quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phá sản nguồn nước

Thứ Sáu, 06/05/2016 | 06:20:00 AM

Sự thất bại của loài người trong việc hạn chế biến đổi khí hậu đang gây bất ổn cho nguồn tài nguyên nước và có thể đẩy các quốc gia đến bờ vực “phá sản nguồn nước”. Chúng ta đã vay mượn của “ngân hàng nước” một món nợ lớn. Và tới năm 2050 chúng ta sẽ có thêm 2,5 tỷ “con nợ khát nước”.



Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), gần 1/4 dân số thế giới đang sống tại các quốc gia khan hiếm nước. Nếu các chính sách quản lý nguồn nước hiện nay vẫn tiếp tục được áp dụng trong khi các mô hình dự báo khí hậu chính xác, tình trạng thiếu nước sẽ lan rộng ra những vùng mới và trầm trọng hơn tại những vùng đang diễn ra tình trạng này.
 

Theo báo cáo công bố ngày 4/4 của Ngân hàng Thế giới (WB), những tác động từ việc biến đổi khí hậu có thể khiến tăng trưởng GDP của các quốc gia giảm tới 6%, nếu họ không kiểm soát được nguồn nước của mình.

Các nguồn nước không được quản lý tốt nhiều khả năng sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, đẩy giá lương thực lên cao. Điều này có nguy cơ thổi bùng những xung đột tiềm ẩn và đẩy mạnh làn sóng di cư.

WB cho rằng những ảnh hưởng trên có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của các vùng đang thiếu hụt nguồn nước như Trung Đông hay Châu Phi giảm khoảng 6% cho tới năm 2050. Tuy nhiên, do đóng góp của những khu vực này ở mức thấp nên GDP toàn cầu sẽ chỉ mất khoảng 0,37-0,49%.

Năm 2015, Bank of America Merrill Lynch dự báo rằng tác động của sự biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu giảm 1,5%/năm cho tới năm 2020, đặc biệt ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi và các quốc gia nghèo. Tháng 8/2015, Citigroup cho rằng nếu thế giới không có hành động kịp thời, 44.000 tỷ USD sẽ bốc hơi khỏi GDP cho tới năm 2060.

Thách thức toàn cầu

Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch, sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%.

Theo Liên Hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp.

Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Các nước Tây Nam Á đối mặt với mối đe dọa lớn nhất với hơn 90% dân số của khu vực thiếu nước trầm trọng.

Trong khi đó, tiếp cận với nguồn nước sạch hiện vẫn là giấc mơ của hàng triệu người ở những vùng đất khô hạn và bán khô hạn Châu Phi.

Chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP) cho biết, hiện tại cứ 3 người châu Phi thì có 1 người không được tiếp cận với nguồn nước và điều kiện vệ sinh phù hợp. Tuy nhiên, với mức cầu hiện nay, chỉ trong một hai thập kỷ tới, số người không có nước sạch và điều kiện vệ sinh hợp lý ở châu lục đen sẽ là 1/2 người.

Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.

Chưa hết, với khoảng 2 tỷ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.

Ngăn chặn một cuộc “phá sản nguồn nước”

Thiếu nước đã không còn là câu chuyện của một quốc gia mặc dù biến đổi khí hậu thì ảnh hưởng toàn cầu, trong khi cuộc khủng hoảng nước lại chỉ căng thẳng ở từng khu vực. Bởi lẽ, chúng ta sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau về nguồn nước, nơi có hơn 260 con sông được chia sẻ bởi hai hay nhiều quốc gia.

Kết quả một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Toàn cầu cho biết cứ ba ngành công nghiệp toàn cầu lại có hai ngành cho rằng thiếu nước là “điều tồi tệ” hoặc “thảm họa” đối với công việc kinh doanh của họ.

Với một cuộc khủng hoảng tài chính, các chính phủ thường ứng phó bằng cách in thêm tiền, bơm vào ngân hàng và khởi động lại nền kinh tế dựa trên trái phiếu chính phủ. Nhưng với khủng hoảng nước, các chính phủ có thể làm gì? Liệu có thể mở các cửa đập và bơm hết nước ra?

Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả dĩ nhất là loài người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu.

Nghĩa là, thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước, tìm cách vay thêm từ "ngân hàng nước", chúng ta cần sử dụng tiết kiệm khoản đã vay, điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp. Đồng thời, các chính phủ cần đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp với thực tế về nguồn nước.

Chúng ta đã có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu chúng ta hiểu rõ hơn những nguy cơ thực sự đang phải đối mặt. Và đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước – tài sản chi phối mọi sự sống.
 
- 70% diện tích Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% nước trên thế giới là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng.

- 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 22% cho công nghiệp và 8% phục vụ sinh hoạt.

- Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500-800 lít/ngày so với 60-150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển.

Khánh Ly (TH theo Người Đồng Hành/ ThienNhien.Net)

Lượt xem: 2712

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE