quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Ô nhiễm môi trường: Luật “mơ hồ” - khó xử lý?

Thứ Sáu, 16/09/2011 | 10:13:00 AM

"Cảnh sát môi trường hoạt động đến nay đã được 5 năm, mỗi năm triển khai bắt giữ và kiểm tra gần 6.000 vụ nhưng chỉ khởi tố được vài vụ về động vật hoang dã, phá rừng. Sở dĩ, không khởi tố được là do có nhiều điều trong luật quy định rất "mơ hồ” - ông Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an cho biết như vậy khi đánh giá về Luật Bảo vệ Môi trường 2005.

 
 

Luật "mơ hồ” nên không khởi tố được

Theo ông Thảo, Luật Bảo vệ Môi trường 2005 có nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, điển hình là báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). "Chúng tôi đi kiểm tra, giám sát thấy rất khó bởi vì Luật cho phép thuê tư vấn. Nhưng mà có báo cáo ĐTM nào không được thông qua đâu. Trong khi đó, có những công ty tư vấn chỉ có vài người thôi, thậm chí chỉ có giám đốc, kế toán thì không có. Trong các quy định tiếp theo nằm ở Nghị định hướng dẫn có nhiều cái chưa chặt chẽ, chưa cụ thể” - ông Thảo cho biết. Vị Phó Cục trưởng Cục cảnh sát môi trường, Bộ Công an đưa ra dẫn chứng cụ thể để chứng minh Luật chưa chặt chẽ: "Chúng tôi vào công ty Vedan yêu cầu cung cấp báo cáo ĐTM thì được đưa một bản photo rất chung chung. Không có một căn cứ nào cho thấy việc thải loại bao nhiêu lít, bao nhiêu khí trong một ngày? Và khi được yêu cầu cho xem bản chính thì họ bảo rằng Luật không bắt buộc phải trình bản chính, bản chính có 1 bản để trên Sở Tài nguyên - Môi trường rồi. Và có tìm thì cũng chẳng thấy. Những cái này thì phải đưa vào Luật. Bản photo thì người ta có thể dễ dàng thay đổi nội dung. Có gì để đảm bảo? Như thế là Luật của chúng ta chưa chặt”.

Ông Thảo cũng chỉ ra điểm "mơ hồ” của Luật khi Điều 92 quy định về khu vực bị ô nhiễm. "Trong trường hợp xả nước thải thì khi điều tra chỉ có ở miệng xả mới có mức độ ô nhiễm vượt quá 5 lần, còn ở sông thì đâu có vượt. Vậy thì xác định khu vực để khởi tố làm sao được? Với những người đi kiểm tra giám sát, tôi mong cụ thể hóa Luật hơn nữa, chặt chẽ hơn để trong quá trình triển khai thực hiện mới xử lý được” - ông Thảo bày tỏ.

Là người đã tham dự 27 cuộc hội thảo và 27 lần chỉnh sửa về Luật bảo vệ Môi trường 2005, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ban hành sau Luật Bảo vệ Môi trường cho nên tất yếu phải sửa, nhưng phải song hành với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Do việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trên thực tế là chậm nên chúng ta không có một hàng rào kỹ thuật, kể cả xuất nhập khẩu. Ông Khánh cũng cho rằng, hiện nay, tổ chức bộ máy của cán bộ làm công tác môi trường ở Việt Nam là rất mỏng, chưa nói đến năng lực là yếu. Vì vậy, cần báo cáo Chính phủ để quy định loại hình doanh nghiệp nào, quy mô là bao nhiêu thì bắt buộc phải có cán bộ chuyên môn về môi trường.

Có nên đổ chất thải ra biển?

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho rằng, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 đã có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và sát thực với thực tiễn, song việc liên tục bổ sung, điều chỉnh các văn bản dưới Luật thể hiện sự thiếu phối hợp, tham khảo giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, các văn bản điều chỉnh nhiều nhưng không phủ nhận lẫn nhau nên nhiều văn bản đồng thời tồn tại, do vậy việc vận dụng của các doanh nghiệp gặp nhiều phức tạp do đồng thời phải vận dụng nhiều văn bản viện dẫn.

Bên cạnh đó, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, trong Luật Bảo vệ Môi trường không đề cập đến cho phép thải ra biển. Theo ông Bảo, trước đây Công ty Vedan có thuê một chiếc tàu thủy để chở các rỉ đường ra biển đổ, nhưng chúng ta không cho phép nên tàu vẫn ở bến sông và Vedan thải luôn ra sông. Trong khi đó, tại dự án của Nhà máy Giấy, Bột giấy Bình Định thì người ta đồng ý cho thải ra biển. Nhưng đó chỉ là một trường hợp, còn trong các văn bản không thấy quy định.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức rà soát Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này. Tại Báo cáo rà soát Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 do TS. Nguyễn Văn Phương - Đại học Luật Hà Nội nghiên cứu đã đạt được sự đồng thuận của các nhà khoa học. Nhận định về báo cáo này, bà Nguyễn Hồng Nhung - Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, báo cáo này đã đề cập đến vấn đề thải ra biển. Nhưng theo bà Nhung, ở những năm 50, nước Úc đã phải trả giá rất lớn khi đổ 30.000 tấn lốp ô tô xuống bờ biển. Sau đó, họ phải trả gấp 5 lần giá trị chi phí để khôi phục lại dải san hô ở đó. "Thế nên, nếu có biện pháp xả thải ra môi trường chung thì cần có quy trình được nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định để đưa ra quy phạm đổ ra biển. Đây là một bài toán đã có bài học kinh nghiệm từ quốc gia khác trên thế giới” - bà Nhung bày tỏ.

H.Vũ

(Đại Đoàn Kết)

Lượt xem: 1319

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE