“Sự tăng trưởng về kinh tế của phần lớn ở các nước tiểu vùng sông Mekong (GMS) vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất các sản phẩm với trình độ công nghệ thấp”, TS Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, nêu thực trạng, “Hậu quả là sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái, ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng.”
Ảnh minh họa (interrnet)
Tăng trưởng kinh tế đang dựa nhiều vào khai thác tài nguyên trong khi các ngành kinh tế nâu, gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, TS Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên&Môi trường, nói.
“Biến đổi khí hậu là hệ lụy của cách thức khai thác, sử dụng tài nguyên chưa đúng của chúng ta”, TS Nay Htun, nguyên trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, nói, “Bởi vậy cần có cách thức , phương thức đảm bảo tăng trưởng, giảm phát thải”
“Cùng với việc gia tăng các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, hơn bao giờ hết, các nước GMS đang đứng trước những thách thức lớn về phát triển bền vững”, TS Hà chia sẻ tại hội thảo GMS mở rộng về tăng trưởng xanh với chủ đề “Đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên cho nền kinh tế xanh” diễn ra trong hai ngày 1 và 2/12 tại Hà Nội.
Bởi vậy “đầu tư vào cơ sở hạ tầng sinh thái khu vực sông Mekong có tiềm năng mang lại lợi ích tuyệt vời”, TS Geoffrey Blate, Cố vấn Cấp cao về Bảo tồn Cảnh quan của WWF Greater Mekong, chi sẻ, “Bằng cách đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên, khu vực GMS tạo ra nhiều lựa chọn hơn để tăng trưởng kinh tế, bảo vệ xã hội khỏi thiên tai, và đảm bảo tính bền vững dài hạn trước những biến đổi môi trường mang tính toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu.”
Báo cáo nền kinh tế xanh 2010 khuyến nghị những giải pháp cần được thực hiện để hướng tới bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, tài nguyên nước, tài nguyên thủy sản.
Đầu tư cho các nguồn vốn tự nhiên, về lâu dài, sẽ mang lại lợi ích cho môi trường, giúp cải thiện sinh kế, tăng thu nhập và giảm nghèo, từ đó để thúc đẩy phát triển bền vững - báo cáo nhấn mạnh.
“Hành động hướng tới một nền kinh tế xanh đã đặt đa dạng sinh học khu vực sông Mekong vào vị trí trung tâm và sự chuyển đổi này là thách thức lớn nhất trong thập kỷ tới”, TS Blate nêu khó khăn.
Thách thức là vậy nhưng "nếu chúng ta can thiệp ngay từ bây giờ, con người cũng như xã hội sẽ được hưởng lợi”, bà Kate Harrisson, Phó Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, nói.
Với mục tiêu đến năm 2020 trở thành một khu vực hội nhập, phát triển hài hòa, thịnh vượng, không đói nghèo và có đa dạng sinh học cao, đầu tư vào nguồn vốn tự nhiên hướng tới một nền kinh tế xanh chính là cách tiếp cận đúng đắn để hài hòa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở các nước GMS.
Trước đó tại cuộc gặp hồi tháng 7/2011, các bộ trưởng môi trường các nước tiểu vùng sông Mekong cho rằng việc duy trì hiệu suất của các hệ sinh thái liên kết trải dài trên tiểu vùng sông Mekong sẽ tạo ra khả năng chống đỡ linh hoạt trước những tác động đang gia tăng rõ rệt của biến đổi khí hậu.
Còn nữa…
Khu vực tiểu vùng sông Mekong là một khu vực kinh tế tự nhiên bao quanh sông Mekong, với diện tích 2.6 triệu km2 và khoảng 326 triệu dân sinh sống. Các nước khu vực GMS bao gồm Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Việt Nam. Năm 1992, với sự hỗ trợ từ ADB, sáu quốc gia này đã tham gia vào một chương trình hợp tác kinh tế tiểu khu vực được thiết kế nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia.
|
Hội thảo được Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên&Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường chủ trì với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Anh, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Bộ Ngoại giao Đan Mạch, DADIDA.
|