quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Những người dân thường lo việc thế giới

Thứ Tư, 30/09/2009 | 05:24:00 AM

- Hiện tượng Trái đất nóng lên đang gây ra tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của toàn nhân loại. Những người dân bình thường của nước ta đã biết những gì về hiểm họa này và đã đóng góp gì để ngăn chặn thảm họa này cho thế giới?

 



Dự án “Quan điểm toàn thế giới về sự nóng lên toàn cầu” do Hội đồng công nghệ Đan Mạch khởi xướng tạo cơ hội cho những người dân bình thường trên toàn thế giới tham gia thảo luận về một vấn đề có ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu về biến đổi khí hậu. Cùng lúc với hội thảo gần 50 nước thành viên, trong đó có Việt Nam tổ chức tham gia.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mô tả ảnh.
Trái đất đang bị đe dọa mỗi ngày và trách nhiệm của loài người là phải ngăn chặn những hiểm họa đó.


Đây là một sự kiện đầu tiên và lớn nhất ở Việt Nam được tổ chức để lấy ý kiến về biến đổi khí hậu của người dân đại diện cho các vùng miền, nghề nghiệp, học vấn và lứa tuổi khác nhau.

Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở thực tiễn cho các nhà lãnh đạo các quốc gia về các giải pháp đối phó với vấn đề nóng lên toàn cầu khi họ tham gia đàm phán tại Hội nghị LHQ lần thứ 15 về biến đổi khí hậu, sẽ diễn ra từ 7 đến 18 tháng 12 năm 2009 tại Copenhagen, Thủ đô Đan Mạch.

Tại đây, họ sẽ bàn thảo và thoả thuận một công ước chung, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sau năm 2012, thiết lập một cơ cấu quốc tế trong tương lai nhằm ứng phó với sự nóng lên của Trái đất.

Một hội thảo của những người dân thường

 

Mô tả ảnh.
Tìm hiểu biến đổi khí hậu không xa lạ đối với mỗi người dân. Ảnh QT


Hội trường Trung tâm Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội (26/9/2009) rộng thế mà khó tìm một chỗ trống.

Những dãy bàn kê thẳng hàng thẳng lối, xung quanh cỡ 10 người đang ngồi yên lặng nghe ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Phạm Khôi Nguyên chào mừng và giải thích ý nghĩa của hội thảo. Rất khác những hội thảo thường thấy, các đại biểu cùng thuộc một giới, hoặc doanh nhân, hoặc khoa học gia, hoặc thanh niên… dấu ấn nghề nghiệp khiến trông họ cứ nhang nhác như nhau.

Đằng này, thật khó đoán là hội thảo của thành phần xã hội nào. Cô sinh viên kính trắng bên “bà bủ” đen đủi đầy vẻ chân lấm tay bùn. Bác thợ đứng tuổi, râu lởm chởm. Cụ già điềm đạm, tóc bạc phơ. Cô thiếu nữ Mường trong bộ quần áo dân tộc bó sát người, vòng bạc loảng xoảng…

Nét mặt họ đều nghiêm trang. Họ đang nghĩ đến trọng trách thể hiện sao cho đúng nhận thức về mối nguy hiểm đang xảy ra - sự nóng lên toàn cầu – và quan trọng hơn phản ảnh mong muốn của người dân Việt bình thường đối với cộng đồng quốc tế về vấn đề trọng đại này.

Họ biết chính vào thời điểm này 26/9, gần 50 quốc gia khác trên thế giới cũng đang diễn ra 46 cuộc hội thảo giống hệt hội thảo này, cũng đang làm những việc đầy trách nhiệm y như họ. Những người dân bình thường có cơ hội nói đóng góp ý kiến để những người thay mặt mình nói ra với toàn cầu để đi đến một thoả thuận chung, hạn chế hiện tượng khí hậu đang xấu đi nhanh chóng, đòi hỏi toàn thế giới phải chung tay giải quyết vào cuối năm nay.

Những vấn đề bàn thảo

Xin lưu ý rằng, như tiêu chuẩn họ được chọn lựa đi dự hội thảo - họ là những người chưa được cung cấp thông tin đầy đủ và chưa thực sự quan tâm đến biến đổi khí hậu. Tiếng nói của họ, những người dân thường chiếm đại đa số trong xã hội là nguồn thông tin hết sức quan trọng, tiếng nói của nhân dân.

Việc tổ chức hội thảo để lấy ý kiến được tổ chức rất sinh động và hiệu quả. Chia thành 4 chủ đề: 1. Biến đổi khí hậu và hậu quả của nó. 2. Mục tiêu lâu dài và sự cấp thiết. 3. Đối phó với sự phát thải khí nhà kính. 4. Vấn đề kinh tế và công nghệ thích ứng.

Với 4 chủ đề trên, mỗi chủ đề bao gồm một số phương án ngắn gọn, họ sẽ đánh dấu vào đó để phản ánh trung thực 2 hoặc 3 ý kiến của mình, nhưng sẽ đề cập được toàn diện thái độ của bản thân trước hiện tượng khí hậu đang diễn biến phức tạp mà toàn thế giới phải lo toan.

