quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Nuôi ong Ý – nhìn từ góc độ Đa dạng Sinh học

Thứ Năm, 23/06/2011 | 01:55:00 PM

Nhiều xã thuộc địa bàn huyện Nam Đông hiện là vùng đệm của Vườn QG Bạch Mã, một khi ong Ý xâm nhập vào các khu sinh thái của Vườn thì việc kiểm soát lại càng phức tạp bội phần và sau này nếu nó trở thành sinh vật ngoại lai xâm hại thật sự thì công tác quản lý sẽ ra sao?

 
Bài viết “Bước đầu nuôi giống ong Ý lấy mật thành công ở Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế” đăng trên trang web Trung tâm khuyến Nông – Lâm – Ngư TTH ngày 04/502011 và bài viết “Nuôi ong Ý ở Nam Đông” đăng trên nhật báo Thừa Thiên Huế ngày 11/6/2011 và trên trang Thừa Thiên Huế online ngày 12/6/2011 đã cho chúng ta thấy sự năng động của Hội Nông dân huyện Nam Đông và sự quan tâm của UBND huyện sở tại về phát triển kinh tế xã hội miền núi. Các bài viết đã khẳng định sự thành công bước đầu của mô hình nuôi ong Ý lấy mật, đồng thời còn cho thấy triển vọng nhân rộng mô hình cho nhiều xã trong địa bàn huyện trong thời gian sắp tới.

Nhìn ở góc độ phát triển kinh tế nông thôn thì đó là một động thái đáng mừng, một triển vọng đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ Đa dạng Sinh học thì còn nhiều điều cần bàn, nhiều nỗi lo cần giải tỏa.
Như mọi người biết, ong Ý là một loài sinh vật ngoại lai, mặc dù chưa có những số liệu chứng tỏ nó là “sinh vật ngoại lai xâm hại”, nhưng dựa vào quan điểm Bảo tồn Đa dạng Sinh học và căn cứ nội dung của Luật Đa dạng Sinh học được Quốc hội nước ta ban hành ngày 28/11/2008 và có hiệu lực từ 01/7/2009 thì chúng ta vẫn phải tính đến việc chúng là sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Chúng ta hẵn chưa quên được những bài học kinh hoàng về những sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm ở Việt Nam trong thời gian qua, từ những loài thực vật ngoại lai xâm hại như lục bình (bèo nhật bản), mai dương… cho đến những loài động vật ngoại lai xâm hại như ốc bưu vàng, ốc sên, cá hổ, chuột hải ly, rùa tai đỏ… mà mãi tới nay, dù đã phải tốn quá nhiều công của và sức lực, vẫn chưa thể khắc phục hậu quả triệt để được. Do vậy, không thể xem thường lệ lụy có thể xảy ra từ việc phát triển thiếu kiểm soát giống ong Ý ở Nam Đông nói riêng và bất kỳ ở một địa phương nào khác trong tỉnh nhà.
Điều 51, chương IV của Luật Đa dạng Sinh học đã ghi “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại”, không biết Hội Nông dân huyện Nam Đông di thực giống ong Ý về đã được kiểm tra, đánh giá như luật định chưa?
Như bài báo “Nuôi ong Ý ở Nam Đông” đã phản ánh, bán kính hoạt động của ong Ý khoảng 3 km. Như thế, liệu trong quá trình sinh hoạt tìm kiếm thức ăn hằng ngày, hằng ngàn cá thể ong Ý có tác động tiêu cực đến Đa dạng Sinh học trong vùng chăng? Đấu tranh sinh tồn là động lực mạnh mẽ và tất yếu khiến cho, hoặc đàn ong Ý ngày càng suy thoái chất lượng, giảm dần số lượng, hoặc sẽ lấn át, tiêu diệt các loài ong bản địa, trong đó cả ong mật và nhiều loài ong thiên địch. Thực tế cho thấy đàn ong Ý ở Nam Đông ngày càng phát triển mạnh. Như thế, các loài ong bản địa sẽ thế nào? Bài báo nói trên cũng cho biết, hiện đàng ong Ý được nuôi ở Nam Đông đang có hiện tượng nhiễm bệnh, thế thì đã có biện pháp quản lý thế nào để ngăn chặn lây lan cho các loài ong bản địa và có thể cho cả một số loài côn trùng có lợi khác, kéo theo phá vỡ sự cân bằng sinh thái tự nhiên vốn có, làm suy thoái Đa dạng Sinh học cục bộ, và về lâu về dài gây suy thoái Đa dạng Sinh học toàn vùng.
Với những cơ sở khoa học và thực tế vừa nêu, chúng tôi nghĩ rằng, ong Ý là một loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Điều 52, chương IV của Luật Đa dạng Sinh học đã nêu “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép”. Vậy, nên chăng UBND tỉnh cần sớm có kế hoạch khảo nghiệm để nếu khẳng định được ong Ý ở Nam Đông không có nguy cơ xâm hại thì cấp giấy phép cho người dân phát triển, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, ngược lại thì cần có biện pháp ngăn chặn sớm trước khi ong Ý xuất đàn, tuột khỏi tầm tay kiểm soát của chúng ta.
Cũng cần lưu ý, nhiều xã thuộc địa bàn huyện Nam Đông hiện là vùng đệm của Vườn QG Bạch Mã, một khi ong Ý xâm nhập vào các khu sinh thái của Vườn thì việc kiểm soát lại càng phức tạp bội phần và sau này nếu nó trở thành sinh vật ngoại lai xâm hại thật sự thì công tác quản lý sẽ ra sao?
NGƯT Đỗ Xuân Cẩm
 
 

Lượt xem: 1727

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE