Đứng bên lối vào hội trường thị trấn Lăng Cô, ông Mai Trúc Lâm 69 tuổi đang ra hiệu cho xe vào đỗ ở tòa nhà hai tầng, bãi đỗ xe ngập tràn nắng và con đường hai làn xe chạy ở phía trước. Ông nhớ về quá khứ của cộng đồng cư dân ven biển nhỏ bé này.
"Chúng ta đang đứng trên một khu vực trước đây là nơi trồng cây đước", ngư dân dạn dày nắng mưa cho biết, rồi ông mô tả tác động tiêu cực của nạn phá rừng, phát quang đối với đời sống của khu vực này thế nào. "Bây giờ, chúng tôi không còn nhìn thấy một số loài cá sống ở đây nữa".
Cách đó vài phút đi xe, trên bãi cát trắng hình thành nên Phá Lập An ở ven biển miền trung Việt Nam là những bụi cây lúp xúp. Lăng Cô chỉ còn lại ha rừng ngập mặn.
Đất lầy bãi biển quá nhão, thường xuyên bị thủy triều tấn công khiến cây cối khó sinh sống. Cây đước - cây chủ lực rừng ngập mặn - nhờ có bộ rễ rất phát triển, trên thân cành lại có rất nhiều rễ trụ đan xen ngang dọc, rủ xuống bãi lầy, ngoài tác dụng chống đỡ cho cây, đước còn có tác dụng thoáng khí và hô hấp.
Đước nở hoa cho quả hình trái lê ngược, quả chín hạt sẽ nảy mầm trong quả. Khi phôi thành thục sẽ rời ra khỏi cây mẹ và rơi xuống bùn, khoảng vài giờ sau mọc rễ và thành cây non, cách sinh sản này gọi là "thực vật thai sinh" (cây đẻ con). Những mầm non không đâm rễ trong bùn sẽ trôi theo nước biển đến định cư ở nơi khác. Trong mầm non chứa rất nhiều tanin có thể chống mục nát và bị sinh vật biển ăn mất. Nhờ thai sinh, mà cây đước không ngừng sinh sôi nảy nở trên bãi lầy tạo ra một vùng rừng rộng lớn.
Ảnh minh họa: vietnamnationalparks |
Sinh sống quá dễ dàng như vậy, nên sự tồn tại của cây đước thường bị lãng quên. Nhiều ha rừng đước đã bị đe dọa san phẳng để mở đường cho các sân golf, resort như một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế địa phương - cũng là một phần xu thế phát triển toàn cầu đã chứng kiến sự phát quang, phá rừng tới gần 50% diện tích rừng ngập mặn của thế giới trong nửa thế kỷ qua.
Rừng đước không những bảo vệ bờ biển khỏi bị ăn lấn vào trong đất liền, mà còn mở rộng bờ biển. Đước còn có thể giữ được chất lắng đọng của nước biển, cùng với lá rụng và phân chim, lâu ngày sẽ thành đảo mới hoặc đất liền. Rừng đước còn là nơi cư trú của nhiều loại chim, tôm, cá, cua, làm cân bằng sinh thái vùng duyên hải.
Cây đước sinh sống ở ven biển của 118 quốc gia - với khoảng ¼ trong tổng số 40 triệu ha của thế giới nằm ở Đông Nam Á. Nhưng trước nạn phá rừng phát quang do áp lực dân số, nhu cầu mở rộng các đầm phá nuôi thủy sản và phát triển cơ sở hạ tầng, các nhà khoa học lo ngại rằng, cây đước có thể biến mất hoàn toàn trong vòng chưa đầy 100 năm.
Với những ưu điểm của mình, cây đước giống như bức tường thành bảo vệ cộng đồng duyên hải, kiểm soát xói mòn, chống bão gió thủy triều và cung cấp môi trường lý tưởng cho các loài cá sinh sống.
Bảo vệ rừng hay phát triển kinh tế?
Hơn nữa, năm ngoái, các nhà khoa học đã đưa ra nghiên cứu cho thấy, những khu rừng ngập mặn được coi là kho lưu giữ carbon lý tưởng - giữ lại trung bình 1.000 tấn carbon/ha, so với 300 tấn/ha với rừng nhiệt đới. Như vậy, rừng ngập mặn có thể góp phần vào chiến dịch chống biến đổi khí hậu bằng cách giữ lại carbon trên đất cũng như trong khí quyển. Theo các nhà khoa học, phần lớn lượng carbon trong các khu rừng ngập mặn - 49% tới 98% - được giữ lại trong tầng đất dày, ngập sâu dưới thủy triều. Tuy nhiên, khi việc bảo vệ rừng ngập mặn bị xem là đi ngược lại kế hoạch phát triển kinh tế, thì con đường dễ thu lợi nhuận hơn hiển nhiên sẽ chiến thắng.
"Cảm giác của tôi ở Lăng Cô, và ở nhiều tỉnh khác khắp Việt Nam, là phát triển kinh tế đã trở thành động lực chủ chốt, lấn át khiến những biện pháp bảo vệ môi trường bị gạt sang lề", Evan Fox, một nhà tư vấn quy hoạch biển cho biết. "Ở nhiều ngôi làng, nơi chính quyền địa phương đang tìm cách thúc đẩy sản lượng kinh tế, thì rất khó để bảo vệ một khu vực nếu nhà quản lý và người dân địa phương không thể phân biệt các lợi ích hữu hình của nó".
Đã có những quy định, luật lệ bảo vệ rừng, rừng ngập mặn ở Việt Nam, nhưng việc thực thi có thể lỏng lẻo khiến cho các quy định trở nên vô ích. "Giải thích của tôi là, dù là hành động trái phép nhưng mọi thứ đều có thể thương lượng ở Việt Nam và kể từ khi không có hậu quả nặng nề nào cho việc vi phạm luật pháp (ít nhất trong lĩnh vực môi trường), thì các rừng ngập mặn, những cây đước quý giá tiếp tục bị san phẳng. Dù thế nào đi nữa, nếu có quá nhiều chồng chéo, mâu thuẫn trong luật pháp, thì bạn có thể hợp pháp hóa cho những gì mình làm bằng cách đối chiếu với một đạo luật ban hành từ trước", Jake Brunner, điều phối viên chương trình của Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (IUCN) tại Việt Nam cho biết.
Các đầm phá nuôi tôm là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc rừng ngập mặn dần dần biến mất. Phân tích hình ảnh năm 2011 châu thổ Mekong ở phía nam Việt Nam - một khu vực điển hình của rừng ngập mặn - cho thấy, từ 1973 - 2008, hơn một nửa diện tích rừng ngập mặn đã biến thành các trang trại nuôi tôm, và khiến cho vấn đề xói mòn trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các cộng đồng cư dân và chính quyền địa phương rất ít chú ý tới các tác dụng phòng hộ của rừng ngập mặn cho tới khi xảy ra một thảm họa kinh khủng nào đó - ví dụ như sóng thần Ấn Độ Dwong từng cướp đi sinh mạng của khoảng 180.000 người ở tỉnh Aceh, phía tây Indonesia.
"Ở Aceh, sau thảm họa sóng thần, hậu quả sẽ không như vậy nếu chúng ta vẫn còn rừng ngập mặn", Daniel Murdiyarso, một nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế ở Indonesia, cũng là chuyên gia nghiên cứu tác dụng lưu giữ cacbon của rừng ngập mặn, cho biết.
Quản lý thảm họa và giảm bớt rủi ro giờ đây đã là tâm điểm của chính phủ Indonesia, nhưng tại hầu hết quốc gia, chính phủ và cộng đồng cư dân chưa ý thức hết tác động của biến đổi khí hậu và không thúc đẩy hành động hợp lý. Khi bão gió tấn công Việt Nam, các khu rừng ngập mặn từng giúp cứu nhiều sinh mạng.
"Đó là khi người ta nhận thấy rằng, ở đâu có rừng ngập mặn, ở đó con người sống sót", Brunner nói. "Thái Lan và Indonesia đã trải qua thảm họa - sóng thần - và đó là một thông điệp rất rõ ràng. Ở Việt Nam, thiên tai xảy ra thường xuyên nhưng cường độ thấp hơn, nên không gây hậu quả tác động tương tự, và vì thế bạn còn chứng kiến các khu rừng ngập mặn biến mất".
Các sáng kiến như Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), ra đời sau thảm họa sóng thần 2004 do IUCN và Chương trình Phát triển LHQ chủ trì, đã hỗ trợ cho các cộng đồng như ở Lăng Cô bảo vệ rừng ngập mặn của họ. Kể từ năm 2008, MFF đã thực hiện khoảng 90 dự án ở tám quốc gia thành viên ở khắp vùng nam và đông nam châu Á. Dự án trị giá 29.000 USD ở Lăng Công - với 23.000 USD từ MFF và 6.000 USD từ các tổ chức, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng (CCRD) và cộng đồng địa phương đang tập trung vào việc hỗ trợ tái sinh tự nhiên cho rừng ngập mặn hiện có - một biện pháp tiết kiệm chi phí hơn nhưng hiệu quả hơn là trồng mới. Theo CCRD, Lăng Cô có khoảng 100ha rừng ngập mặn vào hai thập niên trước, nhưng ngay nay chỉ còn lại 5h rừng ngập mặn kém chất lượng.
Dưới sự hỗ trợ của MFF, hiệp hội nghề cá Lăng Cô có nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc rừng ngập mặn. Các ngư dân địa phương sẽ được đào tạo để quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn cũng như tài nguyên thủy sản.
Tác giả Alisa Tang là phóng viên tự do ở Bangkok, người viết và biên tập cho một số tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế.
Nguyễn Huy (theo guardian)
(Vietnam Net)