quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phân loại rác từ nguồn: Vẫn cứ loay hoay mãi

Thứ Ba, 09/08/2011 | 07:32:00 AM

Khi các dự án thí điểm nhằm giúp người dân phân loại rác ngay từ hộ gia đình kết thúc, người dân lại quay lại thói quen cũ...


Vào năm 2007-2009, một mô hình quản lý rác thải tại nguồn: Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế (gọi tắt là mô hình 3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA hỗ trợ cho thành phố Hà Nội chính thức được triển khai thí điểm trên địa bàn 4 phường tại Hà Nội là Láng Hạ, Nguyễn Du, Thành Công và Phan Chu Trinh. Hiệu quả phân loại rác đạt gần như tuyệt đối 100%. Thế nhưng đến nay, việc phân loại rác chỉ còn là... ký ức của người dân!

Mô hình hay

Chị Đoàn Hương Giang, nguyên trợ lý dự án 3R cho biết, đây là một dự án rất quy mô, bài bản và chặt chẽ bắt đầu từ khâu tổ chức, tuyên truyền vận động đến hướng dẫn thực hiện, thực hiện, và kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm.

Người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn (Ảnh: BQL dự án 3R)
Theo đó, hàng ngày các hộ gia đình sẽ được Ban quản lý dự án cấp phát một túi xanh (để đựng rác thải hữu cơ) và một túi vàng (để đựng các loại rác thải khác). Khi mang ra chân rác để đội quản lý môi trường đô thị chở đi cũng được nhân viên ở đây hướng dẫn túi xanh vứt vào thùng xanh, túi vàng vứt vào thùng vàng.

“Trước khi chở rác thải đi xử lý, cán bộ dự án còn kiểm tra các túi xem việc phân loại tại các hộ dân đã đúng chưa để kịp thời chấn chỉnh và hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho bà con làm đúng. Do đó, hiệu quả phân loại rác đạt gần như tuyệt đối 100%”, ông Chu Trọng Xa, chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm) nói.

Sau 2 năm triển khai dự án, các chuyên gia đã khẳng định, việc phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả rất lớn tăng tái chế, giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp lên tới 30-40%, giảm ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị được cải thiện đáng kể và sản xuất được phân vi sinh hữu cơ từ nguồn rác thải đã phân loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

“Chết yểu”

Theo dự kiến ban đầu, sau khi thí điểm thành công tại một số điểm tại Hà Nội, dự án 3R sẽ được triển khai rộng rãi ra toàn thành phố và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Tuy nhiên dự án đến nay đã phải tạm thời dừng lại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân kinh phí hoạt động, tính bền vững của dự án và sự phối hợp của các bên. “Nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học và cán bộ dự án trong nước hết sức nhiệt tình. Tuy nhiên, sự phối hợp của các cơ quan chức năng với dự án chưa thật sự chặt chẽ nên khi kết thúc dự án, không còn ai nhắc đến 3R”, chị Hương Giang cho biết.

“Bây giờ có còn ai làm theo 3R nữa đâu... cứ thu gom rác vào hết một túi rồi bỏ vào thùng cho xe rác chở đi” (Ảnh: Như Ý)
Mặc dù mới kết thúc cách đây chưa đầy 2 năm, nhưng khi quay lại hỏi người dân phường Phan Chu Trinh về mô hình 3R, họ phải lục lại từ trong “ký ức”. “Bây giờ có còn ai làm theo 3R nữa đâu. Từ khi dự án kết thúc, người dân cũng lại trở về với nếp cũ, cứ thu gom rác vào hết một túi rồi bỏ vào thùng cho xe rác chở đi”, Bà Nguyễn Thị L..., một hộ dân phường Phan Chu Trinh cho biết.

Ông Chu Trọng Xa thừa nhận “Chúng tôi vẫn thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống phát thanh và lồng ghép vào các buổi họp tổ dân phố. Tuy nhiên, hiệu quả không được bao nhiêu. Nếu khi dự án còn hoạt động, hiệu quả là 10 phần thì đến bây giờ không biết có còn nỗi 2, 3 phần hay không. Vì không còn sự hỗ trợ kinh phí của dự án, không ai sát sao đôn đốc nhắc nhở và nhất là chưa thay đổi được thói quen từ lâu của người dân” 

“Nếu không có những biện pháp quyết liệt cùng sự ủng hộ của người dân thì mô hình này hay kể cả những mô hình về sau cũng sẽ “chết yểu””- TS Huỳnh Thị Kim Hối buồn rầu nhận xét.

Theo ông Xa, việc tăng cường giáo dục nhận thức cho người dân, đặc biệt là ngay từ khi còn nhỏ cũng cần được chú trọng đầu tư. “Cần hình thành dần ý thức cho các cháu ngay từ bé. Có thế mới hy vọng, trong tương lai sẽ có một thế hệ công dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường”, ông Xa nói.

Minh Cường
 
(Đất Việt)

Lượt xem: 1579

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE