quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phải giữ nước Hồ Gươm xanh

Thứ Sáu, 01/12/2017 | 06:26:00 AM

Liên quan tới việc làm sạch Hồ Gươm đang được triển khai, theo PGS TS Hà Đình Đức: Sự cấp thiết lúc này là cải tạo Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) để không bị ô nhiễm, tăng mực nước đã cạn kiệt. Tuy nhiên băn khoăn lớn nhất là việc nạo vét bùn như thế nào để vẫn giữ được màu xanh lục đặc trưng của nước hồ, đặc biệt là giám sát nguồn nước về hồ đạt chuẩn.


 

Không thể chậm trễ 

Trong tháng 10 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm” (trên địa bàn quận Hoàn Kiếm), với việc thực hiện là nạo vét bùn lòng hồ thuộc địa điểm các phường Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Gai và Hàng Trống.

Theo Dự án này, báo cáo đánh giá hiện trang môi trường nước cho thấy, nước hồ đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng và đã mất khả năng tự làm sạch. Cụ thể, chất lượng nước hồ suy giảm, độ PH luôn ở mức cao (PH> 10). Tảo lục đang mất dần chỉ còn khoảng 5% (tảo lục sống được trong môi trường độ PH=7), còn lại chủ yếu là tảo độc đang chiếm đến 95%. Điều này đã khiến cho nước hồ Hoàn Kiếm đã không còn màu xanh đặc trưng mà chuyển sang màu nâu vàng do số lượng tảo lục giảm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm còn do lớp bùn rất dày, bình quân là khoảng 60 cm, có nơi lên đến hơn 1 m.

Ngoài ra, báo cáo đánh giá: Hiện nay hệ sinh thái khu vực hồ Hoàn Kiếm chỉ còn thực vật nổi, động vật nổi, thực vật thủy sinh, vi sinh vật, động vật không xương sống, cá. Mật độ vi khuẩn nhóm Coloform,  E.Coli rất cao. Thành phần loài vi tảo hồ Hoàn Kiếm đã xác định được 59 loài, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài. Thành phần loài chủ yếu là những loài phổ biến, thường có ở các hồ tự nhiên và hồ nhân tạo khu vực đồng bằng Bắc Bộ, không gặp loài vi tảo đặc hữu hay quý hiếm trong thời gian khảo sát. Đa dạng sinh học của hệ sinh thái hồ Hoàn Kiếm thuộc loại nghèo, hầu hết các loài động vật đáy sống tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn, chủ yếu là các loài cá nhỏ có nguồn gốc từ sông Hồng hoặc cá cảnh, cả nuôi được người dân thả phóng sinh và nhập nội vào hồ.

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, đây không phải lần đầu tiên dự án cải tạo Hồ Hoàn Kiếm được xác lập. Trước đó, năm 1992, TP đã dự kiến đưa máy hút bùn HPM6, công suất hút 130m3/giờ, hy vọng hút khoảng 100.000m3 bùn, song bất thành. Năm 2005, TP tiếp tục dự kiến sử dụng công nghệ của Thái Lan nhưng cũng không thực hiện được.
Năm 2006, lại là công nghệ của Đức, song cũng phải áp dụng ở những hồ khác, không phải hồ Hoàn Kiếm… Câu chuyện ở đây là cải tạo nước hồ như thế nào để không ảnh hưởng đến màu nước lục đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm, màu nước không nơi nào có được, do tảo lục tạo thành. Trước đây, một nghiên cứu của TS người Hungary cho thấy, hồ Hoàn Kiếm có tới 140 chủng tảo (bây giờ còn 59), trong đó có những vi tảo cực kỳ đặc biệt như Chlorella - một vi tảo đắc dụng cho những phi hành gia vũ trụ. Đa phần tảo lục khiến nước hồ có màu xanh lục.

Kết quả ở phía trước

“Khi tham vấn các GS Trần Hữu Nhuệ, PGS Trần Thị Thanh, GS Dương Đức Thiến, GS Mai Đình Yên… đại đa số ý kiến cũng đều khẳng định phải cải tạo để chống ô nhiễm cho nước Hồ Gươm, cảnh quan của đất nước. Tuy nhiên, hút bùn nhưng vẫn giữ được màu xanh lục đặc trưng của nước hồ, đặc biệt là giám sát nguồn nước đổ về hồ đạt chuẩn, luôn là câu hỏi của các chuyên gia đặt ra cho các ngành chức năng. Vậy sẽ phải thực hiện như thế nào?”- GS Hà Đình Đức đặt câu hỏi.

Mới đây nhất, trước sự băn khoăn của dư luận về việc làm sao khi nạo vét Hồ Gươm phải vẹn cả đôi đường, 2 mục tiêu vừa nạo vét vừa bảo tồn đa dạng sinh học, ông Võ Tiến Hùng- tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội khẳng định: Hồ Hoàn Kiếm sẽ xanh và trong sau nạo vét. Bộ VHTT&DL cũng đã thống nhất phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất với các nội dung: rà phá bom mìn lòng hồ, nạo vét bùn lòng hồ, xây dựng bể ngầm cấp nước cho hồ, xử lý làm sạch nước hồ bằng chế phẩm Redoxy - 3C.

Tuy nhiên, theo PGS Hà Đình Đức, việc dùng lưới dồn thủy sinh như phương án của Công ty TNHHMTV Thoát nước Hà Nội là chưa hợp lý, vì sẽ không ngăn chặn được tảo lục và tảo lam (tảo độc). Bên cạnh đó, dự kiến nguồn nước đổ về hồ là nước khoan (từ năm 1996, các hệ thống cấp thoát nước về hồ Hoàn Kiếm đã bịt kín), do vậy chất lượng nguồn nước sẽ như thế nào. Do đó đây là việc cần phải được tính toán trong thời gian tới.

Trả lại sự xanh trong cho hồ Hoàn Kiếm, với hình ảnh lướt ván, bơi thuyền rồng như trong sử sách… là sự kỳ vọng của người dân về một cảnh quan linh thiêng của đất nước. Việc làm sạch đẹp Hồ Gươm cũng như kết quả có được như mong đợi hay không, vẫn đang còn ở phía trước. 

Tuệ Lâm (theo daidoanket)

Lượt xem: 2744

Các tin khác

Căn bản về tái hoang dã

(22/04/2024 08:37:AM)

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE