quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Những sự kiện môi trường 2010

Thứ Sáu, 24/12/2010 | 10:09:00 AM

(Vfej.vn)-Cá tra VN bị WWF đưa vào sách đỏ; Việt Nam tham dự COP16 tại Cancun; Lật tẩy vụ đầu độc môi trường nghiêm trọng như Vedan là vài trong số những sự kiện nổi bật do VFEJ bình chọn năm 2010.

 

 

1. Cá tra VN bị WWF đưa vào sách đỏ

 

 

 ca tra

 Cá tra VN bị WWF đưa vào sách đỏ

 

 

 

Ngày 19/11, một số sản phẩm cá tra Việt Nam (Pangasius) bị Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) ở chuyển từ “danh sách da cam” (sản phẩm có thể cân nhắc sử dụng) sang “danh sách đỏ” (sản phẩm không nên sử dụng) trong các bản hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010-2011 ở sáu nước thuộc Liên minh Châu Âu.

 

 

Trước phản ứng từ Việt Nam, sáng 15/12, tại Hà Nội, ông Mark Powell, Phụ trách Chương trình Thủy Hải sản Toàn cầu của WWF Quốc tế, tuyên bố sẽ đưa cá tra/ba sa Việt Nam ra khỏi danh mục đỏ ngay từ ngày 16/12.

 

 

Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng của WWF được sử dụng gần chục năm nay tại một số nước Châu Âu dựa trên đánh giá thường niên. Do các năm trước, WWF Việt Nam không tham gia nên năm nay WWF Việt Nam cũng không tham gia.

 

 

Cẩm nang "Hướng dẫn tiêu dùng thuỷ sản" là một tờ thông tin được WWF cập nhật và xuất bản hàng năm dành cho người tiêu dùng chủ yếu là các nước châu Âu.

 

 

Cẩm nang hướng dẫn bao gồm ba danh mục Màu Xanh - Thực phẩm nên sử dụng; Màu Vàng - Hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng, và Màu Đỏ - Đừng mua.

 

 

2. Việt Nam kiên trì Nghị định Thư Kyoto sửa đổi

 

 

 

Việt Nam kiên trì theo đuổi các nguyên tắc của Nghị định Thư Kyoto (KP), nhưng phải có chính sửa và bổ sung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Cao Đức Phát, phát biểu tại tại phiên họp toàn thể của COP 16 ngày 9/12 ở Cancun, Mexico.

 


Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Nông nghiệp có thể giảm 30% phát thải" (Ảnh: Thúy Bình-HanoiTV)


Trong nhiều cuộc họp nhóm và song phương, Việt Nam cùng Malaysia, Philippines và một số nước đang phát triển kiên trì theo đuổi nguyên tắc Nghị định thư Kyoto (KP), nền tảng ứng phó biến đổi khí hậu, và cần có cam kết tiếp theo cho KP sau 2012.

 

 

Cũng tại COP 16, ông Phát cho biết Chính phủ Na Uy đã cam kết hỗ trợ 100 triệu USD để giúp Việt Nam bảo vệ và phát triển năng lực bảo tồn rừng, trong đó có một phần kinh phí dành cho cộng đồng dân cư.

 

 

Các nhà lãnh đạo có mặt tại sự kiện do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức kêu gọi các nước nên học hỏi từ những bài học kinh nghiệm của Việt Nam.

 

 

Còn trong buổi làm việc với ông Yvo De Boer, nguyên Tổng Thư ký Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu ngày 5/11 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thông báo Việt Nam đang từng bước điều chỉnh cơ cấu ngành năng lượng từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống sang sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo; đến năm 2015, sẽ đạt 5%, năm 2020 là 8%.

 

 

3. Xây dựng nhà máy xử lý rác lớn nhất Việt Nam

 

 khoi cong

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại buổi lễ khởi công

 

 

 

Sáng 18/9, tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, 2000 tấn/ngày-đêm, đã được phát lệnh khởi công.

 

 

Đây là dự án tiên phong, quy mô lớn trong lĩnh vực xử lý môi trường của thành phố Hà Nội và của cả nước, được đầu tư theo hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).

 

 

Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác sinh hoạt này do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) làm chủ đầu tư với số vốn 140 triệu USD, trong đó số vốn giai đoạn 1 hơn là 40 triệu USD, giai đoạn 2 là 100 triệu USD. Dự kiến, cuối năm 2011, nhà máy sẽ đi vào vận hành và, sau 25 năm kể từ thời điểm vận hành, công ty sẽ chuyển giao nhà máy cho thành phố quản lý.

 

 

Hiện nay tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố Hà Nội ước 5.000 tấn/ngày-đêm, trong đó có  3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị. 85-90% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Theo dự tính, nếu cứ tiếp nhận lượng rác thải nhiều như hiện nay, đến năm 2015, Hà Nội sẽ không còn chỗ chôn rác.

 

 

4. Thông qua dự án Luật Thuế Bảo vệ Môi trường

 

 

 quoc hoi

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật thuế Bảo vệ môi trường

 

Với 80,53% đại biểu tán thành, Quốc hội nhanh chóng thông qua Luật Thuế Bảo vệ Môi trường vào sáng 15/11. Theo đó, thuốc lá, xăng pha với ethanol không nằm trong diện phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Luật Thuế Bảo vệ Môi trường có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

 

 

5. Công bố đường dây nóng nhận thông tin vi phạm môi trường

 

 duong day nong

 

 1800 588 875 là số điện thoại của Đường dây nóng của  Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về về Môi trường. Người gọi đến không phải mất tiền.

 

Sáng 4/6, Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (Bộ Công an) công bố số điện thoại đường dây nóng 24/24 về lĩnh vực môi trường nhằm thu thập thông tin nhanh chóng, kịp thời, xử lí các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

 

 

6. Hơn 200 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

 

 

 mua lu

Hơn 200 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền Trung

 

Chỉ trong tháng 10 và 11/2010, miền Trung liên tiếp hứng chịu năm đợt lũ lớn làm gần 200 người chết, hơn 30 người mất tích.

 

 

Dòng nước lũ hung hãn thậm chí cuốn phăng cả chiếc xe khách 48K-5868 chở 38 người đang lưu thông trên quốc lộ 1A thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ngày 18/10, khiến 20 người mất tích (trong đó có bé mới 7-8 tháng tuổi). Sau 18 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã vớt được gần 20 thi thể.

 

 

Giữa lúc khắp nơi hướng về miền Trung, thành phố Hà Nội đã hủy bắn pháo hoa vào tối bế mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội để dành tiền ủng hộ.

 

 

7. Đề nghị tăng mức chi sự nghiệp môi trường

 

 

 bui cach tuyen

Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến, về quan điểm và nhận thức, chúng ta thực sự chưa coi môi trường và bảo vệ môi trường phải gắn kết hữu cơ, vì vậy công tác bảo vệ môi trường có nhiều lúc bị xem nhẹ.

 

Chính phủ nên cố gắng, đến năm 2015, đảm bảo tỷ lệ dành cho sự nghiệp môi trường ở mức 2% tổng chi ngân sách, thông cáo chung của Hội nghị Môi trường Toàn quốc Lần thứ 3 chiều 18/11 ở Hà Nội đề nghị.

 

 

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, kinh phí dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong những năm qua còn ở mức rất khiêm tốn. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn rất thấp.

 

 

Báo cáo của Bộ Tài nguyên&Môi trường cho biết chi cho sự nghiệp môi trường ở Việt Nam mới đạt 1% tổng chi ngân sách từ năm 2006, trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm 1% GDP; ở các nước đang phát triển chiếm từ 3%– 4%.

 

 

8. Phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020

 

 

 dich vu BVMT

Dịch vụ môi trường

 

Ngày 10/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 249/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020".

 

 

Đề án có năm dự án thành phần gồm xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Bộ Tài nguyên&Môi trường chủ trì thực hiện 2010-2011); xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam (Bộ Tài nguyên&Môi trường chủ trì thực hiện 2010-2015); xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về phát triển dịch vụ môi trường (Bộ Tài chính chủ trì thực hiện 2010-2013); xây dựng đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường (Bộ Tài nguyên&Môi trường chủ trì thực hiện 2010-2013); đào tạo nguồn nhân lực về dịch vụ môi trường  (Bộ Giáo dục&Đào tạo chủ trì thực hiện 2010-2020).

 

 

9. Phát lệnh khởi công nhà máy bauxite thứ hai tại Tây Nguyên

 

 le khoi cong

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công nhà máy bauxite thứ hai tại Tây Nguyên

 

 

 

Ngày 28/2, tại huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than&Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.

 

 

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: "Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng lớn về quặng bauxite (loại quặng để sản xuất nhôm) trong khu vực và trên thế giới với trữ lượng khoảng trên 5,4 tỷ tấn quặng bauxite nguyên khai, tập trung nhiều nhất ở Tây Nguyên và đặc biệt là tập trung nhiều ở các vùng thuộc tỉnh Đăk Nông. Theo báo cáo của các chuyên gia tài nguyên và môi trường, sau khi tiến hành thăm dò, có khả năng trữ lượng bauxite ở Việt Nam lên tới khoảng 11 tỷ tấn và từ đây sẽ sản xuất được hơn một tỷ tấn nhôm.

 

 

Dự kiến vào cuối năm 2012, nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động chính thức và sẽ sản xuất tấn sản phẩm alumin đầu tiên, doanh thu bình quân hàng năm đạt khoảng 3.756 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 1.350 người và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên, tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp nhôm cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ.

 

 

10. Lật tẩy vụ đầu độc môi trường nghiêm trọng như Vedan

 

 tungkang

 

 Đường ống nước thải của công ty Tung Kuang

 

Ngày 14/4 Công ty Tung Kuang (100% vốn Đài Loan) ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bị cảnh sát bắt quả tang xả thẳng nước thải chưa xử lý ra môi trường, nồng độ chất độc hại vượt ngưỡng quy định. Vụ việc được đánh giá nghiêm trọng như Vedan.

 

 

Nằm cách nơi xả nước thải hai trăm mét là điểm xử lý nước của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch của huyện Cẩm Giàng. Đơn vị này sử dụng nguồn từ sông Ghẽ để cung cấp nước cho các hộ dân và cơ quan trên địa bàn.

 

 

11. Lũ bùn đỏ tràn vào nhà dân

 

 lu bun do

 

 

 

Đêm 5/11, đập chắn nước thải tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (thuộc Công ty Khoáng sản Luyện kim Cao Bằng) bị vỡ khiến lũ bùn tràn vào nhà dân. Đến sáng 6/11, con đường vào xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng bị ách tắc, hàng chục người và xe máy dồn tắc vì không qua được dòng suối nhỏ bị bùn đỏ đặc quánh ngập quá đầu gối. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2km, bùn đỏ đã tràn ngập khắp những cánh đồng lúa và hoa màu, vùi lấp nhiều giếng nước của dân.

 

 

12. Việt Nam trở thành điểm đến của rác thải quốc tế

 

 

 rac thai

Rác thải được nhập ở cảng Hải Phòng

 

Tại lễ ký kết phối hợp với văn phòng Interpol Việt Nam trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường có yếu tố nước ngoài ngày 23/11, thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường - cho biết Việt Nam đang trở thành điểm đến của rác thải quốc tế và các loại động - thực vật hoang dã, trong đó có cả rác thải hạt nhân, chất phóng xạ.

 

 

Theo ông Lý, hoạt động hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia qua kênh hợp tác Interpol đã đạt nhiều hiệu quả tích cực như vụ hơn hai tấn ngà voi Nam Phi bắt giữ tháng 5/2010, vụ vận chuyển 17 container rác thải điện tử từ Hong Kong vào Việt Nam bị bắt giữ tháng 8/2010...

 

 

*Các doanh nghiệp sản xuất phải công bố thông tin về kim loại nặng, bao gồm chì, thủy ngân, cadimi. Doanh nghiệp phải ghi rõ thông tin đối với các sản phẩm là đồ điện, điện tử rồi mới được đưa ra thị trường nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đó là nội dung trong dự thảo thông tư quy định về hàm lượng tối đa của sáu loại hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử được Bộ Công Thương soạn thảo.

 

 

Theo dự thảo, hàm lượng tối đa của sáu loại hóa chất độc hại trong sản phẩm điện, điện tử bao gồm khối lượng chì (Pb) trong mỗi sản phẩm phải dưới 0,1% khối lượng sản phẩm, thủy ngân (Hg) 0,1%, cadimi (Cd) là 0,01%, crôm (Cr) 0,1%, polybrominated biphenyl (PBB) 0,1%, poly brominated diphenyl ete (PBDE) 0,1%...

 

 

Tiêu chuẩn về hàm lượng hóa chất độc hại này sẽ được áp dụng đối với hầu hết các sản phẩm điện, điện tử thông dụng, dễ tiếp xúc với cơ thể người như điện thoại di động, máy vi tính, camera, tivi, đài, máy lạnh, máy giặt, máy hút bụi, máy dệt, máy may, bàn ủi, lò nướng, lò vi ba, chảo điện, đồng hồ đeo tay, các loại nhạc cụ... Thông tư có khả năng được Bộ Công Thương ban hành trong quý I năm 2011.

(VFEJ, 23/12/2010)

Lượt xem: 1549

Các tin khác

Đưa thiên nhiên đến gần cộng đồng

(23/12/2024 06:20:AM)

Áp dụng LEZ: Lựa chọn từ thực tế, kỳ vọng đột phá cho môi trường Thủ đô

(16/12/2024 06:57:AM)

Gỡ vướng mắc thị trường tài chính xanh

(11/12/2024 09:30:AM)

Tài chính khí hậu là con đường dẫn đến công lý khí hậu

(18/11/2024 08:37:AM)

Tìm tiền carbon cho cây lúa

(13/11/2024 08:51:AM)

COP16: Bất đồng chưa thể vượt qua

(05/11/2024 06:53:AM)

Tăng tốc năng lượng tái tạo

(21/10/2024 08:54:AM)

Kinh nghiệm phát triển công trình xanh trên thế giới và đề xuất đẩy mạnh ở việt nam để đáp ứng mục tiêu phát thải ròng khí co2 = zero vào năm 2050

(18/10/2024 08:29:AM)

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE