Những nguyên lí của Thực tại: 6. Nguyên lí Vô sở cầu
Hầu hết những điều chúng ta mong đợi, kỳ vọng đều không được như ý muốn. Thực tại, vì phải thỏa mãn muôn loài, muôn người, nên không thể thỏa mãn riêng một ai đó. Phần lớn những rủi ro là ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tham luận của TS. Văn Tre đến từ xóm Sườn Đồi.
Dr. Cà Xáy - VACNE
Kính thưa quý vị
1.Có lẽ nỗi khổ nhất trên đời của mỗi chúng ta là rất nhiều mong muốn của mỗi cá nhân hay của cộng đồng, dù là những mong muốn rất hợp lí, cũng không được toại nguyện hoặc chỉ đạt được một phần nhỏ. Chẳng hạn, là một công chức cần mẫn và nhiều sáng tạo nhưng thu nhập lại thấp; chuyến bay đột nhiên bị hoãn giờ, thậm chí hủy chuyến; đến lúc thuyết trình lại bị khàn tiếng; một cô gái rất xinh đẹp chỉ tội cặp dò ngắn khiến cô ta khổ sở vô cùng; sắp đi gặp người yêu theo hẹn hò thì trời lại đổ mưa; đường và cầu đều mới khánh thành nhưng cứ mỗi lần lên xuống cầu, con xe cứ phải nhẩy lên một cái vì mấy tay thợ cầu không bao giờ làm đường lên cầu cho nhẵn; lúa sắp gặt thì lũ đổ về, nhiều khi không phải ông Trời mưa to mà chỉ là do cái đập thủy điện xả nước theo cách mà họ vẫn gọi là… “đúng quy trình”,…
Những vụ thảm họa hạt nhân như Chernobyl ở Ucraina, Fukushima ở Nhật, vụ 11/9 ở Mỹ hay nứt đất Di Linh hồi đầu tháng 3/2011 là những thảm họa lớn hơn, thậm chí có không ít vụ tầm cỡ châu lục hay toàn cầu.
Những điều không vừa ý có tên gọi chung là “vô sở cầu”, nghĩa là không như ý muốn, thường rất nhiều, rất đa dạng, khiến nhiều người luôn khó chịu đến mức thường bị stress, thậm chí dù có học đến mấy cũng có lúc phải chửi đổng kiểu Chí Phèo.
2.Những vô sở cầu đó đều là những rủi ro không đoán định được. Khi con người khôn ngoan hơn, khoa học công nghệ cao hơn, dự báo và phòng tránh tốt hơn, thì vẫn còn đó những vô sở cầu loại khác lại xuất hiện. Vấn đề là ở chỗ chúng ta quen tư duy trên cơ sở những điều chúng ta được dạy hay tự học từ vốn hiểu biết của nhân loại tích lũy ngàn đời trao cho. Nhưng thật tiếc, cái mà chúng ta biết lại là rất nhỏ bé so với Thực tại chứa đầy những điều mà chúng ta không hay chưa biết.
Con người nhận thức Thực tại qua 5 giác quan và các công cụ hay kỹ thuật do chúng ta sáng tạo ra để nối dài 5 giác quan đó. Nhưng như vậy vẫn chưa biết hết 0,5% vật chất tạo ra thế giới. Vẫn còn đó 99,5% thực tại là loại vật chất tối và năng lượng đen, theo kết luận của Vật lí học hiện đại, mà giác quan dù sẽ được nối dài đến đâu cũng không thể quan sát đo đếm được. Những luận giải của Định lí Bell và con lắc Foucault đã nói ở nguyên lí Tương cầu (nguyên lí số 5) cho thấy chúng ta đang bị điều khiển bởi mối tương tác phi năng lượng và phi lực vốn không thể hình dung được.
Chúng ta chỉ biết một không gian 3 chiều. Các phát minh mới nhất của ngành Vật lý đều cho rằng Thực tại có nhiều chiều hơn thế giới của con người. Con người không thể dùng phân tích logic để nhận thức được cái mà ta gọi là “thực tại” (theo Kant, 1775). “Thực tại” hiện ra trước mắt con người chỉ là hiện tượng xuất hiện với chúng ta, dựa trên khả năng của chúng ta. Đó là một thế giới cho chúng ta và vì chúng ta. “Thực tại” của con người là sự phản ánh của thế giới 10 chiều (lý thuyết dây), 11 chiều (lý thuyết siêu trọng trường), 18 chiều…vào trong thế giới 3 chiều của con người - một thế giới mang đầy tính chủ quan. Cái mà chúng ta nhận thức được chỉ là những sự kiện vì lí do nào đó rơi từ thực tại nhiều chiều vào thế giới 3 chiều của chúng ta. Đó là những “tiểu thực tại méo mó” mà con người lầm tưởng chúng là toàn bộ thực tại. Những vấn đề không tiên kiến được ở các chiều khác luôn rình rập để nhảy vào không gian 3 chiều, khiến con người luôn ngỡ ngàng và chỉ biết kêu Trời. Đó chính là lí do của vô sở cầu.
3.Vậy con người thực ra còn quyền hành gì hơn ngoài các thành tựu khoa học công nghệ mà chúng ta tuyệt đối tin tưởng và kì vọng? Quyền hành đó bao chứa trong các cụm từ có ý nghĩa vô định nhưng rất hay được dùng trong xã hội như: sự tin tưởng, lời thề thốt, sự hứa hẹn, sự cam kết,…Thật tiếc là những từ vô định và rất gợi cảm đó không ít trường hợp lại chính là những rủi ro, những vô sở cầu lớn nhất.
Vấn đề còn lại là phải biết cách sống chung với rủi ro, với cái vô sở cầu, như sống chung với thiên tai vậy. Khi có được sự hiểu biết về tính chất thật của Thực tại, chúng ta bắt đầu cởi trói cho chính chúng ta khỏi những ràng buộc tham đắm. Chúng ta tuy có quyền đòi hỏi, ham muốn, nhưng chúng ta sẽ không còn hối tiếc hay chán nản, đau buồn khi chúng ta không đạt được những gì chúng ta muốn. Nhưng chả lẽ sống trên đời không có kì vọng gì, không có ham muốn gì?
Chẳng ai cấm quý vị có kì vọng hay ham muốn, nhưng cần “ham muốn một cách không ham muốn” về bất cứ điều gì vốn có sinh và có diệt. Bạn cứ ham muốn, cứ mơ tưởng, cứ nỗ lực, cứ hoạch định,..và hãy kiên trì để đạt được chúng, nhưng nếu vẫn không đạt được do các rủi ro bất khả tiên kiến, thì hãy chấp nhận và dự tính sẵn cách ứng phó với kết quả mà đừng tham đắm. Vì kết quả là cái xảy ra có duyên cớ riêng. Đó chính là cách “ham muốn một cách không ham muốn”. Những nỗi khổ đau của con người đều bắt nguồn từ những ham muốn quá đáng, muốn được hết những gì mình đòi hỏi (cái gọi là tham đắm). Khi chúng ta ngộ được rằng những ham muốn thường hằng cần phải được đặt dưới quy luật bất thường hằng (vô thường), chúng ta bắt đầu thấu hiểu Thực tại.
Trong Thực tại vô thường này, chẳng có điều gì là chắc chắn. Họ hàng nhà Tre Trúc chúng tôi vẫn được coi là Quân tử. Nhưng xin thưa, Tre Trúc lại là loài rỗng ruột, chỉ có vỏ thôi. “Tin” vào Tre Trúc, nhưng xin quý vị đừng tin vào các loại bánh mì hay bánh rán “quân tử” nhé, vì bây giờ nhờ công nghệ làm bánh cao siêu, nhiều loại bánh mì hay bánh rán chỉ có vỏ mà không có ruột. Chúng cũng giống như những điểm trang, những lời hứa, những cam đoan hay thề thốt ngày càng nhiều trên đời vốn thoạt nghe hay thoạt nhìn đều rất quyến rũ. Chúng thực ra đa phần là vô sở cầu.
Xin cảm ơn Quý vị
TS Văn Tre, xóm Sườn Đồi
Chú thích:
Kính mời Quý bạn đọc xem tiếp: Nguyên lí Thực tại số 7.Không và Có – Không tức là Có, Có tức là Không, Không chẳng phải Không, Có chẳng phải Có, Không ở trong Có, Có ở trong Không…Tham luận của Thiền sư Liễu Rủ đến từ Quốc tế Thiền viện Brussels, Bỉ.