quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Núi rừng nổi giận

Thứ Năm, 07/07/2011 | 05:54:00 AM

Trận lũ quét lịch sử đã đi qua hơn một tuần, nhưng người dân hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong một thoáng chốc, hàng trăm gia đình trở thành tay trắng, hiện sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”, hệ thống giao thông bị đứt gãy, sạt lở nghiêm trọng.

 

Còn nhớ, cách đây khoảng 2 tháng, mở đầu bài viết “Cái lý của những vụ sập hầm vàng ở Tương Dương” đăng trên VietNamNet, chúng tôi từng khẳng định: “Người viết bài này không quá sửng sốt, bởi những ai qua lại vùng đất này đều có thể đưa ra dự báo nguy cơ sạt lở, sập hầm và lũ quét”.

 

Và kết thúc bài viết, chúng tôi nhấn mạnh: “Nhìn cảnh “lở loét”, tan hoang do khai thác vàng sa khoáng ở miền Tây Nghệ An nói chung, địa bàn huyện Tương Dương nói riêng, không ít người khẳng định con người sẽ tiếp tục phải gánh chịu thảm họa bởi sự “nổi giận” của núi rừng, sông suối”.

 

 

Nước rút kéo theo nguy cơ nhiều ngôi nhà tiếp tục bị sạt lở, đổ sập

 

Trở lại với trận lũ quét kinh hoàng ở hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương, ai cũng biết rõ nguyên nhân là do ảnh hưởng của cơn bão số 2 gây mưa lớn ở thượng nguồn (nước bạn Lào) khiến lưu lượng nước đổ về lớn và đột ngột.

 

Nhưng điều đáng nói ở đây là sức tàn phá của trận lũ hết sức ghê gớm, ngoài dự đoán của con người. Ngoài nguyên nhân bão số 2 thì một phần không nhỏ là do chính con người gây nên.

 

 

Người dân thi nhau nhặt củi trên mặt cầu Mường Xén

 

Cơn lũ đi qua, cơ man nào là gỗ to, gỗ nhỏ bị cuốn trôi về xuôi, người dân vùng hạ lưu mấy ngày thi nhau ra vớt gỗ, củi. Nói vậy để thấy rằng, con người đã làm rừng “chảy máu”.

 

Việc khai thác khoáng sản diễn ra ồ ạt ở Tương Dương và Kỳ Sơn không có sự kiểm soát, thậm chí không loại trừ khả năng có thế lực “bảo kê” cho bọn “vàng tặc”. Trên thực tế, nơi nào xảy ra tình trạng khai thác vàng vô tội vạ, nơi ấy phải hứng chịu hậu quả nặng nề.

 

 

Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của trận lũ quét.

 

Đó là khu vực dọc bãi sông Nậm Mộ (Kỳ Sơn) và vùng đất “4 Yên, 1 Nga” của huyện Tương Dương (Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng và Nga My), đặc biệt là xã Yên Tĩnh, nơi đang được xem là “đại công trường” khai thác vàng sa khoáng.

 

 

Ngược lại, những nơi nào không có (hoặc ít) hiện tượng khai thác vàng thì nơi ấy hậu quả không đáng kể. Đang tác nghiệp ở Kỳ Sơn, chúng tôi gọi điện hỏi thăm một người bạn ở xã Xiêng My (huyện Tương Dương, nằm sát vàng đất “4 Yên, 1 Nga”), nhận được câu trả lời: “Xiêng My không có vàng nên không bị lũ quét”.

 

Dự án hại dân

 

Ngoài những nguyên nhân kể trên, không ít người dân tỏ ra bức xúc khi đề cập đến tuyến đường mới phía tả ngạn cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng.

 

Mấy năm trước, lấy lý do giãn dân tại khu vực Mường Xén và giảm lưu lượng cho tuyến đường từ đây lên Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn lập dự án mở tuyến đường phía tả ngạn sông Nậm Mộ, từ xã Hữu Kiệm, qua Mường Xén lên xã Tà Cạ (khoảng 10 km).

 

Khi dự án được phê duyệt và bắt đầu thi công, người dân nơi đây lên tiếng phản đối, báo chí vào cuộc và đồng loạt lên tiếng cảnh báo nhưng chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu”. Để mở đường, người ta phải bạt núi, lấp sông làm thu hẹp và biến đổi dòng chảy. Trong điều kiện mưa lớn, nước dâng cao, hậu quả sẽ thật sự khó lường

 

 

Dự án mở đường phía tả ngạn sông Nậm Mộ khiến lòng sông bị thu hẹp, nước dồn về hữu ngạn làm vỡ, sạt bờ sông.

 

Điều này được chứng minh trong trận lũ vừa qua. Do lòng sông bị thu hẹp, nước ập về, dòng chảy bị dồn sang phía hữu ngạn (nơi có khác khu dân cư) khiến bờ sông bị sạt lở, hàng chục nhà dân bị cuốn trôi, nhiều thứ đồ đạc cùng chung số phận, quốc lộ 7A bị đứt gãy.

 

 

Lợi ích của tuyến đường phía tả ngạn ở đâu chưa thấy, nhưng người dân đã phải lĩnh đủ hậu quả. Trong khi đó tuyến đường này hiện cũng đang từng này bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng. Và sau trận lũ, dòng chảy của sông Nậm Mộ đã trở về đúng quy luật muôn đời của nó...

Theo Bùi Công Kiên

(Vietnamnet)


Lượt xem: 1463

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE