quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
ĐẠP XE VIỆT-TRUNG VÌ MT 2010

Nơi dòng sông chảy ngược

Chủ Nhật, 11/07/2010 | 09:55:00 AM

Sáng ngày 10/7/2010, tại Thành phố Lạng Sơn bên bờ sông Kỳ Cùng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt nam đã tổ chức tiễn Đoàn Đạp xe Thanh niên Hữu nghị Việt Trung sang biên giới, đi tiếp chặng đường đến Nam Ninh Trung Quốc. Xin giới thiệu với bạn đọc vài nét về vùng đất có dòng sông văn hóa và lịch sử này.

 
 
Nguyễn Đình Hòe VACNE
 
 
Dòng sông kỳ lạ
Lũ về sông Kỳ Cùng- Lạng Sơn (1)
Gần 80% diện tích tỉnh Lạng Sơn nằm trong lưu vực sông Kỳ Cùng. Bắt nguồn từ vùng núi gần biển Quảng Ninh ở độ cao trung bình 800 - 900m (đỉnh cao nhất là 1.166m), sông Kỳ Cùng chảy về phía tây bắc qua suốt chiều dài của tỉnh Lạng Sơn. Đến thị trấn Thất Khê khi độ cao chỉ còn 170m, dòng sông nhận thêm nước của 7 con suối (vì thế thị trấn có tên là Thất Khê), rồi rẽ ngoặt về hướng đông để nhập vào sông Tây Giang ở Long Châu (Trung Quốc).
Trên suốt chiều dài 243km, thung lũng sông Kỳ Cùng có nhiều đoạn gần như thẳng tắp, bám theo một một máng trũng đặc biệt trên địa hình được gọi tên là "Máng trũng Cao Lạng". Thực chất Máng trũng Cao Lạng là một hệ đứt gãy địa chất sâu và có hoạt tính cao, nhiều tiềm năng động đất. Tuy nhiên, nét đặc biệt của dòng sông là sự biến hình của nó. Một số đoạn sông có đặc tính sông già, uốn khúc mạnh, mở rộng lòng, chảy hiền hoà giữa những cánh đồng xanh mướt lúa và hoa màu rộng từ 100 đến 500 ha. Những đoạn còn lại, sông thu hẹp (có chỗ chiều rộng dòng chảy chỉ vài chục mét), chảy xiết qua các ghềnh đá, hai bên bờ chỉ có các vạt phù sa hẹp, thậm chí chỉ là những bờ đá dốc đứng, trông không khác gì một cuồng lưu gào thét trong hẻm vực. Chính sự kỳ vĩ này mà từ thời Vua Tự Đức (1830), sông Kỳ Cùng đã được triều đình ghi danh trong "Tự Điển" (điển lễ thắng cảnh được cúng tế hàng năm của quốc gia). Ngô Thì Sĩ (thân sinh Ngô Thời Nhậm) trong thời kỳ làm Đốc trấn Lạng Sơn 1777 - 1780 đã tốn không ít giấy mực để ca ngợi cảnh đẹp Lạng Sơn. Ông còn cho hoạ chân dung mình lên vách đá trong hang Nhị Thanh.
Dòng sông tuy nhỏ nhưng tải lượng phù sa lại thuộc loại lớn trong nước. Mỗi năm, sông Kỳ Cùng vận tải đến 628 ngàn tấn bùn cát, tức là cứ 1m3 nước tải đến 1.080g phù sa. Đặc biệt phù sa sông Kỳ Cùng có màu đỏ đậm khiến cho nước sông còn đỏ hơn cả nước sông Hồng cùng thời gian. Và tuy ít lũ (trung bình mỗi năm có 4 - 5 trận lũ) nhưng lũ trên sông Kỳ Cùng lại xuất hiện cả trong mùa khô (vào tháng 3 hoặc tháng 10 dương lịch). Lũ trên sông Kỳ Cùng thường là lũ ống điển hình với biên độ lũ (cao độ đỉnh lũ so với chân lũ) có chỗ đến 8,5m. Vùng đất dọc sông còn đặc biệt cả về thế giới động thực vật.
Những đặc sản ở vùng sông Kỳ Cùng
Chắn ngang đường đi của gió mùa đông bắc, vùng sông Kỳ Cùng đón gió lạnh sớm nhất và cũng tiễn mùa đông muộn nhất nước ta. Khí hậu mát mẻ kiểu á nhiệt đới với khoảng 45 ngày mưa phùn và 31 ngày sương mù mỗi năm khiến cho vùng đất này có nhiều giống loài đặc sản nổi tiếng.
Mắc mật là loài cây thân gỗ mọc trên núi đá vôi. Đó là họ hàng hoang dã của cây hồng bì, một loài cây ăn trái. Ra hoa vào mùa xuân, mắc mật cho trái vào cuối hạ đầu thu. Trái mắc mật già được muối riêng hoặc muối lẫn với ớt và măng tươi thái lát mỏng, thành món ăn không thể thiếu trong bữa cơm Xứ Lạng. Nước ngâm trái mắc mật dùng để tẩm thịt heo làm món khấu nhục cùng với khoai môn Lệ Phố. Lá mắc mật được nhồi vào bụng vịt hoặc heo để làm món vịt quay, heo quay nổi tiếng có hương vị khác hẳn mọi nơi.
Heo dùng để quay phải là giống heo bản địa, mõm và chân ngắn, thịt chắc và ngọt gần giống heo Móng Cái. Khi heo lớn khoảng 20 - 30kg quay là ngon nhất. Vịt dùng để quay cũng là giống vịt địa phương có tên là vịt Thất Khê, lớn hơn vịt cỏ nhưng nhỏ hơn vịt Bắc Kinh, đặc biệt trên cổ có đám lông màu xanh biếc rất đặc trưng.
Vùng sông Kỳ Cùng còn có nhiều cây đặc sản như rau cải ngồng, hồng không hạt, chè (trà), sở, trẩu, dẻ, pơmu và nhất là hồi. Phần lớn là thực vật á nhiệt đới. Vào cuối thu khi gió heo may về, thành phố Lạng Sơn sực nức mùi hoa hồi.
Tháp đôi ở đền thờ thần sông Kỳ Cùng
Ngôi đền cổ nhất ở thành phố Lạng Sơn là đền Kỳ Cùng, nơi thờ thần sông, toạ lạc gần đầu cầu Kỳ Lừa. Đền được xây trên một nền đá vôi karst tự nhiên có nhiều hang ngầm mà theo truyền thuyết là nơi ở của Giao Long - thần sông. Có người còn tin rằng dưới đền có dòng suối ngầm từ động Nhị Thanh chảy về (?). Ghềnh đá trước đền là một bến sông xưa, được coi là 1 trong số 8 cảnh đẹp Xứ Lạng có tên là Kỳ Cùng Thạch Độ. Ngày trước, đi lên quan ải đều phải qua bến sông này.
Được tôn tạo lại vào năm 1989, ngôi đền còn giữ được một kiến trúc lạ. Đó là hai ngọn tháp vuông hai bên cổng tam quan bằng gạch xây cao vượt hẳn so với mái đền, được dùng làm nơi đặt chuông và trống. Người địa phương cho rằng đôi tháp này vốn 1 âm 1 dương, phản ảnh kỳ vọng âm dương hài hoà. Cho dù quan niệm đúng sai thế nào, toà tháp đôi ở đền thờ thần sông Kỳ Cùng vẫn là một kiến trúc đặc biệt không đền nào có.
Bản phòng thủ, nhà pháo đài
Một số bản người Nùng ở Cao Lộc có kiểu cách xây dựng rất đặc biệt chưa gặp ở bất cứ đâu. Bản được bảo vệ vòng ngoài nhờ bức thành bằng tre gai (có nơi dày đến 10m) hoặc bằng đá, được gọi là "khuyên". Khuyên đá cao 4 - 5m, dày 3m. Cổng ra vào bản không bố trí ở phía trước, mà ở phía sau. Cửa khuyên dày 3 lớp: ngoài cùng là tấm tre gai, giữa là song sắt, trong cùng là ván gỗ. Hai bên cổng có 2 lô cốt trổ lỗ châu mai. Trong bản có 2 hồ nước dùng cho người và gia súc khi phải phòng thủ lâu dài.
Nhà trong bản được xây như một pháo đài nhỏ. Các phòng ở, bếp, chuồng trại được nối với nhau thành một không gian liên thông và khép kín. Phòng ở cũng có cửa riêng và lỗ châu mai, tường dày, bên trên cửa ra vào còn đặt bẫy đá treo.
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, bản phòng thủ đã giúp dân bản đánh thắng nhiều cuộc tấn công của cướp và thổ phỉ. Ngày nay, những bản này trở thành các điểm du lịch hấp dẫn.
Xứ Lạng ngày càng có sức hấp dẫn du khách đến với nền văn hoá khảo cổ học Bắc Sơn, với động Nhị Thanh, Tam Thanh, với chợ phiên Kỳ Lừa… Nhưng nếu như sông Kỳ Cùng không chảy ngược mà lại chảy xuôi ra biển, biết đâu các đặc sắc của Xứ Lạng sẽ hoàn toàn khác.
 
 

Lượt xem: 6688

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE