Hơn 5.160ha rừng phòng hộ, đặc dụng có thể khai thác du lịch
Tại Hội nghị toàn quốc về quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhấn mạnh: Nếu quản lý tốt, rừng chính là lợi thế của Việt Nam. Du lịch, dịch vụ sẽ trở thành thế mạnh của kinh tế, đây là động lực, tiền đề để hi vọng rừng phát triển tốt hơn, nhiều rừng hơn, đa dạng sinh học hơn.
Với những lợi thế của mình, thành phố Hà Nội cũng đang đi theo hướng này. Hiện, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội được giao bảo vệ hơn 5.160ha, trong đó, rừng phòng hộ Sóc Sơn hơn 1.744ha, rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức hơn 3.416ha. Cả 2 khu rừng này đều có điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái.
Quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương là địa điểm du lịch nổi tiếng của khu rừng đặc dụng Hương Sơn
Trong đó, khu rừng phòng hộ Sóc Sơn có vị trí gần trung tâm thành phố, gần sân bay quốc tế Nội Bài. Hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận đi lại rất thuận tiện. Huyện Sóc Sơn lại có địa hình gồm nhiều núi thấp và đồi gò, cộng thêm một phần kéo dài của dãy núi Tam Đảo, có độ cao trung bình từ 200 - 300 mét so với mặt biển. Thêm vào đó, diện tích rừng phòng hộ nơi đây có nhiều khu vực có hồ nước rộng, đẹp như: Đồng Quan, Hàm Lợn, Hoa Sơn, Thanh Trì...tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và khám phá.
Riêng khu rừng đặc dụng Hương Sơn lại là nơi du lịch tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước, khu rừng gắn liền với quần thể di tích thắng cảnh chùa Hương, hằng năm thu hút 1,4 - 1,5 triệu lượt khách vào rừng tham quan thắng cảnh du lịch.
Bên cạnh đó, khu vực này có hệ động, thực vật phong phú, hệ sinh thái da dạng mang đặc trưng của rừng núi đá, cộng thêm đó là hệ thống hồ, đập, suối với những cảnh quan thiên nhiên đẹp như: Hồ Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn rộng khoảng trên 200ha, kéo dài gần 10km.
Đa dạng các hoạt động du lịch
Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của rừng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3864/QĐ-UBND năm 2019 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thành phố Hà Nội nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng…Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội đã tiến hành khoán rừng phòng hộ, đặc dụng cho các chủ rừng với mức khoán bình quân hơn 900.000 đồng/ha.
Tại các khu rừng được giao khoán, nhằm phát huy các tiềm năng hiện có, các tổ chức, cá nhân, chủ rừng đã triển khai nhiều dịch vụ du lịch sinh thái đem lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ rừng bền vững như: Du lịch thể thao (chạy bộ, đánh golf), cáp treo, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch tâm linh, dịch vụ ăn uống, cho thuê lều, bạt, bếp nướng, bếp gas mini, buôn bán đặc sản vùng miền...
Đặc biệt, trong mùa lễ hội chùa Hương và lễ hội đền Gióng có nhiều hộ dân làm dịch vụ du lịch như bán đồ lưu niệm, nghỉ trọ, kinh doanh ăn uống trên các tuyến đường hành lễ.
Qua khảo sát cho thấy, khách du lịch đến với rừng có xu hướng tăng về số lượng người và số lượng đoàn, đông nhất vào mùa hè, ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Mục đích của khách đến với rừng là khám phá thiên nhiên, đi bộ trong rừng, đi đền, chùa (đền Gióng, chùa Hương), tổ chức ăn uống tại các nhà hàng sinh thái…
Quản lý các hoạt động trên, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội và Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Hà Nội thường xuyên tuần tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ rừng của các đối tượng kinh doanh và du khách, cũng như công tác phòng cháy chữa cháy tại các vùng trọng điểm hay xảy ra cháy rừng ở các vùng giáp ranh với Hà Nội như: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình... Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho người dân về nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng.
Phạm Oanh