Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu diễn ra từ 24 -27/4, tại Hà Nội, phiên thứ 2 với nội dung "Tái kiến trúc hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu" đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng cây trồng, vật nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái trong khu vực sản xuất. Qua đó, đảm bảo an toàn cho nguồn lương thực thực phẩm của mỗi quốc gia.
Theo các báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), nạn đói đã ảnh hưởng tới 828 triệu người vào năm 2021 và đang tiếp tục đà gia tăng. Tác động của nó đang kéo lùi thời điểm dự kiến đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2065 - nghĩa là chậm hơn tới 35 năm so với kế hoạch.
Đại sứ Gabriel Ferrero - Chủ tịch Ủy ban An ninh lương thực thế giới (CFS) cho hay, hơn 200 triệu người dân đang sống trong tình trạng đói khổ; hơn 15 triệu người đang chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid; gần 100 triệu trẻ là đối tượng chịu tổn thương; gần 3 tỷ người chưa tiếp cận được các lĩnh vực y tế, lương thực… Những vấn đề này cho thấy cần có sự thay đổi về cơ bản.
Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường.
Bàn về vấn đề này, ông David Cooper, Quyền Thư ký Điều hành, Ban Thư ký Các công ước về đa dạng sinh học (CBD) nhận định, hiện nay, thế giới đang có hệ thống lương thực thực phẩm dựa trên rất nhiều yếu tố đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… nên dẫn tới việc tiêu dùng không bền vững, làm tổn thất về thực phẩm, phát sinh những vấn đề liên quan tới đa dạng sinh học.
Do đó, phải giải quyết tất cả yếu tố này để chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm một cách bền vững. Ngoài ra, trong cách thức quản lý thực phẩm thì yếu tố đa dạng sinh học đóng vai trò rất quan trọng, nhất là sự đa dạng về các loại cây trồng, vật nuôi. Chúng giúp ích rất lớn cho chúng ta trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Việc phát triển một hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững không chỉ giúp nông dân và ngành nông nghiệp các quốc gia thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà còn đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 đến năm 2050 (Net Zero).
Để quản lý hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ như: thay đổi phương pháp sử dụng đất, hạn chế khai thác thủy sản quá mức, ngăn ngừa ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn từ 3 “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế kinh doanh. Người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất. Tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã gây ra những tác động đối với môi trường.
Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thay đổi nhanh chóng, đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, dinh dưỡng, tiêu chuẩn công bằng và bền vững.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Đây cũng chính là định hướng cho các chiến lược, kế hoạch của ngành nông nghiệp trong thời gian tới. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành NN&PTNT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.
Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu: Đây là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể, và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm. Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên toàn cầu.
Được biết, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đã khai mạc vào sáng ngày 24/4. Với chủ đề “Chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới”, Hội nghị nhằm xem xét các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu và đề xuất các giải pháp cụ thể.
Lan Anh