Trước khi đưa ra quyết định của mình, họ được xem một đoạn clip ngắn, chỉ 5 phút thôi, nhưng trình bày rất cô đọng một chủ đề, sau đó trao đổi trong nhóm để rõ thêm những điều chưa sáng tỏ. Những đóng góp ấy, cùng với ý kiến của các chuyên gia sẽ là hành trang để người thay mặt chính phủ nước mình (sẽ là nguyên thủ quốc gia) căn cứ vào đó đi bàn thảo với thế giới.

Người dân thường nghĩ gì ?

Tôi đến rất đúng giờ mà không thể tìm được một chỗ để ngồi. Chẳng sao, tôi tự nhủ, mình là nhà báo, càng gặp được nhiều người, tiếp cận được với càng nhiều cá nhân ở những tầng lớp xã hội khác nhau thì càng tốt. Tôi đã sà vào nhóm này ít phút, nhóm kia ít phút, đủ 12 nhóm trong hội nghị, với giấy bút trong tay, ghi lại một vài ý kiến của họ.

… Nhận thức của mọi người đến biến đổi khí hậu ra sao? Chị Th, giáo viên Cao đẳng Sư phạm Hà Giang phân trần: “Qua báo, đài, tôi còn biết chút ít. Chứ dân vùng cao tỉnh tôi, tiếng Kinh còn chưa thạo, nói gì đến chuyện “to lớn” này. Tôi hiểu thêm nhiệm vụ của mình là phải giảng giải, truyền đạt cho các em giáo sinh để các em làm hạt nhân đưa những hiểu biết về môi trường toàn cầu đến với họ. Đốt rừng làm rẫy chẳng phải nguyên nhân làm tăng khí “xê ô hai” dẫn đến "hiệu ứng nhà kính” sao? Phá rừng chẳng phải huỷ hoại lá phổi xanh của Trái đất gây nóng lên toàn cầu sao?”.

… Cụ bà V, ngoài 60 tuổi, nông dân ở Thường Tín bồi hồi: “Dạo này nhiều thiên tai quá. Vùng tôi lụt lội liên miên, nhiều khi mất trắng. Nắng cũng khiếp, ruộng đất bị hạn đến nứt chân chim, thế là lại mất mùa. Hồi tôi còn đang “xoan” đâu có thế. Thì ra đó là cái sự “Trái đất nóng lên”, làm khí hậu thay đổi. Chúng tôi cứ oán trời oán đất, giờ mới rõ, con người gây ra cả. Lần đầu tiên nghe nói đến “hiệu ứng nhà kính”, “suy thoái tầng ozôn”, gì gì nữa, già chả nhớ được…"

Bà C., buôn bán ngoài chợ ở Hà Tĩnh cũng được ban tổ chức mời. Hình như đêm qua trên chuyến tàu tốc hành ra Hà Nội, không ngủ được, bà đã kịp đọc một tập thông tin do cậu con trai học đại học Vinh đưa cho, bèn kể vanh vách một vài thông tin vừa “nhặt” được: “Trái đất nóng lên nguy hiểm lắm đấy cụ ạ. Băng trên biển Bắc, biển Nam tan, nước dâng lên, lấn ruộng cày, đất ở của dân ven biển như chúng tôi, kèm theo bão lũ nhiều hơn, bệnh tật nhiều hơn. Chỉ nóng lên 2 độ xê (C) là 30% sinh vật bị tuyệt chủng”, rồi chép miệng: “Nhưng con người đã gây ra thì chính con người phải bảo nhau mà sửa thôi…”

Mô tả ảnh.
Lấy ý kiến ngưởi dân như một  "Hội nghị Diên Hồng thu nhỏ". Ảnh QT


… Anh C, công nhân sửa chữa ô tô, gay gắt: “Mà thủ phạm là “chúng nó” (ý nói các nước đang phát triển) đã xả khí ra để làm công nghiệp cả trăm năm, mới tạo ra cuộc sống phồn vinh như ngày nay. Mình đi sau "chúng nó", bây giờ công nghiệp hoá lại bị hạn chế không được thải khí hay sao? Thế mà công bằng ư? Phải bắt đền, bắt phạt kẻ gây ô nhiễm”.

 Đến khi anh được biết trong thoả thuận trước đây đã có phân biệt “mức độ hạn chế khí thải” khác nhau giữa khối các nước phát triển (Khối 1) với nước đang phát triển (Khối 2), anh mới dịu lại. Anh rất tâm đắc cái ý, định ra mức thải CO2 cho từng nước, nếu nước nào không dùng hết tiêu chuẩn có thể bán lại “tiêu chuẩn” cho nước khác, tựa như bán tem phiếu thời xưa ấy, lấy tiền đi vào công nghệ sạch, không đi theo vết xe mà các nước Khối 1 đã từng làm.

… Trước ý kiến đề xuất các nước Khối 1 nên giảm bao nhiêu phần trăm, cô sinh viên kính trắng trông rất hiền lành lúc này chẳng hiền tí nào, nôn nóng “bắt” các nước phát triển phải giảm trên 40% mục tiêu cắt giảm khí cacbonic đến năm 2020 (so với năm 1990). Chắc cô nghĩ đến một hiện tượng đã được cảnh báo: nếu tình hình thải khí cứ thế tiếp diễn thì đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất nước sẽ biến mất.

… Cụ Đ., (tôi biết cụ này, cách đây chừng 30 năm là chủ tịch quận (mà hồi đó gọi là khu) tôi sống, năm nay ngoài 80 tuổi) nói, vẻ bao dung: “Quyền đề xuất là quyền của mỗi người, các vị cứ ghi trong lá “phiếu” của mình, nhưng tôi nghĩ chẳng nên “dồn ép” họ quá đến thế. Bởi đã đề xuất thì phải khả thi. Còn có chục năm nữa mà đòi họ giảm khí thải đến một nửa, tôi e sẽ phá vỡ nền kinh tế của họ mất. Ý tôi, thì chỉ ghi trong khoảng 30% thôi. Các vị đừng nghĩ rằng ông lão này cho rằng mình sắp hết đời rồi, có chết thì những thảm họa khí hậu cũng chưa xảy ra. Người già chúng tôi cũng biết lo cho con cho cháu lắm chứ…”

Nếu ghi lại thì quá nhiều. Không dám lợi dụng thời giờ của bạn đọc, xin ghi vài ba ý kiến, trong số dễ thường đến cả nghìn ý kiến để hình dung những người dân thường suy nghĩ thế nào.

Suốt 3 tiếng đồng hồ, các nhóm thảo luận rôm rả, chẳng lúc nào có thời giờ chết. Người dân đã thấy biến đổi khí hậu không là chuyện viển vông, xa vời nữa mà là chuyện của chính mình.

Mỗi người dân là một "chính khách"

Mô tả ảnh.
Đủ các gương mặt trong hội thảo. Ảnh TNMT


Thảo luận và bỏ phiếu tất cả những lựa chọn trong 4 chủ đề, còn thêm “tiết mục” cuối cùng: Các nhóm đề xuất các ý kiến về chính sách khí hậu. Các đề xuất ấy được viết chữ to trên các pano trao cho Ban tổ chức Hội thảo.

Tôi thật không ngờ mỗi người dân thường lúc này đều trở thành một “chính khách”. Họ sôi nổi đưa ra những ý kiến rất độc đáo và thường trùng nhau giữa các nhóm, chứng tỏ nhiều vấn đề những người dân thường có thể chung một luồng suy nghĩ.

Tuy nhiên, khác các "chính khách", họ không chỉ kiến nghị Nhà nước, rằng dù có nằm trong các nước đang phát triển, được hưởng ưu đãi về mức độ giảm khí thải nhưng vẫn phải phấn đấu đến tối đa để giảm thiểu khí nhà kính, chuẩn bị từng bước để đi vào công nghệ sạch… mà họ còn tự nhận thức về mình, phải làm những gì để bạn bè, người thân hiểu về hậu quả của biến đổi khí hậu, phải tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu như thế nào trong đời sống hằng ngày.

Các đề xuất được hội nghị mang thảo luận bàn tròn và được bỏ phiếu thông qua như một văn kiện chính thức để tháng 12 này, người đại diện cho Việt Nam sẽ mang tới Hội nghị thượng đỉnh ở Copenhagen về biến đổi khí hậu – COP15.

Những người tham dự Hội nghị: “Quan điểm toàn thế giới về sự nóng lên toàn cầu” sau hội thảo trở lại vai trò dân thường với những sinh hoạt và sự vất vả kiếm sống của mình. Họ xem sự tham gia với ý thức trách nhiệm cao của mình là một hình thức dân chủ để đóng góp vào công việc chung của hành tinh mà mình là một trong gần 7 tỷ thành viên.

Có thể coi đây như một Hội nghị Diên Hồng thu nhỏ của mọi tầng lớp nhân dân về một vấn đề trọng đại của cộng đồng không chỉ trong phạm vi một nước mà rộng hơn nhiều: của toàn nhân loại. 
 
Kết quả Hội thảo của các nước ngày 26/9, trong đó có Việt Nam đã được chia sẻ và công bố ngay trên Trang web của dự án.

  • Nguyễn Quốc Tín

    Nguồn: Vietnam Net, 29/9/2009

Lượt xem: 1796

Các tin khác

Một nền kinh tế xanh cần nhiều thứ hơn chỉ là trợ cấp

(20/04/2024 06:23:AM)

Thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững

(03/04/2024 07:56:AM)

Nước đã cạn

(30/03/2024 06:46:AM)

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững

(28/03/2024 07:08:AM)

Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

(26/03/2024 05:49:AM)

Một số suy nghĩ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn - Từ phân tích thực

(25/03/2024 06:28:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(24/03/2024 06:05:AM)

Thách thức khi tham gia thị trường tín chỉ carbon

(22/03/2024 07:08:AM)

Vai trò của tài nguyên thiên nhiên đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

(17/03/2024 06:53:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE