Bởi lâu nay xã hội hóa bảo tồn di sản ở một số địa phương có dấu hiệu biến tướng, khiến cộng đồng lo lắng về nguy cơ nhà chức trách "bán” di sản, hay nhượng quyền quản lý di sản danh thắng cho tư nhân.
Cần lắng nghe ý kiến cộng đồng để khai thác xứng tầm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Vẫn đang lắng nghe
Đơn cử như năm 2014, việc UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất chủ trương cho tư nhân đấu thầu khai thác di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Về vấn đề này, báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết "Khai thác Vịnh Hạ Long - không thể bỏ qua ý kiến người dân” (đăng ngày 19-8-2014). Khi ấy, trước nhiều luồng ý kiến trong giới chuyên gia, người ủng hộ, người phản đối, bài báo đã đưa ra những phân tích ở góc độ cần thiết phải lắng nghe tham vấn từ cộng đồng.
Cho dù tỉnh Quảng Ninh có lý giải rằng, giao cho tư nhân tham gia đấu thầu khai thác di sản chỉ là thực hiện hình thức hợp tác công - tư, chứ không phải là giao quyền quản lý Nhà nước đối với Vịnh Hạ Long cho Tập đoàn Bitexco (Công ty TNHH kinh doanh XNK Bình Minh) với đề án "Nhượng quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long” trong 50 năm, song cho đến bây giờ người dân vẫn băn khoăn với nhiều vấn đề. Trong đó băn khoăn lớn nhất là giao cho doanh nghiệp khai thác Vịnh, liệu có làm hỏng Hạ Long?
Được biết, cho đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn đang lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và người dân để hoàn thiện đề án khai thác xứng tầm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Qua tìm hiểu từ thực tế, phía BQL Vịnh Hạ Long cũng đang đề xuất: để chủ trương hợp tác công - tư trong quản lý khai thác giá trị di sản thực sự có hiệu quả, cần phải trao mạnh quyền tự chủ, tự quyết cho BQL.
Trao đổi với phóng viên, bà Katherine Muller Martin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng cho hay, UNESCO đã từng đề xuất BQL Vịnh Hạ Long nên có thẩm quyền và tự chủ cao hơn đối với khu di tích này. Theo bà, điều này cần được áp dụng với tất cả các BQL di tích, danh thắng ở Việt Nam. Kèm với đó là điều kiện khi thẩm quyền và trách nhiệm cao hơn, các cán bộ quản lý di sản cần phải nâng cao năng lực giải quyết các vấn đề bảo tồn và quản lý. Từ đó mới có thể đưa ra các quyết định hữu hiệu.
Giáo dục di sản đang bị lạm dụng
Trở lại với quyết tâm chống tư nhân hóa quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Phủ Dầy - như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh, điều khiến nhiều người ngỡ ngàng là đã nhiều năm qua quần thể di tích này vẫn chưa có một BQL chuyên trách. Do thiếu vai trò quản lý Nhà nước nên quyền quản lý mặc nhiên thuộc về các thủ nhang. Họ coi phủ như nhà mình, khiến hoạt động khai thác du lịch tâm linh ở đây đã bị thương mại hóa.
Tìm hiểu được biết, lâu nay UBND xã Kim Thái khoán thu cho các đền, phủ theo từng năm. Chẳng hạn, năm 2014, Phủ Tiên Hương phải nộp khoán khoảng 1 tỷ đồng, phủ Vân Cát nộp khoảng 400 triệu đồng... Và những tiêu cực từ đó có cơ hội phát sinh.
Thực tế, từ cơ chế phân cấp quản lý di tích ở nhiều tỉnh, thành hiện nay, việc giao trách nhiệm quản lý di tích cho chính quyền cấp cở sở thường gắn với việc "khoán thu”. Thậm chí, sự chồng chéo trong phân cấp quản lý di tích lâu nay đã không khiến cho di tích danh thắng được bảo tồn tốt hơn, mà còn khiến cho nguy cơ, xu hướng tư nhân hóa ngày một rõ nét.
Và những sai phạm trong tu bổ di tích văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội trong 2 năm qua là những ví dụ điển hình. Đơn cử như Di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Trăm Gian (Chương Mỹ - Hà Nội) dù nơi đây có BQL, song những người được giao nhiệm vụ quản lý di tích - vì nhiều lý do đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Chính vì vậy mà sư trụ trì ngôi chùa mới toàn quyền quyết định việc hạ giải một số hạng mục quan trọng của di tích để tu bổ kiểu "làm mới”…
Về những bất cập trong phân cấp quản lý di tích hiện nay, ông Nguyễn Thế Hùng (Cục trưởng Cục di sản văn hóa - Bộ VHTT&DL) cho rằng: Việc phân cấp quản lý di sản văn hóa hiện nay chồng chéo, thiếu rõ ràng nên còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.
Chính quyền cấp xã, huyện vẫn đang buông lỏng quản lý, nên dẫn tới tình trạng vi phạm Luật di sản văn hóa ở nhiều nơi. Theo đó, để di sản, danh thắng được bảo vệ tốt hơn, cần tạo điều kiện để nhân dân tham gia mạnh mẽ vào quá trình quản lý và bảo tồn di sản.
Nhận định về cơ chế bảo tồn và quản lý di sản hiện nay, GS. Ngô Đức Thịnh bảo lâu nay rất dị ứng với cụm từ "giáo dục di sản” cho cộng đồng. Theo phân tích của ông, cộng đồng là người hiểu rõ hơn ai hết giá trị của di sản cũng như cách thức phải bảo vệ di sản thế nào trong dòng chảy cuộc sống. Nếu ở đâu đó, địa phương nào đó vẫn đang áp dụng mô hình giao cho tư nhân quản lý và khai thác di sản, nên dành cụm từ "giáo dục nhận thức di sản” cho tư nhân hoặc cho các doanh nghiệp, để họ đừng lầm lẫn giữa giá trị tâm linh, giá trị danh thắng và cơ hội kiếm tiền…
Đây cũng là quan điểm được nhiều chuyên gia ủng hộ, tán thành.
Theo Xuân Quảng - Triết Giang (Đại Đoàn Kết)