quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phát triển Du lịch sinh thái là giải pháp tốt nhất để bảo tồn Đa dạng sinh học VQG Xuân Sơn

Thứ Tư, 21/08/2024 | 12:49:00 AM

(VACNE: 21/8) - Đây là góp ý của đại diện Hội BVTN&MT Việt Nam tại Hội thảo “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát huy ưu thế VQG Xuân Sơn phục vụ phát triển KT-XH” vừa diễn ra tại Phú Thọ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tham luận này.

A group of people sitting at a tableDescription automatically generated

Giải pháp này không mới và cũng chỉ là một phần nhỏ, trong những giải pháp của lãnh đạo VQG Xuân Sơn đã đề xuất tại Hội thảo này. Nhưng chúng tôi mạnh dạn cho rằng: đây là giải pháp tốt nhất để bảo tồn Đa dạng sinh học VQG Xuân Sơn, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Bởi theo Báo cáo, áp lực lớn nhất lên sự tồn vong của VQG Xuân Sơn lúc này, chính là sinh kế của gần 6.000 hộ dân đang sống tại đây. Và chỉ có khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tại chỗ, bao gồm: đất đai, cảnh quan thiên nhiên, môi trường khí hậu,… và đặc biệt là sự đa dạng về sinh học (những loài đặc hữu) để phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống cho người dân bản địa, thì mới bảo tồn Đa dạng sinh học một cách bền vững. 

Chúng tôi đề xuất khái niệm “Bảo tồn ĐDSH bền vững” là nhằm xoá bỏ những khái niệm cũ, hiểu cứng nhắc hoạt động bảo tồn chỉ là bảo vệ. Nay rất cần mở rộng khái niệm này theo hướng: phát triển các loài đặc hữu, để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương và bảo tồn chủ động. Không nên dừng lại ở mức độ chỉ bảo vệ, giữ gìn thụ động như trước đây. Một ví dụ thực tế rất dễ nhận ra: nếu loài người không chủ động phát triển chăn nuôi trồng trọt và cứ để các  loài phát triển trong thiên nhiên hoang dã (trong đó có Gà chín cựa ở rừng Xuân Sơn Phú Thọ) thì chắc chắn nhiều loài Gà đã tuyệt chủng từ lâu. Do sức ép về phát triển dân số, những thập niên gần đây, có rất nhiều loài biến mất khỏi hành tinh, với tốc độ 20 phút mất đi 1 loài. Ngược lại, cũng có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng lại được phục hồi. Rõ nhất là: Hươu sao. rắn Hổ mang, chim Trĩ...ở nước ta đã ra khỏi sách đỏ Việt Nam. 

Sở dĩ chúng tôi coi “Phát triển Du lịch sinh thái” là giải pháp tốt nhất và đưa lên hàng đầu. Bởi khi xác định rõ mục tiêu: hình thành Khu Du lịch sinh thái và có quyết tâm triển khai, thì sẽ kéo theo hàng loạt những giải pháp khác, như: quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và bắt buộc phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Ban, ngành, đoàn thể, chính quyền và cộng đồng địa phương. Để từ đó huy động mọi nguồn lực xã hội (con người, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, truyền thông…) phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường. 

Thực tế ai cũng biết: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, văn hoá bản địa và gắn với chữa bệnh phục hồi sức khoẻ, giáo dục môi trường. Hoạt động này đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Đây còn là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường rất thích hợp với các loại hình Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên. Mô hình này, không chỉ giúp cho Du khách được thụ hưởng tài nguyên thiên nhiên (cảnh đẹp, thức ăn, dược liệu chữa bệnh, các giá trị văn hóa tri thức bản địa)  nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ…mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đây là một loại hình hoạt động phù hợp với VQG Xuân Sơn, góp phần rất tích cực cho công tác bảo tồn Đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Nếu so sánh số lượng du khách Hà Nội trong những ngày Hè đổ về VQG Xuân Sơn (cách Thủ đô Hà Nội 120 Km) với lượng khách về Sầm Sơn – Thanh Hoá (cách Hà Nội 170 Km và ít đa dạng sinh học hơn); về VQG Hoàng Liên (cách Thủ đô Hà Nội 350 Km) thì chúng ta rất dễ nhận ra những điểm yếu và điểm mạnh của Xuân Sơn. Cho dù sự ĐDSH ở hai VQG tương đối giống nhau, nhưng vẫn có người cho rằng: “mọi sự so sánh đều khập khiễng” và không thể so sánh độ cao hơn 3.000 m với hơn 1.000 m; so sánh “Gà chín cựa” với “cá Tầm nước lạnh”; hoa Phong lan Phú Thọ với hoa Đỗ Quyên…; đồng thời viện dẫn ra hàng loạt những khó khăn của nơi đây. Ví dụ như: du khách về VQG Hoàng Liên, về Sa Pa đã có đường cao tốc, có cáp treo, có tượng Phật khổng lồ… còn về VQG Xuân Sơn thì đường xá vẫn gập ghềnh, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, khó khăn. 

Rất thông cảm và chia sẻ, bởi khó khăn lớn nhất đã được nêu trong Báo cáo (trang 9). Đó là  “Đề án Du lịch sinh thái chưa được phê duyệt, hiện chưa có đơn vị, tổ chức hay doanh nghiệp tư nhân nào đầu tư….Đặc biệt, “Số lượng người dân tại vùng đệm trong nhiều, nhận thức của cộng đồng địa phương chưa đồng đều, tình trạng thiếu đất sản xuất đã gây tình trạng xâm lấn đất rừng để canh tác…” Song đây cũng chính là áp lực, buộc chúng ta phải nhanh chóng triển khai Đề án Du lịch sinh thái tại VQG Xuân Sơn, với những lộ trình rất cụ thể. 

Chúng tôi rất hy vọng mô hình du lịch này sớm được triển khai tại đây, bởi trong phần Đánh giá chung (trang 9) trong Báo cáo Tổng quan nêu rất nhiều thuận lợi, đặc biệt là sự đồng thuận của các cấp chính quyền, đoàn thể và các cơ quan địa phương. Cụ thể, Báo cáo đã nêu rõ: “Công tác phối hợp giữa Ban quản lý VQG Xuân Sơn với các cơ quan chức năng. Đơn vị giáp ranh và chính quyền địa phương thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả: công tác an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn các xã vùng đệm được giữ vững ổn định. Việc phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý VQG Xuân Sơn với các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương hết sức thuận lợi,... đặc biệt là quan tâm chỉ đạo kiểm tra , ngăn chặn xử lý vi phạm về xâm lấn đất trái phép trên đất lâm nghiệp”. 

Sự đồng thuận của các cơ quan quản lý là thuận lợi, cộng với ưu thế lớn nhất Vườn Quốc gia Xuân Sơn chính là sự ĐDSH – nền tảng vững chắc để phát triển DLST. 

Theo Báo cáo Tổng quan: VQG Xuân Sơn có diện tích tự nhiên 15.048 ha (trong đó có hơn 9.000 ha trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần của các xã lân cận của huyện Tân Sơn (Phú Thọ); đồng thời cũng là điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, là cửa ngõ giữa Tây bắc và đồng bằng Bắc bộ. 

Do địa hình phong phú, có nhiều hang động, thác nước, cây cổ thụ, cảnh quan kỳ vĩ, môi trường không khí, môi trường nước sạch sẽ, khí hậu mát mẻ (nhiệt độ trung bình từ 22 đến 23 độ C) nên nơi đây có tính đa dạng sinh học rất cao. Theo kết quả nghiên cứu của Viện sinh thái tài nguyên sinh vật: nơi đây đã xác định có 1.259 loài thực vật và hơn 370 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Đặc biệt, có loài Gà chín cựa gắn với truyền thuyết kén dể của Vua Hùng. Nơi đây, còn được đánh giá là “kho cây thuốc khổng lồ”của Việt Nam. Hơn một nửa trong tổng số loài thực vật tại VQG Xuân Sơn (665 loài) có giá trị sử dụng làm thuốc. Những cây thuốc này gắn với “kho tri thức bản địa” của người Dao và người Mường, cụ thể là những ông Lang bà Mế đã gắn kết lâu đời với núi rừng Xuân Sơn. Riêng về loài cây rau Sắng (Melientha Suavis Pierre) mọc tự nhiên ở VQG Xuân Sơn, được đánh giá: có mật độ cao nhất miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh vai trò trong ẩm thực, thì rau Sắng cũng đem lại rất nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. 

Theo Đông y: “Rau Sắng có vị bùi, tính mát, được dùng trong giải độc, thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa nhiệt miệng, táo bón. Rau còn có tác dụng giảm cân vì chứa nhiều chất xơ, các axit amin, lysine, caroten. Đặc biệt, rau dùng được cho phụ nữ sau sinh con, tránh sót nhau thai,...”. Nếu VQG và cộng đồng địa phương cùng hợp sức phát triển loại rau này và biết quảng bá tốt, để bán cho du khách (nhất là các du khách nữ muốn giữ dáng vóc thon thả, sinh con an toàn…) thì sẽ có nguồn thu không nhỏ. 

Trong Báo cáo Tổng quan của VQG Xuân Sơn cũng đã đề xuất: “ Ứng dụng công nghệ gene, công nghệ tế bào để gây giống, đặc biệt là các loài cây có nguy cơ tuyệt chúng… sản xuất cây giống, con giống phục vụ nhu cầu trồng rừng, nhân giống động vật hoang dã; nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cải tạo rừng nghèo, trồng rừng bằng các cây bản địa, cây thuốc dưới tán rừng, tăng thu nhập cho người dân vùng đệm, giảm áp lực cho VQG”. 

Qua đó, có thể khẳng định: tầm nhìn của Ban quản lý VQG Xuân Sơn là rất xa và chính xác, nhưng rất cần một kế hoạch cụ thể và tập trung hơn. Nhất là phục tráng và phát triển những loại: cây rau, cây Chè, cây thuốc mà thị trường Hà Nội đang cần, những con gà, con chim, con bướm mà giới trẻ đang ưa thích. Hoạt động này, rất cần chính quyền và các đoàn thể vào cuộc, để xây dựng hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng trong việc khai thác; sử dụng và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị tài nguyên và tính đa dạng sinh học của VQG. Từ đó làm có sở để triển khai, nhân rộng các mô hình cho người dân trong khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. 

Những điểm cần lưu ý khi triển khai: khu vực này dù rất ĐDSH nhưng chưa thực sự có sức hấp dẫn về đầu tư Du lịch. Một phần là do hệ thống giao thông chưa phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa tương xứng, nhưng phần lớn là do địa phương chưa có cơ chế hấp dẫn và chưa có sự gắn kết trong khâu tổ chức. Du lịch chưa khai thác được tính đặc thù và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên. Dịch vụ thực sự chưa hấp dẫn, nhất là du lịch chữa bệnh, du lịch tâm linh, quà lưu niệm, dịch vụ mua sắm,… Du lịch tại đây đã hình thành từ nhiều năm, nhưng hầu như chưa có sự liên kết (theo hình thức Tour trọn gói). Vẫn còn tình trạng manh mún nhỏ lẻ “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Vì thế rất cần một cơ chế hợp lý và một “Nhạc trưởng” vững vàng cho dàn “hợp xướng” này. Đặc biệt là sự quan tâm của các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương, để Vườn quốc gia Xuân Sơn chủ động thu hút đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho mục tiêu này. 

Dù được như vậy, Ban quản lý VQG Xuân Sơn vẫn phải năng động, biết quảng bá thường xuyên (qua phim ảnh, qua du khách) về sự ĐDSH của nơi này, để thu hút  đầu tư, thu hút những người nổi tiếng và du khách, thông qua sự khác biệt của Xuân Sơn với những nơi khác. Chỉ cần những bức ảnh qua điện thoại của du khách về: phong cảnh thiên nhiên, cây con đặc hữu, hang động khác lạ, sản vật vùng cao, chợ quê và những món ăn đặc sản, thuốc chữa bệnh…sẽ là cầu nối không nhỏ cho VQG Xuân Sơn cũng như địa phương Tân Sơn - Phú Thọ./.

Phùng Quang Chính (VACNE)

Lượt xem: 172

Các tin khác

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1)

(12/09/2024 06:18:AM)

Phát triển giao thông xanh là nền tảng để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh

(03/09/2024 05:26:AM)

Kiến trúc xanh - một xu hướng thiết kế tất yếu

(02/09/2024 07:41:AM)

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

(27/08/2024 06:51:AM)

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

(25/08/2024 08:24:AM)

Đẩy lùi rác thải nhựa, vì một đại dương xanh

(21/08/2024 04:46:PM)

Mở lối ra cho tín chỉ carbon rừng

(27/07/2024 07:13:AM)

Cần sớm thúc đẩy kinh doanh tín chỉ các bon rừng

(14/07/2024 06:18:AM)

Điều hướng quá trình chuyển đổi sang Net Zero ở Việt Nam (Bài 2): Thị trường carbon

(08/07/2024 08:07:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE