. Việc khai thác khoáng sản thải ra môi trường hàng tấn những thứ rác thải hoàn toàn vô dụng. Một dây chuyền vàng 14 carat sẽ để lại một tấn đá thải ở Nam Phi. Khai thác được lithium để cung cấp pin cho điện thoại di động và xe điện có nghĩa là phải khoan xuyên qua các lớp muối, ma-giê và ka-li mỏng manh của dãy Andes ở Chile, tạo ra hàng đống những thứ bỏ đi và hầu như không thể tái chế…
Các nhà khoa học miêu tả quá trình thải rác này bằng một đường cong hình khúc côn cầu. Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 20, điểm tiệm cận ngày càng lớn tỷ lệ thuận với "gia tốc" của rác thải ra môi trường. Một vài chỉ số ô nhiễm tăng theo cấp số nhân có thể đo đạc được trực quan, như là nồng độ CO2 hoặc khí mê-tan. Các vật chất và phân tử sinh ra trong quá trình "lộn trái" hành tinh này không biến mất. Thay vào đó, chúng lững lờ trong không khí, bay lên bầu khí quyển, lan rộng ra khắp các vùng đất màu mỡ một thời, thấm vào sông ngòi. Chúng ta đang chứng kiến một quá trình phổ biến rác thải đầy tinh vi khắp hành tinh này.
Cần tạo điều kiện để các nhà khoa học sáng tạo công nghệ mới tháo gỡ những vấn đề môi trường hết sức khó khăn và phức tạp hiện nay.
Nhưng cho dù những bằng chứng này có rõ ràng đến đâu, thì diễn ngôn về biến đổi khí hậu và các việc phải làm trên mọi phương diện kinh tế, xã hội và thậm chí văn hóa để cứu vãn môi trường sống của chúng ta vẫn bế tắc. Trong nhiều năm, nó chủ yếu là một câu chuyện khoa học, và cần phải có kiến thức chuyên môn để đánh giá.
Không chỉ là tranh cãi khoa học
Dĩ nhiên, biến đổi khí hậu là một vấn đề khoa học, nhưng không chỉ có thế. Sự xuất hiện của khái niệm này đe dọa nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch, buộc các tập đoàn lớn phải báo cáo và cam kết các biện pháp bảo vệ môi trường, đồng nghĩa với gia tăng các chi phí, và lợi nhuận kém đi.
Ngày nay, với những hậu quả rõ ràng có thể quan sát được từ sự gia tăng nhanh chóng nhiệt độ toàn cầu do phát thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu cho các hoạt động của con người, người ta chờ đợi những sự phối hợp ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu để điều chỉnh lượng khí thải và hỗ trợ phục hồi những gì đã mất. Nhưng chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng điều này đã không xảy ra. Ðóng khung vấn đề với tư cách là khoa học ưu việt đã đình trệ những nỗ lực kiểu đó trong nhiều thập niên.
Thật vậy, nếu các hành động hạn chế biến đổi khí hậu chỉ đơn thuần đòi hỏi hiểu biết khoa học thông thường, thì mỗi cá nhân chỉ cần nhận biết hạn chế các hành động khá đơn giản, chẳng hạn như sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng, giảm rác thải nhựa... là có thể mang đến một đời sống phát triển xanh và bền vững.
Cho đến hiện tại, nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đã và đang thúc đẩy mọi mặt về kinh tế, luật pháp và xã hội để tìm kiếm giải pháp: luật pháp đang được ban hành để kiểm soát các hành vi có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu; nhận thức ngày càng cao của người tiêu dùng về tác động trong hành vi của họ ảnh hưởng không chỉ đến sinh thái, mà còn cả thương mại; và những nghiên cứu mới về những giải pháp năng lượng thay thế…
Rốt cuộc thì đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận điều này không chỉ thuần túy như một vấn đề khoa học nữa: nó là những gì sẽ quy định đời sống của chúng ta hiện tại, về sau, và thậm chí là nhiều thế hệ nữa. Ðây là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, và cơ bản hơn cả, là sự sống còn của tương lai.